Kinh nghiệm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật – Tìm đáp

Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật

Cuộc thi khoa học kĩ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học là một sân chơi bổ ích cho sự sáng tạo và rèn luyện trí tuệ của các em học sinh. Trong bài viết này TimDapAnsẽ chia sẻ một số kinh nghiệm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật để các em cũng tham khảo.

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (NCKH) là một hoạt động trải nghiệm bổ ích, thiết thực, gắn liền giữa lý thuyết với thực hành và thực tiễn lao động sản xuất. Hoạt động này giúp phát huy, khích lệ, định hướng, tiếp lửa, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của các em học sinh. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học – kỹ thuật còn rèn luyện cho các em kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, tự kiểm chứng kết quả bằng thực nghiệm… Mặt khác qua việc định hướng, hướng dẫn cho học sinh nghiên cứu, giáo viên được nâng cao năng lực của bản thân về những kiến thức có liên quan đến các đề tài nghiên cứu khoa học.

Kinh nghiệm hướng dẫn thi khoa học kỹ thuật

Trước hết người giáo viên hướng dẫn phải là người đam mê nghiên cứu khoa học kĩ thuật và phải là người truyền niềm đam mê đến các em học sinh trong toàn trường.

Thứ hai giáo viên hướng dẫn phải nắm bắt rõ các thông tin, quy định của ban tổ chức cuộc thi KHKT cấp trên từ đó vạch kế hoạch cụ thể để tham mưu với nhà trường để triển khai cuộc thi trong nhà trường.

Thứ 3 muốn có đề tài chất lượng thì phải thực hiện các bước sau:

1. Thi ý tưởng sáng tạo

Điều cốt yếu là học sinh phải hình thành được ý tưởng sáng tạo ban đầu dựa trên nền tảng kiến thức, kỹ năng cơ bản kết hợp với những quan sát, chiêm nghiệm thực tiễn, gắn với các lĩnh vực khoa học được quy định trong quy chế cuộc thi.

Để thực hiện có hiệu quả công đoạn quan trọng này, trước hết, lãnh đạo nhà trường cần phát động cuộc thi ý tưởng sáng tạo khoa học thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi cấp huyện tới cán bộ, giáo viên và học sinh để học sinh tích cực tham gia đăng ký dự thi.

Lãnh đạo nhà trường cần đặc biệt lưu ý với học sinh, những ý tưởng sáng tạo ban đầu của các em phải xuất từ thực tiễn cuộc sống, gắn với với các lĩnh vực được quy định của cuộc thi và có tính khả thi cao. Không nên lựa chọn những “phát minh”, “sáng chế”, hay những ý tưởng sáng tạo quá lớn lao, quá sức.

Trên cơ sở những ý tưởng sáng tạo ban đầu học sinh đăng ký dự thi, Hiệu trưởng nhà trường ra Quyết định thành lập Ban giám khảo, chọn cử những cán bộ, giáo viên có năng lực NCKH, am hiểu về những lĩnh vực học sinh đăng ký dự thi tham gia chấm ý tưởng sáng tạo ban đầu của học sinh. Ban giám khảo lựa chọn những ý tưởng tiêu biểu, khả thi đề xuất với lãnh đạo nhà trường phát triển thành các đề tài, dự án NCKHKT của học sinh.

Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định phê duyệt dự án, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho học sinh về kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị, phân công người hướng dẫn… cho các đề tài, dự án NCKHKT được lựa chọn.

2. Giúp học sinh xây dựng đề cương sơ lược

Từ các đề tài, dự án đã được phê duyệt, cán bộ, giáo viên được phân công hướng dẫn học sinh NCKHKT, giúp các em xây dựng đề cương sơ lược để từng bước hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo ban đầu của học sinh.

Khi xây dựng đề cương sơ lược cho mỗi dự án, thầy cô hướng dẫn cần lưu ý hướng dẫn học sinh bám sát cấu trúc của một đề tài NCKH để đảm bảo tính quy phạm của một văn bản khoa học.

Điều ấy quả là vấn đề khó đối với học sinh, rất cần sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên hướng dẫn.

“Tuy nhiên, đây là đề tài NCKHKT của học sinh, nên các em phải là người chủ động chọn ý tưởng sáng tạo, chủ động xây dựng đề cương sơ lược. Cán bộ, giáo viên chỉ là người tư vấn, giúp đỡ, hoặc nêu câu hỏi phản biện, tuyệt nhiên không làm hộ, làm thay học sinh.

3. Tổ chức, hướng dẫn thu thập thông tin, phân tích, sử dụng dữ liệu

Ở công đoạn này từ đề cương sơ lược đã thống nhất với cán bộ, giáo viên hướng dẫn, học sinh tham gia NCKHKT cần tiến hành thu thập thông tin, phân tích và sử dụng dữ liệu để cụ thể hóa những luận điểm khoa học đã được nêu ra ở đề cương sơ lược.

Những thông tin, dữ liệu cần thu thập phong phú, đa dạng học sinh có thể truy cập từ nhiều nguồn khác nhau, như: Sách báo, các tài liệu tham khảo, mạng Internet, thực tiễn cuộc sống…

Nhưng điều cốt yếu, những thông tin, dữ liệu ấy phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tính chính xác cao và là cơ sở để người nghiên cứu phân tích, chứng minh, hay bác bỏ một luận điểm khoa học được nêu ra ở dự án.

4. Hướng dẫn học sinh viết báo cáo NCKHKT

Viết báo cáo NCKH là khâu “thi công” và hoàn thiện sản phẩm có ý nghĩa quyết định tới sự thành công dự án. Ở đó, giáo viên cần học sinh huy động vốn kiến thức tổng hợp trên nhiều phương diện khác nhau và trình bày sao cho tõ ràng, chính xác, lôgic , chặt chẽ, đáp ứng đúng yêu cầu của một văn bản khoa học.

Điều cốt yếu là học sinh cần tự trình bày, giáo viên hướng dẫn chỉ là người tham gia, góp ý, giúp học sinh chỉnh sửa báo cáo trên cơ sở tôn trọng chính kiến của các em, tuyệt đối không làm thay, viết thay học sinh.

5. Rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho học sinh

Giáo viên hướng dẫn cần rèn luyện học sinh tính tự tin trong thuyết trình. Đồng thời, hướng dẫn thuyết trình sao cho cô đọng, ngắn gọn, rõ ràng, làm nổi bật nội dung trọng tâm, cơ bản nhất của dự án.

Trong đó, học sinh cần thể hiện rõ: Câu hỏi nghiên cứu; kết quả nghiên cứu; những điểm mới và đóng góp mới của đề tài; hướng nghiên cứu tiếp theo…

Bên cạnh đó, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh kỹ năng thuyết trình hấp dẫn, cuốn hút và thuyết phục được người nghe thông qua cử chỉ, điệu bộ, nét mặt và cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo của mình. Đặc biệt, giáo viên còn cần hướng dẫn học sinh kỹ năng trả lời các câu hỏi phản biện của ban giám khảo sao cho trúng, đúng ý và hấp dẫn.