Kiến trúc Việt Nam phát triển vì cộng đồng, vì xã hội – Tạp chí Kiến Trúc
Kiến trúc là nghệ thuật tạo dựng không gian, môi trường sống cho con người. Từ một công trình kiến trúc cụ thể như nhà ở, nhà hát, bảo tàng, công viên… đến quy hoạch một điểm dân cư, một khu đô thị, một thành phố hay một vùng lãnh thổ …
Nghệ thuật kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển của nhân loại, kể từ thủa hồng hoang sống trong “túp lều đá” cho đến thời đại văn minh công nghiệp ngày nay. Từ xa xưa, nhân loại đã xếp kiến trúc là 1 trong 6 ngành nghệ thuật, đó là: Kiến trúc, Hội họa, Điêu khắc, Âm nhạc, Múa và Kịch. Sau này có thêm nghệ thuật thứ 7 là Điện ảnh.
KTS Le Corbusier, cây đại thụ của nền kiến trúc thế kỷ 20 đã từng nói: “Âm nhạc là nghệ thuật sắp xếp những khoảng lặng. Còn Kiến trúc là nghệ thuật sắp xếp những khoảng trống”. Victo Hugo, đại văn hào Pháp thì ví: “Kiến trúc là bài thơ được viết bằng đá”. Ông còn khái quát “Kiến trúc là tấm gương trung thực nhất phản ánh thời đại”.
Với người Việt Nam, kiến trúc còn hàm chứa sự yêu thương của tình yêu đôi lứa, mà chỉ một từ “Nhà” thôi đã nói lên tất cả. “Nhà tôi” là chỉ ngôi nhà, tổ ấm của mình, nhưng “Nhà tôi” cũng là nói đến vợ (hay chồng) với bao sự trìu mến, thương yêu.
Nói vậy để thấy vai trò của kiến trúc trong đời sống nghệ thuật, trong đời sống xã hội gắn bó mật thiết và quan trọng biết nhường nào!
Là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp được Bác Hồ chỉ đạo thành lập từ năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, đến nay, Hội KTS Việt Nam đã gần tròn 70 năm. Trong chặng đường phát triển đó, Hội KTS Việt Nam và giới KTS đã không ngừng sáng tạo, đóng góp tài năng trí tuệ vào sự nghiệp vĩ đại giữ nước và xây dựng đất nước. Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến bao sự thay đổi lớn lao của dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – văn hóa, xã hội. Kiến trúc cũng đã làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại. Một hệ thống gần 800 đô thị, thành phố được hình thành trải đều từ cực Bắc (Hà Giang) đến chót mũi Cà Mau, từ phía Đông sang phía Tây của Tổ quốc, trở thành động lực phát triển của sự nghiệp HĐH – CNH và đô thị hóa. Đội ngũ KTS Việt Nam cũng không ngừng trưởng thành cả về lượng và chất. Cả nước hiện có gần 18.000 KTS, thì hơn 2/3 trong số đó thuộc thế hệ 7X,8X,9X, những lớp người trẻ tràn đầy năng lực sáng tạo, khát khao khám phá cái mới. Họ đã và đang là những người tiên phong sáng tạo theo xu hướng kiến trúc hiện đại mới, đó là kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững thân thiện với môi trường, là những người xây dựng và phát triển nền nghệ thuật kiến trúc đương đại của nước nhà.
Trong hệ thống giải thưởng của Hội KTS Việt Nam và của Nhà nước, thì Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (2 năm một lần), Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam (2 năm một lần) là các giải thưởng danh giá mà mỗi KTS đều muốn hướng đến dù chỉ một lần trong đời. GTKTQG, GTKTXVN là dịp để lựa chọn, tìm ra những sáng tác tiêu biểu nhất, thể hiện được những giá trị mà kiến trúc phải hướng tới – Đó là cái đẹp, tính nhân văn, tính thích dụng và bền vững qua những tác phẩm kiến trúc xuất sắc sau khi xây dựng và đưa vào sử dụng. Mỗi kỳ Giải thưởng cũng là dịp để Hội KTS và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quan, khách quan và trung thực về thực trạng phát triển của kiến trúc nước nhà qua từng giai đoạn. Trong những năm 2010-2015, Hội đã có cuộc vận động nâng cao vai trò trách nhiệm của KTS với xã hội, hướng tới cộng đồng và đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của giới KTS, đặc biệt là các KTS trẻ. Các cuộc sáng tác kiến trúc nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, nông thôn, nhà ở cho người nghèo vùng ngập lũ…hay các cuộc triển lãm và tư vấn thiết kế xây dựng nhà ở miễn phí cho nhân dân tổ chức tại Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận của xã hội, là nguồn động viên khích lệ KTS trên con đường lao động sáng tạo đầy gian khó. Nhiều KTS trẻ đã đạt được giải thưởng lớn tại các cuộc thi Kiến trúc thế giới, trong các Festival Kiến trúc quốc tế và khu vực.
Kiến trúc là Văn hóa. Nghệ thuật kiến trúc là nghệ thuật vị nhân sinh. Lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cao cả. Kinh tế thị trường tạo điều kiện để văn học nghệ thuật trong có kiến trúc phát triển. Nhưng sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường cũng đang làm méo mó, chệch hướng mục tiêu, đối tượng phải phục vụ của nghệ thuật đó là quần chúng nhân dân. Những năm qua, các hoạt động nghệ thuật nở rộ, sôi động, nhiều nghệ sỹ được vinh danh, ca ngợi bởi sự hỗ trợ nhanh nhậy của hệ thống truyền thông, báo chí, các trang mạng điện tử… nhưng sự bùng nổ này chỉ tập trung ở các đô thị lớn, các trung tâm giải trí, chủ yếu làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của một tầng lớp người trẻ hay giàu có trong xã hội. Trong khi đó quyền được phục vụ, được hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của đại đa số nhân dân, trong đó có nông dân, bà con các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo lại rất thiếu thốn. Chúng ta có nhiều nhà hát, tượng đài, công trình văn hóa đồ sộ, hoành tráng, các công viên vui chơi giải trí hiện đại ở thành phố lớn, nhưng chúng ta lại rất thiếu các không gian công cộng phục vụ cộng đồng, nơi vui chơi, giải trí cho người già, trẻ em tại các khu dân cư, trong các trường học. Chúng ta có nhiều trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, khách sạn, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại hoành tráng…nhưng lại rất thiếu nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp; trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm y tế, văn hóa… phục vụ cộng đồng ở các đô thị, các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc miền núi, vùng cao biên giới. Chúng ta không thể không suy nghĩ trước những sản phẩm kiến trúc chạy theo thị hiếu tầm thường, hình thức biểu hiện lai căng, kệch cỡm, xa hoa, phi kinh tế, thể hiện một lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, lạc lõng với đời sống thực tế của nhân dân, với văn hóa của dân tộc, đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước này.
Chúng ta đã và đang mở cửa hội nhập sâu rộng với quốc tế. Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập từ 31/12/2015 mà Việt Nam là thành viên. Đây là cơ hội để kiến trúc nước nhà phát triển cùng dòng chảy tiến bộ của kiến trúc nhân loại. Nhưng hội nhập cũng đặt ra cho giới KTS Việt Nam nhiều thách thức. Trước hết về hành nghề của KTS. Từ trước đến nay, hành nghề của KTS chưa được luật hóa, bởi không có Luật Kiến trúc (hay luật hành nghề KTS) vì thế không xác định rõ vai trò, trách nhiệm và đạo đức hành nghề của KTS trước xã hội, trước cộng đồng. Quyền lợi của KTS không được đảm bảo. Quyền tác giả, tác phẩm kiến trúc chưa được các chủ đầu tư tôn trọng. Trong khi đó, với môi trường đầu tư thông thoáng, thị trường kiến trúc Việt Nam đã và đang rất hấp dẫn các nhà tư vấn, KTS nước ngoài đến làm việc và đầu tư, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa KTS bản địa và KTS ngoại quốc. Trong các cuộc đấu thầu thiết kế, hầu hết các dự án lớn có tầm quốc gia, khu vực hay quốc tế phần thắng đều thuộc về các nhà tư vấn nước ngoài. Đây là một thực tế đáng buồn. KTS Việt Nam rất thông minh, ham học hỏi, nhưng xuất phát điểm lại rất tụt hậu so với KTS các nước trong khu vực và trên thế giới. Chương trình đào tạo KTS của chúng ta tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa theo kịp được với trình độ đào tạo của các nước tiên tiến. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm hành nghề cho KTS chưa được thường xuyên và quan tâm đúng mức. Chúng ta có hơn ngàn KTS đang trực tiếp hành nghề kiến trúc, nhưng mới chỉ có 09 KTS được cấp chứng chỉ hành nghề ASEAN.
Là thành viên trong mái nhà VHNT, Hội KTS Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát hiện tài năng, động viên các KTS không ngừng sáng tạo, trao dồi đạo đức nghề nghiệp, năng lực hành nghề để có đủ bản lĩnh, trình độ sánh vai cùng KTS các nước.
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Hội KTS Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) cũng xác định rõ, KTS cả nước phải nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội để góp phần tích cực, hiệu quả vào xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam xanh – hiện đại – nhân văn và giàu bản sắc văn hóa trong thời kỳ phát triển đất nước công nghiệp và hiện đại.
Hy vọng rằng, một thời gian không xa, KTS Việt Nam không chỉ thành công trên đất nước mình, mà còn thành công ở nhiều nơi trên thế giới, phát huy tài năng sáng tạo phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa – kiến trúc của dân tộc trong thế kỷ 21.
KTS Nguyễn Tấn Vạn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc – Số 12-2015)