Kiến trúc trong sự phát triển của đất nước
Bị động và yếm thế?
Từ 10 năm trước, không ít KTS từng lên tiếng về sự yếm thế của giới kiến trúc trong nước trước sự xuất hiện của hàng loạt văn phòng KTS nước ngoài tham gia vào những dự án thiết kế các công trình lớn, mang ý nghĩa biểu tượng của đất nước trong thời kỳ phát triển mới. Thậm chí, sau 20 năm kể từ khi xuất hiện, giải thưởng kiến trúc hằng năm của Hội KTS Việt Nam lần đầu tiên tìm được chủ nhân để trao Giải thưởng Lớn thì đó là nhóm KTS của một công ty của CHLB Đức với công trình thiết kế Nhà Quốc hội (năm 2014). Cũng nhóm này là chủ nhân của các thiết kế Trung tâm hội nghị Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội (khu vực Mỹ Đình, Hà Nội).
Sự yếm thế của KTS trong nước là hệ quả của cả một quá trình dài không có bất cứ một sự chủ động chuẩn bị nào về kiến thức, tri thức cho một nền kiến trúc mới khi đất nước mở cửa kinh tế và hội nhập sâu rộng với thế giới. Như một KTS nổi tiếng đã từng chỉ ra rõ vấn đề này bằng một câu hỏi tự nó đã có lời đáp: Có ai trong số các KTS Việt Nam có kinh nghiệm thiết kế Nhà Quốc hội, sân bay, cao ốc, trong khi các KTS phương Tây và những nước châu Á phát triển đã làm từ cả nửa thế kỷ trước…
Thị trường kiến trúc Việt Nam hiện nay là khá rộng. Từ những công trình phức tạp như Ga hàng không, Nhà Quốc hội, các cao ốc chọc trời đến nhà ở xã hội, trường học, công sở, khách sạn, làng du lịch đến các dự án phát triển đô thị, nông thôn, công viên, tuyến phố… Phải nhận thấy rằng hầu hết những phân khúc đó đều do các nhà quản lý, các kỹ sư, các kiến trúc sư của ta nắm giữ. Tất nhiên các công trình kiến trúc lớn sẽ để lại dấu ấn mạnh hơn trong việc nhìn nhận sự phát triển kiến trúc nước nhà. Tuy nhiên, nền tảng của một nền kiến trúc phải là cái phổ biến, phổ thông, thiết thực cho quảng đại công chúng, cho nhu cầu rộng lớn của xã hội. Chính những điều chưa tốt trong các phân khúc rộng lớn đó đã đánh mất niềm tin của nhà đầu tư đối với kiến trúc sư Việt Nam, chứ không phải vì kiến trúc sư Việt Nam chưa làm được những công trình to lớn, phức tạp. Phần lớn các công sở ở các tỉnh thành đều tương tự nhau, đều thiên về phô trương, ít gần gũi với người dân, hình thức kiến trúc lai tạp, hầu như không có ý tưởng gì mới. Hay như nhà phố của ta lộm cộm, quy hoạch đô thị miền núi không khác gì ở đồng bằng…
KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành viên nhóm thiết kế một số dự án quốc tế lớn như Đô thị mới Filinvest và Nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), cao ốc đa chức năng Almaden (San Jose, Mỹ), cao ốc công ty HDB (Singapore), Trung tâm huấn luyện phi công tại Orlando (Mỹ), khu đô thị Nam Sài Gòn (Việt Nam), đã từng chỉ ra vấn đề cốt lõi của giới kiến trúc Việt Nam: Đó là sự lạc hậu trong tư duy kiến trúc cũng như sự bất khả trong việc tiếp cận với các xu hướng kiến trúc tiên tiến có kết hợp chặt chẽ với sự phát triển đồng bộ của khoa học thiết kế và vật liệu xây dựng.
Xác lập tâm thế mới
Nhìn một cách công bằng, ở góc độ quy hoạch đô thị, vai trò của KTS đương nhiên là rất quan trọng trong việc đưa ra các ý tưởng, tạo dựng nên các phối cảnh nhưng việc quyết định nó trở thành hiện thực lại không phải là họ, mà là các chủ đầu tư. Có thể nói, tầm nhìn của nhà đầu tư song hành với tri thức nghề nghiệp và trải nghiệm đời sống địa phương phong phú là chìa khóa giúp cho một số dự án quy hoạch do KTS trong và ngoài nước hợp lực thực hiện thành công. Những điểm sáng như khu đô thị Ecopark (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh), cảnh quan đô thị gói gọn trong một số tuyến phố ở Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, một số làng du lịch nghỉ dưỡng, các khu resort ven biển… là minh chứng sống động cho thấy cơ hội thành công và khẳng định vị thế của kiến trúc và KTS Việt Nam hiện nay.
Vậy nhưng, những điểm sáng như vậy vẫn còn quá ít trong một bức tranh tổng thể nhiều bất cập của kiến trúc Việt. Làm thế nào để thay đổi tình trạng này?
Cũng giống như nhiều ngành khác, đào tạo kiến trúc sư của ta chưa hướng về thị trường. Một kiến trúc sư tốt nghiệp ra trường chưa thể tự làm việc được. Trong khi, có quá ít các đơn vị tư vấn kiến trúc có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Các thương hiệu tư vấn quốc gia của chúng ta đều do nhà nước lập ra chứ không phải tự thân mà có. Xây dựng thương hiệu kiến trúc sư, thương hiệu đơn vị tư vấn của Việt Nam là công việc cấp thiết cho thị trường kiến trúc bây giờ.
Tiếp cận và làm chủ công nghệ cao trong thiết kế kiến trúc và xây dựng vẫn còn là “mảnh đất hoang sơ” của kiến trúc Việt Nam. Chưa nói đến công nghệ cao trong thiết bị công trình, chưa nói đến việc sử dụng vật liệu thông minh, chưa có đơn vị tư vấn kiến trúc nào của ta sử dụng được các phần mềm mô phỏng các cấu trúc phức tạp, các cấu trúc tự biến. Công nghệ thiết kế kiến trúc cao là một trong các biểu hiện năng lực tư vấn của kiến trúc sư, của đơn vị tư vấn kiến trúc. Nó góp phần đưa thương hiệu kiến trúc sư, thương hiệu đơn vị tư vấn tiếp cận thị trường tư vấn kiến trúc quốc tế.
Niềm tin của nhà đầu tư, thương hiệu của nhà tư vấn và trình độ công nghệ cao trong tư vấn thiết kế kiến trúc sẽ giúp cho kiến trúc, cho đơn vị tư vấn kiến trúc Việt Nam đạt được những hợp đồng tư vấn thiết kế lớn, chiếm lĩnh nhiều hơn các phân khúc của thị trường tư vấn thiết kế kiến trúc. Nếu có được các điều này, chắc chúng ta sẽ không “thua” trên sân nhà.
Nhìn ở góc độ bao quát hơn, theo KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Tổng Biên tập tạp chí Nhà đẹp của Hội KTS Việt Nam, giải pháp căn cơ giúp giới KTS ý thức được hơn bao giờ hết trách nhiệm xã hội và vai trò nghề nghiệp của mình trong việc kiến tạo nên diện mạo mới của đất nước chính là việc ban hành Luật KTS, hoặc có tên gọi khác là Luật hành nghề kiến trúc sư. Đặc biệt, khi bộ luật này được xây dựng theo khung tiêu chuẩn quốc tế chung, “sẽ giúp tránh nghịch cảnh dịch vụ hóa nghề KTS (nói nôm na là phận làm thuê), trong đó, sự hài lòng (dù rất chủ quan) của bên thuê sẽ quyết định tất cả. Lao động nghệ thuật và kỹ năng chuyên nghiệp cao của KTS sẽ không bị rẻ rúng bằng sự cạnh tranh đơn thuần về giá cả. Đạo đức KTS đối với nghề, xã hội và đồng nghiệp được Luật KTS chính tắc hóa, tạo sự yên tâm chung trong quá trình hình thành những công trình kiến trúc có giá trị cho cộng đồng” – ông Tất nhấn mạnh. Dự thảo luật này đã được giới KTS trong cả nước nhiệt tình đóng góp xây dựng nội dung và Hội KTS Việt Nam đã bàn giao dự thảo cho Bộ Xây dựng. Giới KTS cả nước đang đặt kỳ vọng vào việc sớm xem xét và ban hành luật này, tạo cơ sở và hành lang pháp lý quy chuẩn cho nghề nghiệp của họ.