Kiến thức và kỹ năng | Khoa Kế toán Kiểm toán Đại học Văng Lang
KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG
ThS. Nguyễn Thị Bích Vân
GVCH, Khoa KTKT
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, đặc biệt đối với giáo dục đại học, việc nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng được xã hội quan tâm và đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo các cơ sở đào tạo đại học phải quan tâm đến chất lượng đào tạo, đồng thời, để minh bạch các cam kết với người học, Bộ Giáo dục – Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công bố chuẩn đầu ra. Đó chính là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng của cơ sở đào tạo đối với sinh viên khi tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra này được thể hiện, cụ thể hoá ở các môn học, học phần của chương trình, theo từng ngành đào tạo.
Khái niệm kiến thức và kỹ năng
Kiến thức (knowlegde) là sự hiểu biết về lý thuyết hay thực tế đối với vấn đề nào đó. Con người tiếp thu kiến thức từ quá trình giáo dục, đào tạo và từ quá trình sống. Kiến thức của nhân loại rất bao la, do vậy, trong quá trình học tập của mình, có những kiến thức mà người học tiếp thu để vận dụng vào trong công việc và cuộc sống hàng ngày, giúp con người phát triển bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, có những kiến thức mà người học tiếp thu để tăng thêm tri thức và nhân sinh quan, giúp con người mở rộng tầm nhìn về thế giới xung quanh hoặc vận dụng vào việc nghiên cứu các vấn đề khoa học khác.
Kỹ năng cứng (hard skills) là những kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn, giúp con người thực thi những công việc cụ thể nhằm đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Kỹ năng cứng được hình thành dựa trên kiến thức và thường được thực hiện theo những quy trình, nguyên tắc cụ thể được qui định bởi các tổ chức hoặc các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Vì thế, kỹ năng cứng thường được đào tạo ở những trường lớp chính quy và có thể đánh giá, đo lường được khi thực hiện công việc. Một số kỹ năng cứng mà con người thường xuyên sử dụng trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày như kỹ năng đánh máy vi tính (được luyện tập sau khi có hiểu biết về máy vi tính, cách sử dụng máy vi tính), kỹ năng lái xe máy (được luyện tập sau khi có hiểu biết về xe máy, cách sử dụng xe máy),… Khi thực hành những kỹ năng này, con người phải tuân thủ theo những nguyên tắc cụ thể, ví dụ khi đánh máy, muốn có chữ a phải nhấn phím A, muốn có chữ A phải nhấn shift-A; hoặc muốn lái xe, trước tiên phải nhấn nút khởi động, vô số, lên ga,…
Trong khi kỹ năng cứng liên quan đến kiến thức chuyên môn và kiến thức thực tế cần có để làm việc, kỹ năng mềm (soft skills) lại giúp con người sử dụng kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cứng hiệu quả hơn. Các kỹ năng mềm bổ sung cho các kỹ năng cứng và cực kỳ quan trọng trong môi trường công sở vốn không đơn giản. Một số kỹ năng mềm thường sử dụng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày và diễn đạt, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tự học, kỹ năng quản lý con người,…giúp con người tự quản lý, lãnh đạo chính bản thân mình và tương tác với những người xung quanh để cuộc sống và công việc đạt hiệu quả cao hơn. Kỹ năng mềm thường không có chuẩn thực hiện và khó có thể đo lường được vì nó phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng tương tác, như giao tiếp với cấp trên khác giao tiếp với khách hàng; cách tự học vấn đề lý thuyết khác cách tự học vấn đề thực tế; quản lý con cái khác quản lý nhân viên,… và qua đó, kỹ năng mềm phản ánh phong cách cũng như tính cách con người.
Kỹ năng cứng chỉ dùng trong công việc, tại nơi làm việc, trong thời gian làm việc; còn kỹ năng mềm thì được dùng mọi lúc, mọi nơi và suốt đời. Ví dụ, kỹ năng đánh máy chỉ được dùng khi con người làm việc với máy tính; còn kỹ năng giao tiếp lúc nào con người cũng phải dùng, khi tương tác với người khác hoặc thậm chí ngay cả khi ngồi một mình cũng phải biết giao tiếp với chính mình, và giao tiếp với chính mình là quan trọng nhất, làm sao để bản thân luôn trong trạng thái tích cực và cân bằng.
Kỹ năng cứng có thể trở nên cũ đi theo thời gian cùng với sự lạc hậu của kiến thức, nhưng kỹ năng mềm hầu như không thay đổi theo thời gian và không gian. Ví dụ như, trước đây, con người dùng máy đánh chữ nên cần hiểu biết (kiến thức) về máy đánh chữ và biết sử dụng máy đánh chữ (kỹ năng cứng), nhưng khi máy vi tính ra đời, máy đánh chữ trở nên lạc hậu, do đó, con người cần phải học cách sử dụng cũng như đánh máy vi tính. Như vậy, theo sự phát triển của xã hội, con người cần cập nhật kiến thức cũng như kỹ năng cứng mới và việc cập nhật này sẽ thường xuyên diễn ra trong suốt cuộc đời học tập cũng như làm việc của con người. Song song với quá trình cập nhật này, kỹ năng mềm đóng vai trò không kém phần quan trọng, giúp cho việc cập nhật trở nên dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn. Ví dụ, kỹ năng tự học, tự thích ứng sẽ giúp cho việc cập nhật kiến thức và kỹ năng sử dụng máy vi tính được hiệu quả hơn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả trong công việc, con người cần linh hoạt trong kỹ năng cứng và kiên định trong kỹ năng mềm, hay nói cách khác, mềm hóa kỹ năng cứng và luyện tập kỹ năng mềm cho thật cứng, thật vững, để luôn luôn có thể tiếp thu kiến thức và kỹ năng cứng mới, tránh rơi vào trạng thái bảo thủ, cố chấp và để luôn luôn có thể thích nghi tốt với hoàn cảnh mới.
Cách thể hiện kiến thức, kỹ năng trong mục tiêu môn học, học phần
Mỗi yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong mỗi môn học, học phần được chi tiết hoá hơn thành các mục tiêu môn học, học phần và cần được thể hiện bằng những động từ có tính định lượng về mức độ cần đạt. Ví dụ, theo Hệ thống phân loại tư duy Bloom, đối với mục tiêu giáo dục, yêu cầu về mặt kiến thức và kỹ năng được thể hiện qua sáu cấp độ từ thấp đến cao như sau:
Giả sử, đối với môn Nguyên lý kế toán, chuẩn kiến thức và kỹ năng mà sinh viên cần đạt được được thể hiện như sau:
-
Về kiến thức:
– Chương 1-Tổng quan về kế toán: Biết lịch sử ra đời của kế toán; Hiểu khái niệm, ý nghĩa của kế toán, đối tượng sử dụng thông tin kế toán, các nguyên tắc kế toán chung, đối tượng nghiên cứu của kế toán;
– Chương 2-Bảng cân đối kế toán và báo cáo xác định kết quả kinh doanh: Hiểu ý nghĩa và cách thức lập bảng cân đối kế toán và báo cáo xác định kết quả kinh doanh;
– Chương 3-Tài khoản và ghi sổ kép: Hiểu ý nghĩa của tài khoản, nguyên tắc phản ánh tài khoản; Hiểu được các nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
– Chương 7-Sổ sách và các hình thức kế toán: Hiểu khái niệm, mục đích, ý nghĩa và phương pháp ghi chép đối với từng loại sổ sách kế toán;
– …
-
Về kỹ năng cứng
:
– Chương 1-Tổng quan về kế toán: Phân biệt tài sản và nguồn hình thành nên tài sản; Xác định giá trị tổng tài sản và nguồn vốn;
– Chương 2-Bảng cân đối kế toán và báo cáo xác định kết quả kinh doanh: Lập bảng cân đối kế toán, báo cáo xác định kết quả kinh doanh; Phân tích sự thay đổi các khoản mục trong báo cáo do ảnh hưởng của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
– Chương 3-Tài khoản và ghi sổ kép: Phân loại tài khoản; Vẽ sơ đồ chữ T; Xác định số dư tài khoản; Lập báo cáo theo mẫu bao gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo xác định kết quả kinh doanh;
– Chương 7-Sổ sách và các hình thức kế toán: Phân biệt các loại sổ sách theo mục đích sử dụng; Thiết kế các mẫu sổ; Phân tích, ghi nhận và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh; Sửa sai trên sổ sách kế toán;
– …
-
Về kỹ năng mềm
:
– Rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật qua việc nghiêm túc chấp hành kỷ luật, tuân thủ các nội quy và yêu cầu mà môn học đặt ra, trung thực trong học tập;
– Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian qua việc thực hiện các quy định về thời gian lên lớp, thảo luận, làm bài tập qua Moodle;
– Rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu qua việc chủ động, tích cực trong việc học tập, kết hợp học tập tại lớp với nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận qua Moodle;
– Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm qua việc cùng thực hiện các bài tập nhóm;
– Rèn luyện kỹ năng trình bày, diễn đạt thông qua việc thuyết trình, trao đổi bài học, thi vấn đáp.
Trong xã hội phát triển ngày nay, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với mỗi con người ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, để nâng cao kiến thức và kỹ năng cứng, con người có thể chỉ mất một thời gian ngắn và có thể xác định được thời gian thực hiện, nhưng để có kỹ năng mềm tốt, con người cần mất một thời gian dài để rèn luyện và khó xác định thời gian hoàn thiện. Theo mức độ thành đạt và trưởng thành về tuổi tác, tỷ trọng sử dụng kỹ năng mềm ngày càng nhiều hơn kỹ năng cứng, do vậy, trong thời gian học đại học, sinh viên cần lưu ý rèn luyện kỹ năng mềm ngoài việc học tập để có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường công sở khi đi làm và có thể nhanh chóng phát triển trong nghề nghiệp.
Tài liệu tham khảo
http://www.hocduong.vn/Ky-nang-mem-la-gi_a38749.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Soft_skills
http://www.professionsnorth.ca/career-tools/tips/2013-mar
http://searchcio.techtarget.com/definition/hard-skills
http://searchcio.techtarget.com/definition/soft-skills
http://www.intel.vn/content/dam/www/program/education/apac/vn/vi/documents/project-design/skills/thinking-frameworks-bloom.pdf