Kiến thức pháp lý cơ bản về hôn nhân là gì? – Olympic Law
Các bạn đã từng nghe đến câu nói về đời sống hôn nhân rằng “Người ở ngoài muốn bước vào, người ở trong muốn thoát ra”chưa. Ý nghĩa của câu nói này thì chỉ những người đã kết hôn, từng trải nghiệm đời sống hôn nhân rồi mới thực sự hiểu và cảm nhận hết được. Vậy nên trước khi kết hôn bạn luôn tưởng tượng về đời sống hôn nhân của bạn sẽ rất hạnh phúc, hoàn hảo và tốt đẹp như mơ, nên các bạn quyết định nhảy vào để tìm hạnh phúc và tìm câu trả lời theo thời gian cho chính mình, nhưng khi nhảy vào rồi có bạn lại không chắc mình đã đúng, cảm thấy chông chênh và thậm chí thừa nhận sai trong đời sống hôn nhân của mình.
Do vậy, với mong muốn giúp các bạn đang yêu nhau và có ý định kết hôn hiểu thêm về pháp lý trong đời sống hôn nhân sau kết hôn, nên tôi viết và chia sẻ với các bạn một số kiến thức pháp lý thực tế về hôn nhân và gia đình căn bản, mong rằng ít nhiều giúp các bạn tự tin hơn để đi đến quyết định cuối cùng là nên kết hôn hoặc không và khi nào kết hôn. Bạn cũng lưu ý rằng kiến thức và kinh nghiệm trước, trong và sau khi kết hôn rất đa dạng, nhiều vô kể không ai giống ai vì mỗi gia đình là một câu chuyện. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ chia sẻ kiến thức dưới góc độ “pháp lý căn bản cần biết về hôn nhân” mà không đi sâu vào các khía cạnh khác của quan hệ hôn nhân và gia đình của vợ chồng.
Tôi viết và chia sẻ bài viết này với các bạn với vai trò là một Luật sư, vì bản thân tôi cũng không bao giờ mong muốn các bạn phải ly hôn sau kết hôn. Hơn nữa, bài viết này cũng là kiến thức pháp lý rất cơ bản, quan trọng và thực tế mà các bạn trước khi kết hôn cần phải trang bị, hiểu biết và vận dụng khéo léo nhằm đưa ra quyết định cuối cùng của đời mình, đặc biệt là các bạn nữ (phái yếu). Trải qua quá trình tư vấn và tham gia tranh tụng trong các vụ án về hôn nhân và gia đình (ly hôn), tôi thấy rất nhiều khách hàng khi ly hôn mới hối tiếc và nhận ra sai lầm của mình về người bạn đời, về đời sống hôn nhân, đặc biệt phải chịu đựng sau khi sinh con, nuôi con rất cực khổ nên đã phải trả một giá đắt bằng cả cuộc đời mình và làm ảnh hưởng đến con cái lâu dài về sau.
Vậy thì các kiến thức pháp luật thực tế về hôn nhân và gia đình mà bạn cần biết là gì? Cụ thể:
1. Ranh giới là một tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Muốn và có ý định kết hôn với người yêu, vậy thì bạn đã bao giờ trả lời câu hỏi “Mục đích kết hôn của bạn là gì chưa?” Câu hỏi này tôi không trả lời được mà các bạn phải tự trả lời. Nếu bạn không trả lời được, thì tôi khuyên bạn chưa nên kết hôn vội vàng mà hãy tiếp tục làm đẹp và nâng cấp chính mình để tìm đúng người và tìm câu trả lời. Tôi đã nghe đâu đó câu nói “một ngôi nhà (house) không phải là một tổ ấm (home) cho đến khi bạn tìm được đúng người để cùng xây một gia đình (family) theo cách của bạn chọn”.
Khi bạn đã trả lời được câu hỏi trên và tự tin với người mà bạn yêu và chốt, vậy thì đừng quá quan trọng ngày tốt để cưới là ngày nào? nếu cưới phải làm gì? Mà nên quan tâm đến việc khi nào và làm sao để đăng ký kết hôn. Nhiều bạn nghĩ cưới nhau chỉ cần chọn ngày tốt làm lễ ăn hỏi, cúng tổ tiên, tổ chức cưới, mời ăn uống ra mắt họ hàng/bạn bè hai bên,… và động phòng theo tục lệ tùy vùng miền thì đã là vợ chồng rồi. Nhưng để trở thành vợ chồng hợp pháp thì không phải như vậy. Những sự kiện để cưới nêu trên chỉ là thói quen và phong tục tập quán của một lễ cưới nhằm công khai sự ràng buộc quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ cho mọi người biết, nhưng chưa được pháp luật công nhận. Theo đó, để được pháp luật Việt Nam công nhận là vợ chồng hợp pháp, thì một nam và một nữ phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kết hôn.
Đăng ký kết hôn là “bút sa gà chết” và là ranh giới của hôn nhân. Nghĩa là nếu hai người thương yêu nhau tự nguyện và đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam quy định “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” thì phải dẫn nhau ra UBND xã/phường của một trong hai bên cư trú để đăng ký kết hôn. Hai bên cùng ký vào một tờ giấy gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn” và nộp đủ giấy tờ thủ tục theo yêu cầu, thì khi đó mới được Nhà nước và pháp luật công nhận là vợ chồng và mới gọi là kết hôn hợp pháp. Việc này không ai làm thay bạn được mà bắt buộc bạn phải có mặt trước các cán bộ đăng ký kết hôn để thực hiện.
Tôi cũng lưu ý với các bạn là “không ký thì không cưới”. Nghĩa là không đăng ký kết hôn thì không nên tổ chức các sự kiện cưới nêu trên để tránh đám cưới giả, tình thật, một người cưới nhiều người và tránh những tình huống khó đỡ. Còn thời điểm đăng ký kết hôn tốt nhất theo tôi nên trước hoặc đồng thời diễn ra các sự kiện cưới hỏi nêu trên mà không nên tổ chức cưới xong rồi mới đăng ký kết hôn để hạn chế các rủi ro không muốn cho bạn và người thân.
Như vậy, nếu bạn đã quyết định kết hôn, thì phải có sự ràng buộc bằng một tờ giấy đăng ký kết hôn. Mặc dù nó chỉ là một tờ giấy nhưng nó tạo nên một gia đình với trách nhiệm và nghĩa vụ, nên các bạn phải cân nhắc thận trọng và tự tin để quyết định khi nào thì đi ký nó và đừng bao giờ quyết định “cưới mà không ký” nhé.
2. Luật chỉ quy định về “tình nghĩa vợ chồng” không quy định về “tình yêu lãng mạn”
Ai cũng hiểu xuất phát từ tình yêu, sự lãng mạn thăng hoa mới đi đến quyết định kết hôn và thành một gia đình. Đúng như vậy, nên nhiều bạn đòi hỏi người bạn đời phải duy trì sự lãng mạn trong suốt quá trình chung sống. Tuy nhiên, thực tế thì Luật HNGĐ hoàn toàn không có quy định nào để điều chỉnh về “tình yêu lãng mạn” mà thay vào đó chỉ có quy định về “tình nghĩa vợ chồng”. Cụ thể, Điều 19 của Luật HNGĐ quy định:
“Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng
1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Tình nghĩa vợ chồng là sự khác biệt lớn nhất và đầu tiên ngay sau khi kết hôn, nó thực tế, sâu xa, ý nghĩa và trách nhiệm hơn tình yêu lãng mạn. Bạn đồng ý ký vào tờ giấy kết hôn, thì “tình yêu” của các bạn được nâng lên một nấc mới là “tình nghĩa vợ chồng”. Điều này ràng buộc các bạn xuyên suốt trong cuộc sống hôn nhân, bởi vì pháp luật đã quy định thì đây là nghĩa vụ và trách nhiệm phải thực hiện một cách bình đẳng, nếu một bên vi phạm thì sẽ xảy ra hậu quả dẫn đến nguy cơ phải ly hôn.
Thực tế theo thời gian sau khi kết hôn, sự lãng mạn của các cặp vợ chồng sẽ dần ít đi và chen lấn vào đó là trách nhiệm, trách nhiệm và trách nhiệm trong quá trình chung sống. Chỉ khi các bạn làm tốt trách nhiệm thì các bạn mới cảm nhận được sự hạnh phúc trong hôn nhân, còn khi bạn không làm tròn trách nhiệm, thì bạn phải chịu đựng và không bao giờ biết được mùi hạnh phúc của hôn nhân. Thật đó, không tin các bạn cứ hỏi bố mẹ, ông bà, bạn bè hoặc bất kỳ ai đã kết hôn sẽ biết. Vì vậy thay vì đòi hỏi sự lãng mạn thì hãy cố gắng duy trì tình nghĩa vợ chồng, còn hãy xem sự lãng mạn như là một món quà ý nghĩa đầy bất ngờ hơn là phải cố tìm kiếm sự lãng mạn từ người bạn đời.
3. Chịu sự ràng buộc và phải thực hiện nghĩa vụ nhiều hơn là quyền
Đích đến của tình yêu là kết hôn, nên nhiều bạn nghĩ kết hôn là điều tuyệt vời nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Nhưng sự thật về đời sống vợ chồng theo quy định của pháp luật thì chủ yếu và chiếm chỗ phần lớn là sự ràng buộc về “nghĩa vụ của vợ, của chồng”, ngược lại quyền lợi của vợ, chồng sau khi kết hôn có rất ít hoặc phải rất vất vả thì mới có được. Sự thật là như vậy.
Theo đó, vì có quá nhiều nghĩa vụ nên tôi không thể trích ra hết từng điều luật cụ thể mà tạm nêu ra bên dưới một số nghĩa vụ cơ bản để các bạn tham khảo theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam (Gọi tắt “Luật HNGĐ”) và Bộ luật dân sự của Việt Nam gồm:
1) Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện đúng và đủ quy định về tình nghĩa vợ chồng tại Điều 19 của Luật HNGĐ như đã trích dẫn ở mục trên;
2) Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau;
3) Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau;
4) Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng sự riêng tư/bí mật, quyền đối với hình ảnh và các quyền nhân thân khác của nhau;
5) Một bên vợ chồng không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của nhau, và không được đánh đập, xâm phạm sức khỏe của nhau;
6) Vợ, chồng có nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội;
7) Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện và thực hiện các giao dịch để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
8) Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chung về tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng đã đồng ý nhập vào tài sản chung của vợ chồng;
9) Vợ chồng có nghĩa vụ ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên và con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
10) Vợ chồng có nghĩa vụ giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập;
11) Trường hợp vợ chồng sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau như con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật;
12) Vợ, chồng có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con cái, người khác trong gia đình và cho người còn lại sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật;
13) Vợ, chồng có nghĩa vụ và trách nhiệm phải trả nợ chung của hai vợ chồng (nếu có);
Chưa hết đâu, vì còn nhiều nghĩa vụ khác nữa mà tôi nghĩ không nên kể hết,…vì nếu kể hết làm cho các bạn sợ không kết hôn làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội của Nhà nước. Vì là nghĩa vụ nên bạn phải đồng ý vô điều kiện và phải thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu bạn làm tốt thì bạn và người bạn đời của bạn sẽ sống được với nhau trọn đời, còn nếu bạn vi phạm, thì một bên sẽ nói “ok mình chia tay” và chào tạm biệt. Thực tế như vậy, bởi vì xã hội hiện đại bây giờ rất hiếm có bà vợ, ông chồng nào chịu đựng được tư tưởng phong kiến nho giáo ngày xưa về người phụ nữ phải “tam tòng, tứ đức” hay thời của các cụ phải chịu đựng và trải qua trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ hoặc theo một tục lệ nào đó.
Còn về quyền của bạn sau khi kết hôn thì sao? Sau khi kết hôn các bạn cũng có quyền nhưng không nhiều gồm: (1) Quyền bình đẳng như nhau trong mọi vấn đề của vợ chồng; (2) Quyền lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính; (3) Quyền đại diện lẫn nhau theo pháp luật; (4) Quyền chung đối với việc đặt tên, đại diện và nuôi dạy con cái sau khi có con chung; (5) Quyền chiếm hữu, sử dụng, thỏa thuận và định đoạt tài sản chung của vợ chồng; (6) Quyền ly hôn và được chia tài sản chung khi ly hôn; và một số ít quyền khác nữa nhưng ít quan trọng hơn.
Tuy nhiên, có hai quyền quan trọng nhất là “quyền đối với con cái chung và quyền đối với tài sản chung” thì không tự nhiên mà có, mà bạn phải khổ cực, hi sinh, đánh đổi sức khỏe và thậm chí vất vả cả đời lao lực theo thời gian mới có được.
Do vậy, tôi khuyên khi các bạn đã thực sự trưởng thành, độc lập, chín chắn, tự tin và sẵn sàng chấp nhận và thực hiện đúng, đầy đủ tất cả các nghĩa vụ nêu trên, thì mới nên đi đến quyết định kết hôn, chậm mà chắc còn hơn chạy theo thời gian và tuổi xuân để sữa chữa hôn nhân cả đời.
4. Cái gì vợ chồng cùng nhau làm ra, tạo lập hoặc cùng nhận được trong thời kỳ hôn nhân (tức từ lúc đăng ký kết hôn) thì mới là tài sản chung của vợ chồng
Bạn có từng nghĩ lấy được người vợ hoặc chồng giàu có, thì mình cũng sẽ giàu có, được sở hữu tài sản và sẽ có cuộc sống tiện nghi sung sướng không. Tuy nhiên, sự thật về pháp luật quy định rằng “tài sản tự mình làm ra hoặc cùng với vợ, chồng làm ra hoặc cùng nhận được trong thời kỳ hôn nhân thì mới là của mình” và được gộp chung vào gọi là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi đó vợ chồng mới có quyền thỏa thuận để chia khối tài sản chung này trong quá trình chung sống hoặc chia khi ly hôn. Còn tài sản của vợ, của chồng hoặc của nhà vợ, nhà chồng hình thành trước khi kết hôn hoặc được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, thì vẫn là tài sản riêng của họ và bạn sẽ không có quyền sờ mó gì đối với các tài sản riêng này.
Do vậy, tôi cũng khuyên các bạn là không nên ảo tưởng và nhầm lẫn về vấn đề tài sản khi kết hôn với quan niệm rằng “cứ lấy được người giàu có thì sẽ bảo đảm cho bạn có cuộc sống về kinh tế tốt hơn”, nghĩa là “không phải bạn đẹp, bạn kết hôn là bạn có tài sản”. Trong khi rất nhiều người cùng quan điểm với tôi rằng khi lấy vợ, lấy chồng thì nên “tìm và lấy cá nhân con người cùng chung sống với mình chứ không phải lấy tài sản và cơ thể của họ”. Vậy nên, khi quyết định chốt và cưới, thì bạn phải tách biệt hai vấn đề này ra (tách biệt con người và tài sản), chứ đừng nhìn vào khối tài sản trước mắt của một bên hay gia tài của gia đình họ hay lời họ khoe khoang về tài sản mà cưới là dễ dẫn đến sai lầm. Bởi vì pháp luật đã quy định tách biệt tài sản chung, riêng của vợ chồng rất rõ ràng, cụ thể Điều 33 của Luật HNGĐ của Việt Nam quy định:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Theo điều luật trên, cách hiểu đơn giản nhất là “cái gì mà vợ chồng cùng nhau làm ra, tạo lập hoặc cùng nhận được trong thời kỳ hôn nhân bằng một sự kiện/thỏa thuận/giao dịch hợp pháp và phải chứng minh được thì mới là tài sản chung của vợ chồng, còn lại là tài sản riêng của người khác”. Do vậy, cho dù là các bạn đẹp trai hay xinh gái, thì hãy nhớ rằng đừng bao giờ nghĩ mục đích kết hôn là để có được tài sản hoặc để chuyển tài sản của người yêu thành của mình, bởi vì đây là một nghệ thuật mà không ai có thể giúp bạn làm được, kể cả các Luật sư và người khác cũng vậy. Người nào giàu có, nhiều tài sản thì họ phải là người giỏi và có tài, nên họ cũng đủ thông minh và biết cách để bảo vệ tốt tài sản của họ, và họ sẽ không để cho bạn có cơ hội dụ dỗ nhằm chuyển giao tài sản của họ cho bạn được. Thật đó, nên tôi khuyên các bạn chỉ có thể có được tài sản hợp pháp bằng cách phải tự làm việc và tự tạo lập tài sản cho các bạn hoặc phải trả giá bằng cả cuộc đời bạn cùng với người bạn đời đi kèm với nếp nhăn và mất tuổi thanh xuân thì mới có được tài sản.
Chưa hết, nếu suy nghĩ ở chiều ngược lại của người giàu/có nhiều tài sản là bạn. Thì nếu bạn giàu có, còn người yêu của bạn nghèo hoặc có hoàn cảnh kinh tế kém hơn hoặc cả hai bên dự định kết hôn đều giàu có. Khi đó, vì bạn giàu có nên có thể bạn đang lo lắng là khi kết hôn thì tài sản của bạn sẽ phải chia cho người bạn đời, bị mất hoặc bị giảm sút bằng cách nào đó theo thời gian,…(Vì đây có thể là suy nghĩ và sự tính toán của người giàu); Tuy nhiên, bạn giàu, bạn rất yêu một người mà lo lắng việc này là hoàn toàn vô nghĩa bởi vì pháp luật cũng có các quy định để bảo vệ tài sản hợp pháp của người giàu cho bạn trước người bạn đời, cụ thể như sau:
1) Tài sản riêng của bạn và gia đình bạn sau khi kết hôn vẫn là của bạn trừ khi bạn tự nguyện tặng cho hoặc đồng ý bằng văn bản để nhập vào khối tài sản chung của vợ, chồng;
2) Nếu phải chia tài sản thì bạn chỉ phải chia những tài sản nào được xác định là khối tài sản chung của vợ chồng và khối tài sản chung này đã được hình thành trong thời kỳ hôn nhân như tôi nêu trên;
3) Nếu bạn vẫn không tự tin để bảo vệ được các tài sản riêng này của bạn trước khi kết hôn như tôi nêu trên, thì hãy thực hiện theo cách thức mà các diễn viên, doanh nhân và những người giàu có ở nước ngoài vẫn thường hay làm trên phim ảnh, mà người ta gọi là ký “Hợp đồng hôn nhân” để bảo vệ tài sản của bạn. Luật HNGĐ Việt Nam thì cũng cho phép làm việc này nhưng không gọi là “Hợp đồng hôn nhân” mà gọi là “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn” được quy định tại Điều 47, Điều 48, Điều 49 và Điều 50 của Luật HNGĐ. Theo đó, các bạn có quyền ký thỏa thuận để lựa chọn chế độ tài sản trước khi kết hôn và văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực. Thực tế ở xã hội Việt Nam thì thỏa thuận này khá tế nhị, không gần gũi với văn hóa và phong tục của người Việt Nam, nên các bạn phải cân nhắc thận trọng khi lựa chọn thực hiện. Còn theo tôi, nếu các bạn chọn thực hiện cách này, thì đừng nên tiếc tiền lẻ để thuê luật sư tư vấn, soạn và thực hiện thỏa thuận này cho các bạn. Bởi vì nếu các bạn không am hiểu pháp luật, thì việc tự soạn thảo và ký sẽ không đảm bảo quyền lợi cho bạn, cho cả hai bên, bị vô hiệu và không đảm bảo các điều kiện pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật;
4) Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trường hợp một người có thể bị truất và tước quyền thừa kế, kể cả quyền nhận thừa kế tài sản riêng của vợ, chồng sau khi chết theo quy định của pháp luật về dân sự. Nên không chắc chắn rằng cứ vợ, chồng là được nhận thừa kế tài sản của nhau nhé.
Như vậy, bạn không thể lợi dụng việc kết hôn để lấy tài sản của người khác được đúng không? Nên sau khi kết hôn và nhảy vào hôn nhân, tốt nhất là các bạn vẫn phải làm việc để tạo lập tài sản và độc lập/chủ động về tài chính để ít nhất nuôi được chính mình và con cái và đừng bị phụ thuộc hay chỉ chờ đợi và nhìn vào khối tài sản của một bên vợ, chồng. Thực tế, thông qua việc hành nghề luật sư, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện rớt nước mắt khi một bên lấy được chồng, vợ rất giàu có, nhưng rất xót xa và khổ sở khi ly hôn vẫn phải ra đi với hai bàn tay trắng mà chỉ người trong cuộc mới biết. Ngược lại, tôi cũng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng đến với nhau với hai bàn tay trắng nhưng đến nay đã có tất cả và có đời sống hôn nhân viên mãn. Vì vậy, các bạn nhớ câu nói của ông bà ta là khi tìm bạn đời nên “lấy người, không lấy của”.
5. Ngoại tình là chấp nhận rủi ro đi tù
Một sự khác biệt lớn nữa sau khi kết hôn là sẽ mất đi sự tự do yêu đương, tình ái. Sự tự do này lưu ý rằng chỉ trong phạm vi của những người đã thành niên chưa kết hôn (tôi khuyên như vậy). Thực tế đúng như vậy, bởi vì sau khi bạn kết hôn bạn sẽ không còn sự tự do để học và phô diễn kỹ năng tán tỉnh hay kể lể tình trường yêu đương thoải mái với bạn bè nữa. Đặc biệt là không được phép lẫn lộn giữa cơm, phở và mì tôm, thậm chí nhiều bạn kết hôn xong còn mất cả quyền ngắm nhìn và khen người khác giới xinh đẹp/soái ca (kể cả khen trên ti vi) nếu lấy phải người vợ, chồng ghen tuông vô cớ.
Thực tế là pháp luật Việt Nam không cho phép ngoại tình sau khi kết hôn. Nghĩa là bạn không được quyền kết hôn với nhiều người cùng lúc và chung sống như vợ chồng với người khác sau khi kết hôn mà ngữ nghĩa đời thường gọi là “ngoại tình”. Theo đó nếu bạn vi phạm thì nhẹ nhất sẽ bị xử phạt hành chính từ 03 đến 05 triệu đồng theo Khoản 1 Điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2020 với các hành vi gồm: “ 1) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; 2) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; 3) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”. Như vậy, nếu ngoại tình mà bị tố giác, thì nhẹ nhất sẽ bị xử phạt hành chính và hai bên vi phạm đều bị xử phạt. Nên tôi khuyên, nếu bạn nào chưa lập gia đình, thì đừng bao giờ tơ tưởng đến người mà bạn đã biết là họ đã lập gia đình.
Tuy nhiên, nếu chỉ mất có vài triệu đồng tiền nộp phạt hành chính mà không bị tịch thu phương tiện, thì nhiều người có thể chấp nhận và tiếp tục tái phạm sau đó thì sao?. Việc này không dễ như các bạn nghĩ đâu, các nhà làm luật họ rất chung thủy vì họ đã tính hết cả rồi, nếu bạn nào giám ngoại tình thì cũng có gan chấp nhận rủi ro đi tù. Tại vì theo Điều 182 của Bộ luật hình sự của Việt Nam quy định:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1) Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Theo đó, nếu bạn ngoại tình chỉ cần một bên vợ, chồng của bạn có bằng chứng và không chấp nhận việc ngoại tình này, thì chính họ sẽ làm đơn và từ từ từng bước cho bạn đi tù nếu họ muốn. Nên ngoại tình rất rủi ro chứ không có cách nào lách luật được đâu, không tin thì bạn cứ thử mà xem và dám làm phải giám chịu. Còn bạn nào không biết cách và thủ tục để buộc người ngoại tình đi tù thì hãy gọi cho tôi để được hướng dẫn. Vì vậy, nếu không có gan hùm thì bạn đừng bao giờ thử ngoại tình, hơn nữa ăn vụng sau khi kết hôn cũng rất rủi ro vì một lần thôi nhưng có thể làm khổ và chôn vùi bạn cả đời trong đó.
6. Vợ chồng đẻ con phải tự nuôi, không phải nghĩa vụ nuôi con của ông bà nội ngoại
Có bạn nào nghĩ sau khi kết hôn và sinh con thì sẽ nương nhờ ông bà nội ngoại nuôi dưỡng và chăm sóc chưa? đặc biệt những gia đình còn ông bà nội, ngoại còn khỏe mạnh và có điều kiện để nuôi dưỡng và chăm sóc. Tuy nhiên, các bạn lưu ý rằng không có bất kỳ quy định nào của pháp luật quy định ông bà nội, ngoại phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu mình nếu cháu mình còn cha mẹ đủ khả năng nuôi đưỡng. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 104 của Luật HNGĐ có quy định: “1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.” Vì vậy, sinh con được thì phải nuôi con được, ông bà nội ngoại không có nghĩa vụ phải nuôi cháu mà chỉ phụ giúp trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Còn trong trường hợp cháu mình không có người nuôi dưỡng (tức mất cha mẹ, anh chị, chú, bác,..) thì ông bà nội ngoại mới có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng cháu. Do vậy, đẻ được thì phải nuôi được và nghĩa vụ này là của cả hai vợ chồng được chia đều cho nhau để cùng thực hiện. Vợ chồng không có quyền và không thể đùn đẩy trách nhiệm và nghĩa vụ này cho ông bà nội ngoại hay người khác khi vợ chồng còn sống và còn khả năng lao động được. Ngược lại, các bạn nên nghĩ rằng ông bà nội ngoại họ có quyền nhận được sự nuôi dưỡng chăm sóc từ các con, cháu khi về già mới đúng, mà không phải là nghĩa vụ nuôi con, rồi phải nuôi cháu của ông bà nội ngoại hoặc các bạn có tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ” là không đúng.
7. Ly hôn không dễ như kết hôn vì sẽ rất khó khăn và tốn kém
Kết hôn ra phường, nhưng ly hôn phải ra Tòa. Thực tế là ra Tòa xa hơn ra Phường, thủ tục giải quyết tại Tòa án phức tạp hơn nhiều so với ở xã/phường, thời gian giải quyết lâu hơn. Thậm chí bạn phải chờ nhiều tháng, nhiều năm và nhiều cấp tòa mới ly hôn được. Ly hôn chưa bao giờ là dễ dàng cả, bởi vì nếu vợ chồng không đồng thuận được để thuận tình ly hôn, thì một bên muốn ly hôn phải dùng quyền ly hôn đơn phương, nhưng lý hôn đơn phương rất khó khăn, tốn kém và phải có điều kiện. Hơn nữa, khi ly hôn phải giải quyết luôn cả việc ai là người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng, chia nợ chung và tài sản chung của vợ chồng (nếu có). Khi ly hôn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái chung và tác động đến hai gia đình nội, ngoại. Đặc biệt, việc ly hôn nếu một bên vợ hoặc chồng không đồng ý và tìm cách níu kéo, dùng thủ đoạn kéo dài, trốn tránh thì đó là một cực hình. Do vậy, nhiều cặp vợ chồng khi trải qua thủ tục và quá trình giải quyết ly hôn đơn phương thì mới thấy rõ sự khó khăn và có tâm lý sợ ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn lại lần nữa.
Bản thân Luật sư như tôi hay những người có thẩm quyền hòa giải và giải quyết việc ly hôn họ cũng không muốn thấy các cặp vợ chồng phải ly hôn, bởi vì họ hiểu hậu quả khủng khiếp mà con cái họ phải chịu đựng và con cái họ phải thi hành bản án ly hôn thay cho bố mẹ. Chính vì tôi đã chứng kiến nhiều vụ ly hôn đau lòng mà tôi đã viết và chia sẽ bài viết có tên “Điều kiện để ly hôn và suy nghĩ về nỗi đau của những đứa con khi cha mẹ ly hôn”, cũng được tôi đăng tải trên website https://olympiclaw.vn này, nên bạn có thể tham khảo thêm.
Bên cạnh đó việc ly hôn cũng tốn kém, bởi vì khi giải quyết ly hôn các bạn cũng phải nghỉ việc đến Tòa án làm việc nhiều lần để giải quyết, mất tiền án phí, lệ phí, mất chi phí đi lại. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được việc ly hôn hoặc không nắm thủ tục, thì phải thuê Luật sư tư vấn, soạn đơn, hỗ trợ giải quyết và tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình tại Tòa án khi ly hôn, khi đó bạn phải mất thêm khoản tiền thuê Luật sư nữa. Trong khi, vụ án càng phức tạp, càng khó, càng mất thời gian, thì chi phí cho Luật sư càng nhiều tính theo công sức làm việc của Luật sư.
Minh chứng cho sự khốc liệt của việc ly hôn, dành quyền nuôi con và tranh chấp tài sản, các bạn có thể thấy những vụ án phức tạp của những nhân vật nổi tiếng như các nghệ sỹ, những doanh nhân tài năng, thành đạt, giàu có mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực để viết bài (có thế tra cứu trên internet). Sự khó khăn/khốc liệt này cũng được tôi chứng kiến trong quá trình hành nghề bằng nhiều cuộc ly hôn đẫm nước mắt mà tôi đã giúp nhiều khách hàng vượt qua trong sự chờ đợi đến mệt mỏi do một bên cố tình kéo dài cản trở. Trong khi, biết là rất tốn kém nhưng một số trường hợp phức tạp, bạn vẫn phải thuê Luật sư, bởi vì không có Luật sư thì khi ly hôn bạn không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình và không biết khi nào vụ án mới kết thúc. Nên một số trường hợp bạn phải cần Luật sư hỗ trợ để giúp bạn giải quyết các vấn đề phức tạp khi ly hôn.
Vậy nên, tôi khuyên bạn tốt nhất là bạn phải chọn đúng người để kết hôn để không phải bận tâm đến hai từ “ly hôn” để không phải dằn vặt, đau khổ với con cái chung và tránh sự tốn kém công sức, tiền bạc.
8. Chọn sai người kết hôn phải đánh đổi sự cô đơn và nỗi buồn
Nhiều bạn cũng nghĩ không sống với nhau được thì ly hôn cũng là chuyện bình thường. Thực tế đúng là vậy, nhưng chỉ đúng trong những câu chuyện bàn tán của người khác hay nói với nhau. Còn người trong cuộc khi ly hôn có thể họ nghĩ rất khác và bi quan hơn nhiều. Bởi vì sự thật không ai có thể cãi được là sau khi kết thúc một cuộc hôn nhân và nếu kết hôn lại, thì mỗi người đều tăng tuổi, tăng nếp nhăn mà lại giảm sức khỏe, việc này không ai đảo ngược được tình thế. Tuy nhiên, không kết hôn hoặc không kết hôn lại, thì phải đánh đổi bằng sự cô đơn, nỗi buồn và thậm chí trở nên cô độc. Trong khi cảm giác cô đơn, cô độc ở tuổi trung niên và về già cũng đáng sợ không kém, tại sao như vậy? Bởi vì cha mẹ già đến tuổi rồi cũng mất và họ không ở mãi với bạn được, anh em ruột, họ hàng và bạn bè thì họ cũng có gia đình riêng của họ để họ quan tâm chăm sóc. Còn bạn không kết hôn, thì không có vợ chồng bên cạnh và nếu bạn không có con nữa, thì vui, buồn, khổ, thành công, bất hạnh hoặc hạnh phúc thì bạn cũng chỉ gặm nhấm một mình trong sự cô độc mà không thể chia sẻ, đỡ đần cùng ai được. Lúc ốm đau hoặc khi về già sẽ không ai bên cạnh để nương nhờ và chăm sóc hoặc có thể phải sống trong các trung tâm dưỡng lão. Nếu vậy, bạn đã sống và phấn đấu cả cuộc đời để kiếm tiền và thành công thì cũng không thực sự ý nghĩa với bạn khi ở cuối đời. Tài sản của bạn khi chết cũng không mang đi được và sẽ thuộc về người khác theo luật. Khi đó, bạn sẽ có cảm giác rất cô độc và buồn bã mà không thể nói thành lời và có thể phải thốt lên “tiền nhiều để làm gì”.
Cưới nhau rồi phải ly hôn, khi đó nếp nhăn và tuổi càng tăng lên, sức khỏe giảm đi, thì lúc đó bạn vẫn còn tự tin để có thể tìm và gặp được một soái ca/công chúa của đời mình một lần nữa không? Tôi tin là không, bởi vì soái ca/công chúa chỉ có ở trên phim ảnh mà thôi, trong khi càng già, càng thành công bạn càng trở nên khó tính, khó chiều và trở nên đắn đo, tính toán ăn chắc mặc bền và mong muốn môn đăng hộ đối nhiều hơn. Đặc biệt là phụ nữ khi mà bạn đã ở tuổi 40 trở lên thì mọi thứ trở nên càng khó tìm soái ca hơn, nên sẽ rất bi quan cho phụ nữ ở tuổi này mà chưa tìm được người phù hợp. Nên tôi khuyên bạn, càng có tuổi lại càng phải tìm nhanh và càng phải giảm tiêu chuẩn chọn bạn đời, chỉ cần tìm đúng người, chỉ cần có chỗ dựa tinh thần và hai bên cùng cố gắng là được rồi. Đừng chọn sai và chờ đợi để nhận lấy sự cô độc và nỗi buồn khi có tuổi.
Do vậy, hãy thay đổi để chọn và tìm đúng người. Bạn chọn được rồi thì phải tự tin chốt và nỗ lực cố gắng vun vén với người mà bạn đã chọn. Hạnh phúc của vợ chồng không tự đến mà phải cùng nỗ lực tìm kiếm và vun đắp mới có được. Bạn cũng đừng bao giờ nghĩ đến soái ca vì soái ca không tồn tại và họ cũng không đi tìm bạn và họ không bao giờ chờ đợi để lấy bạn đâu.
Tác giả bài viết: Luật sư Vũ Văn Tiến (Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic – ĐT 0989 863 966). Phát hành (Post) ngày 24/08/2021
Lưu ý: Nội dung bài viết của tôi nêu trên chỉ nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật đến quý khách hàng để tham khảo chung, không phải là nội dung tư vấn nhằm giải quyết các nhu cầu pháp lý cụ thể của từng khách hàng. Nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn cụ thể về hôn nhân và gia đình, ly hôn, thì vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.
Điện thoại và Zalo tư vấn: 0909 586 490 (Luật sư Tiến) –Email: [email protected]