kiến thức cơ bản về lò hơi
Chúng tôi hiểu rằng đối với người ngoài ngành như các chủ đầu tư hoặc người sử dụng đầu cuối, việc hiểu được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống lò hơi có thể khó khăn, nhất là khi bạn chưa có nhưng kiến thức nền tảng căn bản nhất về lĩnh vực này. Bài viết này là một hướng dẫn ngắn về các kiến thức căn bản nhất cần biết trong lĩnh vực này.
Cơ bản về lò hơi công nghiệp
Nếu bạn hiểu được cách nồi áp suất hoạt động thì bạn đã có những nền tảng quan trọng nhất để nắm được cách thức hoạt động của lò hơi công nghiệp. Nắp của lò áp suất có roăng để tạo ra một môi trường kín khí bên trong nồi, do vậy hơi nước sinh ra khi nước sôi ở 100 độ C sẽ không thể thoát ra khỏi nồi.
Sau đó, khi áp suất trong nồi tăng lên thì điểm sôi của nước cũng sẽ tăng lên theo. Theo đó, nhiệt độ sôi của nước trong nồi lúc này không còn là 100 độ C như thông thường mà sẽ cao hơn, thường vào khoảng 120 độ C.
Van xả an toàn của nồi áp suất điều chỉnh áp suất xả vào khoảng 1 Bar cao hơn so với áp suất môi trường. Áp suất này cho phép thực phẩm bên trong nồi được hầm nhừ nhanh hơn.
Lò hơi công nghiệp về cơ bản cũng hoạt động tương tự nồi áp suất, nhưng có thể làm việc ở áp suất cao hơn nhiều. Lò hơi công nghiệp được chế tạo bằng cách hàn các tấm thép rất dày, cho phép chịu được áp suất lên đến 30 Bar.
Cơ bản về thiết kế lò hơi công nghiệp
Lò hơi công nghiệp phải được gia công bằng cách ghép nối các tấm thép chất lượng cao, được kiểm tra, kiểm định kỹ lưỡng để chịu được áp lực rất lớn trong lò. Vì các tiêu chuẩn này và tiêu chuẩn về độ bền, lò hơi công nghiệp dễ dàng nặng đến hơn 165 tấn. Việc gia công lò hơi và lò nước nóng rất giống nhau. Về cấu tạo, cả lò hơi và lò nước nóng đều có nguyên lý giống nhau: cả hai đều có một bộ phận hình trụ chịu áp suất gọi là thân ngoài lò.
Bên trong bộ phận thân lò này sẽ gồm nhiều ống lửa (bộ phận nhận nhiệt trực tiếp từ việc đốt nhiên liệu) chia thành nhiều pass (đoạn ngoặt dòng để tối đa hóa độ dài đường đi của khói trong thể tích cho phép) để giúp trao đổi nhiệt tối đa giữa hệ ống này với nước bên trong lò. Nước này theo đó sẽ được đun nóng hoặc hóa hơi tùy theo loại lò (lò nước nóng, lò hơi)
Lò nước nóng & Lò hơi
Điểm khác biệt cơ bản giữa lò nước nóng và lò hơi là gì? Như tên gọi của chúng, lò nước nóng làm việc để đun nước lên nhiệt độ cao ở áp suất tương ứng, mục đích để lấy nước nóng để sử dụng. Ở lò hơi, nước nóng được đun để hóa hơi; hơi này thường ở áp suất cao, nhiệt độ cao (thường hơn 100 độ C) để sử dụng cho các quy trình sản xuất yêu cầu hơi nước nóng áp suất cao. Theo đó, nước strong lò nước nóng thường được đổ đầy; trong khi đó, nước trong lò hơi thường được đổ đầy tối đa vào khoảng 3/4 thể tích để chừa phần phía trên cho việc sinh hơi.
Lò hơi công nghiệp hoạt động ra sao?
Cả lò hơi và lò nước nóng đều cần nhiên liệu để hoạt động. Buồng đốt của các lò này sẽ đốt nhiên liệu sinh nhiệt, giúp đun nước (lò nước nóng) hoặc hóa hơi nước trong lò (lò hơi). Nước nóng và hơi sẽ được truyền đi đến các điểm tiêu thụ thông qua hệ thống mạng đường ống/ mạng nhiệt. Hơi nước sẽ tự di chuyển trong hệ ống nhờ vào áp suất sinh ra từ quá trình hóa hơi, trong khi đối với nước nóng, người ta sẽ sử dụng bơm để chuyển nước nóng đi trong hệ đường ống. Sau cùng, nước ngưng (ngưng tụ từ hơi nước) hoặc nước nguội sẽ được hồi về hệ thống lò theo hệ đường ống để tiếp tục được đun nóng.
Lò hơi tạo ra năng lượng để làm nóng nước, và phụ phẩm của quá trình này là khí lò (khí nóng trong các ống lửa sau khi truyền nhiệt cho nước) sẽ được đẩy ra khỏi hệ thống thông qua ống khói. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của khói thải này là một vấn đề hết sức được lưu ý.
Bản quyền nội dung thuộc về Công ty Cổ phần Waygo. Mọi hình thức sao chép, công bố lại phải dẫn nguồn Công ty Cổ phần Waygo.