Kiến thức cơ bản giúp ‘tài mới’ lái xe an toàn trên đường cao tốc
Cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng phát triển tạo điều kiện giúp mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo Tổng Cục đường bộ Việt Nam, trong vòng 10 năm qua (từ năm 2011- 2020), Việt Nam đã xây dựng khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Với việc đang nỗ lực xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc- Nam, theo quy hoạch của Chính phủ, trong 10 năm tới (từ năm 2021 – 2030), cả nước sẽ có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc, tăng khoảng 3.841 km so với năm 2021.
Các tuyến đường cao tốc trong mạng lưới giao thông ngày càng gia tăng, góp phần gia tăng kết nối giữa các tỉnh thành, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm xử lý của một bộ phận tài xế đặc biệt là những “tài mới” khi lái xe trên đường cao tốc.
Vì vậy, bên cạnh tuân thủ luật giao thông, việc trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức… là những điều cần thiết để giúp các “tài mới” lái xe an toàn trên đường cao tốc. Trong chuyên đề “Cùng Hyundai hiểu rõ ràng, lái xe an toàn” kỳ này, hãy cùng tham khảo những kỹ năng, kiến thức cơ bản sẽ góp phần giúp lái bạn lái xe an toàn khi điều khiển ô tô trong lưu thông trên đường cao tốc.
Nội Dung Chính
Chọn làn đường phù hợp
Trên đường cao tốc thường có nhiều làn đường khác nhau, mỗi làn đường sẽ có ưu nhược điểm riêng. Nếu cao tốc có 4 làn đường (không quy định loại xe), thường 2 làn bên trái sát tim đường sẽ là làn đường đồng tốc, làn ở giữa tốc độ thấp hơn, làn trong cùng là làn đường dừng khẩn cấp. Tuỳ thuộc vào loại xe, tốc độ và kỹ năng xử lý của người lái để chọn làn đường phù hợp.
Với làn đường cao tốc sát tim đường, tài xế có thể điều khiển xe di chuyển với tốc độ tối đa cho phép, tầm quan sát tốt, chỉ cần căn một bên đường. Tuy nhiên, khi đi làn đường này, nếu không đảm bảo tốc độ, thường sẽ bị xe sau nháy đèn, bấm còi xin vượt. Theo các lái xe có kinh nghiệm, đây là làn đường chạy dễ nhất nếu đã có kỹ năng lái xe nhất định. Với làn đường cao tốc ở giữa, tài xế cũng có thể chạy tốc độ tối đa cho phép, tầm quan sát cũng khá rộng nhưng phải căn hai bên. Trong khi đó, làn tốc độ thấp lái xe có thể đi chậm hơn, dễ căn đường nhưng thường gặp cản trở do những xe tải trọng lớn, xe container thường lưu thông…
Làn đường khẩn cấp trên cao tốc là làn ngoài cùng bên phải. Làn đường này thường hẹp hơn những làn đường khác và tách biệt bằng vạch liền. Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc dành cho những xe gặp sự đỗ lại để chờ xe cứu hộ. Trong trường hợp xe gặp sự cố, nếu muốn dừng vào làn khẩn cấp, người lái cần bật đèn cảnh báo nguy hiểm, sau đó quan sát các xe di chuyển phía sau, tuần tự chuyển từng làn một cho đến khi vào làn dừng khẩn cấp.
Lái xe đúng tốc độ quy định, giữ khoảng cách an toàn
Các tuyến đường cao tốc luôn có hệ thống biển báo tốc độ, biển chỉ dẫn cho phương tiện tham gia giao thông. Tùy vào mỗi làn đường, đoạn đường sẽ có những biển báo khác nhau. Trong đó, quy định về tốc độ trên cao tốc thường sẽ có biển báo tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu. Biển báo tốc độ tối đa trên đường cao tốc là biển màu trắng, viền đỏ, chữ đen, thông thường tốc độ tối đa trên đường cao tốc theo quy định thường không quá 120 km/giờ. Biển báo tốc độ tối thiểu là biển màu xanh, chữ trắng, thường quy định tốc độ tối thiểu từ 50 – 60 km/giờ. Người lái cần theo dõi các biển báo chỉ dẫn, đặc biệt là biển báo tốc độ trên mỗi đoạn đường để lái xe đúng tốc độ cho phép.
Bên cạnh việc tuân thủ tốc độ, khi lái xe trên đường cao tốc, các tài xế nên chú ý giữ khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước. Đây là yếu tố quan trọng giúp lái xe xử lý các tình huống bất ngờ từ phía trước, tránh va chạm, nhất là các vụ va chạm liên hoàn “dồn toa”. Trên đường cao tốc thường có biển báo quy định cự ly tối thiểu giữa hai xe. Khi gặp biển báo này phải duy trì khoảng cách bằng hoặc lớn hơn trị số ghi trên biển báo.
Những tài xế có kinh nghiệm và thường xuyên lái xe trên đường cao tốc chia sẻ, nếu lái xe với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 35 mét. Từ 60 – 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu khoảng 55 mét. Tốc độ 80 đến dưới 100 km/giờ, cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét và từ 100 đến dưới 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 100 mét. Tuy nhiên, lái xe trên cao tốc khi trời mưa, đường trơn trượt hay thời tiết sương mù… nên tạo khoảng cách với xe phía trước lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu.
Trên các mẫu ô tô hiện nay, đặc biệt các dòng xe Hyundai thường có chế độ ga tự động (Cruise Control) khi được thiết lập, hệ thống sẽ giữ ga cho xe di chuyển với tốc độ bạn mong muốn. Lái xe nên tìm hiểu, cài đặt để tạo thoải mái khi lái xe cũng như đảm bảo cho xe di chuyển đúng tốc độ.
Chú ý quan sát, đủ điều kiện mới chuyển làn
Một trong những yếu tố quan trọng giúp các tài xế lái xe an toàn trên đường cao tốc là việc chú ý quan sát, chuyển làn. Trước khi chuyển làn đường, lái xe cần quan sát kỹ phía trước. Nếu đủ điều kiện an toàn hãy bật đèn xi-nhan, quan sát và thực hiện chuyển làn đường. Khi chuyển làn, tốc độ tăng, giảm hay giữ nguyên sẽ tùy vào tình hình thực tế, tốc độ quy định của làn mới đường vừa nhập vào.
Tuyệt đối không nên chuyển làn liên tiếp, bởi điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính bạn và các phương tiện cùng lưu thông trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, lái xe cũng không nên chuyển làn khi đến gần điểm rẽ. Trên các xe Hyundai hiện nay, một số mẫu mã như Tucson, Hyundai Santa Fe thường được trang bị hệ thống cảnh báo điểm mù. Khi các xe đi phía sau di chuyển vào điểm mù của xe, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo. Hệ thống này sẽ giúp ích rất nhiều cho các tài xế khi lái xe trên đường cao tốc.
Lưu ý khi vượt xe khác trên đường cao tốc
Trên đường cao tốc, khi muốn vượt xe phía trước các lái xe thường sẽ gặp hai trường hợp: vượt xe cùng làn và vượt xe khác làn. Theo kinh nghiệm của các lái xe lâu năm, nếu muốn vượt xe khác làn trên đường cao tốc nên chạy xe đến vị trí sao cho hình ảnh xe của bạn lọt vào tầm nhìn gương chiếu hậu của xe phía trước. Giữ tốc độ sau đó phát tín hiệu thông qua việc nháy đèn hoặc bấm còi đề báo hiệu. Chú ý quan sát, nếu đảm bảo an toàn, tiếp tục tăng ga cho xe di chuyển trong giới hạn tốc độ cho phép để vượt xe phía trước. Khi lái xe trên đường cao tốc không nên đi song song với các xe tải, container… vì có thể làm cho bạn giảm tầm nhìn và đề phòng những yếu tố bất ngờ hay xảy ra.
Trường hợp vượt xe cùng làn cũng cần báo hiệu bằng còi (nháy đèn) kết hợp đèn xi-nhan. Sau khi báo tín hiệu, nếu xe phía trước không có tín hiệu gì, hãy chú ý quan sát, cho xe di chuyển và nhẹ nhàng đánh lái cho xe chuyển sang làn đường bên cạnh. Khi chạy ở làn bên cạnh, hãy tăng tốc (trong giới hạn tốc độ cho phép) đến khi tạo được khoảng cách an toàn, xe phía sau nằm gọn trong gương thì mới nhập về làn đường cũ.
Chú ý khi nhập làn cao tốc
Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra khi tài xế lái xe nhập vào làn đường cao tốc. Vì vậy, khi điều khiển xe từ đường nhánh nhập vào đường cao tốc, các lái xe nên thận trọng. Trước khi lái xe vào đường cao tốc, cần bật đèn xi-nhan để báo hiệu và xin đường.
Trên đường cao tốc thường sẽ có làn đường để cho các xe chuẩn bị nhập làn vào cao tốc. Khi đã vào làn đường này hãy chú ý quan sát qua gương chiếu hậu các xe phía sau đang lưu thông ở làn cao tốc. Nếu thấy có một dòng xe liên tục chạy ở làn đường mà bạn muốn nhập vào thì hãy kiên nhẫn chờ đợi. Bởi khi đi từ đường nhánh bạn sẽ không được ưu tiên. Khi tìm được khoảng trống hãy tiếp tục bật xi-nhan, tăng tốc và nhập làn với tốc độ xe cùng với tốc độ những xe khác. Chú ý, khi nhập làn cao tốc không lấp lửng và cũng không nhập làn đường một cách đột ngột, thiếu quan sát. Ngoài ra, nên hạn chế dừng ở làn tăng tốc nhập làn.
Lựa chọn chiếc xe phù hợp đồng thời nắm vững luật giao thông và những kinh nghiệm nêu trên sẽ giúp bạn tự tin hơn khi lái xe trên đường cao tốc.
Liên quan đến việc lái xe trên đường cao tốc, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định:
Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng đối với các trường hợp người điều khiển xe không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc. Điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc. Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc. Không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.
Trường hợp lái xe điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định quay đầu xe trên đường cao tốc… sẽ bị xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.
Trường hợp lái xe điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 – 7 tháng.