Kiến thức có 2 loại nhưng đa phần mọi người tập trung vào loại không cần thiết

Ngày nay điện thoại của chúng ta liên tục xuất hiện những tin tức mới nhất, hàng trăm kênh truyền hình trên TV mang lại cho bạn đủ mọi loại hình giải trí và thông tin cần thiết. Tóm lại, cuộc sống của chúng ta hoàn toàn bị bão hòa trong biển thông tin hàng ngày.

Tuy nhiên, rất có thể chúng ta đứng trong cơn bão thông tin này mà không hề thông minh hay hiểu biết lên chút nào.

Đây là một vấn đề lớn cho tất cả chúng ta. Nếu bạn cũng ở trong tình cảnh này, làm sao bạn có thể đảm bảo rằng, trong số những thông tin mà mình tiếp nhận, bạn chọn được những thông tin sẽ giúp bạn nhiều nhất trong việc cải thiện tư duy và cuộc sống của mình?

Hai loại hình kiến thức

Về vấn đề này Morgan Housel – phó chủ tịch của Quỹ đầu tư Collaborative – đã giúp đưa ra một câu trả lời trên blog của hãng. Sự uyên bác của ông thể hiện dưới dạng một câu hỏi khác. Đó là:

Liệu bao nhiêu trong số những gì bạn đọc hôm nay vẫn còn được bạn quan tâm sau một năm nữa?

Nếu bạn giống Housel, câu trả lời trung thực của bạn có thể sẽ là một tỷ lệ phần trăm khá nhỏ. Hầu hết chúng ta đều dành phần lớn thời gian tập trung vào những tiêu đề và các phân tích ngắn hạn. Tất cả những thông tin này đều có thể được nhóm lại dưới hạng mục những “kiến thức sắp hết hạn”.

Chính sự tập trung sai lầm này cho thấy hầu hết chúng ta đều bỏ lỡ một cơ hội lớn để hiểu mọi chuyện sâu hơn. Và theo Housel, đó là một sự lãng phí cực lớn. Ông cho rằng chúng ta sẽ được lợi hơn nhiều nếu dành thêm vốn thời gian hạn hẹp của mình để có được những “kiến thức dài hạn”:

Kiến thức dài hạn khó nhận ra hơn vì chúng thường bị chôn vùi trong những cuốn sách chứ không phải trong những nhan đề. Nhưng lợi ích của chúng là rất lớn, không phải ở chỗ nó hiếm khi “hết đát”, mà ở chỗ nó được tích lũy và tổng hợp theo thời gian. Kiến thức sắp hết hạn cho bạn biết những gì đã xảy ra; trong khi kiến thức dài hạn cho bạn biết tại sao một điều gì đó lại xảy ra và chắc chắn sẽ xảy ra lần nữa.

Sự khác biệt giữa 2 loại kiến thức này cũng giống như sự khác biệt giữa biết được mức tăng doanh thu quý 2 của Microsoft và hiểu được Microsoft có doanh thu ổn định đến vậy là bởi “nó có nền tảng vững chắc”. Dữ liệu đầu tiên có thể khiến bạn tỏ ra thông minh trong một cuộc họp. Nhưng điều thứ hai mới mang lại cho bạn một mô hình tâm lý có khả năng giúp bạn nhận thức và điều hướng thế giới quan của mình.

Tóm lại, kiến thức sắp hết hạn có thể hào nhoáng, nhưng kiến thức dài hạn mới là yếu tố giúp bạn thông minh hơn.

Đừng vội tắt TV đi

Nói như vậy không phải để bảo rằng Housel khuyên chúng ta đừng có xem TV nữa, trừ khi bạn muốn sống như một thầy tu hay một nhà thơ ẩn dật. Có điều, nếu bạn muốn tận dụng tối đa khoảng thời gian có hạn của mình để học hỏi, thì bạn nên tối đa hóa tỷ lệ thông tin bạn cóp nhặt được bằng những kiến thức dài hạn.

“Điểm mấu chốt không phải là bạn nên xem CNBC ít đi và đọc nhiều sách của Ben Graham hơn. Mà là nếu bạn đọc Ben Graham nhiều hơn, bạn sẽ dễ dàng hiểu được nên hay không nên chú ý đến những gì trên CNBC”, Housel kết luận.


Đinh Vân

Theo