Kịch bản trả lời những câu hỏi phỏng vấn về học tập 10/10! | CakeResume

câu hỏi phỏng vấn về học tậpĐược tạo bởi CakeResume

Trong xã hội hiện đại, giáo dục ngày càng được quan tâm và chú trọng, trình độ học vấn không phải là tất cả nhưng có thể nói lên rất nhiều về background của ứng viên. Những câu hỏi phỏng vấn về quá trình học tập cũng vì thế mà trở nên phổ biến, không chỉ trong xin việc mà còn có thể là phỏng vấn câu lạc bộ, phỏng vấn học bổng, du học,…

Với những câu hỏi phỏng vấn về học tập, nhà tuyển dụng không chỉ muốn đánh giá xem liệu trình độ của ứng viên có đáp ứng được yêu cầu công việc không, họ còn cần tìm hiểu về tính cách, kinh nghiệm và cả kỹ năng ứng xử của người xin việc. 

Bài viết này sẽ hướng dẫn cách trả lời chi tiết những câu hỏi phỏng vấn về học tập, kèm theo 7 kịch bản mẫu để bạn tiết kiệm thời gian cho khâu chuẩn bị phỏng vấn trước “giờ G”! 

Đọc thêm: Tip viết trình độ học vấn trong CV sao cho thu hút nhà tuyển dụng

1. Chia sẻ về những trải nghiệm quý giá nhất của bạn trong những năm học Đại học?

Để trả lời cho câu hỏi phỏng vấn về học tập này, hãy thoải mái chia sẻ về câu chuyện của bản thân ở những khía cạnh như sở thích, lý do chọn ngành học, networking,…. Đây không chỉ là một câu hỏi phỏng vấn về học tập, đừng chỉ kể về những lớp học truyền thống. Hãy nghĩ đến cả những hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm thực tập bạn tham gia để làm nổi bật kỹ năng mềm, nhà tuyển dụng chắc chắn cũng quan tâm đến điều này!

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Những năm học Đại học đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều, cả trong chuyên môn, tầm nhìn và kỹ năng xã hội. Ngoài chương trình học thuật giúp tôi trang bị nền tảng kiến thức vững chắc cho nghề Báo, tôi cũng rất quý trọng những trải nghiệm thực tế ngoài lớp học. Tôi đã tham gia câu lạc bộ thơ, nơi tôi hoàn thiện kỹ năng quản lý, xây dựng các mối quan hệ, viết và nói trước đám đông. Tôi tin rằng những kỹ năng xã hội này sẽ góp phần không nhỏ cho thành công của bản thân trong những vai trò sắp tới.” 

2. Vì sao bạn lại chọn nghề Marketing trong khi học IT?

Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp nếu như bằng cấp học thuật của bạn ít liên quan đến ngành nghề bạn đang theo đuổi. Một kinh nghiệm phỏng vấn quan trọng là hãy nói về các kinh nghiệm có thể chuyển giao (transferrable skills) để làm nổi bật sự liên quan giữa “ngành học” và “ngành làm”.

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT, tôi quyết định chuyển hướng sang làm chuyên viên Marketing vì nhận thấy mình phù hợp và có tâm huyết hơn với ngành nghề này. Chọn làm việc trái ngành đã mang lại cho tôi những lợi thế nhất định. Tôi biết cách chuyển giao và áp dụng những kiến thức chuyên môn sẵn có trong CNTT vào tiếp thị. Áp dụng công nghệ thông tin trong Marketing giúp thu thập thông tin về sở thích và nhu cầu của khách hàng đơn giản và chính xác hơn hơn, từ đó giúp công ty thực hiện các chiến dịch truyền thông hiệu quả mà vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí.”

3. Tại sao bạn lại quyết định học Thạc sĩ?

Nếu như bạn có ý định học cao hơn hoặc đang theo học chương trình Thạc sỹ, nhà tuyển dụng có thể đặt ra những câu hỏi phỏng vấn về học tập để biết động lực đằng sau quyết định này. Ngày càng có nhiều người sở hữu tấm bằng cử nhân đại hoc, vì thế mà trong nhiều ngành nghề, quyết định học cao học biểu thị sự cầu tiến và tính kiên trì. 

Kinh nghiệm phỏng vấn cho câu hỏi về học tập này: Hãy nói về cách bạn luôn nỗ lực phát triển bản thân trong học vấn và sự nghiệp. Nhà tuyển dụng có thể thấy các kỹ năng của bạn sẽ còn được nâng cấp trong tương lai, hồ sơ của bạn vì thế mà trở nên tiềm năng hơn. 

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Tốt nghiệp đại học ngành Quan hệ quốc tế, tôi muốn tìm kiếm một con đường mới mẻ và có nhiều tiềm lực tài chính hơn cho bản thân. Một trong những điều tôi đang làm để theo đuổi mục tiêu này là chọn tiếp tục theo học bằng Thạc sỹ ngành Truyền thông đại chúng. Tôi tin rằng đây sẽ là bước đệm lớn để tôi mở rộng bộ kỹ năng của bản thân, nhờ đó đóng góp được nhiều hơn trong những vai trò mình đảm nhiệm.”

4. Những môn học nào trong chương trình Cao học sẽ bổ trợ cho công việc này?

Không chỉ với câu hỏi này mà để trả lời tất cả những câu hỏi phỏng vấn về học tập, đừng quên kết nối nền tảng giáo dục của bạn với vị trí ứng tuyển nhé! Trước khi gặp nhà tuyển dụng, hãy lên danh sách những kiến thức chuyên môn cần thiết cho công việc này, sau đó liên kết những tín chỉ cụ thể giúp bạn đạt được những kiến thức tương ứng. 

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, tôi hiểu rằng vị trí trợ lý trưởng phòng nhân sự yêu cầu trình độ tin học và kỹ năng viết tốt. Đa số những môn học trong chương trình Cao học của tôi đều có liên quan trực tiếp đến những kiến thức này. Trong những môn như “Biên tập văn bản báo chí”, “Viết đa phương tiện”, tôi học được cách giáo tiếp rõ ràng và hiệu quả bằng văn bản. Ngoài ra, tôi cũng hoàn thành tín chỉ “Nhập môn Khoa học máy tính” với số điểm cao. 

5. Bạn có ý định học thêm chứng chỉ nào khác để phục vụ công việc không?

Nhà tuyển dụng có thể đã biết bạn đã theo học trường nào, nhận được bằng cấp gì,… qua CV xin việc. Tuy nhiên, để thấy được nhiều hơn về tiềm năng của bạn, họ có thể sẽ đặt câu hỏi về những kế hoạch học tập của bạn trong tương lai. 

Với những câu hỏi phỏng vấn về học tập như vậy, bạn không cần phải giới hạn câu trả lời của mình trong giáo dục truyền thống. Hãy tự tin nói về bất kỳ loại hình đào tạo phù hợp với công việc, chẳng hạn như các chương trình thực tập, kế hoạch tự học hay các khóa học trực tuyến.

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Là một sinh viên mới tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh hệ chất lượng cao của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi tự tin có đủ trình độ để đảm nhận vị trí trợ giảng tại IELTS Elite. Trong tương lai, tôi mong muốn gắn bó lâu dài với công ty và được trực tiếp đứng lớp. Để hiện thực hóa kế hoạch này, ngoài việc tích lũy kinh nghiệm và học hỏi ở những giáo viên đi trước, tôi sẽ sớm theo học và thi chứng chỉ TESOL để trang bị cho mình kỹ năng sư phạm đạt chuẩn quốc tế.”

6. Tại sao bạn không hoàn thành chương trình học của mình?

Câu hỏi phỏng vấn về học tập có thể trở nên nhạy cảm nếu như điểm GPA của bạn không cao hoặc bạn không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp. 

Kinh nghiệm phỏng vấn cho dạng câu hỏi này là, hãy bình tĩnh. Nếu như hồ sơ của bạn đã được duyệt, nhà tuyển dụng chưa chắc đã quan tâm đến bằng cấp và điểm số quá nhiều. Nếu bạn chưa hoàn thành chương trình học, điều cần làm là giải thích về quyết định này để thể hiện mình vẫn là người có trách nhiệm, sáng suốt (lý do gia đình, tìm thấy con đường tốt hơn,…). Còn nếu bạn có một vài thiếu sót trong qua trình học tập, xem đó như bài học để hoàn thiện bản thân nhé! 

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Sau năm đầu theo học chương trình cao học, tôi nhận ra đây không phải là lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Tôi rời khỏi trường học, bắt đầu làm trợ lý hành chính tại một công ty nhỏ. Tôi đã làm việc tại đây 3 năm và nhận được nhiều cơ hội thăng tiến quý giá. Tuy hài lòng với quyết định tạm gác lại việc học, tôi vẫn luôn chủ động tìm kiếm những khóa học linh hoạt có thể giúp mình cải thiện những kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp.”

7. Bạn có hối tiếc gì về quá trình học tập của mình tại trường Đại học không?

Đây tiếp tục là một dạng câu hỏi phỏng vấn hay và khó vì bạn vừa phải trả lời thành thật, có chiều sâu, vừa phải tránh xu hướng tiêu cực hoặc đổ lỗi. 

Kỹ năng trả lời phỏng vấn cho câu hỏi về học tập này là: Đừng lười biếng đưa ra câu trả lời trống rỗng như “Tôi đã có một trải nghiệm hoàn hảo thời Đại học”, cũng đừng dài dòng kể lể về tất cả những gì bạn không hài lòng với bản thân, trường lớp,….

Kịch bản trả lời phỏng vấn:

“Tôi đã có một trải nghiệm Đại học thực sự tuyệt vời. Nhìn chung, tôi chỉ ước mình đã tận dụng được tối đa thời gian của mình: tham gia nhiều lớp học hơn, năng nổ hơn trong các ngoại khóa và đến dự nhiều sự kiện với các diễn giả khách mời hơn. Sau này, tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm và học được cách cân bằng giữa công việc và xây dựng các mối quan hệ xã hội.”

Chuẩn bị câu trả lời và tâm thế sẵn sàng cho những câu hỏi phỏng vấn về học tập là rất quan trọng, khi tri thức luôn luôn được coi trọng trong xã hội. Kinh nghiệm phỏng vấn “vàng” là ứng viên hãy kết nối nền tảng học vấn của mình với vị trí ứng tuyển. Đồng thời, hãy chia sẻ thành thật và mở rộng câu chuyện ra ngoài những gì sẵn có trong hồ sơ xin việc nhé!

Để chuẩn bị toàn diện hơn cho buổi gặp quan trọng sắp tới, hãy tham khảo series bài viết về kỹ năng phỏng vấn trên CakeResume. Chúc các bạn phỏng vấn bình tĩnh, tự tin và thành công!

Với CakeResume, bạn có thể tham khảo nhiều mẫu CV đẹp và dễ dàng tạo CV miễn phí. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với bản CV xịn sò ngay hôm nay! 

Tạo CV

— Tác giả bài viết: Dasie Pham —