Kĩ năng không thể thiếu khi làm bài thi THPT quốc gia môn Lịch sử
Cập nhật lúc: 10:04:14/27-04-2016
Mục tin: Thông tin mới nhất về thi thpt quốc gia 2021
Với một số kĩ năng được cô Dương Thị Thuận – Giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) – lưu ý, thí sinh sẽ làm thi đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới với môn Lịch sử.
Điều đầu tiên cô Dương Thị Thuận nhấn mạnh là thí sinh phải đọc kĩ câu hỏi trước khi làm bài; sau đó xác định kiến thức trọng tâm của câu hỏi, cân đối thời gian cho phù hợp với từng câu.
Trước khi làm bài, thí sinh nhớ gạch ý chính ra giấy nháp để tránh bị thiếu ý. Khi làm bài, phải biết vận dụng kiến thức liên môn, kiến thức bên ngoài để so sánh, nhận định, phân tích và đánh giá, biết liên hệ thực tế nhưng tránh sa đà, vận dụng kiến thức thiếu khoa học …
Thí sinh lưu ý cần làm bài phải làm hết các câu hỏi trong đề kiểm tra. Sau khi làm xong cần phải giành một lượng thời gian nhất định (10- 15 phút) để đọc lại bài xem có còn sai sót gì để bổ sung và hoàn chỉnh.
Một số lưu ý khi ôn tập
Khi đã xác định lựa chọn môn Lịch sử để thi THPT quốc gia, thí sinh cần có tâm lí thoải mái, sức khỏe ổn định và phải say mê học tập. Có như vậy việc tiếp thu kiến thức mới nhanh và có hiệu quả.
Thí sinh cũng cần trang bị đầy đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Khi ở trên lớp phải tập trung, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, chủ động tiếp thu bài, tích cực tham gia các hoạt động do giáo viên tổ chức.
Điều mà không nhiều thí sinh làm được là tự lên kế hoạch học rõ ràng và cụ thể cho bản thân; đọc kĩ, đọc nhiều lần từng nội dung để ghi nhớ kiến thức.
Thí sinh phải trình bày các nội dung cần nắm ra giấy nháp sau đó đem so sánh với nội dung kiến thức mình đã học.
Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra kiến thức của mình bằng cách làm các đề thi của năm trước hoặc làm những câu hỏi ngẫu nhiên do mình đưa ra hoặc kiểm tra với bạn của mình. Học nhóm bằng cách ra câu hỏi tự làm và tự kiểm tra cho nhau thông qua hình thức nói hoặc viết.
Nội dung Lịch sử cần nắm chắc để đặt được kết quả cao
Để bài thi Lịch sử đạt điểm cao, cô Dương Thị Thuận lưu ý: Thí sinh phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và chuẩn kiến thức vì đề ra có 80 – 90% là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa).
Thí sinh cũng cần biết đọc và chỉ dẫn các bản đồ, biểu đồ, khai thác các kênh hình, tranh ảnh có liên quan. Đồng thời, biết mở rộng kiến thức bằng cách đọc và tham khảo các bộ môn có liên quan như Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân…