Không chỉ ở Việt Nam, Tết này du lịch những nước sau cũng được đón không khí lễ hội lớn nhất năm
Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia, Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch hay Tết Cổ truyền là dịp lễ đầu năm mới, theo âm lịch của một số quốc gia thuộc vùng Đông Á nói riêng cũng như cả châu Á nói chung.
Các quốc gia có truyền thống đón Tết Nguyên Đán có thể kể tới như Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia hay Singapore. Ước tính có khoảng 1,5 tỉ người trên thế giới đón Tết âm lịch. Ở mỗi quốc gia sẽ có những hoạt động, những nét văn hóa khác biệt để người dân bản địa kỷ niệm dịp đặc biệt, lễ hội lớn nhất trong năm này nhưng nhìn chung đều hướng đến việc đoàn tụ với gia đình và chuẩn bị cho một khởi đầu mới.
Cùng với Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đón Tết Nguyên Đán vào ngày 1/1 Âm lịch. (Ảnh minh họa)
1. Trung Quốc
Theo Wikipedia, ở Trung Quốc, Tết Nguyên Đán còn được gọi bằng cái tên là Lễ hội mùa xuân. Bởi theo lịch âm truyền thống của nước này, ngày đầu tiên trong năm bắt đầu bằng lịch xuân. Cuốn lịch truyền thống của người Trung Quốc chia một năm thành 24 thuật ngữ mặt trời, trong đó Lập xuân là thuật ngữ mặt trời thứ nhất. Nó cũng là biểu thị sự khởi đầu của mùa xuân trong các nền văn hóa Đông Á.
Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có Tết Nguyên Đán từ lâu đời nhất. Lịch sử nước này ghi chép lại, nguồn gốc của Tết Nguyên Đán đã có từ năm 2879 TCN và thay đổi theo từng thời kỳ.
Chính bởi tầm quan trọng nên dịp Tết Nguyên Đán cũng chính là thời điểm nghỉ lễ dài nhất của nước này. Từ khoảng ngày 10 tháng 12 Âm lịch, những người con xa xứ đã bắt đầu chuẩn bị về bên gia đình ăn Tết. Việc di chuyển này còn được gọi là xuân vận.
Tết Nguyên Đán là dịp có kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Thời gian nghỉ lễ, tổ chức các lễ hội trong khuôn khổ Tết Nguyên Đán thường kéo dài tới hết ngày 15 tháng 1 Âm lịch, Tết Nguyên Tiêu. Xuyên suốt kỳ nghỉ, gia đình, bạn bè và người thân sẽ cùng sum họp lại bên nhau sau một năm bận rộn với công việc riêng. Những ngôi nhà hay con phố đều được trang trí bằng màu đỏ rực rỡ với những chiếc đèn lồng giấy đỏ hay câu đối.
Vào ngày đầu năm, những người lớn tuổi sẽ tặng những chiếc phong bì đỏ hay còn được gọi là hồng bao cho trẻ em hoặc những người chưa lập gia đình. Các hoạt động khác có thể kể tới như múa lân, đốt pháo hoa, các trò chơi dân gian như đua thuyền, đi cà kheo, múa ương ca…
Mâm cỗ ngày Tết của người Trung Quốc thường sẽ có những món ăn truyền thống như sủi cảo, hoành thánh, mỳ, bánh trôi nước và tuyệt đối kiêng món ăn làm từ thịt con giáp đại diện cho năm mới.
Tập tục lì xì ngày đầu năm mới.
Mâm cơm truyền thống ngày Tết của người Trung Quốc.
Có thể thấy, những hoạt động đón Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc khá giống với Việt Nam. Chỉ khác ở một vài điểm như món ăn truyền thống hoặc năm con mèo ở Việt Nam thì lại là năm con thỏ ở Trung Quốc.
Nội Dung Chính
2. Malaysia
Ở Malaysia, cộng đồng những người có nguồn gốc Trung Hoa khá lớn. Vì vậy, Tết Nguyên Đán cũng dần trở thành một dịp lễ hội không thể thiếu và lớn nhất trong năm ở đất nước này.
Ngày đầu tiên của dịp lễ cũng được bắt đầu bằng ngày 1 tháng 1 Âm lịch. Phần lễ chính sẽ diễn ra chủ yếu trong 2 ngày đầu tiên của tháng Giêng là ngày 1 và ngày 2, sau đó các hoạt động bên lề khác như đoàn tụ gia đình, đi chúc Tết, múa lân, ca múa nhạc… sẽ được kéo dài đến hết ngày Rằm.
Tết Nguyên Đán của người Malaysia với những hoạt động lễ hội, kéo dài đến hết ngày Rằm tháng 1 Âm lịch.
Nếu du lịch Malaysia vào đúng dịp Tết Nguyên Đán này, trải nghiệm chắc chắn du khách nên thử đó chính là ngắm pháo hoa đêm giao thừa tại khu vực tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur. Đây chính là khu vực trung tâm, được chuẩn bị màn pháo hoa đón năm mới rực rỡ và hoành tráng nhất. Ngoài ra, chùa Thiên Hậu cũng là điểm đến đáng ghé thăm vào dịp đầu năm mới ở Malaysia.
Khu vực tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur là một trong những nơi bắn pháo hoa rực rỡ nhất vào dịp Tết Nguyên Đán ở Malaysia.
3. Singapore
Đảo quốc Sư tử Singapore được biết đến là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, truyền thống có, hiện đại có. Trong đó, nét truyền thống được thể hiện qua những điều có phần tương đồng hoặc ảnh hưởng từ Trung Hoa. Chính vì thế ở đất nước này, người dân cũng có Tết Nguyên Đán và coi nó như một trong những dịp lễ hội lớn nhất trong năm.
Các ngày quan trọng như ngày ông Công ông Táo, ngày mồng 1 đầu năm mới hay các hoạt động chào mừng của Tết Nguyên Đán Singapore tương đồng với Tết Nguyên Đán của người Việt. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt đó là người Singapore ưa chuộng sử dụng quýt trong mâm ngũ quả cúng giao thừa.
Singapore cũng đón Tết Nguyên Đán như một dịp lễ hội lớn nhất năm.
Theo họ, quýt là loại quả có màu cam rực rỡ, theo tiếng Quảng Đông, nó còn có nghĩa là vàng và thể hiện sự sung túc. Chính vì vậy, cây quýt còn thay thế cho cây đào, cây mai, được dùng để trang trí trong nhà. Mọi người cũng tặng nhau loại quả này thay cho lời chúc tài lộc, may mắn, cùng với phong bao lì xì đỏ kèm theo socola.
Bên cạnh quýt, quả dứa cũng được người Singapore yêu thích. Song họ sẽ không bày cả quả mà sử dụng dứa làm nhân bánh ăn trong ngày Tết. Một số món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán ở Singapore có thể kể tới nữa đó là Yumcha – món điểm tâm gồm các loại bánh bao, dimsum, bánh cuốn, bánh ngọt, hay gỏi Yusheng bao gồm cá hồi, đu đủ và khoai môn bào, ăn kèm với nước sốt đặc trưng của người Singapore.
Quả quýt thể hiện cho sự may mắn trong dịp Tết Nguyên Đán ở Singapore.
Gỏi Yusheng, món gỏi mang ý nghĩa về sự thịnh vượng được người Singapore ăn vào ngày đầu năm mới.
4. Bhutan
Được mệnh danh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, lại theo đạo Phật và chú trọng những giá trị truyền thống, ngày Tết cổ truyền ở Bhutan cũng vô cùng đặc biệt. Tết cổ truyền của đất nước Bhutan còn được gọi là Losar, kéo dài 15 ngày. Losar là một từ trong ngôn ngữ tiếng Tạng có nghĩa là “năm mới”. Với đất nước hạnh phúc nhất thế giới, Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Đây là thời gian để các gia đình đoàn tụ sum vầy và cũng là dịp để các hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra.
Tết Nguyên Đán ở Bhutan.
Không chỉ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa gìn giữ nét đẹp truyền thống, người dân Bhutan còn thể hiện họ rất đề cao đời sống tinh thần. Họ cùng nhau nấu những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc như Ema datshi làm từ phô mai và ớt, lòng bò goep, thịt gà hầm jasha maru…
Thông thường trong ngày đầu tiên của năm mới Losar sẽ được bắt đầu bằng một bữa ăn sáng truyền thống trùng với thời gian mặt trời mọc. Thực phẩm chủ yếu sẽ là bánh quy chiên, mía thái hạt lựu, gạo lên men, các món hầm, cháo và phô mai. Bữa ăn nhẹ sẽ gồm có các loại đồ ngọt và trà khác nhau.
Theo phong tục truyền thống của người dân địa phương, mía và chuối xanh luôn xuất hiện trong nhà của họ vì chúng được tin là đem đến sự may mắn và những điều tốt lành trong năm mới. Ngoài ra, người Bhutan cũng sẽ tham gia các hoạt động múa hát, nhảy theo điệu nhảy truyền thống khác và bắn cung.
Điều đặc biệt là người dân đất nước hạnh phúc không giết động vật trong dịp Tết Losar. Chính vì vậy, tất cả các cửa hàng thịt đều đóng cửa trong thời gian đó.
Hoạt động bắn cung trong dịp Tết Nguyên Đán ở Bhutan.
5. Các nước khác
Xu hướng du lịch ngày Tết ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với những gia đình trẻ. Ngoài những quốc gia trên, để trải nghiệm không khí Tết Nguyên Đán ở nước ngoài, du khách cũng có thể tới du lịch những đất nước như Hàn Quốc, Triều Tiên, Campuchia, Indonesia hay Mông Cổ dịp đầu năm Âm lịch này, du khách cũng sẽ được tận hưởng không khí lễ hội đặc sắc.