Khoa học đổi mới giáo dục mầm non
Giờ học thú vị
Các bé lớp Lớn 2, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa có buổi học Khám phá vũ trụ huyền bí với những thí nghiệm nhỏ tổ chức theo nhóm. Lớp học được thiết kế mô phỏng các hành tinh trong Hệ Mặt trời để kích thích trí tò mò, khám phá của trẻ. Trong trang phục Nasa mà các cô giáo sáng tạo ra, trẻ được trải nghiệm làm phi hành gia, đi bộ ngoài không gian tàu vũ trụ. Đặc biệt các bé được làm thí nghiệm theo nhóm như: Thí nghiệm sương mù, khinh khí cầu, bong bóng khí quả địa cầu, ngày và đêm…
Tự tay gắp một ít đá khô cho vào cốc nước ấm, bé Hà Khang và các bạn ồ lên khi thấy hiện tượng khói thoát ra khỏi cốc. “Giống như mình nói chuyện mà trời lạnh quá, miệng mình thở ra hơi luôn nè!” – các bé cùng reo lên khi cô giáo gợi ý trả lời câu hỏi.
Từ thí nghiệm tạo sương mù, cô giáo còn hướng dẫn trẻ trải nghiệm làm khinh khí cầu cũng dùng đá khô, chỉ cần đổ nước và ít đá khô vào chai, cài quả bóng trên miệng chai. Nước làm cho đá khô tan nhanh, khí cacbonic bay lên nhiều hơn, làm quả bóng phồng to và bay tương tự như khinh khí cầu.
Trẻ lớp Nhỡ và lớp Bé, Trường Mầm non Bình Minh cũng được trải nghiệm làm thí nghiệm bong bóng khí trong ngày hội Trẻ khám phá khoa học với những dụng cụ đơn giản như xà phòng, vải, nước, đá khô, tô lớn. Sau khi đổ đá khô vào tô và thêm nước, trẻ sẽ ngâm vải vào hỗn hợp xà phòng. “Khói” do đá khô gặp nước ấm bốc lên gặp dung dịch xà phòng sẽ tạo thành một lớp bong bóng phía trên đá khô. Bong bóng liên tục xuất hiện do đá khô chuyển từ dạng rắn thành dạng khí.
Với thí nghiệm cho màu thực phẩm vào cốc nước, dầu ăn, baking soda và C sủi, các bé tự mình làm được “núi lửa phun trào”, “ly nước tự sôi” hay “cốc nước bão tuyết” tùy theo cách liên tưởng, so sánh của từng bé. Ở một góc khác của Ngày hội khoa học diệu kỳ, các bé lớp Nhỡ đầy ngạc nhiên khi quả trứng gà đang chìm dưới cốc nước bỗng nổi lên phía trên, chỉ còn cát và sỏi vẫn nằm dưới đáy cốc khi được cô giáo hướng dẫn cho muối hòa vào nước.
Cần đổi mới kiểm tra, đánh giá giáo viên
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Nội dung khám phá khoa học thông qua trò chơi là một phần của chương trình học ở bậc mầm non và đặc biệt quan trọng với trẻ 5 tuổi.
Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên đều triển khai cho trẻ tự trải nghiệm bằng thí nghiệm thực tế. Vẫn có một số cô triển khai nội dung này bằng cách cho trẻ xem clip. Với những nhóm lớp, nếu cô giáo không cho trẻ thực nghiệm thì khó khơi gợi được sự tò mò, tạo hứng thú cũng như thói quen đặt câu hỏi trước các sự vật, hiện tượng của trẻ”.
Để trẻ được trải nghiệm các thí nghiệm khoa học phù hợp với độ tuổi, theo bà Đặng Cẩm Tú, giáo viên phải có kỹ năng tổ chức cũng như khả năng bao quát hoạt động của các nhóm để có hướng dẫn, hỗ trợ và giải thích. Ngoài ra, nhà giáo phải biết lựa chọn thí nghiệm phù hợp với độ tuổi, đảm bảo sự an toàn cho trẻ. “Một hạn chế nữa là đồ dùng, thiết bị được trang bị tại các lớp học ít phục vụ cho mục đích khám phá khoa học. Vì vậy, giáo viên phải tự tìm kiếm ở bên ngoài khi tổ chức trò chơi khám phá khoa học” – bà Tú nhận xét.
Cô Nguyễn Thị Phương – giáo viên lớp Lớn 2, Trường Mầm non Bình Minh chia sẻ: “Với các vật dụng để làm thí nghiệm thông qua các trò chơi, giáo viên phải thao tác thử và đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ với trò chơi có sử dụng đá khô, dù cô giáo đã hướng dẫn trẻ không được tự tay cầm nắm vì rất lạnh, không an toàn cho da của trẻ. Thế nhưng, không loại trừ có một số bé vì tò mò nên tự ý bốc đá bằng tay không. Vì vậy, ngoài kẹp nhôm dùng để gắp đá, giáo viên đã trang bị thêm cho các bé găng tay cao su khi tiến hành trò chơi”.
Từ kinh nghiệm của giáo viên Trường Mầm non Bình Minh, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đang đẩy mạnh các hoạt động học thông qua chơi, nhất là nội dung khám phá khoa học dưới hình thức trò chơi để trẻ trải nghiệm. Muốn như vậy, theo bà Đặng Thị Cẩm Tú, các trường mầm non phải đổi mới kiểm tra, đánh giá giáo viên. Đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng năng lực tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho đội ngũ để vừa đảm bảo tính khoa học vừa phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường.
Khám phá khoa học có thể tổ chức ở nhiều không gian khác nhau: Hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động chiều, ở trong lớp học, góc thiên nhiên, vườn cây hay sân trường. Việc lựa chọn hoạt động khám phá khoa học, tổ chức vào thời gian nào, ở đâu tùy thuộc nội dung chủ đề, mục tiêu giáo dục mà giáo viên đặt ra phù hợp với điều kiện thực tế của lớp. – Cô Lương Thị Thúy Quỳnh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh)