KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO – NỀN TẢNG CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI BỀN VỮNG – NGHIÊN CỨU -TRAO ĐỔI – Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

     Theo Luật Khoa học và công nghệ 2018 quy định: “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”[1]. “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”[2]. “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”[3]. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, là bệ đỡ để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng (chủ yếu dựa vào các yếu tố vốn, lao động và tài nguyên) sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu (chủ yếu dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợp – TFP).

     Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của khoa học, công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, khoa học, công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đầy đủ và toàn diện đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa qua; đồng thời cũng chỉ rõ hạn chế: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch này vẫn tiếp tục gia tăng. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả…”[4].

     Những nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nói chung và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 nói riêng là căn cứ quan trọng để lĩnh vực khoa học, công nghệ xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2030. 

     Và ngày 11/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư,

tạo động lực cho phát triển triển nhanh và bền vững. Nguồn ảnh: Internet

     Chiến lược xác định mục tiêu cụ thể là nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.

     Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; đầu tư cho khoa học – công nghệ đạt 1,5 – 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1 – 1,2% và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65 – 70%.

     Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

     Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể là:

– Thứ nhất, đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ, các luật liên quan để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

– Thứ hai, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong đó, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo. Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.

– Thứ ba, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học, công nghệ. 

– Thứ tư, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh.

– Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao: chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai; đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao; triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp; thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động… để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước.

– Thứ sáu, phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

– Thứ bảy, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

– Thứ tám, chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

– Thứ chín, tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

     Chiến lược cũng nêu rõ đổi mới sáng tạo trong các ngành nông nghiệp là thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ chọn tạo giống, công nghệ chăm sóc, theo dõi theo các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến; tập trung đầu tư vào những khu nông nghiệp công nghệ cao, những dự án quy mô lớn, triển khai các mô hình canh tác tiên tiến hiệu quả theo chuẩn thế giới; phát triển những kỹ thuật kinh doanh mới vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông, lâm, ngư nghiệp. Tập trung làm chủ các tổ hợp công nghệ quan trọng trong chọn tạo giống; ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ tự động hóa. Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp gắn với các mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao,…

     Việc xác định đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ cao là một nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng quốc gia khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển nhanh – bền vững đất nước. Đây cũng là nhân tố cốt lõi để đất nước không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Và đây cũng là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện thành công những mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

[1]Luật Khoa học và công nghệ 2018, điều 3, khoản 1

[2]Luật Khoa học và công nghệ 2018, điều 3, khoản 2

[3]Luật Khoa học và công nghệ 2018, điều 3, khoản 16

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.II, tr70