Khi nào trẻ cần khám tâm lý?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Lê Thu Phương – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Những vấn đề tâm lý của trẻ nếu được phát hiện sớm có thể giúp hạn chế những trở ngại sau này, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu một cách chính xác khi nào cần phải đưa trẻ đi khám tâm lý.
1. Những vấn đề tâm lý trẻ thường mắc phải
Có hai vấn đề chính trong tâm lý trẻ em thường gặp bao gồm:
- Các vấn đề liên quan đến sự phát triển của trẻ: Một trẻ phát triển bình thường phải đạt được các mốc như vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ, nhận thức, khả năng tự lập…tương ứng với độ tuổi sinh học của trẻ.
- Một vấn đề khác ít được quan tâm nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ là những tương tác, giao tiếp với những người xung quanh, tương tác xã hội…
Nếu trẻ có những vấn đề bất thường ở 2 vấn đề trên thì có thể trẻ đã gặp phải một vấn đề về tâm lý nào đó. Một số vấn đề về tâm lý trong giai đoạn phát triển của trẻ như:
- Chậm nói: Đối với những trường hợp trẻ khi 12 tháng không bập bẹ nói, 16 tháng không thể nói được từ đơn, không nói được từ đôi lúc 24 tháng tuổi…Đối với trẻ chậm nói có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như trẻ không nhận đủ kích thích từ môi trường bên ngoài, trẻ có vấn đề về khả năng nghe, chậm phát triển trí tuệ toàn diện hay trẻ mắc bệnh tự kỷ.
- Nói lắp: Là tình trạng ảnh hưởng tới nhịp điệu và sự liền mạch của câu nói. Mặc dù trẻ biết mình muốn nói gì nhưng lại không thể nói trôi chảy được.
- Nói ngọng: Trẻ phát âm sai một từ khi nói, ví dụ như nói từ hoa thành ha, ảnh thành ẳn…
- Tự kỷ: Trẻ xuất hiện dấu hiệu chậm nói hay đã nói được nhưng không nói lại, phát âm những từ vô nghĩa; giảm tương tác xã hội khi nhận thấy trẻ không biết chỉ tay khi được 12 tháng, ít giao tiếp bằng mắt, ít những cử chỉ giao tiếp, chỉ thích làm theo ý mình, chơi một mình không biết chia sẻ; Bất thường về hành vi như đi kiễng gót, quay tròn, ngắm nhìn tay…Những thói quen hành vi này luôn lặp lại rập khuôn, trẻ luôn luôn làm mọi việc theo một trình tự…
- Rối loạn lo âu – trầm cảm: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ có những biểu hiện của rối loạn lo âu hay trầm cảm, vấn đề này hay gặp ở những trẻ trên 5 tuổi. Trẻ có thể biểu hiện ít nói chuyện, rối loạn giấc ngủ, trẻ luôn cảm giác lo âu sợ hãi, kém tập trung, dễ cáu, dễ bị kích thích…Đối với những trường hợp này nặng nhất là trẻ có hành vi muốn tự tử, là trường hợp trẻ bị trầm cảm nặng.
- Tăng động giảm chú ý (ADHD): Biểu hiện của tình trạng này là trẻ tăng vận động, nhưng không có khả năng tập trung chú ý đối với những kích thích từ bên ngoài. Ví dụ như trẻ tăng động thường xuyên chạy nhảy, không ngồi yên, không ngồi yên trong lớp học hoặc rời khỏi vị trí khi chưa được đồng ý…Trẻ giảm chú ý như khó khăn trong việc duy trì vị trí của mình trong các hoạt động, dễ bị xao nhãng bởi những kích thích bên ngoài, quên những hoạt động hàng ngày…
2. Khi nào nên đưa trẻ đi khám tâm lý
Những rối loạn về tâm lý của trẻ ngày nay do nhiều yếu tố nên tỷ lệ mắc ngày một tăng, tuy nhiên việc tiếp cận và điều trị vẫn còn hạn chế. Để phát hiện được những vấn đề tâm lý của trẻ thì phụ huynh cần lắng nghe và quan sát trẻ, dành thời gian chăm sóc và tương tác với trẻ. Khám tâm lý cho trẻ ngay khi thấy có những biểu hiện như:
- Trẻ không phản ứng khi nhận kích thích từ môi trường, chậm phát triển ngôn ngữ (không bập bẹ nói khi được 12 tháng tuổi, không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi hay không nói được từ đôi và trẻ nói được ít hơn 15 từ đơn khi 24 tháng tuổi…).
- Trẻ chậm phát triển vận động: Trẻ không thể đi được khi đủ 18 tháng tuổi, những mốc phát triển vận động nếu trẻ không đạt được hoặc chậm sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng đi lại của trẻ.
- Trẻ không thể tập trung làm một việc, thường xuyên bị xao nhãng khi làm việc học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những kích thích từ bên ngoài.
- Trẻ vận động không ngừng, vận động hay làm những việc không thích hợp.
- Giảm khả năng giao tiếp xã hội: Ít giao tiếp với những người xung quanh, thường xuyên chơi một mình, thích gây hấn với bạn bè…
- Những biến cố tâm lý lớn ảnh hưởng tới trẻ như chuyển nhà, thay đổi môi trường sống, mất mát, nhà có tang…Trẻ cần sự quan tâm chăm sóc của người nhà hoặc các chuyên gia tâm lý, nếu không ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ.
- Trẻ có những thay đổi trong sinh hoạt, lời nói và cảm xúc thể hiện nhiều yếu tố tiêu cực, thường xuyên la hét, sợ hãi, lo lắng, buồn rầu, tự nhốt mình trong phòng, giảm hứng thú với những hoạt động trước đây trẻ thích, rối loạn giấc ngủ…Nhất là sau những biến động về tâm lý, thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu trên cần đưa trẻ đi khám sớm. Rất có thể trẻ gặp phải các vấn đề về stress, lo âu, căng thẳng, trầm cảm…
Vấn đề tâm lý của trẻ được cải thiện tốt hơn nếu được phát hiện sớm, sự quan tâm từ gia đình và hỗ trợ điều trị từ các chuyên gia. Nên nếu trẻ có những bất thường về tâm lý như trên nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám tâm lý cho trẻ.
Xem thêm: Cập nhật mới trong chẩn đoán và điều trị rối loạn tâm lý ở trẻ
3. Nên khám tâm lý cho trẻ ở đâu?
Chuyên gia tâm lý tại phòng khám có nhiệm vụ đánh giá, hướng dẫn, hỗ trợ và can thiệp trong những trường hợp trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Chức năng chính của phòng khám bao gồm:
- Đánh giá các trường hợp bé chậm nói, nói lắp, nói không rõ từ, trường hợp nghi ngờ trẻ mắc chứng tự kỷ thông qua các công cụ sàng lọc và chẩn đoán.
- Đánh giá sự phát triển về tinh thần vận động và đánh giá chỉ số thông minh cho trẻ từ 6 tháng đến 16 tuổi thông qua các công cụ BAYLEY, YCAT, WISC-IV
- Đánh giá và can thiệp trị liệu tâm lý cho những trẻ gặp khó khăn trong học tập, trẻ gặp sang chấn tâm lý (cha mẹ ly hôn, tang chế của người thân, trẻ bị bạo hành, trẻ bị xâm hại tình dục, v.v), trầm cảm, lo âu, ám ảnh sợ, trẻ gặp rối loạn ăn uống, trẻ gặp những vấn đề về mặt cơ thể nhưng không thể giải thích bằng y khoa (đau bụng, đau ngực, đau đầu không tìm thấy nguyên nhân).
- Sau khi đánh giá tình trạng tâm lý của trẻ việc can thiệp điều trị được thực hiện phù hợp với từng lứa tuổi, tình trạng bệnh và cần giúp trẻ hòa nhập với xã hội, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc đối với những trẻ có vấn đề về tâm lý.
Phòng khám Tâm lý nhi với tiêu chí bảo mật và cảm thông đặt lên đầu. Gia đình và trẻ có thể yên tâm trong việc các chuyên gia tại phòng khám giữ kín các thông tin liên quan đến trẻ và gia đình trẻ.
Tác động từ môi trường bên ngoài một cách phù hợp giúp trẻ vượt qua được các chướng ngại tâm lý, việc can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi của trẻ tốt hơn. Nên đừng ngại đưa trẻ đi khám tâm lý khi có các vấn đề bất thường xảy ra ở trẻ.
Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa, tâm lý…cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.