Khi Nào Thì Chúng Ta Sẵn Sàng Tu Tập Mật Tông?

Tâm xả ly là một phần khác vô cùng cần thiết cho bất cứ pháp tu Mật tông nào, nên cũng phải nhấn mạnh điều mà nó đề cập đến. Tâm xả ly có hai khía cạnh. Một là quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi những khó khăn của mình. Khía cạnh đó giúp cho ta sử dụng pháp tu Mật tông như một phương tiện để thoát khỏi những vấn đề của mình, bằng cách đạt giác ngộ. Nếu như không có khía cạnh này của tâm xả ly, quyết tâm để được tự do này, thì ta không thể áp dụng pháp tu cho bản thân mình, như một phần trọn vẹn của đường tu tâm linh.

Khía cạnh khác của tâm xả ly là sẵn sàng từ bỏ không chỉ nỗi khổ của mình, mà cả nhân tạo khổ nữa. Điều đó rất quan trọng. Nếu như không sẵn sàng từ bỏ nhân tạo khổ, thì không có cách nào có thể thoát khỏi nỗi khổ đó, dù mình có muốn thoát khỏi nó đến mức nào đi nữa. Chẳng may là nhân tạo ra nỗi khổ của mình không chỉ là điều gì tầm thường, như đi xem phim hoặc ăn sô cô la, hay thậm chí là quan hệ tình dục. Nó là điều gì bao trùm cả đời sống. Ở một mức độ nào đó thì nó là tất cả những cá tính tiêu cực của mình, tất cả tâm sân hận, tham ái, kiêu mạn, ganh tỵ v.v… Nếu đi sâu hơn một chút thì nó bao gồm sự bất an, băn khoăn và lo lắng của mình. Và nếu như đi sâu hơn nữa, thì đó là tâm mê lầm của mình, đó là toàn bộ quan niệm sai lầm mà mình có về bản thân và mọi thứ trong cuộc sống.

Thậm chí sâu xa hơn nữa thì điều mà mình thật sự phải đoạn trừ là loại tâm thức bình thường, khiến cho các pháp xuất hiện theo cách không phù hợp với thực tại. Trên cơ sở về cái gọi là “hiện tướng bất tịnh” này, thì tâm vô minh không biết rằng chúng giả dối và sai lầm, khiến cho mình tin rằng chúng là sự thật. Tất cả mọi vấn đề bắt nguồn từ đó.

Không phải chính tâm thức là vấn đề, mà là hoạt động hay công năng của tâm thức tạo ra hiện tướng lừa đảo này, và niềm tin sai lầm của mình rằng những hiện tướng này là chân thật. Vì vậy nên nhân tạo ra vấn đề của mình cũng không phải là những hiện tướng mà tâm tạo ra. Nếu như nghĩ rằng vấn đề nằm ở chính các hiện tướng thì đó là một sự sai lầm lớn. Cách nghĩ như vậy là một sai lầm xuất phát từ việc hiểu lầm chữ nangwa trong tiếng Tây Tạng, có thể có nghĩa là “hiện tướng”, hay “tạo tác hiện tướng”.

Khi nói về đoạn trừ “hiện tướng phàm trần” hay “hiện tướng nhị nguyên” thì mình không nói về một danh từ, về những hiện tướng “ở ngoài kia”. Chúng ta đang nói về cách ý thức về điều gì; về một động từ. Nói một cách cụ thể là mình đang nói về công năng của tâm thức, khiến cho các pháp xuất hiện theo cách không phù hợp với thực tại. Đó là điều mà mình đang cố gắng đoạn trừ; đó là điều mà mình đang cố gắng để đạt được một sự chân diệt. Và chẳng may là đời sống khó khăn, vì tâm ta liên tục làm cho các pháp xuất hiện một cách điên rồ, từ vô thỉ đến nay.

Ví dụ như ngay cả khi có một chút hiểu biết về vô thường và vô ngã, thì khi mình thức dậy vào buổi sáng và nhìn mình trong gương, tâm trí của mình vẫn làm cho nó có vẻ như người của sáng hôm nay cũng là người của đêm qua, giống hệt nhau. Chúng ta có vẻ thường hằng. Hay là chân của mình đau, nhưng tâm lại làm như có một cái “tôi” tách rời với chân: “Tôi làm chân ‘của mình’ đau.”. Dựa trên ngôn ngữ thì tâm khái niệm làm cho các pháp xuất hiện theo cách đó.

Điều mà ta phải sẵn sàng từ bỏ là toàn bộ quá trình của tâm thức, làm cho các pháp xuất hiện theo cách này – thật không may là mình rất quen thuộc với nó – và tất cả những sự mê lầm, vấn đề, lo lắng và vân vân, bắt nguồn từ điều này. Nếu như không sẵn sàng từ bỏ điều đó, thì làm sao mình có thể chuyển hóa bản thân, hình ảnh về bản thân và tất cả những điều này bằng Mật tông?

Khi không sẵn sàng từ bỏ hình ảnh tự thân bình thường, đó là hình ảnh tự thân của một cái “tôi” vững chắc, với một bản sắc vững chắc, rồi tự khởi hiện như một vị Hộ Phật, thì đó là con đường dẫn đến tâm thần phân liệt, chứ không phải là con đường dẫn đến giải thoát. Chúng ta vẫn sẽ có ý tưởng điên rồ, hoàn toàn tức giận và tham ái về chính mình. Rồi thì ta sẽ thêm vào đó sự thổi phồng rằng “Tôi là một Hộ Phật”. Sau đó thì ta có thể dễ dàng điên rồ để nói rằng, chẳng hạn như, “Tôi đang tức giận: đó là khía cạnh phẫn nộ của tôi như một Hộ Phật.”. Hay sẽ quan hệ tình dục với bất cứ ai mà mà mình gặp, bởi vì “Tôi là Hộ Phật này, với vị phối ngẫu, và đây là một pháp tu Mật điển cao cấp, để giao hợp với tất cả mọi người.”. Tất cả những điều đó là một mối nguy hiểm lớn có thể xảy ra, nếu như mình chỉ nhảy vào Mật tông mà không có một nền tảng của lòng quyết tâm để được tự do – tâm xả ly về hình ảnh tự thân bình thường của mình.

Để từ bỏ hình ảnh về tự thân đó, thì việc có một sự hiểu biết đúng đắn về Không tướng (tánh Không) là điều hoàn toàn cần thiết; bởi vì nếu không thì làm sao mình có thể thực hiện việc chuyển hóa khái niệm về bản thân? Nếu không có sự hiểu biết đúng đắn thì ta có thể hoàn toàn điên rồ và nghĩ rằng, “Mọi thứ chỉ là một mạn đà la hoàn hảo xung quanh tôi, và mọi người đều là một vị Phật”, theo một cách rất kỳ lạ, rồi thậm chí mình sẽ không chú ý khi băng qua đường, và bị xe đụng.

Hơn nữa, việc có tâm từ bi và bồ đề tâm là điều rất cần thiết. Chúng ta đang thực hành tất cả những pháp tu này để giúp đỡ người khác, vì lòng quan tâm đến người khác. Bồ đề tâm thật sự thúc đẩy mình áp dụng tất cả những điều này như một phương pháp để đương đầu với thế giới và người khác. Nếu như không có những điều này thì rất dễ đi vào một Disneyland của đạo Phật, chỉ có một mình ta ở trong vùng đất giả tưởng kỳ lạ.

Khi hành trì Mật tông thì ta tưởng tượng là mình có tất cả những tay chân này, và được bao quanh bằng hào quang ngũ sắc, v.v… Mỗi một điều này là một biểu tượng cho những sự hiểu biết, những phẩm chất khác nhau như lòng từ, lòng bi, ngũ trí, vân vân. Bằng cách tưởng tượng những điều này trong sắc tướng sinh động, chẳng hạn như nhiều tay chân, nó sẽ giúp cho mình phát khởi tất cả những điều này trong cùng một lúc. Theo ý nghĩa này thì Mật tông là một pháp tu rất cao cấp, và đòi hỏi một sự chuẩn bị lớn lao, để có thể hành trì nó một cách đúng đắn.