Khi các ông chồng trung niên ””trở chứng”” – Hànộimới
Ảnh: Corbis.com.
Hơn 50 tuổi, có mọi thứ trong tay, ông Khương thấy tiếc cuộc sống “chẳng biết gì đời” của mình, nên muốn được trải nghiệm. Và từ khi ra “trường đời”, được kề cận, tiếp xúc với những cô gái trẻ đẹp, ông đâm ngán nhìn vợ.
Trước khi lấy được học vị tiến sĩ, ông Minh Khương chỉ là một thày giáo nghèo với đàn con nheo nhóc. May nhờ vợ ông là người tháo vát, giỏi giang, bà nghỉ dạy, ngày ngồi chợ bán hàng, tối may quần áo thuê, tạo điều kiện cho chồng lo học hành, sự nghiệp. Trước sự hy sinh hết mình của vợ, ông chỉ có mỗi việc dạy và học.
Nhưng sau 20 năm chỉ biết đến đèn sách, ông tiếc thời tuổi trẻ của mình. Rồi ông “chấm” một cô sinh viên mình hướng dẫn làm đề tài cao học để thay thế bà. Bà và các con đều sốc. Khuyên ngăn ông không kết quả, các con bảo bà ly hôn. Trước tòa, ông không thừa nhận chuyện ngoại tình mà đổ lỗi do trình độ hai người quá chênh lệch, không hiểu nhau, sinh nhiều mâu thuẫn.
Theo các nhà tâm lý học, đời người thường trải qua 3 giai đoạn khủng hoảng tâm lý: tuổi dậy thì, tuổi trung niên và tuổi già, trong đó, khủng hoảng tuổi trung niên được ví như sóng ngầm ẩn dưới mặt hồ phẳng lặng, đến lúc gặp điều kiện thuận lợi, nó sẽ chuyển thành sóng dữ, phá vỡ đời sống gia đình.
Muốn hưởng thụ để bù đắp thời tuổi trẻ
Ở tuổi 52, sở hữu hai tiệm ăn rất đông khách, có một gia đình hạnh phúc nhưng ông Phan Nhân không bằng lòng với hiện tại mà luôn nghĩ về quá khứ cơ hàn phải làm đủ nghề: nhặt bóng, đạp xích lô, phụ quán… để kiếm sống của mình. Lập gia đình, ông phải nai lưng làm để lo cơm áo gạo tiền, học hành cho 4 đứa con. Vì vậy, khi con út tốt nghiệp đại học, ông thở phào nhẹ nhõm và chợt nhận ra: “Đã gần tuổi lục tuần mà chưa bao giờ có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đã tròn trách nhiệm làm chồng, làm cha, giờ mình phải sống cho mình”.
Thế là ông quyết định mua một lúc năm bộ đồ thể thao và cặp vợt hơn 10 triệu đồng để bù đắp ước mơ một thời đi lượm bóng. Vợ ông cự nự: “Ông phung phí quá! Môn này để các giám đốc, quan chức chơi, mình là dân lao động, chơi nỗi gì”. Lời của bà càng làm ông tự ái: “Chơi cho họ biết dân lao động cũng chẳng kém ai”.
Từ hôm đó, 4 giờ chiều là ông giao quán cho đứa cháu trông để đi luyện tennis. Ông bỏ bê công việc khiến bà phải chạy như con thoi giữa hai quán.
Và bà còn bực mình hơn khi ông thường xuyên đưa cả hội gần 20 người đến quán ăn nhậu miễn phí, trong đó có cả mấy bà tuổi đã sồn sồn, mặc cả quần sooc đến quán, cử chỉ, lời nói quá tự nhiên, thân mật với ông. Sau nhiều lần bảo ông ở nhà không được, bà ra tối hậu thư: “Tôi với… trái banh nỉ, ông chọn đi”. Ông làm lơ, càng đi nhiều hơn (vì về nhà hay ra quán gặp vợ đều bị càu nhàu). Bà giận dữ nộp đơn xin ly hôn. Ông đồng ý ngay vì đã có một cô bồ quen từ sân quần vợt.
Hội chứng thèm tự do
Gần 20 năm giải quyết án hôn nhân, xử cả trăm vụ ly hôn tuổi trung niên, thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương, phó chánh án Tòa án nhân dân quận 10, TP HCM nhận định: Hơn 90% những đôi vợ chồng ly hôn ở tuổi trung niên đều có gia đình ổn định, thành đạt, con cái trưởng thành. Họ từng trải qua nhiều khó khăn mới tạo dựng được sự nghiệp và gia đình hạnh phúc. Nhưng khi đã đạt được những điều đó, họ lại lơ là, chủ quan, quên không bồi đắp tình cảm vợ chồng.
Trong khi đó, đàn ông ở tuổi này lại có nhu cầu được sống cho mình sau bao năm vất vả với sự nghiệp, gia đình. Vì vậy, nếu vợ chồng không hiểu nhau, không kịp thời điều chỉnh, nhắc nhở sẽ dễ dẫn đến tình trạng hưởng thụ sa đà. Người trong cuộc không nghĩ sự hưởng thụ của mình sẽ gây ảnh hưởng đến gia đình nhưng khi bị cuốn vào những cuộc vui, họ dần mất sự kiểm soát hành vi và sẽ phạm sai lầm. Khi đó, vợ con không chấp nhận, xảy ra mâu thuẫn và rồi chia tay là điều khó tránh.
Theo bà, ở giai đoạn tuổi trung niên, khi chồng hoặc vợ có những biểu hiện hành vi, thói quen, sở thích lạ thì người bạn đời phải quan tâm, lưu ý. Nếu là sở thích lành mạnh thì bạn nên tạo điều kiện hoặc cùng tham gia với bạn đời, còn ngược lại, đó là hành vi không tốt thì nhẹ nhàng tìm cách hóa giải.
Thẩm phán Minh Hương kể, bà từng xử lý một vụ mà cả hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, có địa vị trong xã hội. Thời cực khổ, vợ chồng cùng chung lưng đấu cật để các con có cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ. Hai người con đầu của anh chị giành được học bổng du học ở Mỹ, cô con út cũng du học tự túc theo hai anh.
Các con đi, trong anh bỗng trỗi lên khát khao được tự do. Anh chia sẻ: “Lúc nhỏ, tôi phải giữ em để ba mẹ đi làm, không được đi chơi. Lớn lên, vào học trường an ninh, kỷ luật như trong quân đội, ăn ngủ đều có giờ giấc cũng rất gò bó. Đến lúc cưới vợ, sinh con thì phải lo cho gia đình nên tự do cá nhân đúng nghĩa với tôi là điều gì rất xa xỉ”. Vì vậy, khi các con đi xa, không còn phải đưa đón nên hết giờ làm việc là anh ra quán nhậu cùng động nghiệp. Thời gian về nhà của anh cứ trễ dần, 7 giờ, 10 giờ có khi tận 3 giờ sáng. Thứ 7, chủ nhật, anh không đi đám giỗ, tân gia thì lại cà phê với bạn. Bị choáng trước sự thay đổi đột ngột của chồng, ngày nào chị cũng đón anh bằng những trận trách móc. Thế là cãi nhau, chiến tranh lạnh, nóng đủ cả.
Chị nộp đơn ly hôn nhưng chưa đầy một tuần đã rút lại. “Thật ra, tôi rất tin tưởng chồng, biết anh chỉ đi nhậu, đi chơi chứ không trai gái lăng nhăng. Nhưng tôi không chấp nhận được chuyện một người đã có gia đình mà còn đòi tự do như độc thân”, chị tâm sự. Rồi nghĩ lại, thấy tự do là nỗi khát khao lớn luôn tiềm ẩn trong anh nên chị cũng thông cảm. Và đúng bốn tháng sau, chị báo tin, cuộc sống đã về nếp cũ và anh vẫn cảm nhận được tự do trong gia đình của mình.
Xử sự khéo léo, nhẹ nhàng và kiên nhẫn là những điều cần thiết để hóa giải mâu thuẫn do dư chấn khủng hoảng tâm lý gây ra. Tuy nhiên, không phải chờ đến lúc xảy ra mâu thuẫn, khó khăn mới lo vun bồi hạnh phúc, giữ gìn nền tảng gia đình mà mỗi giờ, mỗi ngày chúng ta đều phải nghĩ đến điều đó. Đây không phải là điều gì to tát mà đơn giản là bản thân mỗi người phải biết dừng lại trước vạch “đèn đỏ”, không làm điều gì có lỗi với chồng, vợ, con cái.
Theo Phụ Nữ/Vnexpress