‘Khi bếp vắng lò’ – Tiếp lửa cho tình yêu nấu nướng
Với đam mê, kinh nghiệm và sự sáng tạo của một cô gái yêu việc làm bánh, tập sách này sẽ là cuốn cẩm nang hữu ích để các bạn thấy: làm nên chiếc bánh ngon không hề khó!
Savoury Days là trang blog nổi tiếng về ẩm thực, chia sẻ nhiều công thức nấu ăn cũng như hình ảnh đẹp mắt về các món ăn được nhiều bạn trẻ yêu thích. Chủ của blog này là Trang Linh, cô gái Hà Nội có tình yêu đặc biệt với việc nấu nướng. Để đáp lại tình cảm của các bạn trẻ yêu quý Savoury Days, tác giả của nó quyết định xuất bản những công thức nấu ăn của mình trong bộ sách Nhật ký học làm bánh.
Nếu Nhật ký học làm bánh 1 là câu chuyện của những chiếc cupcake ngọt ngào và tràn đầy cảm hứng lãng mạn; thì Nhật ký học làm bánh 2 – Cẩm nang của người yêu bánh lại là “bản hòa âm” của những chiếc bánh mỳ mềm mại với những sáng tạo độc đáo và hấp dẫn khi phối hợp cùng trái cây, mà người tay hay gọi chúng bằng cái tên dễ thương pastry. Thêm vào đó, những chiếc bánh Entremet duyên dáng như một tác phẩm nghệ thuật đến từ nước Pháp.
Hai tập đầu của bộ sách Nhật ký học làm bánh.
Đam mê nấu nướng dường như không bao giờ cạn trong lòng Trang Linh. Cô tiếp tục cho ra đời tập 3 của Nhật ký học làm bánh với nhan đề Khi bếp vắng lò. Không có lò nướng, liệu ta có thể cho ra đời những chiếc bánh ngọt theo phong cách châu Âu tinh tế và hấp dẫn hay không? Chắc chắn không ít người hoài nghi về điều đó.
Nhưng với cuốn sách của Trang Linh, bạn có thể làm ra những chiếc bánh ngon mà không cần lò nướng. Hơn thế, Nhật ký học làm bánh 3 – Khi bếp vắng lò không chỉ là “câu chuyện” về những chiếc bánh. Đó là bức tranh nhiều màu sắc của các món tráng miệng từ Âu sang Á cùng đồ uống thơm mát.
Đó là tiramisu và panna cotta giàu hương vị và tràn đây cảm hứng lãng mạn của nước Ý. Bạn sẽ không thể nào quên những chiếc bánh quẩy giòn churros của Tây Ban Nha với hương quế nồng nàn. Hay chút ngẫu hứng của người New York với những phiên bản khác nhau của bánh cheese cake.
Là người sở hữu nhiều công thức làm các món bánh Âu, nhưng Trang Linh vẫn không quên dành tình yêu của mình cho những món tráng miệng rất Việt Nam như: chè sương sa hạt lựu, tào phớ hay sữa đậu nành…
Nhật ký học làm bánh 3 – Khi bếp vắng lò.
Nhiều món ăn mà Trang Linh giới thiệu trong sách không phải là món mới, “độc quyền” của tác giả. Trong thời đại của internet, bạn có thể tìm thấy nhiều công thức nấu ăn chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Nhưng những bí kíp nhỏ để tạo nên một món ăn ngon thì không phải là điều dễ tìm. Bên cạnh mỗi công thức nấu nướng, ngoài phần minh họa tỉ mỉ và đẹp mắt, Trang Linh còn ghi lại những cảm xúc và kỷ niệm của mình về món ăn. Đó không chỉ là những lời tâm sự hay vài dòng nhật ký về nấu nướng, nó còn khơi dậy cảm hứng để bạn mặc tạp dề và bước vào bếp làm nên món bánh của riêng mình.
Tác giả đã sống nhiều năm ở Bỉ, việc tìm mua nguyên liệu để làm bánh ngọt theo phong cách châu Âu với cô khá dễ dàng. Nhưng khi chế biến những món Việt ở nước ngoài, Trang Linh gặp không ít khó khăn khi tìm mua nguyên liệu. “Cái khó ló cái khôn” qua nhiều lần thử nghiệm cô gái khéo tay đã tự tìm ra những công thức của riêng mình để nấu những món quà Việt hoàn hảo.
Phần minh họa hình ảnh tỉ mỉ và đẹp mắt của cuốn sách.
Nếu nhà bạn thiếu lò nướng, bạn hãy tự tin rằng mình vẫn có thể làm được nhiều món ngon với Khi bếp vắng lò. Bởi tình yêu nấu nướng đôi khi còn quan trọng hơn một chiếc lò nướng hiện đại.
Chính Trang Linh tâm sự bếp với cô là một “người tình”, nó làm cô yêu đến cuồng dại, si mê. Dẫu gặp phải những thất bại và đôi khi nhận ra “điểm xấu” của người yêu nhưng cô vẫn tiếp tục yêu gian bếp mà không thể hiểu lý do.
Trang Linh sinh năm 1985 tại Hà Nội, cô lấy bằng tiến sĩ Kinh tế ứng dụng tại Đại học Antwerp, vương quốc Bỉ. Năm 2011, cô lập blog savourydays.com để chia sẻ công thức cùng bí quyết làm bánh của mình tới bạn bè. Sau hơn 5 năm thành lập Savoury Days đã thu hút hơn 56 triệu lượt truy cập. Trang Linh hiện đang cộng tác với chuyên mục ẩm thực của nhiều tạp chí như: Bếp gia đình, Đẹp Online…