Khám sức khỏe cho công nhân sản xuất thực phẩm, nấu ăn nhà hàng

Ngày gửi: 13/03/2020 lúc 11:31:12

Tôi có một câu hỏi kính mong có được sự giải đáp của quý công ty. Công ty chúng tôi là công ty gia công thép, có bếp ăn tập thể để phục vụ cán bộ công nhân viên trong Công ty với mức cung cấp là 100 suất/ca, ngày 2 ca. Vậy cho tôi hỏi tần suất khám sức khỏe định kỳ của nhân viên bếp ăn là bao lâu và thông tư nào quy định tần suất này. Khi đang nằm trong vùng có dịch tả  Công ty chúng tôi có phải xét nghiệm phân không? Kính mong có được sự giải đáp của quý Công ty.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ theo Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về việc khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại Khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.

5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.

Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật, đối với người lao động là người trực tiếp sản xuất thực phẩm khám sức khỏe mỗi năm ít nhất một lần.

Bên cạnh đó Theo quy định của Công văn 2041/ATTP-NĐTT năm 2018 về khám sức khỏe cho nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm ban hành như sau:

2. Về nội dung khám sức khỏe, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chỉ những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế, người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được cấy phân phát hiện mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn). Như vậy, trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh tiêu chảy lưu hành, chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất thực phẩm không bắt buộc xét nghiệm viêm gan A, E và cấy phân phát hiện mầm bệnh gây bệnh đường ruột.

Như vậy, khi nằm trong khu vực có dịch bệnh tiêu chảy lưu hành theo công bố của Bộ Y tế hì người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải đưa đi xét nghiệm phân để phát hiện mầm bệnh gây đường ruột.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.