Khai thác hiệu quả thiết bị dạy học thực hiện Chương trình mới
GS.TS Đinh Quang Báo, Chủ biên chương trình môn Sinh học, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Tận dụng tiến bộ công nghệ, các thí nghiệm ảo
Chuẩn bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là yêu cầu quan trọng khi triển khai hoạt động dạy học, giáo dục, dù là ở Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hay Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc này nâng lên một bước với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bởi việc chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học phát triển năng lực; mà muốn có năng lực tốt thì phải tổ chức hoạt động bằng nghiên cứu, thực địa để học sinh khám phá, tìm hiểu thế giới, khoa học…
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã quy định cơ sở vật chất, thiết bị dạy học với yêu cầu: Địa điểm, diện tích, quy mô nhà trường; khối phòng học tập; khối phòng hỗ trợ học tập; thư viện; khối phòng hành chính quản trị; khu sân chơi, thể dục thể thao; khối phụ trợ; khối phục vụ sinh hoạt; hạ tầng kỹ thuật và thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, vì vậy, thực hành thí nghiệm vừa là nội dung phương pháp, phương tiện dạy học. Mặt khác, chương trình được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành. Theo định hướng này, cần trang bị các thiết bị dạy học đa dạng về chủng loại: Tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hoá chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc.
Bộ thiết bị dạy học môn Sinh học gồm có: Thiết bị dùng để trình diễn, minh họa (tranh, ảnh; video clip; mô hình) và dùng để thực hành. Thiết bị thực hành gồm có: Bộ tiêu bản hiển vi (tế bào); bộ dụng cụ thực hành (về tế bào; phân bào; vi sinh vật và virus; trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở thực vật; mổ tim ếch; băng bó vết thương và cầm máu; sinh trưởng, phát triển ở thực vật; quan sát đột biến nhiễm sắc thể); hộp mẫu vật (phân loại sinh vật, các dạng thích nghi,…); bộ dụng cụ đo (đo dung lượng hô hấp và hoạt động của cơ hoành ở động vật, đo huyết áp, nhịp tim, độ pH,…).
Tuy nhiên, trang bị được đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học luôn là khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục, từ trước đến nay vẫn vậy. Dự báo được khó khăn này, nên khi viết sách giáo khoa chúng tôi cung cấp những đường link giúp giáo viên tìm kiếm các video, thí nghiệm ảo phù hợp phục vụ cho bài dạy. Việc tận dụng tiến bộ công nghệ, các thí nghiệm ảo được coi là giải pháp quan trọng khắc phục hạn chế về trang thiết bị trong nhà trường.
Cùng với đó, cần tăng cường khuyến khích, khích lệ giáo viên tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học. Ngoài ra, điều vô cùng quan trọng là phải tận dụng, sử dụng thật hiệu quả thiết bị, đồ dùng đã có; một trong những giải pháp là cần có chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về sử dụng thiết bị; giáo viên bộ môn cũng cần bồi dưỡng kỹ năng sử dụng thiết bị thí nghiệm hiệu quả. Muốn vậy cần có chính sách để thực hiện; đồng thời phải kiểm soát thực hiện chính sách đó một cách chặt chẽ.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ – thành viên nhóm biên soạn chương trình môn Lịch sử, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Mong mỗi nhà trường có một phòng chuyên dùng cho môn Lịch sử
Sử dụng thiết bị dạy học là một trong những điều kiện quyết định thành công của việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực.
Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử và Địa lý (cấp tiểu học) quy định: Bộ thiết bị dạy học tối thiểu 2 môn trên bao gồm: Mô hình hiện vật, tranh ảnh lịch sử, địa lý, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,…; bản đồ, lược đồ; sơ đồ, bảng thống kê,…; phim video; phiếu học tập có các nguồn sử liệu; mẫu vật về tự nhiên; dụng cụ, thiết bị thông thường để quan sát tự nhiên; một số dụng cụ thực hành; phần mềm dạy học (nghiên cứu và từng bước sử dụng rộng rãi).
Đối với dạy học Lịch sử và Địa lý cấp THCS, thiết bị dạy học tối thiểu bao gồm: Bản đồ giáo khoa treo tường (về thế giới, các khu vực, Việt Nam) phù hợp với nội dung từng chủ đề của từng lớp học và phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh; Atlat địa lý tự nhiên đại cương, Atlat địa lý các châu lục và Atlat địa lý Việt Nam, tập bản đồ lịch sử; mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của nhân vật lịch sử,…; các mẫu vật về tự nhiên; tranh ảnh (in trên giấy, hình digital tĩnh và động), sơ đồ, lược đồ, video clip được biên tập cho mục đích giáo dục, phù hợp với nội dung của từng chủ đề; phiếu học tập có các nguồn sử liệu; tờ bài tập (bản đồ, lược đồ, biểu đồ, sơ đồ).
Bên cạnh đó là dụng cụ, thiết bị thông thường để quan sát tự nhiên (địa bàn, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế); một số dụng cụ thực hành, thực địa; thư viện digital chứa các kho tư liệu dạy học Lịch sử và Địa lý; phần mềm dạy học. Ở những địa phương có điều kiện nên tổ chức các phòng bộ môn..
Dạy học Lịch sử ở THPT, cơ sở giáo dục cần có thiết bị dạy học tối thiểu như: Hệ thống bản đồ (bản đồ thế giới, bản đồ các châu lục, bản đồ Đông Nam Á và Việt Nam); tranh ảnh lịch sử, sa bàn, sơ đồ, biểu đồ với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu, tivi, radio, video, các loại băng đĩa,…
Lịch sử là môn học có hệ thống kiến thức thuộc về quá khứ, học sinh không thể trực tiếp quan sát. Công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ việc tái hiện lịch sử thông qua phim tài liệu, nguồn sử liệu, hình ảnh, video,… Giáo viên cần khai thác, sử dụng các chức năng cơ bản của Internet và phần mềm tin học để đưa vào bài giảng hình ảnh, âm thanh, tư liệu lịch sử,… góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử. Tôi rất mong, làm sao mỗi nhà trường có một phòng chuyên dùng cho môn Lịch sử như phòng thí nghiệm của khoa học tự nhiên.
Trong giảng dạy lịch sử, điều kiện cơ bản nhất để tái tạo lại hình ảnh quá khứ phải có tư liệu lịch sử. Nếu người thầy không nắm vững những tư liệu lịch sử phong phú, chân thực, khoa học thì dù có vận dụng phương pháp giảng dạy gì đi nữa cũng không đạt kết quả mong muốn. Tư liệu lịch sử bao gồm nhiều loại – tư liệu thành văn, tư liệu truyền miệng, tranh ảnh, tư liệu hiện vật… trong đó dùng được nhiều nhất là tư liệu thành văn.
Việc sử dụng hợp lý và có hiệu quả các thiết bị dạy học vô cùng quan trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh cần nắm chắc điều kiện của trường và địa phương để có thể tự khai thác trong đổi mới hoạt động giáo dục (cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và tài liệu tham khảo…).
Việc này rất quan trọng, đặc biệt đối với những trường miền núi, vùng sâu vùng xa không có đủ thiết bị dạy học. Thậm chí ở đó phòng học nhiều trường còn tạm bợ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phải sáng tạo trong việc lập kế hoạch đổi mới hoạt động giáo dục sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của trường mình. Không rập khuôn máy móc mô hình của các trường vùng thuận lợi, nhưng cũng không thể cứ trông chờ, ỷ lại khi nào có đầy đủ điều kiện mới thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục.
PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, Chủ biên chương trình môn Tin học năm 2018: Cần có phương án đầu tư kịp thời
Thiết bị dạy học với môn Tin học gồm thiết bị phục vụ cho giáo viên dạy học và thiết bị phục vụ học sinh thực hành. Yêu cầu về những thiết bị này được quy định cụ thể trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tin học. Cụ thể, thiết bị phục vụ giáo viên dạy học gồm máy tính cá nhân, máy chiếu, màn hình chiếu.
Về thiết bị phục vụ học sinh thực hành, số lượng máy tính trong giờ thực hành được quy định là tối thiểu 1 máy tính/3 học sinh (ở cấp tiểu học), tối thiểu 1 máy tính/2 học sinh (ở cấp THCS), 1 máy tính/1 học sinh (ở cấp THPT). Cấu hình máy tính phải đáp ứng cài đặt được các hệ điều hành và phần mềm thông dụng. Các máy tính phải được kết nối mạng LAN và Internet, trang bị những thiết bị phục vụ thực hành như loa, tai nghe, micro, camera,… Các máy tính cần được cài đặt hệ điều hành và phần mềm ứng dụng thuộc loại có bản quyền, mã nguồn mở hoặc miễn phí.
Các thiết bị khác phục vụ học sinh thực hành gồm: Thiết bị mạng như Switch, Modem, Access Point, cáp mạng, dây mạng dùng để kết nối mạng LAN và Internet cho máy tính, phục vụ học sinh thực hành các bài học về thiết bị số và thiết kế mạng; máy chiếu và màn hình. Trong giờ học chuyên đề về robot, cần có ít nhất 1 robot giáo dục/mỗi nhóm (tối đa 8 học sinh).
Phòng thực hành máy tính phải có đủ diện tích để sắp xếp thiết bị; có máy tính, máy chiếu, màn hình, máy in; máy tính dùng làm server để lưu trữ các học liệu điện tử, cài đặt các phần mềm quản lý học tập, phần mềm quản lý nhà trường và phần mềm tường lửa; có nội quy phòng thực hành,…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học môn Tin học vẫn còn nhiều khó khăn. Không ít cơ sở giáo dục chưa bố trí được đủ phòng máy và số lượng máy tính để phục dạy và học môn Tin học.
Để tổ chức dạy học môn Tin học hiệu quả cho học sinh lớp 3, các sở GD&ĐT cần phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để có giải pháp cụ thể, phù hợp. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh/thành phố có phương án kịp thời đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.