Khắc phục hệ thống chăm sóc sức khỏe đắt đỏ của Hoa Kỳ bằng Y học tự nhiên

Anh Conan Milner là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Anh tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Lương y Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là quốc gia có chi phí chăm sóc sức khỏe cao nhất thế giới—nhưng hiệu quả mang lại thường rất khiêm tốn

Bạn đang tìm kiếm một món hời? Bạn sẽ không tìm thấy điều đó ở hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nơi người Mỹ chi trả nhiều tiền hơn cho sức khỏe mỗi năm, nhưng bằng cách nào đó hiệu quả đạt được lại rất hạn chế.

Theo báo cáo từ Quỹ Khối thịnh vượng chung vào đầu năm 2020, Hoa Kỳ đã chi trả số tiền lớn gần gấp đôi so với các quốc gia giàu có khác (như Úc, New Zealand, Vương quốc Anh và Canada) cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe . Bất chấp mức giá cao này, người dân Hoa Kỳ lại có tuổi thọ thấp nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất.

Hoa Kỳ cũng phải gánh chịu số lượng bệnh kinh niên cao nhất, với tỷ lệ béo phì cao gấp hai so với các quốc gia ngang hàng. Điều này có thể giải thích tại sao số ca nhập viện do các nguyên nhân phòng ngừa được và tỷ lệ tử vong có thể tránh được của người Mỹ thuộc hàng cao nhất.

Cân nhắc về giá trị mang lại, Hoa Kỳ có hệ thống chăm sóc sức khỏe tệ nhất trên thế giới. Chính phủ đã dùng tiền thuế cho hệ thống này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả những quốc gia có hệ thống chăm sóc hoàn toàn công cộng và nổi tiếng với chất lượng đặc biệt. Ngoài số tiền đóng thuế đó, người Mỹ còn chi trả cho dịch vụ sức khỏe số tiền bình quân đầu người cao hơn công dân của bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới ngoại trừ Thụy Điển, theo phân tích mới nhất từ Statistica.

Vậy thì, tất cả số tiền dẫn đến kết quả tệ hại này được chi cho điều gì? Rất nhiều tiền được chi cho thuốc. Một cuộc thăm dò năm 2022 của Kaiser Family Foundation cho thấy, 6/10 người trưởng thành ở Hoa Kỳ đang dùng ít nhất một loại thuốc kê đơn và 25% đang dùng từ bốn loại trở lên. Tỷ lệ đó tăng lên khi mọi người già đi. Một báo cáo của CDC cho thấy hơn 40% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đã dùng đến 5 đơn thuốc trở lên trong 30 ngày qua (tăng gấp ba so với 20 năm trước.)

Chúng ta cũng đã chi trả nhiều hơn cho những loại thuốc đó. Vào năm 2019, Hoa Kỳ đã chi hơn 1,000 USD cho thuốc kê đơn với mỗi người, gấp đôi số tiền mà các quốc gia ngang hàng phải trả.

Mặc dù chi trả nhiều hơn, người Mỹ lại ít đi khám bác sĩ hơn. Và rất ít trong số những lần thăm khám này, bệnh nhân được dành thời gian để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ. Thay vào đó, họ có khả năng phải dùng phương pháp chụp quét công nghệ cao, đắt tiền và thủ tục chuyên biệt hơn so với công dân ở các quốc gia giàu có khác.

Xu hướng trên không có gì mới lạ. Quỹ Khối thịnh vượng chung thường xuyên thực hiện so sánh hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia khác nhau, và thành tích đáng kinh ngạc của Hoa Kỳ đã được duy trì vững chắc trong 20 năm.

Đại dịch chỉ làm nổi bật thành tích chăm sóc sức khỏe tồi tệ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã chứng kiến một trong những đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất trên thế giới mặc dù chi nhiều tiền hơn so với quốc gia khác trong việc chống lại dịch bệnh.

Vào năm 2021, COVID đã đẩy chi tiêu y tế của Hoa Kỳ vượt quá 4 nghìn tỷ USD.

Tất nhiên, từ quan điểm của một người tiêu dùng thông thường, điều đó không có vẻ quá tệ. Vì bảo hiểm đã chi trả cho hầu hết chi phí, người ta thường không trông thấy hóa đơn—một cách trực tiếp.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ hoặc tự bỏ tiền túi cho việc chăm sóc sức khỏe hoặc không có bảo hiểm y tế. Trong khi các quốc gia khác có bảo hiểm y tế toàn dân, hơn 31 triệu người Mỹ (gần 10% toàn bộ dân số) không có bảo hiểm y tế, theo một báo cáo vào tháng 02/2022 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.

Các nhà lập pháp gần đây đã cố gắng cắt giảm số lượng người Mỹ không có bảo hiểm xuống còn 8%, nhưng làm như vậy sẽ bổ sung thêm rất nhiều chi phí vào mục chăm sóc sức khỏe quốc gia. Vào tháng 08/2022, chính quyền Biden đã thông qua dự luật mở rộng trợ cấp liên bang để khuyến khích mọi người mua bảo hiểm y tế tư nhân.

Vậy thì, đó có phải chỉ là điều đáng thất vọng khi chúng ta tiếp tục chi nhiều tiền hơn cho sức khỏe nhưng lại được chăm sóc ít hơn? Hay còn điều gì khác mà các chuyên gia đã bỏ qua?

Một cách tiếp cận khác

Theo Tiến sĩ Andrew Weil, chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí nếu biết vận dụng y học tự nhiên vào việc chữa bệnh.

“Tôi nghĩ rằng tương lai chính là như vậy. Mọi thứ sẽ đi theo hướng này,” ông Weil cho biết trong một cuộc phỏng vấn podcast về chủ đề sức khỏe với Epoch Times gần đây.

Ông Weil nổi tiếng với nhiều cuốn sách và bài báo về các chủ đề như thiền định, cách ăn uống chống viêm và tập thể dục như những phương pháp khả thi để tối ưu hóa sức khỏe. Nhưng ông cũng ủng hộ các giải pháp tự nhiên ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp lâu dài của mình trong ngành y.

Vào những năm 1960, ông Weil nhận được hai tấm bằng từ Đại học Harvard, một bằng y học và một bằng thực vật học. Trong suốt những năm 1970 và 1980, ông là nhân viên nghiên cứu của Bảo tàng Thực vật Harvard, tiến hành điều tra các đặc tính chữa bệnh và hướng thần của thực vật.

Hiện tại, ông là giám đốc của Trung tâm Y học Tích hợp Andrew Weil tại Đại học Arizona, nơi ông cũng là giáo sư y khoa lâm sàng và giáo sư y tế công cộng.

Khắc phục hệ thống chăm sóc sức khỏe đắt đỏ của Hoa Kỳ bằng Y học tự nhiênKhắc phục hệ thống chăm sóc sức khỏe đắt đỏ của Hoa Kỳ bằng Y học tự nhiên

Ông Andrew Weil, bác sĩ y khoa, tác giả, giám đốc Trung tâm Y học Tích hợp Andrew Weil tại Đại học Arizona, giáo sư y khoa lâm sàng và giáo sư y tế công cộng (Photo credit: Kevin Abosch)

Ông nói: “Nhu cầu về loại hình đào tạo này và những thông tin liên quan đã tăng lên một cách đều đặn.”

Điều này một phần là do người ta nhận thấy hệ thống chăm sóc thông thường đang có một số vấn đề nhất định. Vào năm 2016, một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins ước tính rằng có khoảng 250,000 người tử vong mỗi năm do lỗi của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Con số này tương đương với khoảng hai chiếc phi cơ phản lực 747 chứa đầy hành khách đâm vào nhau mỗi ngày trong cả năm mà không có ai sống sót.

Một nghiên cứu được công bố trên BMJ ước tính rằng các lỗi chẩn đoán ngoại trú đã ảnh hưởng đến khoảng 5.08% dân số mỗi năm, tương đương với khoảng 12 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu viết: “Dựa trên nghiên cứu trước đây, chúng tôi ước tính khoảng một nửa số lỗi này có thể gây nguy hại cho người bệnh.”

Một cách tiếp cận tự nhiên

Y học tự nhiên đã tồn tại rất lâu và nhận được sự quan tâm đáng kể từ những năm 1970. Ngày càng có nhiều bác sĩ hướng tới phương pháp này, nhưng tại sao hệ thống chăm sóc sức khỏe lại không áp dụng?

Ông Weil đề xuất một số lý do, nhưng ông cho rằng trở ngại lớn nhất là do y học tự nhiên có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm có quyền kiểm soát hệ thống.

Ông nói: “Y học tự nhiên sẽ làm giảm dòng tiền chảy vào túi các công ty bảo hiểm, công ty dược phẩm lớn, nhà sản xuất thiết bị y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những nhóm lợi ích được đầu tư này không muốn thay đổi bất cứ điều gì và họ có toàn quyền kiểm soát các đại diện được bầu cử của chúng ta.”

Hiện tại, hệ thống chăm sóc sức khỏe được xây dựng để khuyến khích các loại thuốc và thủ tục thay vì các chiến lược tổng thể, chẳng hạn như tư vấn cách ăn uống hiệu quả và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng tôi giải quyết các vấn đề sức khỏe, cho cả bệnh nhân và bác sĩ.

Với một bác sĩ quan tâm đến việc kiếm sống, thông điệp là rất rõ ràng: Họ sẽ mất ít thời gian hơn để kê một viên thuốc mà bảo hiểm chi trả so với việc thảo luận về những thay đổi giúp cải thiện sức khỏe mà bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi—và có thể không thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Bệnh nhân cũng trở nên ưa dùng thuốc viên hơn trong một thế giới mà người ta chỉ muốn giải tỏa tức thời, cách ăn uống và lối sống có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để có kết quả. Trong khi đó, các loại thuốc thường có tác dụng nhanh và không đòi hỏi gì ngoài việc bạn chỉ cần dùng nó.

“Tôi nghĩ rằng hầu hết bác sĩ thường không biết phải làm gì nếu bạn nói với họ rằng họ không thể dùng thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, hầu hết bệnh nhân không nhận được đơn thuốc sau khi khám sẽ cảm thấy bị lừa và có thể tìm đến bác sĩ khác cho đến khi có được đơn thuốc. Vì vậy, đó là vấn đề về tư duy,” ông Weil nói.

Một cách tiếp cận tích hợp

Một số người khi nghe đến chăm sóc sức khỏe theo hướng y học tự nhiên có thể hình dung ra một tình huống cực đoan, trong đó mọi người cố gắng giải quyết các vấn đề y tế nghiêm trọng bằng cải xoăn và tinh thể theo cách ngốc nghếch. Tuy nhiên, cách tiếp cận tích hợp mà ông Weil ủng hộ nhấn mạnh một điều gì đó hài hòa hơn nhiều.

Cách tiếp cận này chọn lọc những tính năng tốt nhất mà y học tự nhiên và y học thông thường sở hữu và áp dụng một cách khôn ngoan với từng loại.

Ví dụ, rõ ràng là những tiến bộ y học hiện đại có khả năng điều trị các bệnh cấp tính và một số lĩnh vực chính vượt trội hơn nhiều so với y học tự nhiên, chẳng hạn như kiểm soát chấn thương, giải quyết bệnh nặng tiến triển nhanh chóng. Y học hiện đại cũng có những thuốc tối ưu để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (mặc dù việc phụ thuộc quá nhiều vào chúng sẽ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc) và các phương pháp hiệu quả để kiểm soát huyết áp.

Ông Weil nói: “Đó là tất cả ví dụ về các khía cạnh mà y học hiện đại chiếm ưu thế. Tôi thường đưa ra ví dụ này: Nếu tôi bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, trước tiên tôi sẽ không đến gặp bác sĩ nắn xương hay bác sĩ thảo dược. Tôi muốn đến một trung tâm chấn thương và được chữa trị. Nhưng sau đó, ngay khi có thể, tôi sẽ dùng các phương pháp khác để đẩy nhanh quá trình lành bệnh.”

Tuy nhiên, phần lớn các bệnh lý thời nay thường không liên quan đến chấn thương hoặc nhiễm trùng mà bắt nguồn từ lối sống sai lầm. Và kết quả của việc áp dụng kỹ thuật y tế hiện đại cho những loại bệnh trên đã nói lên điều đó. Hãy xem xét bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh kinh niên, cao huyết áp và bệnh tâm thần, chúng đã gia tăng mạnh mẽ trong vài thập niên vừa qua.

Y học hiện đại cung cấp công cụ để quản lý những bệnh này, nhưng hiệu quả mang lại thường hạn chế, và nếu có, hướng dẫn về cách ăn uống hoặc lối sống có thể thực sự xoay chuyển tình thế.

“Loại thuốc mà y học hiện đại sử dụng thường quá đắt do liên quan đến công nghệ đắt tiền. Điều đó đang nhấn chìm chúng ta về mặt kinh tế và khiến chúng ta phải chịu những hậu quả tồi tệ về sức khỏe. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi điều này,” ông Weil nói.

Giá trị của mối quan hệ trị liệu

Thời nay, bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ tích hợp để được chữa trị, nhưng bảo hiểm sẽ rất ít khi chi trả cho họ. Thay vào đó, họ phải bỏ tiền túi cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu phương pháp tích hợp này được áp dụng cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ? Chiến lược này sẽ liên quan đến việc chuyển trọng tâm của y học từ dược phẩm để quản lý triệu chứng (và nhiều loại thuốc hơn để kiểm soát tác dụng phụ) sang phòng ngừa và cải thiện sức khỏe. Chiến lược cũng sẽ bao gồm các phương pháp điều trị hiệu quả chủ đạo không phụ thuộc vào thuốc và công nghệ đắt tiền.

Tuy nhiên, làm như vậy nghĩa là các bác sĩ sẽ phải dành nhiều thời gian hơn với bệnh nhân và bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm trong việc đưa ra những thay đổi phù hợp.

“Khi tư vấn cho bệnh nhân, tôi thường mất cả tiếng đồng hồ. Tôi dành nửa đầu thời gian để tìm hiểu về tiền sử của họ, sau đó đưa ra lời khuyên. Tôi có thể làm điều đó trong 30 phút nếu bắt buộc, nhưng cần có khoảng thời gian phù hợp để tôi có thể hiểu và thiết lập mối quan hệ trị liệu với họ,” ông Weil nói.

Nhiều bác sĩ giới thiệu cho bệnh nhân về nghệ thuật sống lành mạnh ở thời cổ đại. Lời khuyên này hầu như không phải là tiêu chuẩn chăm sóc thời nay, nhưng có lẽ nó thậm chí còn quan trọng hơn bao giờ hết vì chúng ta đang sống trong một thế giới với vô số cạm bẫy không lành mạnh.

Ngay cả với những người chỉ đơn giản là muốn hướng đến lối sống lành mạnh, vẫn có vô số thứ đang ngăn cản họ. Đặc biệt, ở Hoa Kỳ, những thực phẩm không lành mạnh nhất thường là loại rẻ và sẵn có nhất. Các khoản trợ cấp của chính phủ liên bang đối với hoa màu thương phẩm đã tạo ra những nguyên liệu rẻ đến mức thảm hại mà các nhà sản xuất ưa chuộng—những thứ như syrup ngô với hàm lượng fructose và dầu đậu nành đã tinh chế cao.

Ở một khía cạnh khác, các bác sĩ, bệnh viện và công ty bảo hiểm có điều kiện lập kế hoạch điều trị dựa trên các thử nghiệm thuốc chứ không phải hướng dẫn về lối sống. Những nghiên cứu này có thể cung cấp bằng chứng về một loại thuốc, nhưng không cho thấy bức tranh toàn cảnh.

Ông Weil nói: “Khi chúng tôi nghiên cứu thuốc, chúng tôi thử nghiệm chúng với giả dược, chúng tôi không thử nghiệm với sự thay đổi lối sống, đây sẽ là dữ liệu hữu ích hơn nhiều nếu có thể thực hiện.”

Để cho mọi người hiểu được chi phí cao và hiệu quả kém của y học thông thường là một yếu tố quan trọng trong việc thể hiện những điểm mạnh của phương pháp tiếp cận tích hợp. Nhưng làm thế nào để người tiêu dùng biết được họ thực sự đã nhận những gì từ số tiền chăm sóc sức khỏe và số tiền này có thể chi tiêu tốt hơn như thế nào?

Ông Weil đề xuất ý tưởng về việc thực hiện những nghiên cứu giúp làm rõ thông điệp. Nghiên cứu sẽ liên quan đến việc thu thập dữ liệu về kết quả và hiệu quả của điều trị tích hợp so với điều trị thông thường với các bệnh kinh niên. Bạn sẽ theo dõi hai nhóm lớn, ghép họ theo độ tuổi và chẩn đoán y tế, rồi so sánh về kết quả, chi phí và sự hài lòng của bệnh nhân theo thời gian.

“Loại dữ liệu này là những gì chúng ta thực sự cần để giúp người tiêu dùng thấy được lợi ích của phương pháp tích hợp. Tôi khá chắc rằng chúng ta có thể làm được điều đó,” ông Weil nói. “Vấn đề là Viện Y tế Quốc gia không cảm thấy đây là nhiệm vụ cần thiết của họ. Vậy ai sẽ làm điều đó?”

Do nghiên cứu sẽ cần rất nhiều kinh phí để có được dữ liệu chất lượng và cũng bởi những người quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại không quan tâm đến việc tài trợ cho một thử nghiệm khám phá ra ưu điểm của y học tự nhiên, ông Weil đề xuất chúng ta có thể hướng đến các khoản tài trợ tư nhân. Chúng ta có thể bắt đầu với một vài nghiên cứu thí điểm ban đầu, nhưng ông nói rằng thông tin mà thử nghiệm tạo ra sẽ là vô giá với các tập đoàn hiện đang gặp khó khăn về chi phí chăm sóc sức khỏe.

“Họ chỉ quan tâm đến những gì mang lại hiệu quả. Và họ không bị ràng buộc bởi hệ thống y tế. Vì vậy, đây là một sáng kiến mà tôi và những người ở trung tâm đang làm— cố gắng thực hiện ít nhất một số nghiên cứu ban đầu,” ông Weil cho biết.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.


Conan MilnerConan Milner

Conan Milner

BTV Epoch Times Tiếng Anh

Anh Conan Milner là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Anh tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Lương y Hoa Kỳ.


Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

share iconshare iconCHIA SẺ

CHIA SẺ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn