Kết luận giám định pháp y nào có giá trị pháp lý?

Bài viết “Thương tật 0% vẫn bị truy cứu trách nhiệm… hình sự!?”  đăng trên báo Pháp luật Việt Nam có  đề cập đến trường hợp Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an thị xã Long Khánh (Đồng Nai)  trưng cầu giám định và Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự (PVKHKTHS) Bộ Công an kết luận “tỷ lệ 0%”. Thế nhưng, cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cho rằng, kết luận này chỉ có giá trị … tham khảo và dùng kết luận ban đầu để truy cứu trách nhiệm hình sự một bị can. Vấn đề gây tranh cãi là áp dụng kết luận nào để làm cơ sở pháp lý?

Kết luận của Phân viện KHKTHS chỉ để… tham khảo!?

 

Theo cáo trạng của VKSND thị xã Long Khánh (TXLK), do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai, Hồ Cao Thái cùng vợ là Phạm Thị Trinh dùng rựa đến chặt chôm chôm của bà L.T.L. Bà L, chạy ra ngăn cản thì bị Thái và Trinh dùng sống rựa đánh vào vai. Chưa hết, sẵn trên tay cầm tầm vông, Thái còn đánh vào người bà L rồi kéo lê nạn nhân đến khoảng 10m… 

 

Ngày 19/7/2006 Tổ chức giám định pháp y tỉnh Đồng Nai, kết luận tỷ lệ thương tật của bà L là 11% tạm thời. Từ kết quả này, ngày 10/10/2006, cơ quan CSĐT Công an TXLK đã khởi tố vụ án , khởi tố bị can và bắt tạm giam Hồ Cao Thái về tội “Cố ý gây thương tích”. Riêng Phạm Thị Trinh được tại ngoại.

 

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, hai bị can đều cho rằng, không đánh bà L và đề nghị giám định lại thương tật của nạn nhân. Ngày 19/12/2006, PVKHKTHS (Bộ Công an) kết luận, tại thời điểm giám định, bà L không để lại di chứng sau thương tích nên không xếp hạng tỷ lệ thương thương tật (0%). 

 

 

Kết luận nào có giá trị pháp lý?

Với kết luận này, Cơ quan CSĐT cũng như VKS cho rằng “Chỉ là tài liệu tham khảo. Bởi vết thương sau gần nửa năm đã điều trị bình phục” và vẫn truy cứu Thái và Trinh theo khoản 2 Điều 104 BLHS tội “cố ý gây thương tích”.

 

Việc cơ quan THTT của TXLK vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự Thái và Trinh có hai luồng ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho rằng, phải căn cứ vào kết luận của PVKHKTHS (0%) để đình chỉ vụ án. Vì đây là kết quả sau cùng mà cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định. Quan điểm ngược lại, là vẫn có thể sử dụng kết quả ban đầu (11%) để truy tố Thái và Trinh. Vấn đề đặt ra là kết luận nào có giá trị pháp lý?

 

 

Một vấn đề tranh cãi khác (xảy ra rất nhiều vụ án hiện nay) là cơ quan THTT lấy tỷ lệ thương tật tạm thời hay vĩnh viễn để làm chứng cứ xử lý hình sự? Hiện nay, luật chỉ mới quy định tỷ lệ thương tật, chứ không đề cập đến tạm thời hay vĩnh viễn nên việc lấy tỷ lệ tạm thời hay vĩnh viễn đều bỏ ngỏ. Giám định viên Cao Xuân Trung – Phân viện KHKTH (người trực tiếp giám định vụ án này) cho rằng, thường phải sử dụng thương tật vĩnh viễn mới chuẩn xác. Vì thương tật tạm thời là thương tật ban đầu chưa biết có để lại di chứng hay không? Có những thương tật được kết luận tạm thời, nhưng sau đó tỷ lệ lại tăng lên hoặc giảm đi (như vụ án nêu trên). Ông Trung cũng cho biết thêm, thường thì những vụ án gây tranh cãi về tỷ lệ thương tật thì cơ quan THTT rất thận trọng về kết luận của cơ quan giám định. Khi có xung đột thì cần phải giám định lại để tránh oan sai.

Ngày 3/5, chúng tôi đã gặp đại tá Phạm Ngọc hiền – Phó Viện trưởng VKHKTHS Bộ Công an kiêm Phân viện trưởng PVKHKTHS phía Nam – người đã ký kết luận giám định sau cùng. Theo ông Hiền, điểm c khoản 2 Điều 64 Bộ Luật TTHS đã quy định, kết luận giám định là một chứng cứ của vụ án. Đây có thể xem là một chứng cứ khoa học để giúp cơ quan THTT đánh giá ban chất vụ án đúng hay sai. Sau khi trưng cầu, cơ quan giám định có kết luận, mà cơ quan THTT không đồng ý kết luận thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa đầy đủ thì phải giám định lại theo thủ tục chung (khoản 2 Điều 73 BLTTHS). Như vậy, trong trường hợp không sử dụng kết luận của Phân viện, Cơ quan THTT TXLK phải nêu rõ lý do chứ không thể xem đây là tài liệu tham khảo được. Còn việc dựa vào kết luận nào, theo ông Hiền là quyền của cơ quan THTT “Nhưng trong vụ án này, cơ quan THTT cũng có thể dựa vào kết luận của Phân viện để đình chỉ vụ án cũng không có gì sai sót” – ông Hiền khẳng định.

 

Coi chừng giám định sai! 

 

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp y, ông Vũ Dương – Viện trưởng Viện pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, phải sử dụng kết quả sau cùng mới chuẩn xác. Ông Dương lý giải “do giám định sau bao giờ cũng được giám định ở mức cao hơn (về con người cũng như trang thiết bị). Giám định ở đây là giám định đến tổn hại sức khỏe, thì phải lấy kết quả sau cùng mới chính xác”. Ông Dương đưa ra ví dụ “một người bị một vết bầm, gây tụ máu sưng lên, không thể vận  động được. Giám định lúc này là rất cao. Nhưng sau khi điều trị, tan máu bầm, vận động được. Chứng tỏ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, lúc này giám định mới chuẩn xác”.

 

Ông Dương cũng cho biết, cơ quan CSĐT cũng có thể lấy kết quả giám định ban đầu để khởi tố vụ án, nhưng đến giai đoạn nào mà có kết luận giám định mới, thì cơ quan THTT phải lấy đó làm căn cứ. Để chứng minh, ông Dương đã dẫn chứng một vụ cố ý gây thương tích xảy ra ở Giông Trôm (Bến Tre). Tỷ lệ thương tật tạm thời  được giám định lên đến 50%, nhưng sau đó Viện pháp y Quốc gia giám định lại (khoảng 6 tháng sau) và cho kết quả 0%. Vụ án đã được đình chỉ.
 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không cần đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự bị can Thái và Trinh có oan sai hay không?. Nhưng những gì đã xảy ra trong thực tế và cơ quan pháp lý mà những nhà khoa học về pháp y đã nêu ra, thì cơ quan THTT TXLK cũng hết sức thận trọng xem lại vụ án, tránh trường hợp giam sai (đã bị giam 5 tháng).

 

Theo Báo Pháp luật Việt Nam