Hợp tác đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay | Tạp chí Quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ thanh niên Việt Nam thất nghiệp năm 2020 có thể lên tới 13,2% – cao gần gấp đôi năm 2019 (chỉ 6,9%)1. Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo do chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp đã phải đào tạo lại. Để giải quyết bài toán này, đó là việc cần thiết nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay” trong việc đào tạo cho sinh viên. Bài viết dưới đây tập trung làm sáng tỏ sự cần thiết của mối quan hệ hợp tác này.

Về mô hình hợp tác đại học với doanh nghiệp

Ý tưởng liên kết, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp (DN) được đề xướng bởi Willhelm Humboldt nhà triết học người Đức. Theo ông, trường đại học ngoài chức năng đào tạo phải có chức năng nghiên cứu và hợp tác với các ngành công nghiệp. Năm 1810, ông sáng lập Trường Đại học Berlin với điểm khác biệt so với các trường đại học khi đó là chuyển trọng tâm sang nghiên cứu hỗ trợ hoạt động đào tạo, đặc biệt phát triển các lĩnh vực công nghệ phục vụ cho mục đích dân sự và mục đích quân sự, góp phần đưa nước Đức trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới2.

Ở Việt Nam, hợp tác giữa đại học và DN được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Các văn bản tuyên bố chủ trương và chỉ đạo khẳng định: các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các DN, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi DN là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học – công nghệ… So với thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu và Mỹ thì Việt Nam đi sau các nước trong thời gian dài, chính vì vậy, các chính sách, cơ chế và giải pháp thực thi trong thực tiễn từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương còn thiếu nhất quán3.

Sự hợp tác giữa đại học và DN là sự tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa trường đại học và các DN nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; kích thích sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các DN; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.

Sự cần thiết hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay

Nền kinh tế nước ta lâu nay dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trong thế giới kỷ nguyên số, tất cả những yếu tố trên không còn là thế mạnh của chúng ta.

Xuất phát từ thực trạng nguồn lao động của Việt Nam, chủ yếu là lao động tay nghề thấp, nên dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Trước tình hình đó, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cấp thiết. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ trên nhiều phương diện, trong đó vai trò của các trường đại học hiện nay được xem là một trong những khâu quan trọng đầu tiên. Để đào tạo gắn liền với thực tiễn nhu cầu mà các DN cần, đòi hỏi các trường đại học phải có sự hợp tác với DN.

Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng sau khi tiếp nhận sinh viên về làm việc, phần lớn sinh viên ra trường chưa thể bắt tay ngay vào làm những công việc chuyên môn; sinh viên không thể tự lên kế hoạch học tập để hoàn thiện mình trong công việc; sinh viên thiếu hoặc chưa có những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc được giao.

Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn công việc tại DN là yêu cầu cấp bách và không chỉ dừng lại ở vấn đề nhà trường chỉ lo tìm chỗ thực tập cho sinh viên hay xin cấp học bổng mà cần đi vào thực chất về nhu cầu năng lực, trình độ của người lao động có đáp ứng yêu cầu của DN. Sự hợp tác đại học và DN sẽ trả lời các câu hỏi này và mang lại những lợi ích cơ bản sau:

Thứ nhất, về phía các trường đại học. Hợp tác với DN góp phần xây dựng mục tiêu, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của DN. DN cử các nhà quản lý, nhà tuyển dụng, chuyên gia tham gia vào việc xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo dựa trên cơ sở chương trình khung và dạy cái gì mà xã hội cần, người học cần. Từ đó, các trường đại học kịp thời nắm bắt các thông tin, cập nhật kiến thức, điều chỉnh nội dung, chương trình, dự báo các ngành nghề mới theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất để tiến kịp với sự phát triển của đời sống xã hội.

Khi nhà trường hợp tác chặt chẽ với DN, sinh viên được tham quan, học tập tại DN, có điều kiện thực hành trên những thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để sau khi ra trường có thể bắt kịp với thực tế sản xuất. Thông qua các hợp đồng đào tạo, DN sẽ đóng góp kinh phí đào tạo, góp phần bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cũng như cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Hợp tác với DN, giúp nhà trường cải tiến tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Thông qua mối quan hệ với các DN, các trường đại học có thể mời chuyên gia tại các các DN tham gia cùng sinh viên các trường đại học để thảo luận, điều chỉnh mục tiêu, nội dung để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thông qua việc hợp tác với DN, góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Thứ hai, về phía DN. Hợp tác giúp DN có thể tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều sinh viên, có điều kiện để theo dõi, đánh giá tác phong làm việc cũng như kiến thức và năng lực của sinh viên một cách chính xác nhất. Qua đó, DN có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của mình.

DN luôn có nhu cầu cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất – kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất nên phải tìm kiếm những phát minh, sáng chế, những sản phẩm khoa học và công nghệ có tính khả thi để tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững. Các trường đại học với vai trò là trung tâm nghiên cứu thường sở hữu các kết quả nghiên cứu, tri thức và công nghệ mới sẽ chính là nơi mà các DN cần. Do đó, hợp tác đại học và DN giúp DN tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu mới nhất, cập nhật nhanh nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN. Hợp tác sẽ giúp họ nâng cao khả năng nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chương trình đào tạo của các trường đại học, vì họ được phép đánh giá chất lượng đào tạo thông qua sinh viên kiến tập, thực tập tại DN.

Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho các trường đại học và tham gia thỉnh giảng tại các trường đại học mà mình hợp tác, DN cũng sẽ được hưởng lợi khi chất lượng sản phẩm đào tạo của ĐH đáp ứng được yêu cầu của DN. Từ đó, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh của DN. DN là những người đi tắt đón đầu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, do đó, DN có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và thiết thực từ các trường đại học nhằm cải tiến, nâng cao sản phẩm của DN.

Thứ ba, về phía sinh viên. Hợp tác đại học và DN giúp sinh viên có cơ hội được lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, được củng cố về kỹ năng làm việc và hơn nữa là nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường. Học tập tại DN giúp sinh viên được trau dồi kiến thức thực tế, học hỏi thêm các kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, giúp sinh viên trưởng thành hơn rất nhiều. Việc hợp tác này cũng giúp sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng và tiếp cận sớm với các tổ chức tuyển dụng, tạo cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp, đồng thời, sinh viên có thêm thu nhập khi tham gia vào hệ thống của DN.

Thứ tư, về phía xã hội. Hợp tác đại học và DN giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho vùng, giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

Một số giải pháp nhằm thúc đẩy mô hình hợp tác đại học với doanh nghiệp

Một là, về phía các cơ quan nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy sự hợp tác giữa đại học và DN. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa đại học và DN. Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo đó, các trường đại học cần được tự chủ về quy mô đào tạo, chương trình, nội dung đào tạo, hình thức tuyển sinh, nguồn nhân lực, thu chi nguồn tài chính.

Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm của DN trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo và hỗ trợ các trường đại học trong quá trình đào tạo. Tạo môi trường, sân chơi, các diễn đàn để đại học và DN gặp nhau, như sàn giao dịch công nghệ hay gặp gỡ đại học và DN… Thay đổi cơ chế vận hành của hệ thống, bao gồm cả hệ thống kinh tế và chính trị, sao cho mọi thành phần của hệ thống đều phải cạnh tranh một cách minh bạch và bình đẳng.

Hai là, về phía các trường đại học. Cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và DN để từ đó xây dựng khung chương trình, giảng dạy, biên soạn, cải tiến giáo trình giảng dạy, hình thức đào tạo, đánh giá sinh viên, nâng cao năng lực tự học của sinh viên sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của DN trong từng giai đoạn. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp giải quyết những vấn đề thực tế của DN ngay từ khi ở trong nhà trường. Cử các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học tập, trao đổi kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình đào tạo. Phối hợp cùng DN tổ chức cho sinh viên tham quan, thực tập, tìm hiểu quy trình sản xuất, những công nghệ hiện có nhằm giúp sinh viên định hướng được ngành nghề mình đang học và xác định mục tiêu học tập của sinh viên.

Cần tạo mối quan hệ thật chặt giữa trường và đơn vị sử dụng lao động để sinh viên sẽ có môi trường thực tập, doanh nghiệp cũng sẽ cùng với nhà trường để “song giảng”, tức trường dạy lý thuyết thì DN dạy thực tiễn. Các trường đại học cần phải bảo đảm tính tiên tiến, hiện đại của chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu DN.

Huy động sự tham gia của DN vào việc hỗ trợ tài chính (học bổng, đề tài nghiên cứu khoa học…), cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của DN đối với Nhà trường như tham gia vào Hội đồng trường, ban cố vấn của hội đồng DN để tiếp nhận khuyến nghị từ DN; các nhà trường cũng cần xem xét về điều chỉnh thời gian đào tạo, giảm thiểu thời gian đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học với DN.

Ba là, về phía DN. Thông tin cho các trường đại học về nhu cầu nguồn nhân lực của DN mình. DN cùng tham gia đào tạo bằng cách đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế. Hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất thông qua các hình thức hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học, xây dựng khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho giảng dạy và học tập. Cử các chuyên gia, chuyên viên, công nhân lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên trong quá trình thực tập. Tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học hỏi kinh nghiệm.

Bốn là, về phía sinh viên. Xác định được tầm quan trọng của ngành nghề mà mình theo học. Phải có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng trong quá trình học tập. Không ngừng học tập, rèn luyện, không chỉ học các nội dung trên lớp mà còn cần tham gia các diễn đàn, hội thảo tổ chức giữa nhà trường và DN, tham gia nghiên cứu khoa học… nhằm vận dụng các kiến thức đã học và thực tế DN.

Chú thích:
1. Đinh Văn Toàn. Hợp tác đại học – doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, tập 32, số 4/2016.
2, 3. Hơn 100.000 cử nhân thất nghiệp và sự lãng phí tiền bạc, tuổi trẻ. http://mitaco.ltđ, ngày 02/11/2020.
Tài liệu tham khảo:
1.  Đào Duy Huân. Kỷ yếu hội thảo khoa học: Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức năm 2018. NXB. Đà Nẵng.
ThS. Phạm Thị Hằng
Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh