Hồn quê trong bài thơ “Chợ Tết”
Tự bao đời, sau lũy tre làng là cả một không gian nông thôn đầy ắp bóng mát của cây vườn, của tre trúc bao quanh. Ở đó, hồn quê như đọng lại, ít đổi dời bởi nhịp sống diễn ra chầm chậm, lắng sâu; không ồn ào, náo nhiệt như chốn thị thành…
Những nét đẹp truyền thống của ngàn xưa như được ấp ủ, chắt chiu, chờ dịp Tết đến xuân về mới thăng hoa. Bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã ghi lại một cách sinh động, mang đầy tâm trạng của một con người trước cảnh chợ ngày Tết – mà nơi đó phô bày những nét đẹp hồn nhiên, sâu xa của hồn quê một thuở. Càng lùi xa theo dòng năm tháng, “Chợ Tết” càng được người đọc quý mến trước những tấm hình ghi lại một cách sống động cảnh sinh hoạt tiêu biểu của làng quê và chỉ có chốn làng quê mới có được cảnh sắc hồn hậu này. Thời gian nghệ thuật trong bài “Chợ Tết” được cấu trúc theo thời gian tuyến tính. Chợ được bắt đầu nhóm họp vào lúc trời còn mờ sương.
Mở đầu là cảnh sáng sớm, mọi người náo nức đến chợ trong niềm vui lan sang cùng cây cỏ, đất trời: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”. Sắc màu thiên nhiên từng lớp đan xen vào nhau, tạo cho cảnh vật có một không gian đầy vẻ thanh bình, yên ắng. Màu mây trắng đỏ dần, sương có màu hồng lam, con đường viền trắng, đồi màu xanh – chỉ bốn câu thơ mà đã có sáu màu hòa lẫn. Thơ Đoàn Văn Cừ giàu màu sắc tươi vui bởi tâm hồn ông gắn bó máu thịt cùng đồng quê, làng xóm… Cách tả cái nắng của ông cũng có nhiều khác lạ. Nắng ở đây xao động; trong nắng lại có gió và màu vàng của nắng trộn lẫn cùng màu xanh của đồng lúa tạo nên màu “nắng tía” lung linh, sống động cực đẹp (Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa). Sức sống của mùa xuân thật kỳ diệu! Nó biến giọt sương mai thành giọt sữa nồng nàn, cội nguồn của sự sống (Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa). Nó làm cho cả núi đồi cũng thi nhau làm duyên khi xuân về (Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh).
Nói đến chợ, đặc biệt là chợ ngày Tết là nói đến không gian sắc màu lung linh, huyền ảo rất mộng mà cũng rất thực. Nếu ở trên miêu tả sắc màu thiên nhiên thì ở đoạn dưới là sắc màu của trăm hồng ngàn tía của cuộc sống đời thường khoe sắc trong nắng ban mai. Toàn bài thơ có tới hai mươi ba màu khác nhau nhưng cùng tô điểm cho ngày chợ Tết thanh bình, náo nhiệt. Trẻ con thích cùng người lớn đi chợ Tết vì được ngắm thỏa thích những món hàng, đồ vật mà nhiều khi chỉ trong chiêm bao mới thấy. Nếu tuổi ấu thơ của Nguyễn Duy “Níu váy bà đi chợ Bình Lâm” thì những đứa trẻ ngày xưa cũng cùng tâm trạng khi được đi chợ chung trong đoàn người: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/ Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ”. Mỗi lứa tuổi đều có thần sắc riêng, những nét ảo diệu riêng mà chỉ có tác giả “Chợ Tết” mới cảm nhận được qua từng hành động, cử chỉ (những thằng cu chạy lon xon, cụ già chống gậy bước lom khom…). Một hình ảnh hết sức độc đáo, thật ngộ nghĩnh, chắc chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng tác giả kịp thời ghi lại được vào ống kính của một tâm hồn nhạy cảm (Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu/ Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau).
Nắng sớm đã lên và cảnh họp chợ diễn ra thật ồn ào, tưng bừng. Miêu tả làm sao cho người đọc thấy được cảnh chen lấn, cảnh nhốn nháo, đông đúc của chợ Tết. Nhưng làm sao để thấy được, đặc tả được chi tiết ở từng người, từng vật; thấy được cả tập quán, phong tục đến đặc tính của mỗi hạng người là điều không dễ dàng chút nào! Vậy mà người đọc vẫn không chán, vẫn hồi hộp, mê say dõi theo chợ Tết từ lúc nhóm họp cho tới lúc vãn chợ. Thông thường nơi bán trâu ở ngay đầu cổng chợ vì trâu là loài gia súc lớn, không thể dắt nhong nhong vô chợ đông người ngày Tết được. Điều đặc sắc ở đây là ông dùng biện pháp nhân hóa để miêu tả con trâu cũng có “tâm trạng” như con người (Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/ Để lắng nghe người khách nói bô bô). Người khách mua trâu (còn gọi là lái trâu) thường mỗi khi ra một giá là một lần vỗ tay đánh đét một cái. Cứ như vậy chừng nào thuận mua vừa bán mới thôi và họ ngồi gần nhau như chưa hề có cảnh vỗ tay, gân cổ trả giá “quyết liệt” xảy ra hồi nãy. Có những cảnh gợi lên một thời xa vắng, một thời đầy sắc màu cổ tích trong khung cảnh chợ quê ngày Tết. Cứ tưởng tượng trong khói hương trầm ngào ngạt, trong bảng lảng sương mờ; có những cảnh bây giờ chỉ còn trong trang sách phong tục: “Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”. Cách miêu tả của nhà thơ khá độc đáo: chấm vào những nét đắc địa nhất của từng nhân vật.
Có thể nói câu thơ tài hoa nhất của bài thơ là câu tả hình ảnh bà cụ với cái nền ngôi miếu cổ đã làm nổi bật màu tóc trắng bởi dòng nước thời gian (Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau). Ở đây, thời gian được ví như nước và “màu tóc trắng” khéo léo diễn tả bước đi thầm lặng của thời gian qua một đời người. Vô tư, hồn nhiên nhất là đám trẻ con và những cô thôn nữ mới lớn. Chính những thiên thần này háo hức với chợ, nhạy cảm với những sắc màu, diễn biến của cảnh mua bán ồn ào, náo nhiệt: “Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi/ Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi/ Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa”. Những “bức tranh gà” có sức hút lũ trẻ ghê gớm, mặc cho chị gọi khản cổ mà chẳng chịu buông ra để đi về và những cô gái thôn quê – không biết họ nghe kể chuyện gì, thích cái gì mà cứ “ôm nhau cười” tưởng chừng không dứt. Tác giả đã thấy được tính cách của những nàng thôn nữ tuổi trăng tròn, vừa muốn không cho ai thấy mình vừa muốn ai cũng chú ý đến mình. Rồi những sản vật ngày chợ Tết được bày ra để mời gọi, hấp dẫn người mua với những sắc màu bắt mắt và cảnh mua bán, xem xét được miêu tả rất độc đáo, sống động như ta vừa chứng kiến một đoạn phim (Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem). Chợ tưng bừng, náo nhiệt như thế nhưng cũng có lúc phải vãn. Mọi người lần lượt trở về nhà, để lại đằng sau là cảnh chợ vắng bóng người, vắng bặt những tiếng rì rầm to nhỏ mua bán… Và ta như nghe cả tiếng thở dài tiếc nuối của thời gian, của đất trời khi chợ Tết đã tan. Chợ Tết nhóm họp từ lúc bình minh tới lúc gần đêm mới vãn người. Trong khoảng thời gian nhộn nhịp ấy, bao niềm vui, nỗi buồn đều đi về theo từng nẻo đường xuôi ngược. Bao tâm tình đã sẻ chia, đồng cảm; bao lứa đôi đã kịp hẹn hò; bao câu chuyện dở dang chưa kịp nói lời sau chót. Có khi vậy mà hay, mà nhớ suốt đời.
Cảnh chợ Tết tàn mới buồn làm sao! Bởi mới đây thôi còn náo nhiệt, rộng ràng mua bán. Giờ đã đến lúc ra về vì phía sau những lũy tre lập lòe đom đóm, bao nỗi niềm đang chờ bà, chờ mẹ, chờ chị mang hương vị Tết về nhà. “Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm/ Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh/ Trên con đường đi các làng hẻo lánh/ Những người quê lũ lượt trở ra về/ Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Chợ quê bây giờ hãy còn nhưng cảnh sắc chợ quê ngày Tết xưa hầu như dần vắng bóng. Đâu rồi những háo hức, những đợi chờ ngày Tết đến để được đi chợ cùng mẹ, cùng bà? Đâu rồi những thôn nữ chợ quê “ôm nhau cười rũ rượi”, tiếng cười hồn nhiên sau lũy tre còn vọng tới bây giờ?…
Đã 84 năm trôi qua (bài thơ ra đời năm 1939), hôm nay đọc lại “Chợ Tết”, ta vẫn nghe hồn quê gọi về trong gió Tết nao nao. Hồn quê một thuở có còn không? Hồn quê vẫn mãi mãi còn, bởi dù chốn thị thành không cây đa, bến nước – nhưng mỗi người khi bước chân vào thị thành, nhìn kỹ lại vẫn thấy gót chân mình còn vương vệt bùn của đất mẹ ngàn năm…
Thạch Hoài Lam
Tài liệu tham khảo: Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm – NXB Hội Nhà văn, 2004.