‘Hơn 200 nhân viên ở BV Bạch Mai nghỉ việc là chuyện bình thường’
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai khẳng định nhiều nhân viên nghỉ việc không phải là tình trạng chảy máu chất xám mà thể hiện sự tinh gọn nhân sự để tăng hiệu quả khi hoạt động.
‘221 nhân viên ở Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc không phải bất ổn’ Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định thông tin 200 cán bộ cao cấp nghỉ việc là không chính xác.
“Bên ngoài có những lời chào hấp dẫn, thậm chí họ trả hơn 100 triệu đồng/tháng cho các bác sĩ. Rõ ràng nhân viên của chúng tôi có sự lựa chọn để điều chuyển. Đó là điều bình thường, dễ hiểu”.
Đây là một trong số nhiều nội dung ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trao đổi với Zing về sự việc 221 nhân viên xin thôi việc, chuyển công tác.
Thu nhập của nhân viên giảm 1/3
– Xin ông cho biết hơn 200 người vừa nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai là ai, họ phụ trách các công việc gì?
– Tôi xin đính chính rằng thông tin hàng trăm cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai thôi việc là có thật, nhưng nói hơn 200 cán bộ cấp cao là không chính xác. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết gửi Bộ Y tế đính kèm danh sách cụ thể từng trường hợp.
Từ 17/2/2020 đến 13/3/2021, 221 người đã thôi việc và chuyển công tác. Trong đó, xét theo trình độ, họ gồm một phó giáo sư; 13 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; 13 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I; 23 người có trình độ đại học; 171 trường hợp còn lại không thuộc nhóm trên, chủ yếu là lao động phổ thông. Trong số này, 49 người là nhân viên biên chế, 18 người thuộc diện hợp đồng chuyên môn.
– Theo ông, nguyên nhân khiến hàng trăm nhân viên nghỉ việc là gì?
– Năm 2020 gắn liền nhiều sự kiện đối với hệ thống y tế cũng như Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt là Covid-19 làm ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động chuyên môn. Trước đây, với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, lượng bệnh nhân tới Bệnh viện Bạch Mai rất đông. Bệnh viện tiếp nhận trung bình 5.000-5.500 bệnh nhân nội trú, 6.000-7.000 người đến khám mỗi ngày.
Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: HQ.
Khi Covid-19 xuất hiện, đặc biệt ngày 18/3/2020, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận ca mắc đầu tiên, lần đầu tiên sau 110 năm, chúng tôi phải đóng cửa. Hai tuần phong tỏa là thời điểm rất khó khăn của viện. Sau đó, nước ta tiếp tục ghi nhân các làn sóng Covid-19 khiến số lượng bệnh nhân khám và điều trị tại viện giảm nhiều.
Đỉnh điểm có ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận dưới 1.000 bệnh nhân nội trú và 1.000 bệnh nhân ngoại trú, con số giảm rất sâu làm ảnh hưởng doanh thu của viện.
Năm 2020, bệnh viện lỗ 2.000 tỷ đồng (30% so với 2019). Kéo theo đó, thu nhập của nhân viên cũng giảm ít nhất 1/3
Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai
Khi số lượng bệnh nhân quay trở lại bình thường, chúng tôi không để họ nằm ghép. Vì vậy, số lượng bệnh nhân tối đa là 3.000-3.100 người trên tổng số 3.000 giường bệnh. Số bệnh nhân ít đi, doanh thu từ các hoạt động khác như giường tự nguyện cũng giảm nhiều. Máy móc trong đề án xã hội hóa cũng được đưa về giá bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, đủ.
Chính những tác động đó khiến doanh thu năm 2020 của viện giảm 2.000 tỷ đồng (30% so với 2019). Kéo theo đó, thu nhập của nhân viên cũng giảm ít nhất 1/3.
Nguyên nhân thứ 2 là tâm lý căng thẳng của nhân viên. Trước hết là sự căng thẳng trong bối cảnh Covid-19 đang bùng phát với vai trò là cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch.
Ngoài ra, năm 2020, chúng tôi chịu áp lực khi là bệnh viện đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, tức tự trang trải cho các hoạt động của viện, lại trong bối cảnh khó khăn và phải đảm bảo cho gần 4.300 cán bộ viên chức.
Vận hành bệnh viện trong bối cảnh như vậy đòi hỏi phải kiện toàn, tinh gọn. Do đó, những bộ phận không còn chức năng, ý nghĩa phải tinh gọn, giải thể. Chẳng hạn nhà tang lễ, trông giữ xe, vệ sinh, nước nóng lạnh thu tiền, bán báo…
Từ đó, bệnh viện phát sinh lao động dư, phải chấm dứt hợp đồng. Chưa kể hoạt động của hệ thống nhà thuốc, từ 10 nhà thuốc với hàng trăm cán bộ, giờ tinh gọn còn 5. Chỉ với 2 hoạt động tinh gọn như vậy thôi đã giảm hơn 100 lao động phổ thông và dược sĩ trung học. Chúng tôi chấm dứt hợp đồng lao động theo luật và hỗ trợ chế độ thôi việc nên người lao động thông cảm và không có ý kiến nhiều.
Dù khó khăn, viện vẫn có những đổi mới như triển khai chăm sóc toàn diện. Điều đó tạo áp lực cũng như sự vất vả hơn cho cán bộ nhân viên khi đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân.
Những nếp cũ nếu để ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, chúng tôi cương quyết thay đổi. Chẳng hạn, những lỗi vi phạm như nhân viên y tế tạo sự bức xúc cho bệnh nhân, chúng tôi sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật. Trước đây không có điều đó.
Chính những chỉ đạo quyết liệt từ Đảng ủy, Ban giám đốc đã tạo ra những áp lực. Điều đó là sự tích cực để thay đổi nhưng vô tình tạo nên áp lực cho nhân viên. Ngược lại, chúng tôi nhận được nhiều thư khen từ phía bệnh nhân.
– Như vậy, số lượng người nghỉ việc chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng số nhân sự của Bệnh viện Bạch Mai?
– Hiện Bệnh viện Bạch Mai có 4.223 nhân viên (2.142 biên chế, 1326 hợp đồng chuyên môn, 167 cán bộ kiêm nhiệm, 588 hợp đồng khác), gồm 908 bác sĩ, 108 dược sĩ, 2.225 điều dưỡng/kỹ thuật/hộ sinh, 982 lao động phổ thông và đối tượng khác.
Đa phần người thôi việc là lao động phổ thông, nghỉ việc do kiện toàn. Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự ra đi của một số nhân viên là thu nhập giảm sâu. Năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai đã trích từ quỹ phúc lợi 140 tỷ đồng hỗ trợ tăng thu nhập thêm cho cán bộ, chia làm 3 đợt. Tuy nhiên, chúng tôi có gần 4.300 nhân viên nên cũng không cải thiện được nhiều.
Năm qua, lãnh đạo và cán bộ viên chức đều chịu nhiều áp lực trong bối cảnh thu nhập giảm, nhiều sự thay đổi, đồng thời, lãnh đạo bệnh viện vướng vào lao lý, công an liên tục tới kiểm tra, làm việc.
Trong khi đó, bên ngoài lại có những lời chào hấp dẫn, thậm chí họ trả cho một số bác sĩ hơn 100 triệu đồng/tháng. Rõ ràng nhân viên của chúng tôi có sự lựa chọn để điều chuyển. Đó là điều bình thường, dễ hiểu.
“Không có chuyện chảy máu chất xám”
– Đây có phải là lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai có nhiều người xin nghỉ đến vậy?
– Nhân viên nghỉ việc là hoạt động bình thường, diễn ra ở mọi năm. Song năm vừa qua đúng là rõ ràng số lượng nhiều hơn.
Tuy nhiên, bệnh viện có số lượng tuyển dụng, tiếp nhận kiêm nhiệm mới là 506 người, gần gấp 3 lượng người nghỉ việc. Những người mới được tuyển dụng gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, trình độ chuyên môn cao.
Tôi khẳng định đây không phải chuyện chảy máu chất xám như mọi người nghĩ. Hơn nữa số lượng nghỉ là trải dài cả năm và ở mấy chục đơn vị chứ không phải ồ ạt.
Việc tuyển mới cũng vậy. Quan điểm của giám đốc bệnh viện là làm sao phải thu hút được nhân sự có trình độ cao, nên ưu tiên số một là tuyển bác sĩ nội trú, sau đó là cử nhân tiên tiến, người có trình độ tiếng Anh…
Bệnh viện tuyến đầu có nhiều người nghỉ việc được mọi người quan tâm song khi nhìn nhận đúng các lý do thì thấy đó là chuyện bình thường, không có gì bất ổn.
– Bệnh viện Bạch Mai là một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước. Trong số cán bộ nghỉ việc có người là bác sĩ, phó giáo sư giỏi. Theo ông, việc này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng khám chữa bệnh ở Bạch Mai?
– Con số nhân viên nghỉ việc là ít ỏi, trong khi số lượng tuyển vào vừa nhiều vừa chất lượng nên không có gì bị ảnh hưởng.
Tôi khẳng định đây không phải chuyện chảy máu chất xám như mọi người nghĩ. Hơn nữa số lượng nghỉ là trải dài cả năm và ở mấy chục đơn vị chứ không phải ồ ạt.
Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai
– Có thông tin nhiều người xin nghỉ nhưng lãnh đạo không cho phép? Điều này có chính xác không thưa ông?
– Thông tin này không đúng. Quan điểm của bệnh viện là tôn trọng nguyện vọng của nhân viên. Bất cứ ai có nguyện vọng đều được giải quyết. Tôi khẳng định chưa trường hợp nào có đơn xin nghỉ mà không được giải quyết.
– Một số bác sĩ tiết lộ họ xin nghỉ việc là do không đồng tình với cách quản lý của người đứng đầu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
– Năm 2020, bệnh viện có sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức. Chúng tôi không chỉ giải thể, sáp nhập mà còn thành lập những đơn vị mới để phát triển chuyên môn. Việc sáp nhập phòng quản lý chất lượng thành tổ trong Phòng kế hoạch tổng hợp là sự kết hợp tạm thời trong cơ cấu kiện toàn. Thực chất, lãnh đạo bệnh viện chỉ thay đổi về cơ cấu hành chính, còn nhân sự vẫn giữ nguyên, không có bất cứ sự giảm sút về tầm quan trọng, đầu tư.
Đến thời điểm thích hợp có thể chúng tôi sẽ có sự thay đổi trở lại. Ngoài ra, những nếp quản lý hàng chục năm nay, theo lối mòn, những hạn chế đối với sự phát triển và phối hợp trong viện cũng cần được thay đổi.
Đương nhiên chắc chắn sẽ có người thích nghi, ngược lại, có những người không hài lòng. Thay đổi từ nhận thức đến hành động là không dễ. Nhưng không thay đổi thì sẽ không có sự khác biệt. Đó là những áp lực đối với nhân viên, có thể là động lực để họ tìm bến đỗ mới.
Bệnh viện Bạch Mai không giảm và nợ lương nhân viên
Trả lời Zing, tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định lương của nhân viên không giảm và càng không có chuyện nợ lương.
“Lương của nhân viên đều được giữ nguyên, không nợ. Tôi khẳng định 100% không có điều đó. Ngày 14-15 hàng tháng, mọi người đều nhận lương qua tài khoản. Các ngày lễ, Tết vẫn có tiền đầy đủ”, tiến sĩ Trà nói.
Tuy nhiên, thu nhập của nhân viên y tế (bao gồm các khoản ngoài lương) giảm do dịch Covid-19 và chuyển cơ chế tự chủ. Thu nhập tăng thêm giảm tùy khoa, công việc, vị trí việc làm.
“Lương bác sĩ trung bình ở Bệnh viện Bạch Mai là 20-30 triệu đồng/tháng, các viện mời chào, trả lương hơn 100 triệu đồng. Một số bộ phận xin ra ngoài làm có lương cao hơn, được đánh giá cao hơn. Ngay cả trung tâm của tôi cũng có một số bạn xin đi. Ngược lại, nhiều người có trình độ cao xin về đây để cống hiến. Môi trường làm việc còn giúp mọi người học tập, phát triển chứ không phải chỉ vì tiền”, tiến sĩ Trà nói thêm.