Hội thảo khoa học: “Tiến bộ mới trong phẫu thuật sản phụ khoa”
Tại khách sạn InterContinental (Hà Nội) vừa diễn ra hội thảo khoa học bàn về “Tiến bộ mới trong phẫu thuật sản phụ khoa”. Chủ tọa hội thảo là PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia có tiếng trong ngành sản phụ khoa như: TS.BS Nguyễn Mạnh Thắng (Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương); BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi (Giám đốc TT Sản Phụ Khoa, BV Đa khoa Tâm Anh TP.HCM); BS.CKII Nguyễn Thu Hoài (Trưởng khoa Phụ khoa, Bệnh viện ĐK Quốc tế Vinmec); TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà (Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội). Ngoài ra, còn có đông đảo các bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng phòng mổ ngành sản phụ khoa khu vực phía Bắc cùng tham gia lắng nghe, đưa vấn đề thảo luận. Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt Nam là đơn vị phối hợp cùng BVĐK Tâm Anh tổ chức Hội thảo.
Chủ trì hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ, bản thân ông có 40 năm hoạt động trong ngành sản phụ khoa và chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong 4 thập kỷ qua. Dù hiện tại vẫn có những vấn đề tồn tại, kỹ thuật trong ngành gây tranh cãi trên toàn thế giới, nhưng những tiến bộ mới vẫn không ngừng phát triển.
TS.BS Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương đã có bài nói mở đầu về “Nhiễm khuẩn vết mổ: Khuyến cáo mới và thực hành hiện nay”. Trong bài phát biểu, TS Nguyễn Mạnh Thắng đã đưa ra những số liệu tại Việt Nam tỷ lệ mổ lấy thai khá cao, chiếm 40-50% theo báo cáo của một số bệnh viện Sản Phụ khoa đầu ngành. Nghiên cứu trên 21.722 trường hợp sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương năm 2017 cho thấy, có đến 11.166 trường hợp phẫu thuật lấy thai, chiếm tỷ lệ 54,4%.
Gần 2 triệu biến chứng nặng hàng năm là một con số không hề nhỏ, trong đó có thể gây tử vong mẹ, nhiễm khuẩn vết mổ. Điều này gây ra gánh nặng kéo dài thời gian nằm viện, gia tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. 40 ngàn đô la là con số gia tăng chi phí Mỹ công bố về bệnh nhân có nhiễm khuẩn vết mổ. Đối tượng hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì dễ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.
Chính vì vậy, bàn về giải pháp hạn chế nhiễm khuẩn vết mổ, TS Nguyễn Mạnh Thắng đã nhắc đến một số phương pháp, trong đó có việc sử dụng chỉ kháng khuẩn tẩm Triclosan được nhấn mạnh. Hiệu quả khảo sát có thể giảm 30% nhiễm trùng vết mổ so với chỉ thông thường, giảm đáng kể nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương đã đưa vào sử dụng chỉ kháng khuẩn tẩm Triclosan từ năm 2006 và có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm khuẩn vết mổ giúp tiết kiệm chi phí do giảm gia tăng chi phí điều trị và nằm viện khi có nhiễm khuẩn vết mổ.
Việc khâu 1 lớp hay 2 lớp cơ tử cung trong mổ lấy thai để tránh nhiễm khuẩn vết mổ được TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, PGĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trình bày và đưa ra thảo luận. TS Thu Hà đã đưa ra rất nhiều nghiên cứu liên quan trên thế giới đến hiệu quả của khâu 1 lớp hay 2 lớp khi đẻ mổ. Điều này đã và đang gây ra những tranh cãi và chưa đưa đến thống nhất. Tại Việt Nam năm từ năm 2013, theo hướng dẫn của Bộ y tế thì việc khâu 1 lớp hay 2 lớp đều có thể thực hiện.
Mặc dù chưa có bằng chứng thuyết phục, nhưng theo một số phân tích của TS Thu Hà trên những báo cáo có được, thì ưu thế có phần nhỉnh hơn cho việc khâu 2 lớp, khâu không khóa và khâu có niêm mạc.
TS Nguyễn Thị Thu Hà cũng tiết lộ, bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện đang thực hiện nghiên cứu về việc nên khâu 1 lớp hay 2 lớp khi đẻ mổ, với những lưu tâm liên quan đến kết cục xa được để ý như: nguy cơ vỡ tử cung, hiếm muộn, rau cài răng lược, khuyết sẹo mổ lấy thai…
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BV Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trong bài nói tại hội thảo đã bàn về “Khuyết sẹo mổ lấy thai và hiếm muộn – Vai trò của phẫu thuật nội soi”. Bác sĩ Mỹ Nhi khẳng định điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai là một thách thức lớn. Trong những năm gần đây tỷ lệ mổ lấy thai tăng và khuyết sẹo mổ lấy thai cũng tăng tỷ lệ thuận.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, khuyết sẹo mổ lấy thai (CSD) ngày càng phổ biến trong sản phụ khoa, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống không ít phụ nữ. CSD được mô tả túi mỏng, rộng bên trong có niêm mạc tử cung bất thường và có mạch máu giãn nở, hốc khuyết sẹo có độ sâu >= 2 mm. Khi có khuyết mổ sẹo lấy thai dễ dẫn đến ứ dịch lòng tử cung gây vô sinh thứ phát
Bác sĩ Mỹ Nhi khẳng định không phải mọi CSD đều phải điều trị, cần cá thể hóa ca bệnh để xử trí. Khi CSD có những triệu chứng gây phiền toái đến cuộc sống hoặc gây hiếm muộn thì phẫu thuật nội soi cắt lọc vùng khuyết sẹo, phục hồi sẹo mổ cơ tử cung là một giải pháp. Việc phẫu thuật nội soi ổ bụng hay phẫu thuật nội soi buồng tử cung được thực hiện trong một số trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, điều cuối cùng, bác sĩ Mỹ Nhi khẳng định phẫu thuật nội soi sửa khuyết sẹo mổ lấy thai hiện tại đã chứng minh có vai trò trong cải thiện tỷ lệ có thai.
BS.CKII Nguyễn Thu Hoài, Trưởng khoa Phụ bệnh viện Vinmec, đã đưa đến hội thảo về kỹ thuật tiên tiến trong phẫu thuật sản phụ khoa. Cụ thể ở đây là phẫu thuật nội soi bằng robot bóc u xơ tử cung.
Hiện tại kỹ thuật này đã và đang được áp dụng tại Vinmec, dù mất nhiều thời gian phẫu thuật hơn và chi phí đắt hơn so với phẫu thuật nội soi thông thường. Nhưng phẫu thuật nội soi bằng robot có ưu điểm ít xâm lấn hơn, hạn chế mất máu và ít gây đau, có tỷ lệ biến chứng sau mổ thấp, bệnh nhân hồi phục sau mổ nhanh.
Phẫu thuật robot là phương pháp mổ nội soi an toàn với các bệnh lý phụ khoa lành tính và ác tính, đặc biệt là phẫu thuật bóc u xơ tử cung. Phương pháp này có thể áp dụng cho bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân mắc một số bệnh lý nền, bệnh nhân có tiền sử mổ cũ, ổ bụng dính.
Sau các bài trình bày của các chuyên gia, nhiều vấn đề khác về sản phụ khoa xung quanh mổ đẻ, khuyết sẹo mổ lấy thai và bóc tách u xơ… đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Cuối cùng PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh kết luận buổi hội thảo là một buổi sinh hoạt chuyên môn rất hữu ích cho cán bộ y tế ngành sản phụ khoa. Mục đích cuối cùng giúp người bệnh hưởng những phương pháp, kỹ thuật tiên tiến nhất và giải quyết triệt để các bệnh lý sản phụ khoa.