Hồi kết của trào lưu “siêu to khổng lồ”

Cụm từ và phong cách nấu nướng “siêu to khổng lồ” bắt đầu xuất hiện và phổ biến tại Việt Nam vào năm 2019, khi dân mạng biết đến với kênh Bà Tân Vlog của một người phụ nữ ở độ tuổi trung niên.

Hồi kết của trào lưu “siêu to khổng lồ” Các video ẩm thực với nội dung “siêu to khổng lồ” đã thực sự thu hút người xem trong một thời gian dài

Ngay từ những ngày đầu lên sóng, các video của Bà Tân Vlog đã được nhận xét là khá đơn giản. Nội dung các video này chủ yếu xoay quanh quá trình tự thực hiện món ăn “khổng lồ” ở ngay sân nhà, cùng các dụng cụ nấu bếp quen thuộc của người nông dân như nồi đất, mâm sắt… nhưng vẫn thu hút sự hiếu kỳ của hàng triệu người xem.

Rất nhanh sau đó, hàng loạt kênh “ăn theo” Bà Tân Vlog ngay lập tức bùng nổ và trở thành một xu hướng nghề nghiệp mới khi nhiều người từ trẻ tuổi đến lớn tuổi đang sẵn sàng đứng trước máy quay để trở nên nổi tiếng và kiếm thêm thu nhập.

Dù vậy, đối với bất cứ trào lưu nào, việc “sớm nở chóng tàn” là kết cục khó tránh khỏi. Xu hướng phát triển của mạng xã hội luôn đi cùng thị hiếu người xem, đòi hỏi sự thay đổi và yêu cầu sự mới mẻ. Bất kỳ nội dung nào nếu không thực sự đặc sắc mà cứ được sản xuất hàng loạt, lặp đi lặp lại rất dễ gây nhàm chán, dễ vướng phải nhiều tranh cãi khi gianh rới giữa nội dung hay và nhảm nhí là rất mong manh.

Hồi kết của trào lưu “siêu to khổng lồ” Rất nhiều người đã tham gia vào công việc này với mục đích “ăn theo” sự thành công của các video nội dung này

Từ việc chế biến thực phẩm đến nói dối người xem, cẩu thả trong nội dung hay sử dụng các chiêu trò để hút người xem khiến cho cộng đồng nhiều lần không khỏi phẫn nộ vì những video này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người xem nếu họ làm theo.

Dù những video này vẫn còn thu hút lượt xem ổn định, nhưng vẫn thường xuyên bị cộng đồng mạng nhận xét là “phản cảm” khi nhân vật chính sử dụng vật dụng nấu nướng không phải là các dụng cụ làm bếp. Các thao tác chế biến cho đến cách thưởng thức thành quả của những kênh này cũng được cho là tục tĩu và thiếu mỹ quan.

Khi việc thực hiện các video ăn uống này trở thành nghề nghiệp, những người làm các nội dung này trực tiếp phải ăn mọi thứ một cách ngon miệng, kể cả khi món ăn đó có lạ lùng và khó nuốt đến đâu.

Không chỉ vậy, để gia tăng lượng người xem, họ còn phải quay và cho các video này lên sóng thường xuyên, đi kèm với việc mỗi ngày họ phải đối mặt với lượng thức ăn và năng lượng dư thừa. Đó là việc đi ngược lại với chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Hồi kết của trào lưu “siêu to khổng lồ” Nội dung nhàm chán, sử dụng nhiều chiêu trò câu kéo, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và lãng phí thức ăn là những lý do đang đưa trào lưu này đi đến hồi kết

Ngoài ra, việc sử dụng các chiêu trò, phát ngôn thiếu chuẩn mực cùng những hành động đôi khi khiếm nhã cùng nghi vấn lãng phí thực phẩm khi làm các video dạng này khiến cho làn sóng tẩy chay những video “siêu to khổng lồ” đang nóng hơn bao giờ hết.

Các video liên quan đến ẩm thực đang là xu thế trong thời điểm hiện tại, thu hút lượng lớn người theo dõi mỗi ngày. Tuy vậy, với những video dạng mukbang (ăn hết một số lượng đồ ăn nhất định) hay “siêu to khổng lồ”, phần đông khán giả cho rằng họ chẳng thể tìm được cảm giác ngon miệng khi theo dõi các video của vlogger này. Họ chỉ xem vì tò mò và xem vì muốn “gửi gắm” những bức xúc của mình bằng việc dislike (đánh giá không thích) hay để lại những bình luận tiêu cực.

Cách đây vài năm, “siêu to khổng lồ” từng là trào lưu cho các vlog nấu nướng, thu hút người xem, mang lại thu nhập tốt cho những người dám theo đuổi công việc này vì đánh trúng tâm lý thích sự tò mò. Tuy nhiên, khi mô tuýp cứ lặp đi lặp lại và liên tục sử dụng các chiêu trò, các trào lưu này dần bị đánh giá vô bổ, phản cảm, và biến mất trên thị trường sáng tạo nội dung.