“Học xong đi làm trái ngành, 4 năm đại học coi như bỏ phí”
“Làm trái ngành, trái nghề” là chủ đề không còn quá mới mẻ hiện nay. Thậm chí đã không ít lần netizen nảy sinh tranh cãi về topic này bởi mỗi cá nhân một ý kiến, có người cho rằng làm trái ngành là hết sức bình thường, nhưng cũng có người bày tỏ đó là việc không nên.
Mới đây, một topic trên MXH xoay quanh vấn đề này tiếp tục nhận được sự quan tâm đông đảo của dân tình, rằng: “Học xong đi làm trái ngành, vậy 4 năm đại học coi như bỏ phí sao?”.
Ngay sau khi xuất hiện, topic đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, netizen cũng chia làm 2 phe tranh cãi kịch liệt.
“Làm trái ngành, trái nghề” là chủ đề không còn quá mới hiện nay. Ảnh minh họa
Học xong đi làm trái ngành là lãng phí 4 năm đại học
Theo đó, một bộ phận netizen cho rằng việc học một nghề rồi ra làm một nghề khác là phí hoài 4 năm đại học. Bao nhiêu công sức bố mẹ lo toan, bao nhiêu nỗ lực bản thân cố gắng đều “đổ sông đổ bể”. Không chỉ có vậy, khi làm trái ngành thì kiến thức chuyên môn của các bạn sẽ thiếu sót từ đó sẽ dẫn đến chất lượng lao động giảm sút.
– Đi làm trái ngành nhưng cũng nên trái trong khuôn khổ thôi. Ví dụ học lập trình, điện tử nhưng chuyển sang viết code, AI… thì nhìn chung vẫn bổ trợ cho nhau được. Cái này người trong ngành thì sẽ hiểu, sau này chán chỗ trái ngành ấy thì về làm đúng ngành sẽ có nhiều kiến thức về các mảng khác. Mình cũng làm trái ngành đây, nhưng lệch hẳn nghề so với chuyên môn trước đây. Bây giờ đang cảm thấy bế tắc lắm!
– Thật ra có nhiều cách để có được những thứ trải nghiệm mà các bạn nói như: mối quan hệ, khả năng tự học… không cần phải bỏ 4 năm ra học xong lại không dùng đến, thế thì chẳng phải lãng phí sao? Nói tóm lại không ai cười mình làm trái ngành cả, không ai nói nó là xấu cả, nhưng nhìn nhận thực tế là bản thân bỏ 4 năm ra học xong làm ngành khác là mình đã hoang phí 4 năm đó rồi đấy. Các bạn bỏ ra 4 năm đó thì các bạn phải thu lại giá trị tương đương với mục đích nó mang lại chứ?
Một nửa cho rằng việc học một nghề rồi ra làm một nghề khác là phí hoài 4 năm đại học. Ảnh minh họa
– Cứ thử nghĩ đến cảnh mỗi lần nộp tiền học phí, bạn lại gọi bố mẹ để xin rồi họ phải xoay sở đủ tiền cho bạn nộp là thấy 4 năm sau khi ra trường không làm đúng ngành lãng phí thế nào nhé! Rồi bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu thời gian công sức bỏ ra… cuối cùng kiến thức ta có được vẫn chẳng được áp dụng vào trong thực tiễn. Quá phí hoài!
– Không muốn phán xét đâu nhưng các bạn không nên dựa vào lý do “Làm gì cũng được miễn là cảm thấy hạnh phúc”. Chắc gì các bạn đã cảm thấy hạnh phúc, hay cuối cùng thì cuộc sống sau 4 năm đại học vẫn cứ bấp bênh? Đã đâm lao thì phải theo lao, học cái gì thì phải cố gắng áp dụng nó vào trong công việc thực tế đã. Sau này đã tự chủ tài chính rồi thì muốn làm gì thì làm. Chứ nuôi thân chưa nổi mà mong cầu hạnh phúc thì khó lắm!
– Ai cũng có tư duy như thế này thì mình lo ngại cho chất lượng lao động hiện nay quá. Người ta dành 4 năm học đại học, ra trường và làm việc thực tế vẫn loay hoay như thường, thực tập mấy tháng trời vẫn bị chê lên chê xuống. Thử nghĩ xem một người mới chân ướt chân ráo vào nghề thì sẽ như thế nào?
– Nói thẳng những người học một đằng làm một nẻo là những người thiếu ý chí, không có sự kiên trì, không tự tin vào năng lực của bản thân. Bởi nếu bạn có khả năng thì ngay cả khi ban đầu bạn học một ngành không phải thế mạnh, bạn vẫn sẽ theo kịp và tỏa sáng với nó.
Học chưa bao giờ lãng phí cả, quan trọng là bản thân cảm thấy hạnh phúc
Ở một chiều hướng khác, nhiều người cho rằng việc học 4 năm ở trường rồi sau đó ra làm trái ngành, trái nghề chẳng có gì lãng phí cả. Bởi làm gì cũng được miễn là bản thân cảm thấy hạnh phúc, thu nhập từ công việc đó có thể nuôi sống mình là được.
– Là một trong số rất nhiều người làm trái ngành, thậm chí là 1 ngành nhìn có vẻ không hề liên quan đến ngành mình chọn hồi đại học. Nhưng nhờ học đại học mình tìm ra được con đường mà bản thân yêu thích, mình nhìn ra được thế giới mà nếu không học đại học vĩnh viễn sẽ không nghĩ đến con đường này. Vậy nên bạn đừng thấy phí bởi vì trong thời gian học đại học là bạn học được gì cho bản thân và làm sao suy tính cho con đường sau này mới thực sự quan trọng. Và tất nhiên chuyên ngành mình học ít nhiều gì cũng sẽ có sự bổ trợ cho công việc và cuộc sống của bạn.
– Cô chủ nhiệm lớp đại học của mình nói rằng học không bao giờ là thừa cả, không áp dụng kiểu này thì áp dụng kiểu khác, thể nào cũng có lúc dùng tới. Với bản thân mình thì thấy đúng, dù mình làm trái ngành. Theo mình thấy ở đại học cái quan trọng nhất là rèn được thái độ tự học, thêm nữa là trình tư duy. Có 2 cái này thì dù sau có làm trái ngành, bạn vẫn thích ứng tốt được.
Cũng có nhiều người cho rằng việc học 4 năm ở trường rồi sau đó ra làm trái ngành, trái nghề chẳng có gì lãng phí cả. Ảnh minh họa
– Ai thấy phí chứ riêng mình thì không thấy phí nhé! Mặc dù bây giờ mình làm trái ngành và sự nghiệp cũng lông bông lắm. Đi học là một sự may mắn chứ chẳng thấy phí phạm gì ở đây cả. Nhờ đi học đại học mà mình được biết rất nhiều thứ và được mở mang tầm mắt rất nhiều điều. Mình không bao giờ thấy hối hận, phí phạm tiền bạc hay thời gian gì hết. Mình suy nghĩ đơn giản lắm, sống là phải vui vẻ nên mấy cái tiêu cực mình hạn chế suy nghĩ đến và mọi thứ mình đều tập yêu thích dần dần.
– Cái bạn được học ở trường còn là cách đối nhân xử thế, hình thành thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan – thứ mà sẽ theo bạn đến suốt cả cuộc đời. Vì vậy chỉ cần nghiêm túc học 4 năm đại học này, thứ thu về được chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với bạn tưởng tượng.
– Điều quan trọng là các bạn cần xác định được bản thân có thích học ngành đó sau khi ra trường hay không. Nếu không thì phải có phương án phòng thủ luôn bằng cách học thêm về chuyên môn, kỹ năng… ngành nghề mà bạn muốn theo trong tương lai. Như thế sẽ không bao giờ lãng phí cả.
– Quan trọng là mình có được một công việc khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, có được cơm ăn áo mặc thì cho dù có đúng hay không đúng ngành mình vẫn thấy ổn hết! Mình cơ bản đi theo đam mê mình tìm được chứ không chỉ vì đồng lương không thôi.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm này?