Học sinh Cần Thơ sáng tạo nhiều mô hình kỹ thuật đi vào đời sống
Đến trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ – một trong những ngôi trường cấp 3 khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học – vào giờ thực hành Vật lý. Xung quanh phòng Vật lý trưng bày các mô hình đạt giải từ cao đến thấp tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố Cần Thơ qua các năm.
Nổi bật là mô hình “Máy tạo ra nước sạch từ không khí bằng năng lượng điện gió”, đạt giải nhất cuộc thi năm 2018-2019, ứng dụng ở các vùng biển đảo, vùng đồi núi, vùng khó khăn. Chỉ với những vật liệu dễ mua cộng thêm lượng điện gió miễn phí, mô hình được Hội đồng Ban giám khảo đánh giá có tính khả thi cao trong cuộc sống.
Em Trần Hữu Tỷ, đại diện nhóm tác giả sáng tạo mô hình chia sẻ, đời sống trên biển đảo quá khó khăn, nhất là thiếu thốn nước ngọt, nên chúng em thiết kế mô hình, hy vọng tạo ra được nhiều nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ. Hiện, mô hình vẫn chưa được đầu tư, cải tiến vận dụng vào thực tế, nhưng có thể thấy, việc tận dụng năng lượng mặt trời cho máy hoạt động, vừa giảm điện năng tiêu thụ lại giúp mọi người có ý thức tiết kiệm điện, biết tận dụng tự nhiên và bảo vệ tự nhiên.
Học sinh trường THPT Trung An đang nghiên cứu mô hình “Máy tạo nước sạch từ không khí bằng năng lượng điện gió”, đạt giải nhất cuộc thi năm học 2018-2019
Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An cho biết, từ khi Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và Chương trình giáo dục STEM ra đời 2019, trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phát triển tư duy cho các em như: trồng cây, hoa màu khổng lồ (súp lơ; bắp cải); chế tạo mô hình học tập bằng những vật dụng đơn giản…
Thông qua hình thức trải nghiệm thực tế, ý tưởng sáng tạo của các em ngày một tăng, mỗi năm có thể lên đến 10 mô hình hay, thiết thực. Hiện, trường đang giữ vị trí thứ 2 về giải thưởng trong Cuộc thi sáng tạo này. Có thể thấy, Cuộc thi đã tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các đơn vị, cơ sở giáo dục và hội nhập quốc tế.
Thầy Lê Văn Dũng cho biết thêm: “Trong năm học 2020-2021, trường sẽ bắt đầu từ việc thi cấp thành phố. Trường sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí để tạo sản phẩm và khen thưởng thích đáng, khen thưởng cao. Sự hỗ trợ này giúp cho nhiều học sinh có ý tưởng nghiên cứu. Năm nay mới phát động nhưng cũng có khá nhiều đề tài nghiên cứu”.
Mô hình “Máy lựa hạnh tự động theo màu sắc và kích thước” – đạt Giải nhất năm học 2019-2020, của trường THCS&THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai, Cần Thơ
Đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ tích cực triển khai công tác nghiên cứu khoa học cho các trường, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa công tác đến các cấp quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh. Do vậy, không chỉ Trường THPT Trung An, mà hệ thống trường từ Tiểu học đến THPT tại Cần Thơ đều có kế hoạch cụ thể, khuyến khích học sinh đăng ký tham gia. Tùy tình hình thực tế, từng trường lập kế hoạch phù hợp với từng học sinh và đơn vị mình, định hướng sản phẩm thiết thực, gắn liền với cuộc sống địa phương.
Công tác nghiên cứu khoa học đã tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, giúp học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học và phát huy khả năng sáng tạo. Có thể kể đến mô hình “Máy lựa hạnh tự động theo màu sắc và kích thước” – đạt giải Nhất năm học 2019-2020, của nhóm tác giả: Lê Quốc Cư, Tô Hữu Bằng, Nguyễn Hữu Huy, Trường THCS&THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.
Đại diện nhóm, em Lê Quốc Cư cho biết, ý tưởng này xuất phát từ nơi em sinh sống, người dân trồng nhiều cây hạnh (tắc), đến mùa thu hoạch người dân thường mất nhiều công sức lựa hạnh vàng và xanh, vì thương lái chỉ thu mua hạnh xanh. Mô hình máy lựa hạnh được thiết kế đơn giản, có ngăn chia hạnh theo màu, kích thước khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm trên mô hình tại nhà và hộ dân lân cận, thời gian để phân loại 1 trái hạnh trung bình là 4 giây, như vậy, trong 1 giờ số trái hạnh được phân loại là 900 trái.
“Ban đầu máy của em chỉ là mô hình, nếu được cải tiến và nâng cấp lên thì có thể ứng dụng ở mỗi hộ gia đình. Tốc độ xử lý của nó lựa hạnh rất nhanh, giảm được chi phí, công sức của người dân, làm góp phần phát triển kinh tế của từng hộ gia đình. Mục tiêu của chúng em hướng đến những người nông dân, những người lao động chân chất, chúng em muốn cho họ cuộc sống và nền kinh tế ngày một đi lên, góp phần phát triển toàn bộ xã hội. Cuộc thi này rất hay, nó thúc đẩy học sinh chúng em ngày càng tạo ra nhiều ý tưởng hữu ích”, em Lê Quốc Cư nói.
Em Liêu Vinh Khôi, Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, Cần Thơ, đại diện nhóm tác giả điều khiển mô hình “Robot hỗ trợ chữa cháy” – Giải Nhất cuộc thi năm 2019-2020
Năm học 2019-2020, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng số hồ sơ tham dự Cuộc thi của 3 cấp là 586, giảm hơn năm 2019 là 110 hồ sơ. Sau tuyển chọn chuyển chấm cấp thành phố còn 112 hồ sơ (trong đó tiểu học 38 hồ sơ; THCS là 57 hồ sơ và THPT là 17 hồ sơ).
Tuy hồ sơ đăng ký ít, nhưng theo Ban tổ chức, chất lượng lại tăng cao. Nhiều ý tưởng sáng tạo ngày càng mang tính ứng dụng cao cho xã hội, nhiều sản phẩm thể hiện sự thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế như: Xi măng chống thấm từ tro bay; Nghiên cứu sản xuất và chế tạo thuốc phòng trừ sâu sinh học từ lá khoai mì; Bộ tranh thân thiện môi trường… Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn lao động sản xuất của gia đình và xã hội, các em đã nghiên cứu hướng đến mục đích cơ giới hóa nhằm tăng hiệu quả lao động như: thiết kế, điều khiển Robot hỗ trợ chữa cháy; Máy tách vỏ đậu…
Em Liêu Vinh Khôi, Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, đại diện nhóm tác giả nhận giải Nhất mô hình “Robot hỗ trợ chữa cháy” chia sẻ: “Hoạt động của con robot chữa cháy, thứ nhất, nó đi vào trong vụ cháy để lấy những thông tin gửi về trên tay cầm, cũng như màn hình Smartphone của mình, để những người lính cứu hỏa ở ngoài biết được, từ đó có phương pháp chữa cháy. Bước thứ 2, nó sẽ đi vào trong quá trình thực hiện quá trình chữa cháy, có thể giải cứu những nạn nhân trong đó ra. Em rất thích cuộc thi này, bởi cuộc thi cho chúng em cơ hội để học hỏi nhiều kiến thức, thứ hai, giúp chúng em thực hiện hóa những ý tưởng của bản thân”.
Theo bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Cần Thơ, qua nhiều lần tổ chức, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP. Cần Thơ đã đi vào sâu trong các trường học, thực sự trở thành sân chơi bổ ích của các em học sinh. Để tăng thêm ý nghĩa của cuộc thi, Ban tổ chức cần tạo cầu nối gắn kết những sản phẩm đạt giải có ý tưởng tốt với các chương trình ươm mầm sáng tạo, hướng đến khởi nghiệp trong và ngoài thành phố.
“Còn một đối tượng chúng ta cần quan tâm, đó là đối tượng 19 tuổi. Đây là những đối tượng của các Trường Cao đẳng hay Trung cấp nghề, hiện nay các em còn ít sản phẩm tham gia với cuộc thi. Đây là nhóm trong kế hoạch Ban tổ chức đã giao cho Thành đoàn, Thành đoàn sẽ tiếp tục đi sâu vào vận động các Trường, chúng ta cũng sẽ đến trực tiếp để vận động các em, bởi ở lứa tuổi lớn, sản phẩm của các em sẽ sát thực tế hơn và khả năng ứng dụng rất cao”, bà Nguyễn Ý Nguyện cho hay.
Từ kết quả đạt được trong năm học 2019-2020, chắc rằng năm học 2020-2021 sẽ có thêm nhiều ý tưởng hay của các em ra đời, góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong các trường ngày càng phát triển. Đặc biệt, bản thân mỗi em sẽ có tư duy, sáng tạo nhiều hơn, đem đến những mô hình được đầu tư nghiêm túc, có tính thẩm mỹ, chất lượng, phục vụ đời sống người dân./.