‘Học giỏi để làm gì?’ và câu trả lời mà học sinh nào cũng thích
Phụ huynh của một bạn học sinh có phương pháp rất thực dụng để động viên con mình cố gắng học giỏi, đó là quy điểm là tiền.
Thời gian gần đây, câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với vợ trong cuộc tranh chấp trước tòa đang cực kỳ viral trên mạng xã hội. Phiên tòa chưa ngã ngũ, ai đúng ai sai chưa rõ ràng, nhưng đây đã trở thành mẫu câu hỏi cho rất nhiều tình huống khác.
Một diễn đàn dành cho học sinh mới đây đã chia sẻ bảng quy chế tiền thưởng theo điểm, được cho là của một bạn học sinh lớp 6, và đặt câu hỏi: Học giỏi để làm gì?
Bảng quy chế thưởng tiền của bố mẹ em học sinh lớp 6.
Theo đó, bố mẹ bạn đã quy định các mức thưởng khi con đạt được điểm số cao trong học tập.
Số tiền được chia ra các mức điểm 8 – 9 – 10, với bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 45 phút, thi học kỳ ở các môn Toán, Văn, tiếng Anh, Lý, Sử, Địa, Sinh.
Bài kiểm tra càng quan trọng, điểm càng cao, số tiền nhận được càng nhiều. Ví dụ như nếu đạt 10 điểm trong bài thi học kỳ, bạn sẽ nhận được 200.000 đồng.
Vân Trang bình luận “Giá như trước mình đi học cũng được bố mẹ thưởng như thế này thì chắc giàu to rồi”.
“Khi bé, ba mẹ mình thường thưởng bằng đồ chơi hoặc dẫn đi ăn món mình thích mỗi khi được điểm cao, giờ hiện đại hơn thì thưởng tiền cũng là một cách”, Duy Ngô cho hay.
Bảng điểm được Thanh Thảo chia khiến nhiều người trầm trồ vì toàn điểm cao.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng số thưởng đưa ra không dễ đạt được.
Những ai từng trải qua thời học sinh đều biết rằng điểm 10 trong bài thi cuối kỳ khá khó, phải rất chăm chỉ và quyết tâm mới sở hữu con số tuyệt đối này.
Cũng nhân dịp này, cư dân mạng có cơ hội khoe thành tích thời còn đi học.
Thanh Thảo chia sẻ: “Nếu cách tính quy chế thưởng như trên, chắc hồi nhỏ mình sẽ thành richkid mất thôi”, kèm theo ảnh đính kèm là bảng điểm cô bạn đạt được khi bé.
Có thể thấy, ba mẹ mỗi thời sẽ có cách khen thưởng khác nhau nhưng cuối cùng, điều các bậc phụ huynh mong muốn nhất ở con đó chính là sự chăm chỉ, cần cù, siêng năng trong học tập.
Điểm số khi ngồi trên ghế nhà trường không phải là tất cả, mà quan trọng là kiến thức học sinh thu nhận được từ sách vở, thầy cô, bạn bè.