Họa tiết dân gian và kỹ thuật hiện đại hòa trong bộ tranh mèo chơi Tết | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)
Họa sỹ Lương Minh Hòa bên góc làm việc của mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Họa sỹ Lương Minh Hòa tỷ mẩn mài những lớp sơn trên tấm vóc. Anh nghiêng nghiêng bức tranh dưới ánh sáng Mặt Trời, ưng ý khi thấy những họa tiết cổ trong tranh dân gian Hàng Trống hiện lên lấp lánh tô điểm cho chú mèo đang dần dần hiện ra.
Người xưa chơi tranh Ngũ Hổ (Hàng Trống) vào dịp Tết đến để gửi gắm ước mơ an lành ngũ phương. Ngày nay, người họa sỹ sáng tạo ra bộ tranh Mèo Thần Tài, cũng với 5 màu truyền thống nhưng với cách làm hiện đại, để “thổi” vào đó tinh thần tươi mới, mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị dịp Xuân về.
Dùng công nghệ vẽ tranh dân gian
Tôi đến xưởng Latoa Indochine của họa sỹ Lương Minh Hòa vào những ngày cuối năm. Dưới bàn tay sáng tạo của anh, những chú mèo cứ lần lượt hiện ra trên nền sơn mài. Màu xích (đỏ), hoàng (vàng), hắc (đen), bạch (trắng), lục (xanh) nổi bật trên nền thếp vàng, thếp bạc lóng lánh. Bức tranh năm sắc màu tượng trưng cho ngũ hành rất được các gia đình yêu thích và chọn lựa để treo trong nhà dịp Tết.
Những bức tranh mèo mang âm hưởng dân gian nhưng được sáng tạo theo cách hiện đại. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Họa sỹ thiết kế đồ họa trên máy tính, in ra giấy rồi dùng bột trắng titan can lên vóc (tấm gỗ dùng để khắc tranh) như cách người ta dùng giấy than. Sau đó, anh tỉ mẩn đẽo gọt, khắc hình lên vóc để tạo nét cho tranh. Công đoạn tiếp theo là sơn màu, hết lớp này đến lớp khác. Lúc này, màu sắc chồng chồng lớp lớp lên nhau không còn thấy chú mèo đâu nữa.
Bước quan trọng nhất của quá trình sáng tác là dùng nước và giấy nhám để mài tranh. Đây là lúc người nghệ sỹ tập trung cao độ. Mục tiêu là mài bỏ những lớp màu đi để hình ảnh trong tranh dần dần hiện ra. Chỗ nào mài ít, chỗ nào mài nhiều, giữ lại màu nào… đều là dụng ý của họa sỹ. Cuối cùng là thếp vàng, thếp bạc cho bức tranh sáng lên những sắc màu hy vọng của mùa Xuân.
Giữa các công đoạn nói trên, người nghệ sỹ còn phải liên tục phơi tranh, ủ tranh ở nhiệt độ và độ ẩm hợp lý để giúp màu bám được lên vóc, sau đó khô đi để có thể mài được.
Mỗi tác phẩm tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng được họa sỹ phác thảo, dùng công nghệ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen như tranh truyền thống. Bằng cách ấy, họa sỹ có thể tận dụng và kết hợp cả ba dòng tranh truyền thống là sơn mài, tranh khắc và tranh dân gian, mang lại tính độc đáo, hiện đại cho tác phẩm.
Theo họa sỹ Lương Minh Hòa, tranh dân gian ấn tượng ở nội dung phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất, được nghệ nhân lành nghề khắc họa ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc, về xã hội công bằng, tốt đẹp. Về chất liệu, tranh khắc gỗ vốn giàu tính biểu đạt hình tượng thẩm mỹ, trong khi tranh sơn mài lại nặng về chiều sâu.
“Ông cha đã sáng tạo và đúc kết ra kỹ thuật làm tranh tài hoa, vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng bằng cách kết hợp thế mạnh của các dòng tranh ấy với nhau,” họa sỹ chia sẻ.
Tất nhiên, để kết hợp những yếu tố đó không đơn giản. Theo họa sỹ Lương Minh Hòa, nếu căn ke quá tác phẩm sẽ trở thành đồ mỹ nghệ, còn tự do quá thì không khác gì in ấn đồ họa trên gỗ, không toát lên sự tinh tế và mang lại cảm xúc mới mẻ.
[Tranh dân gian: Từ thú chơi ngày Tết đến nguồn sáng tạo bất tận]
“Mỗi tác phẩm là cả một quá trình mà chúng tôi phải ‘đi thăng bằng’ để bảo đảm được yếu tố truyền thống và sáng tạo,” họa sỹ trải lòng.
‘Tái tạo’ tranh dân gian trên sơn mài
Họa sỹ Lương Minh Hòa đã cùng những người bạn thân của mình sáng lập ra Latoa Indochine với mục đích kiến tạo đời sống mới cho tranh dân gian. Họ trăn trở nhiều năm với câu hỏi làm sao giữ gìn được giá trị văn hóa tranh dân gian và nâng tầm, lan tỏa giá trị ấy trong xã hội hiện đại.
Sau rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm các giải pháp, câu trả lời được đưa ra là chuyển thể tranh dân gian lên chất liệu sơn mài khắc, tức kết hợp sáng tạo hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc.
Trong quá trình sáng tạo, nghệ sỹ có những thay đổi về mầu sắc, về tạo hình để tạo những hiệu ứng mỹ thuật hay xa hơn, là lấy cảm hứng từ các mẫu tranh kinh điển để tạo ra những tác phẩm mới.
Bằng cách làm sáng tạo, các họa sỹ nhóm Latoa Indochine đã ‘khoác áo mới’ cho tranh dân gian. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Theo ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine, tranh dân gian truyền thống rất đẹp nhưng vì in trên giấy dó, giấy điệp nên độ bền không cao. Do đó, các nghệ sỹ đã sáng tạo ra cách vẽ mới trên vóc. Hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới. Một bức tranh sơn mài sẽ làm cho không gian nơi nó ngự trị trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn.
“Xã hội thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi, góc nhìn thay đổi và chúng ta sáng tạo để truyền thống phù hợp với thời cuộc chứ không làm thay đổi bản chất của nó. Đó là quan điểm để các nghệ sỹ của Latoa Indochine thực hành nghệ thuật. Chúng tôi trở về hội họa dân gian xưa để đi đến tận cùng của truyền thống, giữ lấy hồn cốt văn hóa truyền thống để sống với hiện đại,” ông Phạm Ngọc Long chia sẻ.
Những bức tranh mèo đón Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đánh giá cao về ý tưởng này, nhà nghiên cứu, họa sỹ Phan Ngọc Khuê cho rằng các dòng tranh dân gian được thể hiện trên chất liệu sơn mài ta nên ngoài việc giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước về các dòng tranh dân gian còn giới thiệu được về kỹ thuật làm tranh sơn mài cổ truyền.
Theo ông, các bức tranh sơn mài với đề tài tranh dân gian đã giữ nguyên được các nét, hồn cốt của tranh dân gian nhưng tạo được cho tranh những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc, dát vàng, bạc.
Ông Phan Ngọc Khuê cũng cho rằng, trong các dòng tranh dân gian thì tranh Hàng Trống có lẽ là dòng tranh nhiều nét và tinh xảo nhất nên việc thể hiện thành công tranh Hàng Trống trên chất liệu sơn mài cực khó. Tuy nhiên các họa sỹ của Latoa đã dùng kỹ thuật chạm khắc hiện đại trên chất liệu sơn mài truyền thống, với những nét vẽ tinh xảo, thể hiện trên bàn tay và gương mặt của các nhân vật trong tranh. Những nét vẽ mềm mại, có hồn và đã thành công khi lưu giữ được tinh hoa, những nét đặc trưng của tranh Hàng Trống./.
Quá trình “khoác áo mới” cho tranh dân gian:
Những bức phác thảo mèo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Họa sỹ tạo hình trên máy tính, in ra rồi can lên vóc bằng bột trắng titan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Họa sỹ Lương Minh Hòa tỉ mẩn khắc hình lên vóc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tranh được phơi trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Bức tranh được thếp vàng, thếp bạc để tạo độ sáng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các họa sỹ mài và rửa tranh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hình dáng chú mèo dần dần hiện ra. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chỉnh sửa bức tranh ở công đoạn cuối cùng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Họa sỹ Lương Minh Hòa bên bức tranh hoàn thiện. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)