Hoa Mộc Lan thực ‘không phải cô gái Hán’ và bị ‘nữ quyền hóa’ quá đà? – BBC News Tiếng Việt

Hoa Mộc Lan thực ‘không phải cô gái Hán’ và bị ‘nữ quyền hóa’ quá đà?

21 tháng 9 2020

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Câu chuyện về phim Mộc Lan (Mulan) vừa trình chiếu ở Trung Quốc một lần nữa làm bùng lại tranh luận tại Trung Quốc về ‘tính thực’ của sự kiện lịch sử và nhân vật điện ảnh.

Có ý kiến cho rằng Mộc Lan trong phim ‘không đủ chất Trung Hoa’, nhưng một dòng dư luận ngược lại lại cho rằng nhân vật gốc ‘hoàn toàn không phải người Hán’.

Một số trang như New York Times trích lời người xem phim ở Trung Quốc cho rằng hình ảnh ‘Mộc Lan tòng quân’ trong lịch sử đã bị Hollywood chế biến quá mức để đề cao nữ quyền.

Một cô gái thời cổ đại sống trong xã hội bán bộ lạc đã thành “nhân vật nữ quyền cực đoan” (extreme feminist), theo tư duy Phương Tây ngày nay, theo một ý kiến của khán giả Trung Quốc.

Các ý kiến khác, xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, cho rằng Mộc Lan trong phim “không đủ chất Trung Hoa” (not Chinese enough).

Mulan in live action and as a cartoon

Nguồn hình ảnh, Alamy/Disney/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lưu Diệc Phi trong vai Hoa Mộc Lan, người cải trang thành nam giới để chiến đấu trong quân đội

Ngược lại, có các ý kiến trên mạng xã hội tiếng Trung bác bỏ toàn bộ việc dựng phim Mộc Lan gắn vào lịch sử Trung Quốc với vua chúa Hán.

Dòng ý kiến này, theo một nhà báo của BBC Tiếng Trung tại London cho hay, khẳng định rằng Mộc Lan hoàn toàn không phải là một cô gái Hán mà là người Tiên Ti (Xianbei).

Căn cứ vào niên đại của chuyện gốc về một cô gái thay cha ra trận, câu chuyện xảy ra vào thời Bắc Ngụy, một triều đại của dân tộc Thác Bạt (Tuoba) mà bộ tộc Tiên Ti là một thành phần.

Người Tuoba, nói chung ngôn ngữ với nhóm Turc, là dân du mục sống trên vùng bình nguyên Á-Âu, nay còn để lại các di tích ở Mông Cổ.

Các cuộc chiến của họ vào đầu thiên niên kỷ I cũng không liên quan gì nhiều đến lịch sử Trung Quốc theo cách hiểu sau này, mà là chiến tranh với bộ lạc Avar.

Bắc Nguỵ, còn gọi là Thác Bạt Bắc Ngụy, chỉ bị Hán hóa về sau này.

Có ý kiến nói việc dựng lại Mộc Lan như một hình ảnh Hán không chỉ sai về niên đại mà còn có các chi tiết chắp vá.

Chẳng hạn Hollywood lấy kiểu nhà tuluo của người Khách Gia ở vùng Nam Trung Quốc “làm nhà” cho Mộc Lan trong phim và lâu đài cho vua chúa lại dùng mẫu thời nhà Tống.

Cùng lúc có ý kiến phê phán phim Mộc Lan của Hoa Kỳ khai thác một góc độ mang tính kỳ thị chủng tộc.

A still from Mulan

Nguồn hình ảnh, Disney

Mộc Lan trong phim phi ngựa múa kiếm đánh tộc Nhu Nhiên (Rouran) có màu da đậm, mặc đồ đen như một biểu tượng hắc ám.

Những người phản đối hình ảnh ‘trắng – đen’ đó cho rằng phim đã nhượng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và đề cao chủ nghĩa dân tộc Hán, mô tả kẻ thù của hoàng đế trong phim hơi giống người Hồi giáo hoặc các sắc tộc có sắc da đen hơn người Hán.

Việc sử dụng các hình ảnh lịch sử hoặc truyện cổ tích để dựng thành phim theo thông điệp thời nay thường dễ gây ra tranh cãi.

Nhưng trong trường hợp phim Mộc Lan vì nhiều lý do, gồm cả dịch Covid-19 và sự mong đợi trái ngược nhau từ công chúng, bộ phim có ngân sách 200 triệu USD đã thất bại trong việc thu hút người xem Trung Hoa, theo các báo Mỹ.

Tại Anh, phim dự kiến ra mắt khán giả vào mùa xuân 2020 nhưng bị hoãn lại tới tháng 8 vì dịch Covid-19.

Tuy thế, sau tháng 8, hãng Disney quyết định hủy luôn lễ khai mạc với thảm đỏ ở London và các thủ đô châu Âu.

Từ tháng 12 năm nay, khán giả ở Anh có thể mua phim trên kênh Disney Plus.