Hồ Than Thở – Huyền thoại của những câu chuyện tình đẹp
Nội Dung Chính
Du lịch Đà Lạt ngày càng nhiều sự lựa chọn cho du khách với vô số những điểm tham quan mới ra đời. Người ta dễ lãng quên đi những cái tên gắn liền với thành phố này như đồi thông Hai Mộ, thác Cam Ly… Và trong đó có cả hồ Than Thở Đà Lạt. Nhưng nếu thử một lần tham quan địa điểm này, bạn sẽ thấy một Đà Lạt với vẻ đẹp hiền hòa, dân dã vốn có của những năm tháng đã qua.
1. Đôi nét về Hồ Than Thở Đà Lạt
1.1 Hồ Than Thở ở đâu?
“Than thở tên hồ não thế gian
Hay dư âm gió vọng lau ngàn
Một làn bích thủy trong như ngọc
Vài phiến hoàng vân óng tựa vàng”
Xuất hiện rất nhiều trong thơ ca về Đà Lạt, hồ Than Thở một thời như là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với thành phố ngàn hoa. Hồ Than Thở nằm trên trục đường Hồ Xuân Hương tức QL27C thuộc phường 12, TP. Đà Lạt. Hồ Than Thở xa trung tâm Đà Lạt khoảng vài cây số về phía Đông thành phố.
Xuất hiện rất nhiều trong thơ ca về Đà Lạt, hồ Than Thở một thời như là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với thành phố ngàn hoa. Hồ Than Thở nằm trên trục đường Hồ Xuân Hương tức QL27C thuộc phường 12, TP. Đà Lạt. Hồ Than Thở xa trung tâm Đà Lạt khoảng vài cây số về phía Đông thành phố.
1.2 Hướng dẫn đường đến hồ Than Thở
Tham quan hồ Than Thở là một hành trình khá thuận lợi cho du khách. Từ trung tâm thành phố bạn sẽ chỉ mất 10 phút hơn để di chuyển bằng xe máy đến đây. Từ Quảng trường Lâm Viên bạn di chuyển theo hướng đường Trần Quốc Toản rẽ phải vào Yesin. Sau đó tiếp tục rẽ phải vào trục đường Quang Trung – Hồ Xuân Hương. Cứ đi thẳng sẽ đến được hồ Than Thở.
1.3 Từ chuyện tình buồn đến ý nghĩa tên gọi hồ Than Thở
Hồ Than Thở, cái tên nghe đến thôi cũng đủ khiến cho người ta cảm nhận một niềm tiếc nuối, một nỗi buồn sâu sắc. Tên gọi này gắn liền với một chuyện tình buồn ngày trước. Hồ Than Thở gắn liền với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Vào thế kỷ thứ 18, Hoàng Tùng một người tham gia đánh đuổi giặc Thanh trong lời kêu gọi của Nguyễn Huệ. Trước khi ra đi đánh giặc Hoàng Tùng có một mối tình thắm thiết với Mai Nương. Hai người thề ước ở hồ nước trước khi Hoàng Tùng lên đường. Hai người từng hứa hẹn khi chàng trai theo chân Nguyễn Huệ thắng lợi thì sẽ vinh qui bái tổ quay về tìm nàng.
Thế nhưng, nàng Mai Nương ở nhà nghe tin chàng Hoàng Tùng tử trận sa trường. Nỗi đau buồn đến tột độ ấy làm nàng không thiết tha và chối bỏ cuộc sống. Nàng trầm mình bên hồ nước tự tử. Nhưng ông trời trêu ngươi, Hoàng Tùng vẫn còn sống, ngày chàng trở về thì đau đớn hay tin người yêu đã chết. Nỗi đau tột cùng với những tháng ngày Gia Long trả thù công thần triều Tây Sơn đã khiến Hoàng Tùng tự vẫn bên hồ để gặp tìm người yêu nơi suối vàng.
Ai đi ngang qua cũng đều cảm thấy cảnh hồ u buồn đến lạ. Người dân bấy giờ để tưởng nhớ tấm lòng của nàng nên đã gọi hồ nước này là hồ Than Thở. Câu chuyện tình cảm động ấy vẫn được truyền tai cho đến ngày nay. Thi sĩ, hay những người có tâm hồn dễ rung cảm đều xót xa cho mối lương duyên không có hậu mà viết nên những trang thơ lai láng.
Bên cạnh câu chuyện trên, Hồ Than Thở những năm 1950 nổi tiếng bởi nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt nay là Học viện Lục quân. Cuối tuần vào thứ bảy, chủ nhật gia đình học viên hay người yêu đến đây để thăm hỏi, gặp gỡ, chuyện trò. Đó là những tiếng lòng tâm sự, thở than khi đôi lứa không được gần nhau, gia đình không được cạnh nhau. Đây cũng là một trong những ý nghĩa của tên gọi hồ Than Thở ngày nay.
2. Vẻ đẹp nên thơ của hồ Than Thở
Nhiều người cho rằng, đến Đà Lạt mà không tham quan Hồ Than Thở xem như bạn phí cả chuyến đi. Từ những huyền thoại xa xưa để cảnh đẹp hiện tại đã khiến hồ trở nên hấp dẫn với du khách.
Hồ Than Thở nằm trên một đồi cao. Chung quanh bao bọc bởi rừng thông u tịch. Hồ Than Thở nổi tiếng bởi vẻ đẹp nên thơ, hồ nước trong veo lặng tờ không gợn sóng. Vẻ đẹp trầm ngâm của hồ khiến du khách khi ngắm nhìn như soi bóng tâm hồn mà gạn lọc những vui buồn đang mang. Đứng trên đồi thông từng cơn gió mát lạnh như xoa dịu tâm hồn bạn. Rừng cây, hồ nước, tiếng chim muông hòa vang vẻ nên một bức tranh cổ tích giữa chốn thị thành hoa lệ.
Đồi thông còn có những con đường đất uốn lượn xa xa hút tầm nhìn. Du khách có thể thoảng nghe đâu đây hàng thông vi vu gió. Đặc biệt, trong đồi thông ấy có một đôi cây thông đứng cạnh nhau quấn quýt như tình nhân, du khách đến đó thường hay chọn chụp ảnh lưu niệm để giữ lại khoảnh khắc ghé thăm nơi này.
3. Những điều thú vị ở KDL Hồ Than Thở
Ngày này, trên nền hồ Than Thở yên bình ngày xưa đã hình thành nên một khu du lịch với nhiều điều thú vị để du khách tham quan.
3.1 Đi xe ngựa, đạp vịt trong KDL
Đến hồ Than Thở, bạn có thể tản bộ để ngắm cảnh đẹp và cảm nhận không khí trong lành nơi đây. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đi xe ngựa vòng quanh khu du lịch để khám phá. Những chiếc xe ngựa giản dị mang nét cổ điển không chỉ đưa du khách đi tham quan mà du khách cũng có thể chụp ảnh với cổ xe hay với những chú ngựa dễ thương.
Để phục vụ du lịch và mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách, KDL còn có dịch vụ đạp vịt trên hồ Than Thở. Nếu hồ Than Thở ngày xưa mang vẻ u buồn tĩnh lặng, thì này đã trở nên tươi vui hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu có dịp đi tour Đà Lạt 3 ngày 2 đêm bạn đừng quên trải nghiệm này nhé.
3.2 Tham quan vườn dâu ngay bên trong KDL hồ Than Thở Đà Lạt
Có thể nhiều du khách chưa biết, bên trong KDL hồ Than Thở Đà Lạt còn có cả một vườn dâu tây rộng lớn. Vườn dâu Biofresh rộng hơn 3ha, với những cây dâu xanh tốt và quả dâu đỏ mọng luôn chờ đợi du khách khám phá. Bạn có thể đến tham quan vườn dâu, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc dâu tây. Và đặc biệt nhất là chụp thật nhiều ảnh đẹp để làm kỷ niệm.
3.3 Đến hồ Than Thở chụp vô số ảnh đẹp
Danh sạch những địa điểm chụp hình đẹp ở Đà Lạt luôn có hồ Than Thở. Rừng thông, hồ nước, vườn hoa, xe ngựa… và còn vô số những góc chụp ảnh tuyệt đẹp khác trong KDL. Đâu chỉ là điểm chụp ảnh check-in không thôi mà hồ Than Thở còn là điểm chụp ảnh cưới yêu thích của nhiều cặp vợ chồng sắp về chung một nhà.
4. Đến Hồ Than Thở đừng quên ghé qua đồi thông Hai Mộ
Đồi thông Hai Mộ nằm ngay cạnh bên hồ Than Thở nên cũng rất tiện để du khách ghé qua tham quan. Đồi thông hai mộ cũng ghi dấu một mối tình thời hiện đại của cô gái tên Lê Thị Thảo và chàng trai Vũ Minh Tâm hơn 60 năm qua.
Người dân bản xứ sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về một người con trai đại điền chủ ở Gò Công tên Tâm. Gia đình muốn chàng trai có vợ sớm để có con nối dõi. Nhưng chí trai trẻ tuổi xui bước chàng đầu quân vào trường Võ Bị Đà Lạt. Trong thời gian này chàng đã quen cô gái tên Thảo con một gia đình công chức. Tình yêu của hai người vô cùng thơ mộng nên họ quyết định ra mắt cau trầu hai bên mong thành vợ chồng.
Thế nhưng gia đình chàng trai kiên quyết không chịu và ép chàng cưới một người con gái khác. Cuối cùng, chàng quyết tâm đến chiến đấu vùng lửa đạn. Cô gái đau buồn vì chàng trai ra đi và gia đình ngăn cấm, niềm vui duy nhất của nàng là những lá thư gửi về từ chiến trận. Rồi một ngày tin chàng tử trận khiến nàng tuyệt vọng, nàng chết ở đồi thông mà hai người từng hẹn hò. Người ta tìm thấy nàng trong tay vẫn nắm chặt bức thư tình và nàng xin người nhà hãy chôn nàng trên đồi thông.
Thế nhưng, giống như chuyện tình buồn của hồ Than Thở, Minh Tâm không chết. Ngày kia chàng trở về hay tin người yêu chết vì nhầm chàng tử trận. Nỗi đau buồn đã khiến chàng tự tử và ước nguyện chôn bên cạnh mộ cô gái để hai người mãi mãi bên nhau.
Đến ngày nay lên đồi thông ấy người ta vẫn còn thấy hai ngôi mộ ở cạnh nhiều. Chuyện tình buồn đó khiến nhiều du khách không khỏi xót xa, tiếc nuối.
Hồ Than Thở Đà Lạt không chỉ đẹp bởi cảnh hồ thơ mộng, thiên nhiên hiền hòa mà những huyền thoại tình yêu còn khiến tâm hồn bạn rung động. Một chuyến du lịch Đà Lạt tìm về với những điểm đến xa xưa sẽ khiến bạn có một cảm nhận mới hơn về Đà Lạt. Hãy thử trải nghiệm nhé!