Hình thành các tập đoàn chế biến nông sản | Doanh nghiệp
>> ĐIỂM BÁO NGÀY 22/07: Hình thành các tập đoàn chế biến nông sản
Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 đã xác định rõ vị trí của ngành nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới, trong những năm tới.
– Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam được Chính phủ đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, thưa ông?
Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nông lâm thủy sản nói chung và rau củ quả nói riêng phong phú, có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường lớn. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản đặc sản có tính mùa vụ, thường thu hoạch sản phẩm tươi ồ ạt trong thời gian ngắn. Thiếu công nghệ chế biến, bảo quản, việc xuất thô nông sản tươi gặp nhiều hạn chế. Vì xuất thô nên chúng ta không xuất khẩu nông sản số lượng lớn, không có khả năng tiếp cận sâu vào thị trường nội địa các nước công nghiệp phát triển rộng lớn với khách hàng tiềm năng, có thu nhập cao và nhu cầu tiêu dùng lớn. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu vì thế gặp một số khó khăn nhất định.
Chính vì vậy mục tiêu cụ thể, được Chính phủ đặt ra là cơ giới hóa đồng bộ lĩnh vực trồng trọt đạt trên 70% năm 2030; chăn nuôi đạt trên 60% năm 2030; cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.
Việc ứng dụng công nghệ chế biến, những hạn chế trên của nông sản Việt Nam sẽ được khắc phục. Tôi lấy đơn cử mặt hàng sầu riêng. Thứ quả này khá cồng kềnh nên khi xuất 1 container sang nước ngoài chúng ta xác định chủ yếu là xuất khẩu… vỏ. Ngược lại, nếu chế biến sâu tại Việt Nam, tách vỏ sầu, chúng ta chỉ lấy múi sẽ xuất bán được số lượng nhiều và thu lợi nhuận cao hơn so với bán nguyên quả.
Với sản phẩm chế biến, lợi thế xuất khẩu nông sản của Việt Nam là rất lớn, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển vừa gia tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh với các nước.
– Phát triển công nghệ chế biến cũng đồng nghĩa với việc sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu, điều này có tạo ra thách thức mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Các thị trường nhập khẩu nông sản ngày càng đòi hỏi chất lượng cao. Ngoài ra, sau dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng của người dân tại nhiều nước trên thế giới đã thay đổi. Như ở châu Âu, người dân ưa chuộng rau củ quả nhiệt đới, sản phẩm xanh, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Vì thế, phát triển công nghệ chế biến vừa phù hợp với xu thế vừa là đòi hỏi tất yếu của các thị trường lớn. Với các nông sản đặc sản như vải thiều, thanh long, sắp tới là nhãn lồng qua chế biến, các nhà vườn có thể có sản phẩm tiêu thụ quanh năm với giá tốt hơn là phải bán thật nhanh cho hết.
– Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay sản xuất cơ bản vẫn quy mô nhỏ khiến cho việc đầu tư công nghệ chế biến sẽ gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
Một trong những định hướng của Chính phủ trong Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 là hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới, theo tôi cũng một phần xuất phát từ đặc thù trên của ngành nông nghiệp.
Phát triển công nghệ chế biến hiện đại đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao và nguồn vốn lớn. Các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến lớn có vai trò là trung tâm liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng, chế biến, xuất khẩu, thậm chí là kêu gọi đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính.
Để sản xuất không bị gián đoạn, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng theo hợp đồng, doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu, chuyển giao công nghệ, giám sát kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển…
Những người nông dân tham gia chuỗi cũng sẽ được hưởng lợi. Không còn là hình ảnh nhà nông mặc áo tơi, đội nón lá ra đồng mà khi đưa cơ giới hóa vào cánh đồng, sử dụng thiết bị hiện đại, nhà nông có thể tưới tiêu, kiểm soát cây trồng bằng ứng dụng trên điện thoại di động hoặc bằng máy bay không người lái.
Những mô hình này đã được hình thành tại một số vùng nguyên liệu xuất khẩu của các tập đoàn lớn ở Việt Nam và hy vọng được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân và hình ảnh của nông thôn Việt Nam hiện đại.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.