Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò “cầu nối” | Doanh nghiệp

>> Doanh nghiệp phát triển – Thanh Hóa thịnh vượng

Trong năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu áp lực do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Bên cạnh đó còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn thành lập mới khoảng 3600 doanh nghiệp, vượt 20% so với kế hoạch đề ra.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Cũng theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu ổn định và phát triển trở lại.

Đáng mừng hơn, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức đón tiếp, làm việc, cung cấp thông tin về quy hoạch, lĩnh vực thu hút đầu tư, cơ chế chính sách tới nhiều tổ chức, đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng thời, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo giải phóng mặt bằng; Giải quyết vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; Làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn cho các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và một số dự án trọng điểm, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và tạo lực hút đầu tư. Đến hết năm 2022, tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh ước đạt gần 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ…v..v.

Những thành quả trong thu hút đầu tư cùng những tín hiệu đáng mừng nói trên đã và đang tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tỉnh, mà Hiệp hội là cầu nối để kết nối giữa chính quyền với các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với cấp ủy đảng, chính quyền, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nỗ lực, đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển. Do đó hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra đều đạt và vượt, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

>> Thanh Hóa: Phát huy hiệu quả cơ chế đặc thù

>> Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò kết nối

Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá thăm, làm việc với các doanh nghiệp Thanh Hoá tại Hà Nội

Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá thăm, làm việc với các doanh nghiệp Thanh Hoá tại Hà Nội

Vai trò đó còn được nhân lên khi đến nay Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có tổng số hội viên lên hơn 5.000. Hiệp hội đã thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp. Tăng cường việc tập hợp ý kiến của các hội viên trong tham mưu, góp ý xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể: Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã tham gia góp ý gần 30 văn bản liên quan đến các dự thảo đề án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Những ý kiến tham gia góp ý, phản biện của hiệp hội trên cơ sở thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoặc, trong những tháng đầu năm, Hiệp hội đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa khảo sát, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố (DDCI). Những ý kiến khách quan, công bằng của doanh nghiệp là nguồn thông tin quan trọng để các cấp chính quyền tìm ra các trở ngại, điểm nghẽn liên quan tới năng lực điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các sở, ban, ngành, địa phương, từ đó để ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Không những vậy, trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh, đến nay Hiệp hội đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo, tập huấn với hơn 10.000 lượt học viên tham gia. Xuyên suốt các khóa đào tạo là cung cấp kiến thức kinh doanh cơ bản chuyên sâu, kỹ năng lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, khởi sự và phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, để nâng cao vị thế cho các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh, Trung ương tổ chức biểu dương kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều thành tích hằng năm tạo nhiều việc làm cho lao động, đóng góp ngân sách, đổi mới công nghệ, doanh nghiệp phát triển bền vững…

Có thể thấy, bằng tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhất trí cao trong Ban Chấp hành và sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội đã thể hiện tốt chức năng của mình trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp hội viên. Làm tốt vai trò tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, là cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Qua đó khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của Hiệp hội trong xã hội, vị thế của đội ngũ doanh nhân ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

  

Từ khóa

  • Thanh Hóa

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.