Hết lo chứng chỉ Tin học, Ngọai ngữ, GV lại thấp thỏm với chứng chỉ tích hợp

GDVN- Vừa hoàn thành chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, hạng chức danh, nhiều nhà giáo đang phải đối mặt với nỗi lo tài chính vì phải học chứng chỉ tích hợp.

Ra trường 8 năm, một đồng nghiệp của người viết đang giảng dạy tại trường trung học đã có trong tay 2 tấm bằng chuyên môn (một bằng cao đẳng vì lúc đó giáo viên trung học cơ sở chuẩn đào tạo là cao đẳng sư phạm và một bằng đại học chuyên tu sau này) cùng với đó là một loạt các chứng chỉ.

Các loai chứng chỉ như: chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng II và hạng I.

Hết lo chứng chỉ Tin học, Ngọai ngữ, GV lại thấp thỏm với chứng chỉ tích hợp ảnh 1

Vị đồng nghiệp trên không là cá biệt, ngay bản thân người viết cho tới thời điểm này cũng đã có trong tay ít nhất 2 bằng chuyên môn và 4 chứng chỉ.

Để có trong tay chừng ấy bằng cấp và chứng chỉ, giáo viên đã phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ so với đồng lương eo hẹp của nhà giáo hiện nay. Đổi lại, vị đồng nghiệp cũng được an ủi bằng suy nghĩ: “Có lẽ học đến đây là đủ rồi, sau này không còn phải học để tốn tiền nữa”.

Giáo viên trong vòng vây chứng chỉ

Học xong chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ mất bao nhiêu công sức, tiền của. Cách đây hơn 10 năm, để có được cái chứng chỉ Ngoại ngữ, nhiều nhà giáo đã phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ.

Lương một tháng lúc đó được khoảng 3, 4 triệu đồng nhưng tiền chứng chỉ lại mất đến năm triệu đồng. Rồi tiền ăn, ở, đi lại, cầm được cái chứng chỉ Ngoại ngữ cũng mất vài tháng lương đối với một giáo viên có thâm niên công tác gần 20 năm.

Những giáo viên mới ra trường thì xem như còng lưng làm để trả nợ.

Nhiều nhà giáo dốc túi học xong 2 chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học cũng là lúc Bộ Giáo dục bỏ quy định giáo viên phải có 2 loại chứng chỉ này. Nói là mừng vui thì cũng mừng cho những giáo viên sắp và sẽ bước chân vào nghề giáo. Còn các thầy cô đã công tác trong ngành thì đa phần cũng đã trang bị rồi.

Vừa bỏ 2 loại chứng chỉ này cũng là lúc chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT ra đời liên quan đến việc xếp hạng giáo viên.

Giáo viên mỗi cấp đều có 3 hạng và mỗi hạng giáo viên buộc phải có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Giá tiền phải bỏ ra cho một chứng chỉ dao động từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đứng trước sức ép giữ hạng, lên hạng, nhiều nhà giáo đã phải đăng ký đi học lấy chứng chỉ. Do đọc hiểu công văn, một số thầy cô hiểu sai, một số cơ sở giáo dục tư vấn sai nên không ít giáo viên đã học chứng chỉ sai hạng. Dẫn đến, thừa chứng chỉ hạng này nhưng vẫn thiếu chứng chỉ hạng chức danh kia.

Sau làn sóng đi học chứng chỉ ồ ạt (một trường học gần như giáo viên nào cũng đi học) nên ai ai cũng đã có đủ chứng chỉ.

Một lần nữa, chứng chỉ theo hạng chức danh đã bỏ mà thay vào đó tất cả các hạng cùng chung một chứng chỉ chức danh.

Nhiều giáo viên lại trong vòng vây tín chỉ

Vừa xong chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, hạng chức danh, giờ đây, nhiều nhà giáo (dạy môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử và Địa lý) đang phải đối mặt với mấy chục tín chỉ để hoàn thành chứng chỉ tích hợp kèm theo đó, là vài triệu đồng học phí sẽ phải đóng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành 2 quyết định, đó là Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, khiến cho đội ngũ nhà giáo trung học cơ sở sẽ dạy 2 môn tích hợp băn khoăn, lo lắng.

Ngày 2/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã có Công văn 953/SGDĐT-TCCB về việc mở lớp Bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Theo công văn, đối tượng bồi dưỡng là người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành sư phạm Lịch sử, Địa Lí…

Hình thức học: Lớp học được tổ chức vào Thứ bảy, Chủ nhật, học theo hình thức trực tiếp kết hợp online.

Học phí: theo Thông báo của cơ sở bồi dưỡng (gồm 20 tín chỉ, 130.000/tín chỉ). Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí của cơ sở giáo dục cử người đi bồi dưỡng và người học đóng góp.

Hết lo chứng chỉ Tin học, Ngọai ngữ, GV lại thấp thỏm với chứng chỉ tích hợp ảnh 4

Giáo viên Lịch sử, Địa lý sẽ học 20 tín chỉ với tổng học phí khoảng 2.600.000 đồng, giáo viên Lý, Hóa, Sinh sẽ phải học 30 tín chỉ với chi phí gần 4 triệu đồng.

Nguồn kinh phí của cơ sở giáo dục cử người đi bồi dưỡng và người học đóng góp nhưng một số giáo viên cho biết nhà trường chỉ hỗ trợ phần nào còn phần lớn giáo viên phải lo.

Giáo viên dạy đơn môn khi chuyển sang dạy học tích hợp đương nhiên phải học bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Tuy nhiên, hình thức bồi dưỡng như thế nào để giảm gánh nặng kinh tế cho thầy cô là điều cần tính toán. Theo người viết, Bộ nên tổ chức cho giáo viên học online miễn phí hoặc thiết kế việc bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp như việc tự học bồi dưỡng trong chương trình mới mà các nhà giáo đang theo học.

Khi không phải hao tốn về tài chính thì dù mất thêm chút thời gian, công sức để học tập thì các nhà giáo vẫn ủng hộ nhiệt tình.

Phan Tuyết