Hẹ nước miền Tây đặc sản rau đồng một lần phải thử
Không hiểu hẹ nước từ đâu sinh ra, không thấy nó có bông, có trái. Mùa nắng đất ruộng khô rang, nứt nẻ, vậy hễ mưa xuống là trên ruộng lại có hẹ nước mà không cần gieo, không cần trồng. Cho nên dân quê ở vùng Đồng Tháp Mười coi thứ rau dẫn dã tự nhiên này là món đặc sản không phải ai muốn cũng được và không phải vùng đất nào muốn cũng có.
Tổng quan về loài rau hẹ nước miền Tây
Hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước lũ từ tháng 6-8 âm lịch ở ruộng nước, kênh mương, đầm nước vùng đất phèn Đồng Tháp Mười.
Cứ sau vài trận mưa đầu mùa, các thửa ruộng vùng đất ngập phèn lênh láng nước. Đó là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược. Chẳng mấy chốc, cọng hẹ đã mọc dài chừng năm, sáu tấc, mặt lá rộng cỡ bề ngang một ngón tay. Đó cũng là lúc bọn trẻ con bắt đầu đi “thu hoạch” loại rau trầm nước này.
Ai chưa biết thường nhầm lẫn với hẹ nước trên cạn do tên gọi giống nhau. Để dễ phân biệt khi bán ra vùng khác người ta đổi tên thành hẹ nước, còn dân địa phương vẫn hay gọi tên là “lá hẹ”. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi. Hôm nào nhà nấu mắm kho mà thiếu lá hẹ là thấy mất ngon liền.
Loài hẹ nước này đặc biệt ở chỗ không chỉ mọc được ở vùng nước ngọt phù sa, mà trong những kênh mương đầm nước vùng phèn hẹ nước cũng sinh sôi xanh non mơn mởn. Ở những con mương ven đồng khóm Tân Phước Tiền Giang quê tôi hễ tới mùa, thì cũng có vô vàn hẹ nước.
Lá hẹ nước – rau đồng trời cho của người miền Tây
Người dân miền Tây gọi rau hẹ nước là “của trời cho” bởi giống hẹ này không chỉ là loại rau ngon mà ngày nay còn có giá trị kinh tế, đặc biệt chỉ tự mọc tự nhiên (không thể trồng), vùng đất nào có hẹ thì dù có luân canh thế nào, “hễ tới mùa nước nổi – đất trống là hẹ lại sinh sôi”.
Hẹ nước phần càng gần gốc trắng càng ngon. Muốn hái hẹ nước phải lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ. Nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương.
Những cọng lá hẹ xanh non, sau khi hái xong được giũ bùn sạch sẽ rồi đem về cho vô thau lớn đổ nước sạch vô ngâm khoảng một giờ đồng hồ cho dễ rửa. Lúc nào ăn người ta xếp hẹ lên đĩa bàn lớn. Ðể nguyên gốc rễ ăn vẫn được nhưng nếu muốn nhìn thấy đẹp mắt thì lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi.
Những món ngon ăn kèm lá hẹ nước
Hẹ nước được người ta dùng ăn sống như một loại rau, chấm nước cá kho, thịt kho… nhưng hẹ nước ngon nhất hạng khi ăn cùng món mắm kho, về miền Tây hễ nhắc một trong hai món, mặc nhiên người ta nghĩ ra ngay món còn lại.
Mắm kho trước kia, bây giờ là lẩu mắm, là món thường ngày của người dân miền Tây Nam bộ. Đi kèm với món ăn làm nên danh tiếng vùng đất này là một “tập đoàn” rau và bông hết sức “tầm cỡ”, nhưng thiếu sự hiện diện của hẹ nước thì coi như “bỏ đi”! Cảm giác ngon miệng của các loại rau, bông khác chấm mắm kho, lẩu mắm là chuyện ai cũng biết. Nhưng cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho, lẩu mắm mới là đặc biệt. Vì, lúc mới ăn chẳng cảm thấy gì đặc biệt, nhưng càng nhai càng nghe vị ngọt rất đặc trưng của nó lẫn vị mặn ngọt của nước món ăn, thấm dần, thấm dần vào dạ dày.
Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay, Dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Dược liệu Đồng Tháp Mười – Remedica – ở tận xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã khai thác hẹ nước. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông còn tổ chức du lịch sinh thái trong bốn tháng mùa nước nổi. Đến đây, mùa này, ngoài việc được đi xuồng ba lá trên những con kênh dài mút mắt uốn khúc theo bìa rừng, những bầy le le, vạc, gà nước, cò ma, cò trắng, bạch hạc (giang sen), điên điển, sếu đầu đỏ, bồ nông… bay liệng hoặc đậu trên các cành cây…, khách còn được ông Bé khoe ở dưới ao có một loại rau đặc biệt chỉ có trong mùa nước nổi. Đó là cây hẹ nước, chấm với mắm kho ăn hết biết! Và, chỉ với mỗi món ăn đậm chất Nam bộ ấy mà ông Bé đã “hớp hồn” biết bao du khách khi đến với khu du lịch hoang dã này.
Ngọn rau dại trên mâm cơm đạm bạc của người nghèo vùng đất chua phèn đã dần thu hút khẩu vị và trở thành đặc sản với dân thành thị nhiều nơi, vì vừa ngon, bổ, rẻ lại vừa rất an toàn vì là loại rau siêu sạch. Từ một thứ rau dại bỏ đi, người miền Tây dùng nó như một món ngon dân dã và đặc sản riêng chỉ nơi đây mới có. Hẹ nước cũng trở thành một trong những đặc sản rau đồng miền Tây không thể quên khi nhắc đến ẩm thực miền Tây.
Phan Thùy Linh (Nắng)
XEM THÊM:
Cây cỏ bàng và nghề từ cây cỏ bàng
Nghề nhổ bàng theo lời kể của những lão nông xưa
Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây