Hãy lựa chọn và sử dụng muối Iốt

 

I-ốt là nguyên tố tự nhiên có ở vỏ trái đất nguyên thuỷ, do mưa lũ, băng hà.., i-ốt theo các dòng sông suối bị cuốn trôi ra biển, vì thế biển là nơi dự trữ i-ốt chủ yếu của trái đất. I-ốt trong nước biển dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, bị ôxy hoá tạo nên i-ốt nguyên tử theo mưa vào bổ xung i-ốt cho đất. Theo chu trình tự nhiên, hàng năm có khoảng 400.000 tấn i-ốt bổ xung cho đất.

http://www.quangninhcdc.vn/images/news/content_images/year2012/month11/muoi%20(1)_6112012_215422.jpg

Nhưng quá trình bổ xung theo chu trình tự nhiên không bù đủ so với lượng i-ốt mất đi do nhiều nguyên nhân, vì thế quá trình mất i-ốt trong đất là liên tục và vĩnh viễn, đặc biệt ở những vùng núi đồi, đồng bằng phù xa, vùng hay bị ngập lũ.

Khi đất bị thiếu i-ốt thì cây trồng cũng bị thiếu i-ốt. Con người, động vật sử dụng những thực phẩm nghèo i-ốt sẽ bị thiếu i-ốt, đó là quan hệ nhân quả.

Theo kết quả nghiên cứu về khẩu phần ăn của cơ quan thực phẩm và dược phẩm Hoa Kì (US Fôd and Drug Administrations) công bố năm 1991, nhu cầu i-ốt của cơ thể thông qua khẩu phần ăn là 180µcg i-ốt ngày/người.Tuy nhiên nhu cầu I-ốt thay đổi theo lứa tuổi, giai đoạn phát triển, được trình bày tóm tắt ở bảng dưới đây.

Đối tượng

Nhu cầu (mcg/người/ngày)

0-6 tháng

40-90

6-12 tháng

50-90

1-3 tuổi

70-90

4-6 tuổi

90

7-10 tuổi

120

Thanh thiếu niên

150

Nữ có thai,cho con bú

200

Để đánh giá tình trạng thu nhập i-ốt của cơ thể, chúng ta dùng phương pháp định lượng i-ốt nước tiểu. Một người (ở mọi lưa tuổi) được coi là thiếu i-ốt khi mức i-ốt niệu thải ra trong nước tiểu <100 µg/lít).

Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, chương trình phòng chống CRLTI đều sử dụng hóa chất KIO3 (kali-iodate), trộn vào muối ăn để cung I-ốt cho cơ thể. Đây là biện pháp bao phủ rộng và  phòng chống bệnh hiệu quả nhất

Người Việt Nam trung bình tiêu thụ 10gam muối/người/ngày, lượng I-ốt cần cung cấp trung bình cho mỗi người dân là 100-150µg i-ốt/ngày.

I-ốt khi vào cơ thể được tuyến giáp trạng tổng hợp tạo thành hormone giáp.

Hormone giáp được truyền từ mẹ sang con giúp cho sự phát triển, trưởng thành của thai, có ảnh hưởng quan trọng nhất trong ở thời kì bào thai và trẻ nhỏ.

Ở giai đoạn đầu của thời kì bào thai, hormone giáp giúp cho sự phát triển, trưởng thành của thai hoàn thiện về thể chất và tâm thần kinh.

Ở vùng bị thiếu i-ốt nặng và kéo dài làm nồng độ hormone giáp thấp, cản trở sự phát triển của não nên đứa trẻ có thể bị thểu năng trí tuệ. Đặc biệt là trẻ nhỏ sự phát triển cơ thể nhanh, chuyển hoá ở tất cả các khâu đều mạnh, độ tập trung i-ốt cao nhất ở những năm đầu sau đó giảm dần đến năm 20 tuổi. Như vậy nồng độ hormone giáp rất cần thiết cho sự phát triển của não và thể chất, đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi .

Tại Quảng Ninh, chương trình phòng chống các bệnh do Thiếu hụt i-ôt  được triển khai từ nhiều năm và đạt được những hiệu quả đáng  ghi nhận. Tỷ lệ bướu cổ của trẻ từ  8 – 10 tuổi  giảm đáng kể dưới tác động tích cực của chương trình qua các năm: Năm 1995 là 10,5%, năm 2003 là 6,1%,  và năm 2005  là 2,65 % và được công nhận là đã thanh toán bệnh bướu cổ  tại Tinh.

Sau đó các hoạt động của chương trình đi vào thường qui, không được hỗ trợ cho các hoạt động để tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc, giám sát, kiểm tra  trong những năm gần đây .

Với xu hướng chung của toàn quốc, bệnh bướu cổ có khả năng quay trở lại  nếu không tiếp tục quan tâm tuyên truyền và hỗ trợ người dân .

Để đánh giá lại hiệu quả của chương trình của Tinh sau 6 năm,đã triển khai điều tra lại: kết quả như sau:

Năm 2011: Tỷ lệ bướu cổ của trẻ em từ 8 – 10 tuổi là: 4,74% ( rất sát với mức tiêu chuẩn qui định để thanh toán bệnh bướu cổ  là < 5 %)

Năm 2012: Triển khai điều tra  KAP cho thấy :

    + Tỷ lệ hộ dân dùng muối i ốt rất thấp 39,72% (tiêu chuẩn phòng bệnh  phải là ≥ 90%)  so với năm 2006 là 95%.

   +  Kiểm tra xét nghiệm: Số mẫu nước tiểu đạt tiêu chuẩn về i ốt niệu theo qui định cũng rất thấp 56,11% .

   + Mức  I-ốt niệu của người dân quá thấp, có trường hợp chỉ đạt  10,4 – 10,6 µg/l so với qui định mức i ốt niệu duy trì là  ≥100µg/l. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục thì người dân sẽ mắc các bệnh rối loạn do thiếu hụt i ốt gây ra như: Bướu cổ, sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật, câm điếc, thiểu năng trí tuệ và đần độn…

Tất cả những kết quả trên cho thấy:

 Tuy đời sống ngày một được nâng cao nhưng chúng ta đang tiến dần đến nguy cơ không bảo vệ được thành quả thanh toán các bệnh rối loạn do thiếu hụt i ốt. Mức độ quan tâm đến bổ sung, bảo quản, sử dụng đúng cách các vi chất dinh dưỡng trong đó có iôthàng ngày của người dân đang bị lãng quên. Bên cạnh đó quá nhiều loại sản phẩm  muối, bột canh  và chế phẩm của nó được lưu hành trên thị trường nhưng không được kiểm tra, trong khi xí nghiệp trộn muối I-ốt  của Tỉnh được kiểm tra xét nghiệm thường xuyên, khẳng định đủ tiêu chuẩn qui định của sản xuất muối I-ốt, nhưng lại không cạnh tranh được với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường vì giá thành.

Thiếu hụt I-ốt bổ sung trong bữa ăn hàng ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, đến trí tuệ của thế hệ trẻ sau này.

Để chương trình giữ vững thành quả đạt được trong những năm trước của Tỉnh Quảng Ninh, rất cần  sự quan tâm của các cấp, các ban ngành, các tổ chức tạo điều kiện và phối hợp triển khai để các hoạt động của chương trình được tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển.

Tăng cường kiểm soát, hạn chế muối và sản phẩm không có I-ốt, không đủ tiêu chuẩn theo qui định, theo đăng ký lưu hành trên thị trường .

Bên cạnh đó mỗi  người dân chúng ta cần sáng suốt trong lựa chọn sản phẩm, bảo quản và sử dụng đúng hướng dẫn những chế phẩm có I-ốt để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày.

Tất cả vì sức khỏe người dân, vì trí tuệ của thế hệ tương lai, mỗi người dân Quảng ninh chúng ta nên mua, sử dụng muối và các chế phẩm có I-ốt./.

(Nguồn: BS Nguyễn Mạnh Hải – TTKSBT tỉnh QN)