Hành trình vượt khó của nữ ‘tỷ phú ớt chưng’ Trung Quốc

Xuất thân nghèo khó, Đào Hoa Bích đã dồn tâm huyết phát triển loại ớt chưng được ưa thích nhất Trung Quốc và trở thành tỷ phú.

Đào Hoa Bích sinh năm 1947, là con thứ 8 trong gia đình nghèo ở miền núi Quý Châu, nơi được mệnh danh là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” của Trung Quốc. Bà trải qua thời thơ ấu đói khổ, không được đi học, từng phải ăn rễ cây để không chết đói.

Năm 1989, sau khi chồng mất, bà chuyển tới thành phố Quý Dương, bắt đầu bán mỳ lạnh cùng loại ớt chưng tự làm trong nhà hàng rộng 10 m2. Ngay trong ngày đầu khai trương, bà chỉ bán được 3,5 kg mỳ, nhưng ớt chưng lại hết sạch.

Loại ớt chưng bà làm nhanh chóng nổi tiếng trong giới sinh viên đại học gần cửa hàng, lan truyền khắp Vân Nam và Quý Châu nhờ các tài xế xe tải và cuối cùng phổ biến khắp Trung Quốc.

Đào Hoa Bích (giữa) kiểm tra sản phẩm trong nhà máy. Ảnh: Baidu.

Đào Hoa Bích (giữa) kiểm tra sản phẩm trong nhà máy. Ảnh: Baidu.

Năm 1996, bà mở nhà máy ở Quý Dương và một năm sau, công ty thực phẩm Laoganma (Mẹ đỡ đầu) ra đời. Ban đầu, nhà máy chỉ có 40 công nhân, xưởng là ngôi nhà thuê lại của chính quyền thôn, còn nhãn hiệu và bao bì do con trai bà, ông Lý Quý Sơn, thiết kế. Nhãn hiệu in ảnh bà Đào, mặc tạp dề trắng và đôi mắt thể hiện sự kiên định.

Bà sau đó mở nhà máy ở Nam Minh, nơi được mô tả như một “vương quốc ớt chưng” khép kín nằm trên sườn đồi ở ngoại ô đông nam thành phố Quý Dương. Nhà máy nằm cạnh đường cao tốc, nơi chỉ có con đường rộng vài mét cho người và xe chở dầu ớt đỏ ra vào.

Tường vây quanh nhà máy trang trí bằng gạch trắng, loại nông dân hay dùng, hoặc chỉ sơn một lớp sơn trắng. Không khí xung quanh tràn ngập mùi ớt. Mùa hè, khi gió đông nam thổi qua, mùi ớt chưng dầu có thể lan tới trung tâm thành phố Quý Dương cách đó 10 km.

Hơn 4.000 công nhân mặc đồng phục làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, ở trong ký túc xá. Phù hiệu màu đỏ trên cổ áo là dấu hiệu để họ ra vào “vương quốc ớt chưng”.

Màu đỏ là màu yêu thích của Đào Hoa Bích. Màu đỏ của ớt xuất hiện khắp nơi, từ hoa cẩm tú cầu đỏ treo trên mỗi cánh cửa, tới vải buộc vào hàng chục xe tải và xe chở dầu, cùng chiếc Rolls-Royce của bà.

Đối với bà Đào, người sinh ra trong thời kỳ cách mạng và trưởng thành trong thời đại Mao Trạch Đông, quá trình tích lũy tài sản là cuộc chiến không bao giờ kết thúc.

Ảnh cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông treo trong phòng làm việc của Đào Hoa Bích. Ảnh: Baidu.

Ảnh cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông treo trong phòng làm việc của bà Đào Hoa Bích. Ảnh: Baidu.

Doanh nghiệp của bà trở thành công ty thực phẩm đầu ngành sau hàng chục năm hoạt động, nhưng Đào Hoa Bích hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Văn phòng làm việc dẫn thẳng tới phòng ngủ của bà. Bà sống trong nhà máy, bên trong bài trí đơn giản. Sau mỗi lần đi công tác theo lịch con trai và thư ký sắp xếp, bà lập tức quay lại nhà máy vì “cực kỳ quan tâm đến công việc”.

Bà không để công việc tồn đọng sang ngày hôm sau, dù thức khuya thế nào vẫn dậy đúng 7h sáng mỗi ngày. Bà ăn uống đơn giản, ít thịt cá, ăn rau luôn kèm ớt và không bỏ thừa thức ăn. Một số nhân viên cho hay bà thường ăn sạch suất cơm khi dùng bữa trong căng tin cùng công nhân.

Bà theo đuổi triết lý kinh doanh đơn giản, từ chối đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, tăng vốn, vay mượn hay quảng cáo. Một số quan chức thuyết phục bà đầu tư bất động sản, nhưng Đào Hoa Bích tuyên bố chỉ cần làm tốt một việc trong đời, đó là làm ra loại ớt chưng ngon và không tham lam vật chất quá mức.

Bà Đào không bao giờ trả lời phỏng vấn với lý do “sức khỏe kém”. Đại diện công ty của bà cho hay “bà nói mình ít chữ, nên không biết phải trả lời phỏng vấn thế nào. Bà sợ mình nói sai nên sẽ không nhận phỏng vấn”.

Tính cách của bà cũng nóng nảy và thẳng thắn như ớt. Một công nhân lâu năm cho hay bà thường mắng nhân viên khi tức giận, nhưng luôn yêu quý và đối xử với họ như người nhà. Có lần, mẹ của một nhân viên bảo vệ mắc bệnh hiểm nghèo phải chạy thận, bà lập tức đưa tiền, nói “đừng lo về chi phí, tôi sẽ lo tiền chữa bệnh tới khi mẹ anh khỏe lại”.

Công ty thu hút lượng lớn lao động nhờ cung cấp chỗ ăn ở miễn phí, trả lương cao hơn 500 tệ so với mức trung bình ở địa phương.

Người quen cho hay bà có trí nhớ rất tốt, nhớ được tên và sinh nhật của nhiều công nhân, cũng có khả năng đọc thuộc lòng chính xác sau khi nghe nhiều lần. Bà có thể ngửi để biết được ớt chất lượng tốt hay xấu, thậm chí có khả năng làm ra loại ớt chưng tương tự sau khi nếm sản phẩm của công ty đối thủ.

Trên trang web, công ty cho biết mỗi ngày sản xuất 1,3 triệu lọ ớt chưng. Năm 2016, Bloomberg ghi nhận công ty của bà đã giúp tỉnh nghèo Quý Châu đạt mức tăng trưởng 10,5%, vượt xa tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc là 6,7%. Forbes China ước tính bà đang sở hữu khối tài sản 1,05 tỷ USD.

Bà được mệnh danh là “người phụ nữ cay nhất Trung Quốc”. Người Trung Quốc thường đùa rằng khi một người đàn ông lấy vợ, anh ta sẽ lấy hai người đàn bà, một là vị hôn thê, người kia là Đào Hoa Bích.

Hồng Hạnh (Theo Guardian/Yicai China)