Hàng loạt tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ: Cân nhắc kỹ trước khi hối hận
–
Thứ bảy, 30/09/2017 21:46 (GMT+7)
TPHCM, tháng 4, một thai phụ tử vong vì nâng ngực, tháng 7 một người ngoại quốc chết vì hút mỡ thừa, thì cuối tháng 9 vừa qua lại một ca làm đẹp bị tai biến, hôn mê sâu!
Phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao nếu không bệnh nhân sẽ là người lãnh chịu hậu quả.
Giải mã nguyên nhân tai biến
Sự việc ông Edward Hartley, 53 tuổi, quốc tịch Mỹ, tử vong ngày 19.7 do cắt da bụng, hút mỡ thừa ở thẩm mỹ viện Việt Thành, số 565, đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM còn chưa lắng thì lại có chuyện đại họa khác.
Ngày 17.9, bệnh nhân T.T.Đ, 38 tuổi, ở quận Thủ Đức, đến BV thẩm mỹ Emcas, 14/27, đường Hoàng Dư Khương, phường 12, quận 10, TPHCM để làm phẫu thuật chỉnh xương hàm (quen gọi là gọt hàm, để có cằm thon nhỏ đẹp). BS Trần Ngọc Quảng Phi, phẫu thuật viên chính ca mổ là tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật hàm mặt, có hợp đồng làm việc ngoài giờ tại BV thẩm mỹ Emcas.
Ca phẫu thuật kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày, bệnh nhân ổn định, được rút ống nội khí quản, chuyển về phòng hồi sức. Khoảng 20 phút sau, xuất hiện chảy máu ở mức không ồ ạt trong khoang miệng (đường mổ ở trong miệng, để không có sẹo da), BS phẫu thuật khâu niêm mạc miệng để cầm máu, đặt nẹp vít và theo dõi sát sao.
Sau 30 phút, bệnh nhân diễn biến suy hô hấp, nồng độ ôxy bão hòa trong máu (SpO2) ở mức dưới 70% (bình thường khoảng 95%), sàn miệng (vùng sau cung răng hàm dưới và dưới lưỡi) phù nề, phải mở khí quản tại giường để chống suy hô hấp, bệnh nhân có cơn ngừng tim. Hồi sức đến khi mạch, huyết áp hồi phục và tương đối ổn định rồi chuyển viện lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày.
Đến BV Nhân dân 115, bệnh nhân đã hôn mê, phải bóp bóng qua ống mở khí quản, mạch 138 lần/phút, huyết áp 123/90 mmHg; tim nhanh, đều. Lập tức cho thở máy, dùng thuốc cầm máu, chống co giật và chống phù nề vùng miệng.
Đến ngày 19.9, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, rối loạn tri giác (tăng cảm giác đau), tiếp tục thở máy, đường kính đồng tử hai bên 3 mm, chụp CT Scanner não chưa phát hiện bất thường… 14 giờ ngày 22.9, BV Emcas đã đưa bệnh nhân lên máy bay đi Singapore chạy chữa theo yêu cầu của gia đình. Khi đi, bệnh nhân đã tự thở được qua ống mở khí quản, chỉ số ý thức (glasgow) khoảng 8/15. Sáng 23.9, đại diện BV Emcas xác nhận thông tin này.
Ngày nay, những cơ sở thẩm mỹ hiện đại có nhiều phương tiện tiên tiến, đủ tiêu chuẩn quốc tế; áp dụng những đường mổ và kỹ thuật mổ mới, hạn chế được tối đa các tai biến và biến chứng. Tuy nhiên, dù phương tiện có hiện đại và kỹ thuật có tiến bộ đến đâu vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn tai biến và biến chứng vì ba lý do cốt lõi:
Một là, những kỹ thuật và phương tiện hiện có chưa phải đã đạt đến mức hoàn hảo! Hai là, con người thực hiện kỹ thuật và sử dụng phương tiện liệu đã hoàn toàn thuần thục với kỹ thuật và phương tiện? hoặc đã thuần thục kỹ thuật và sử dụng phương tiện nhưng bị chi phối bởi sức khỏe (mệt mỏi, căng thẳng…) và nhiều vấn đề khác.
Lý do thứ hai là khía cạnh nhỏ trong một lĩnh vực rộng lớn gọi là sự cố y khoa không mong muốn (Medical Adverse Events – MAE) hay bệnh sinh ra do thầy thuốc (Iatrogenie) – một vấn đề toàn cầu hiện hành! Ba là, tự thân một bệnh (hay một chỉnh sửa) nào đó đương nhiên có tai biến hay biến chứng hoặc thất bại do cấu trúc và tính chất mô, giải phẫu cơ quan, bộ phận… được y văn thừa nhận!
Vùng mặt – hàm có nhiều mạch máu nhất cơ thể và do các dây thần kinh trung ương (phát sinh từ não) chi phối nên thực hiện phẫu thuật hàm mặt, BS phải có tay nghề cao, nắm chắc đường đi của thần kinh, mạch máu kể cả những phân nhánh nhỏ và nơi các cơ bám để phẫu thuật an toàn tối đa.
Trong các biến chứng kể trên thì chảy máu là nguy hiểm nhất vì thường gây tử vong, khi máu vào đường thở làm bệnh nhân “chết đuối” trên cạn, không khác gì ngạt nước!
Làm đẹp là nhu cầu rất chính đáng, vì thế kỹ thuật chỉnh sửa cơ thể đã có thuật ngữ riêng trên giấy cói papyrus của Ai Cập 3.000 trước CN và năm 800 trước CN đã thực hành ở Ấn Độ… Kỹ thuật kéo giãn xương hàm đã có từ năm 1919, sửa mũi có từ năm 1923, năm 1931 kỹ thuật lột da mặt ra đời…
Hiện nay, khoảng 20 bộ phận cơ thể người có thể được chỉnh sửa, với khoảng 12 triệu ca/năm, tốn gần 20 tỉ USD toàn cầu và nâng ngực nữ có số lượng áp đảo.
Thế nhưng, phải nhắc lại rằng không có thủ thuật, phẫu thuật nào là không có tai biến hay biến chứng, chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hay ít và mức độ nguy hiểm mà thôi.
Ở bình diện toàn cầu, với thực trạng sự cố y khoa không mong muốn, với khả năng con người và phương tiện hiện hành, có lẽ nên dẫn lại ca thai phụ nâng ngực tử vong hồi tháng 4 ở TPHCM.
Chị S.B.T, 22 tuổi, ở Cà Mau, tạm trú huyện Hóc Môn, TPHCM, đặt túi nâng ngực dạng gel tại BV Vạn Hạnh và uống thuốc kháng sinh 10 ngày. Sau khi cắt chỉ, thay băng, vết mổ vẫn chảy dịch nên T uống tiếp một viên kháng sinh. Khoảng 30 phút sau, chị khó thở, da mẩn đỏ, nên đến phòng khám gần nhà rồi vào BV Hóc Môn.
Do tình trạng nặng nên bệnh nhân được chuyển đến BV Nhân dân 115 ngày 25.4. Tại BV Nhân dân 115, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp nên phải đặt nội khí quản, thở máy; sốt cao; tụt huyết áp… Khi bệnh nhân sảy thai với khoảng tuổi tuần 16 – 17, cũng là lúc được BV chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, suy đa tạng, suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng hậu phẫu đặt túi ngực.
BV 115 đã mời hội chẩn liên viện, tích cực cứu chữa nhưng bệnh không đáp ứng điều trị, tiến triển nặng, hôn mê sâu, gia đình xin về. BS Lê Tấn Hùng, người ký hợp đồng và trực tiếp làm phẫu thuật đặt túi nâng ngực cho bệnh nhân khám thấy ngực bệnh nhân hơi căng, nhưng chị T khai không có thai, chưa có chồng, kinh nguyệt đều, sắp có kinh… nên chỉ định đặt túi gel – một chống chỉ định khi có thai.
BS đã bỏ qua dấu hiệu căng ngực của chị T – một dấu hiệu thai kỳ, mặc dù dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện trước khi thấy kinh. Trường hợp này, sai nguyên tắc chuyên môn và thiếu kinh nghiệm xã hội dẫn đến hậu quả xấu nhất, rõ ràng nguyên nhân “do thày thuốc” và cũng là “sự cố y khoa không mong muốn”, không ai nói khác được!
Những người muốn làm đẹp phải cân nhắc cho kỹ
Sự cố y khoa không mong muốn xảy ra ở mọi quốc gia có nền y học tiên tiến như Pháp, Mỹ, Đức… và ngày càng nhiều hơn, vì thế với thầy thuốc giỏi, phương tiện hiện đại không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn sự cố y khoa, mà làm đẹp là những can thiệp xâm lấn không phải ngoại lệ.
Ở nước ta lại có thêm vấn đề khác… Khi đưa tin về sự cố tại BV Emcas, chương trình Chuyển động 24h, VTV1 cho biết, hiện các cơ sở làm đẹp đang nở rộ khắp nơi, riêng ở Hà Nội có hàng trăm cơ sở với quảng cáo có đội ngũ chuyên gia lành nghề, được đào tạo bài bản và có đầy đủ chứng chỉ hành nghề…
Đằng sau chuyện bằng cấp, chứng chỉ là sự rao bán công khai, nhanh gọn tràn lan chứng chỉ spa trên mạng facebook. Với chứng chỉ mở spa chỉ mất khoảng 2,5 triệu đồng, chứng chỉ cho nhân viên chỉ 1,5 triệu đồng. Qua điện thoại, phóng viên đã liên hệ với những “cơ sở” đăng tải trên mạng thì được biết những “chứng chỉ” này sẽ có sau một tuần.
Họ quảng cáo dạy trên mạng hoặc cầm tay chỉ việc trong một tuần là có chứng chỉ, có thể tiêm Filler cho nhau hoặc cho khách. Thậm chí, không cần phải học cũng được “cấp” chứng chỉ sau một tuần, trong khi muốn hành nghề thẩm mỹ, ngoài 6 năm học y khoa phải có 3 năm nữa học và thực hành chuyên khoa thẩm mỹ!
Chỉnh sửa cơ thể là can thiệp xâm lấn vì thế luôn xảy ra nhiều tai biến và biến chứng nguy hiểm tính mạng, làm tàn phế hoặc “từ thiên nga trở thành vịt”. Đã có không ít người làm đẹp thất bại, tốn kém, tổn hại sức khỏe nghiêm trọng hoặc có trường hợp trở thành người nhớ nhớ quên quên. Bởi vậy, cần cân nhắc kỹ trước khi hối hận.