Hai chữ “Hiền khảo” trên bia mộ nghĩa là gì?
ANH PHÓ trả lời: Ông Trần Văn Lý thân mến,
“Hiền” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là có tài năng và đức độ. Người xưa thường dùng chữ “hiền” đặt trước chữ khác để bày tỏ ý thương yêu, quý trọng. Thí dụ: “hiền đệ” là tiếng để gọi em mình với ý thân thương; “hiền thê”, “hiền nội” là tiếng để gọi vợ mình một cách thương yêu, trìu mến; “hiền huynh” để gọi anh mình một cách thương yêu v.v… Còn chữ “khảo” cũng là từ Hán Việt có nghĩa gốc là già cả, già thọ. Người xưa dùng chữ “khảo” để chỉ người cha đã khuất (chết). Thí dụ: “Cao, tằng, tổ, khảo” là ông sơ (kỵ), ông cố (cụ), ông nội (tổ) và cha. “Khảo” là cha. Thế thôi. Nói chung “hiền khảo” là người cha thân yêu đã chết. Cho nên việc bạn thấy trên mộ bia ghi vậy nghĩa là mộ đó là nơi an nghỉ cuối cùng của người cha của người lập mộ.
Còn việc ông hỏi sao không viết tiếng Việt cho dễ hiểu? Điều ông nghĩ đó hoàn toàn đúng. Vì yêu cầu chung của chúng ta là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Trong văn thơ, báo chí đều cần vậy cả. Song trong cuộc sống vẫn còn một số người hơi cầu kỳ; viết gì, nói gì cũng cố làm cho… khó hiểu, bằng cách dùng nhiều chữ nước ngoài hay có nguồn gốc tiếp nước ngoài. Chữ “hiền khảo” là chữ nho, chữ Hán Việt, bắt nguồn từ chữ Tàu. Làm vậy để chứng tỏ mình… “hay chữ”, là người có học. Có người không phải muốn khoe, nhưng hễ khi có việc tang ma, cáo phó thì chạy đôn đáo tìm hỏi “con dâu gọi là gì”, “con rể gọi là gì”, “chú gọi là gì”, “bác gọi là gì”… để viết văn tế, cáo phó, tin buồn. Đã không biết, không rõ mà cứ ráng viết, gọi. Theo tôi, đó là việc “sính chữ” cầu kỳ, không cần thiết. Cái gì chân thật, giản dị, dễ hiểu, nói ra mọi người ai cũng hiểu thì đã là tốt rồi, ông ạ.
Kính chào ông.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2010, Mục “Chuyện xưa chuyện nay”)