Hà Nội có một trường THPT mà thí sinh cả nước đều mơ ước được vào.
Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Rất nhiều học sinh của trường hiện là những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa – nghệ thuật,… Một số cái tên đình đám có thể kể đến như: Nguyễn Lân Việt – Nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện phó Viện Tim mạch Việt Nam; Hồ Tú Bảo – Giám đốc Phòng thí nghiệm Phương pháp luận Sáng tạo Tri thức, Viện khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Thành viên Hội đồng Khoa học Viện toán Cao cấp Việt Nam; Nguyễn Tử Quảng – Sáng lập và Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Bkav,…
Cũng vì chất lượng giảng dạy đỉnh mà mỗi năm, Chuyên Sư phạm đều có hàng nghìn thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển, dẫn đến tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng.
Năm 2020, trường THPT chuyên Sư phạm có 4.860 hồ sơ đăng kí dự thi trong khi chỉ tuyển 305 chỉ tiêu lớp 10. Trong 7 lớp chuyên Toán, Ngữ văn, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh, lớp chuyên tiếng Anh có tỉ lệ chọi cao nhất 1:29,25. Tức là một học sinh phải cạnh tranh với khoảng 29 bạn khác để giành được một suất vào trường. Tiếp đến là tỉ lệ chọi chuyên Hóa và chuyên văn là 1:19. Lớp chuyên có tỉ lệ chọi thấp nhất là chuyên Sinh với 1:9.
Với năm học 2021 – 2022, nếu học sinh quan tâm và muốn đăng ký tuyển sinh tại trường thì đây là tất cả những thông tin mà các em cần biết:
Tất tật thông tin tuyển sinh năm học 2021-2022
Giống các năm trước, năm nay THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tuyển sinh các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS năm 2021 trên phạm vi toàn quốc, có xếp loại hạnh kiểm và học lực cả năm của các lớp cấp Trung học cơ sở từ loại Khá trở lên hoặc xếp loại tốt nghiệp Trung học cơ sở từ Khá trở lên. Thông tin cụ thể trong hình ảnh dưới đây:
Cơ hội nào cho học sinh thi trượt lớp chuyên?
Được biết ngoài hệ chuyên, Trường THPT chuyên Sư phạm còn có cả hệ cận chuyên (hệ chất lượng cao). Đây cũng là một hệ được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm. Nếu không đỗ hệ chuyên học sinh có thể tham khảo, nộp đơn xét tuyển vào hệ này.
Dưới đây là những thông tin khái quát do thầy Nguyễn Quyết Thắng – giáo viên Toán tại trường THPT chuyên Sư phạm chia sẻ:
1. Cách thức tuyển: Là các học sinh tham gia kì thi tuyển sinh của CSP nhưng không đỗ vào các lớp chuyên. Các học sinh này khi báo điểm sẽ có có ghi “XT”(xét tuyển) ở phần ghi chú. Không phải học sinh nào cũng được xét tuyển hệ cận chuyên, chỉ xét tuyển đối với các học sinh không bị điểm liệt (tất cả các môn thi từ 2,25 trở lên) và có tổng điểm 2 môn Toán chung + Văn chung trên 1 mức điểm nào đó tùy mức độ đề từng năm (các năm dao động từ 12,5 đến 14 điểm).
Đơn xin xét tuyển có thể nhận trực tiếp tại phòng 107 của nhà trường, viết đơn, nộp đơn và lệ phí xét tuyển. Từ số đơn xin xét tuyển mà thí sinh nộp, nhà trường sẽ lọc để chọn ra 180 đến 225 học sinh (tuỳ chỉ tiêu từng năm) có tổng Toán chung + Văn chung cao nhất xếp vào 4 – 5 lớp. Nếu số học sinh nhập học lớp cận chuyên ít hơn chỉ tiêu, tiếp tục hạ điểm để gọi thêm, nhưng vẫn chỉ trong nhóm đã nộp đơn xét tuyển. (Nhóm này thường gồm khoảng 400 học sinh).
2. Cơ cấu: CSP tuyển sinh 4 – 5 lớp cận chuyên với chỉ tiêu 180 – 225 học sinh. Các lớp này sẽ được chia một cách tương đối theo A, A1, B. Sau khi nhập học nhà trường sẽ chia lớp tạm thời theo điểm thi thực tế của các con. Sau đó các con sẽ có khoảng 1 tuần sau buổi đón học sinh mới để thay đổi nguyện vọng (chuyển sang lớp theo đúng khối thi mong muốn).
3. Học phí: Đóng 2 lần/1 năm, mỗi lần 5 tháng.
4. Quyền lợi: Các học sinh lớp cận chuyên được nhận đầy đủ quyền lợi như các học sinh lớp chuyên, có thể thi đội tuyển, thi học sinh giỏi Quốc gia, được tuyển thẳng 1 số trường đại học. Thực tế có nhiều học sinh lớp cận chuyên đã tham gia các đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học, tiếng Anh, Vật lý và đi thi được giải, thậm chí giải cao.
5. Quản lý học sinh: Học sinh hệ cận chuyên không chuyển sang hệ chuyên (nếu các em vào đội tuyển), có thể được sang học cùng các bạn lớp chuyên, nhưng các em vẫn thuộc quản lý của lớp cận chuyên. Về học phí vẫn đóng của hệ cận chuyên.
6. Thành tích học tập: Tính đến nay nhà trường đã có 8, 9 khóa cận chuyên và thành tích học tập của các bạn rất tốt. Các bạn không chịu áp lực thi học sinh giỏi Quốc gia nên toàn tâm toàn ý tập trung cho thi đại học hoặc du học. Học sinh hệ cận chuyên nhà trường có nhiều bạn rất xuất sắc, nhiều bạn thi đại học điểm cao (có cả thủ khoa đại học), nhiều bạn được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Nhiều bạn đạt giải cao trong các kì thi khoa học kĩ thuật,…
7. Chú ý: Với cách thức vận hành như vậy khó có thể so sánh học sinh hệ chuyên với hệ cận chuyên bên nào xuất sắc hơn. Vì 2 hệ được đào tạo với 2 mục đích khác nhau. Thực tế có những bạn đỗ chuyên nhưng xin sang lớp cận chuyên học vì bạn không có mục tiêu thi học sinh giỏi Quốc gia. Và nhiều bạn học lớp cận chuyên vẫn được các thầy cô đánh giá rất cao, chỉ là thiếu chút may mắn nên không đỗ lớp chuyên.
8. Cảm nhận: Năm nào “cuộc chiến” xét vào lớp cận chuyên cũng căng thẳng không kém việc tham gia kì thi vì các bố mẹ phải thường xuyên cập nhật thông tin xét tuyển và thông báo hạ điểm chuẩn (nếu có).
Nguồn (https://cafef.vn/)