Góc định hướng: Muốn làm bác sĩ tâm thần, học ngành gì? | Edu2Review
Nói tới khối ngành Y Dược, nhiều người sẽ nghĩ tới những bác sĩ, điều dưỡng, y tá với các công việc chính là phòng ngừa và điều trị bệnh… Nhưng ngành Y cũng bao gồm lĩnh vực chữa trị bệnh lý tinh thần, cùng với đó, khái niệm bác sĩ tâm thần cũng xuất hiện. Bạn thực sự đã biết rõ về ngành học này hay chưa?
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Phân biệt rõ Tâm thần học và Tâm lý học
Nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần là 2 vị trí có thể gây nhầm lẫn, bởi cả 2 đều điều trị dựa trên những nguyên tắc hoạt động của tâm lý con người. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm khác biệt giữa hai khái niệm này, điều đầu tiên là phương thức điều trị khác nhau mà họ sử dụng.
Các bác sĩ tâm thần học là bác sĩ y khoa đã qua đào tạo, họ có thể kê thuốc và chữa trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, các nhà tâm lý học tập trung chủ yếu vào các liệu pháp tâm lý, điều trị nỗi đau tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân bằng phương pháp can thiệp hành vi.
Theo đó, 2 vị trí công việc này cũng có hướng đào tạo khác nhau. Bác sĩ tâm thần học tại trường y, được đào tạo về kiến thức y học nói chung. Sau khi nhận bằng bác sĩ, họ thực hành thêm 4 năm về chuyên khoa tâm thần học tại trường. Kinh nghiệm của họ thường liên quan đến việc làm trong khoa tâm thần của bệnh viện với nhiều bệnh nhân từ trẻ em và thanh thiếu niên có chứng rối loạn hành vi đến người lớn có bệnh tâm thần trầm trọng.
Các nhà tâm lý học phải có bằng Tiến sĩ Tâm lý, thông thường mất đến 4 – 6 năm học. Trong suốt quá trình học tập, các nhà tâm lý học nghiên cứu sự phát triển nhân cách, lịch sử các vấn đề tâm lý và khoa học nghiên cứu tâm lý.
Bác sĩ tâm thần và bác sĩ tâm lý là hai lĩnh vực hoạt động nhiều khác biệt (Nguồn: tuvantamly)
Đăng ký học chuyên ngành Tâm thần học
Để trở thành bác sĩ tâm thần học ngành gì đây? Trước tiên, bạn bắt buộc phải có được tấm bằng Bác sĩ đa khoa với điểm xét tuyển đầu vào là các bộ môn trong tổ hợp khối B. Đây là hai yếu tố đồng thời và bắt buộc. Nghĩa là trong trường hợp bạn thi và tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa nhưng có điểm xét tuyển đầu vào từ các khối khác không phải B (Toán – Hóa – Sinh) thì sẽ không thể theo học bác sĩ chuyên ngành Tâm thần.
Sau khi có bằng Bác sĩ đa khoa, bạn cần phải làm việc 1 – 2 năm tại các bệnh viện để có chứng chỉ hành nghề. Tiếp đến, bạn có thể đăng ký học chuyên ngành Tâm thần học với thời gian đào tạo khoảng 4 năm. Chính vì thời gian đào tạo dài nên các thí sinh thường không “mặn mà” với chuyên ngành này.
Y Đa khoa là ngành học cơ bản trước khi lựa chọn chuyên tu ngành Tâm thần học (Nguồn: caodangyduocnhatrang)
Hiện tại, các trường đại học Y khoa chủ yếu chỉ giảng dạy bộ môn Tâm thần học chứ không đào tạo chuyên ngành này. Thay vào đó, nếu muốn theo đuổi ngành này, các sinh viên sẽ làm việc và học việc tại chuyên khoa tại các bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Một số bệnh viện hiện đang giảng dạy chuyên ngành này như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM…
Một lựa chọn khác là bạn có thể học điều dưỡng và công các tại bộ phận/ bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Sau đó, bạn có thể học tiếp lên trình độ đại học chuyên ngành Tâm thần học. Địa chỉ các đơn vị đào tạo điều dưỡng phổ biến hơn nhiều so với chuyên khoa Tâm thần học.
Tiềm năng và khó khăn song hành
Những bác sĩ tâm thần có điều kiện làm việc nhìn chung thấp hơn với các chuyên khoa khác. Các mối nguy bị hành hung là chuyện rất bình thường. Đối với các điều dưỡng, bác sĩ là nữ giới thì chuyện này sẽ là trở ngại đáng kể. Mức lương của ngành này cũng không cao và gần như không có thu nhập bên ngoài bởi không có hệ thống bệnh viện tư điều trị chuyên ngành này. Thực tế cũng có rất nhiều người đang công tác chuyên ngành này bỏ việc hoặc chuyển ngành. Đây là những thách thức lớn khi bạn quyết định đi theo ngành tâm thần học.
Lĩnh vực tâm thần học đã có từ rất lâu nhưng trên thực tế vẫn còn mới lạ với nhiều người. Một phần căn nguyên là do suy nghĩ bệnh nhân tâm thần chỉ là người điên trong xã hội. Nhưng trên thực tế, khoảng 20% dân số Việt Nam mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm thần nhưng chưa phát hiện và được quan tâm đúng mức. Có nghĩa là dù nhu cầu điều trị rất lớn nhưng do hạn chế về thời gian đào tạo và địa điểm giảng dạy cùng những khó khăn đã nói trên, do đó nhân sự cho ngành học này đang thiếu hụt trầm trọng.
Ngành Tâm thần học đi kèm với nhiều khó khăn (Nguồn: neurologyadvisor)
Tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng, 330 bệnh nhân nhưng chỉ có 2 bác sĩ phụ trách hay tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, có 108 y, bác sĩ đang làm việc thì chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, 8 người đang đi học bác sĩ. Trong khi các Trung tâm bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng tâm thần mới chỉ có ở 16/63 tỉnh/ thành, đáp ứng được gần 1/4 nhu cầu thực tế.
Do đó, nếu bạn lựa chọn chuyên ngành này thì tỷ lệ nhận việc rất cao, ít phải cạnh tranh như các chuyên khoa khác. Với chính sách khuyến khích của Nhà nước, chuyên ngành Tâm thần học sẽ có được nhiều sự quan tâm phát triển hơn trong tương lai.
Bác sĩ tâm thần học ngành gì? Nếu đây là câu hỏi bạn đang thắc mắc, đó thật sự là một quyết định can đảm và đáng trân quý. Hy vọng bạn sẽ kiên trì và thành công với sự lựa chọn của mình. Đừng quên cập nhật thông tin tuyển sinh mỗi ngày cùng Edu2Review nhé!
Khuê Lâm (Tổng hợp)