Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mỗi cộng đồng, địa phương…
Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mỗi cộng đồng, địa phương. Trước thực tế đó, Lâm Đồng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Vũ điệu Tây Nguyên. Ảnh: Hà Hữu Nết
Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có các dân tộc bản địa như Mạ, Kơ Ho, Chu Ru… chiếm 17% dân số; hơn 70% là người Kinh và 13% là các dân tộc khác từ nhiều vùng miền khác nhau. Trong quá trình sinh sống, văn hóa của dân cư từng vùng miền đã giao thoa, quyện hòa với văn hóa của các dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên đã tạo cho Lâm Đồng có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng, phong phú và mang đậm sắc thái riêng. Vì vậy, tỉnh đã có rất nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa; đầu tư tôn tạo nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phục dựng một số lễ hội truyền thống đặc sắc.
Khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Lâm Đồng là nói đến những cái ít biến đổi được duy trì trong suốt quá trình lịch sử làm nên những giá trị to lớn và quý báu của nền văn hóa đó. Trước hết là văn hóa vật chất của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Lâm Đồng như: những ngôi nhà dài (không chỉ là nơi sinh sống của các thành viên trong một gia đình, mà còn là nơi lưu giữ, trưng bày những bộ chiêng, ché cổ quý giá, được đồng bào trân trọng, giữ gìn như “vật thiêng”, “tài sản có giá trị”); các nghề thủ công (đan lát, kim hoàn, rèn sắt…, đặc biệt nghề dệt thổ cẩm rất đa dạng, độc đáo, gây ấn tượng bởi cách phối màu và đường nét hoa văn); rượu cần, một thức uống gắn bó từ lâu đời với người dân bản địa, đây không chỉ là thức uống bình thường, mà là phương thức ứng xử văn hóa độc đáo, nhất là trong dịp lễ hội; vì vậy, rượu cần là một nghệ thuật ẩm thực đã trở thành yếu tố văn hóa đặc sắc trong truyền thống văn hóa của các cư dân bản địa.
Mặt khác, cùng với việc chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, Lâm Đồng còn đặc biệt quan tâm đến việc phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc triển khai các dự án như: Làng nghề truyền thống dân tộc Kơ Ho Cil ở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương; phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc Mạ; điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Ngày 25/11/2005, “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”, điều này khẳng định Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa. Trong lao động, sản xuất và sinh hoạt, văn hóa tinh thần của cư dân bản địa, cồng chiêng có vai trò “giữ lửa” cho văn hóa đặc trưng của vùng đất và luôn gắn liền với tình cảm vui, buồn, niềm tin và ước vọng của cư dân ở từng thôn, buôn, tổ dân phố… Từ trước đến nay, 12/12 huyện, thành phố của tỉnh đều tồn tại các nhóm cồng chiêng. Ngoài mỗi địa phương có một nhóm chính thức còn có nhiều đội cồng chiêng ở các xã, thôn, buôn hay tại mỗi gia đình do đồng bào tự gìn giữ, tham gia trong các hoạt động lớn của làng, của xã và huyện, tỉnh mỗi khi tổ chức. Trong thời gian qua, Lâm Đồng đã mở 52 lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đồng bào Mạ, Kơ Ho, Chu Ru sinh sống; cấp phát hàng trăm bộ cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc cho cộng đồng DTTS tại các thôn, xã, nhằm khôi phục, phát triển di sản văn hóa DTTS bản địa…
Tháng 6/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1662/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện tại 8 tỉnh, trong đó có Lâm Đồng với mô hình “Câu lạc bộ Cồng chiêng dân tộc Kơ Ho gắn với bảo tồn, phát huy phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng”. Đây là một thuận lợi lớn đối với tỉnh Lâm Đồng. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa của các DTTS không bị mai một, Lâm Đồng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học về lịch sử, văn hóa, du lịch. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng”, nhằm đánh giá thực trạng văn hóa các dân tộc bản địa, những cứ liệu xác thực, những giải pháp nhằm níu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng du lịch cho hàng nghìn cán bộ văn hóa cơ sở, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…
Người dân bản Buôn Go (thị trấn Cát Tiên) thể hiện văn hóa cồng chiêng đặc sắc tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2019. Ảnh: Minh Đạo
Về văn hóa tinh thần, lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng được gắn liền với chu trình canh tác cây lúa (kể cả lúa nương và lúa nước). Mùa lễ hội có nhiều tiểu lễ nhưng quan trọng và quy mô hơn cả là lễ mừng lúa mới (người Mạ và người Kơ Ho có lễ Nhô R’He, người Chu Ru có lễ Nhum Hơma). Không chỉ thế, đồng bào còn có những lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng (lễ cúng thần rừng, thần nước…), hay những phong tục, tập quán của cộng đồng và cá nhân.
Thực hiện Đề án của Chính phủ về hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, Lâm Đồng đã đầu tư phục dựng hơn 10 lễ hội tiêu biểu của các DTTS bản địa như: Lễ Pơthi (của người Chu Ru và nhóm Kơ Ho ở thôn K’Long – huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của người Kơ Ho Srê ở huyện Di Linh), lễ Bok Chu-bur (của cộng đồng Chu Ru ở huyện Đức Trọng), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở huyện Bảo Lâm), lễ đưa lúa về kho (dân tộc Kơ Ho huyện Lâm Hà)… Đã đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề và các nghề truyền thống của đồng bào các DTTS. Đến nay, toàn tỉnh có 33 làng nghề truyền thống gắn với các sản phẩm văn hóa đặc trưng như: Làng nghề làm rượu cần, Làng nghề trồng dâu nuôi tằm; Làng nghề dệt thổ cẩm; đan lát… đã được UBND tỉnh công nhận. Việc phát triển các làng nghề truyền thống và nghề truyền thống gắn với du lịch đã thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm.
Văn học dân gian cũng là điểm nổi bật trong văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa Lâm Đồng, được đánh giá là đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Đây không chỉ là những câu chuyện, khúc ngâm phản ánh “thế giới quan, nhân sinh quan” của đồng bào, mà còn có thể tìm thấy trong đó lịch sử phát triển của xã hội tộc người. Bên cạnh văn học dân gian, phải kể đến âm nhạc dân gian. Các dân tộc bản địa dùng nhiều loại nhạc cụ có chất liệu khác nhau với những phương thức chế tác độc đáo. Chính âm nhạc dân gian đã góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần của người dân tộc bản địa.
Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) của tỉnh những năm gần đây luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; tạo những cơ chế, chính sách hết sức thuận lợi để hỗ trợ văn nghệ sĩ tự do sáng tác. Trong đó, chú trọng phát triển VHNT các DTTS, văn học dân gian; khai thác các đề tài về văn hóa của các dân tộc bản địa; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ là đồng bào DTTS…
Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bản địa đang dần mất đi. Điều này không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh Lâm Đồng mà nhiều địa phương khác cũng phải đối diện. Ngày nay đến các buôn làng dường như vắng bóng hình ảnh người phụ nữ ngồi dệt, vắng đi tiếng cồng chiêng trong các nghi lễ của gia đình, dòng họ; vai trò của già làng, trưởng bản cũng nhạt dần trong các mối quan hệ cộng đồng; những ngôi nhà dài đang bị mất dần; các nghề truyền thống cũng bị mai một, duy chỉ có nghề dệt thổ cẩm còn được duy trì và đang được khôi phục nhờ tính độc đáo và sự hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Việc đầu tư nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS bản địa chưa tương xứng với mức đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Đời sống văn hóa ở nhiều thôn, buôn, tổ dân phố còn khá nghèo nàn, đơn điệu, mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các vùng còn chênh lệch. Một số biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của các cấp chính quyền còn mang tính hình thức, chưa đi vào đời sống thực của người dân, chưa trở thành hoạt động tự thân của cộng đồng nên thiếu tính bền vững.
Vì vậy, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa không bị mai một dần; đồng thời làm đa dạng thêm về sắc thái văn hóa giữa các bộ phận dân cư, giữa các dân tộc, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Lâm Đồng. Tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng,… trong các lễ hội văn hóa.
Thứ hai, tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt quy hoạch thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Thứ ba, tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; các làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ các địa phương xây dựng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục DTTS…
Thứ tư, có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Đánh giá, biểu dương, khen thưởng và có kế hoạch nhân rộng những mô hình, điển hình làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.
Thứ năm, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu, thợ nghề, nghệ nhân, những người bảo vệ di sản ở cơ sở; tăng cường giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các địa phương.
Thứ sáu, tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
NGUYỄN THỊ MỴ – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy