GIORDANO BRUNO – VỊ TỬ ĐẠO CỦA KHOA HỌC?

Quan điểm – Tranh luận

GIORDANO BRUNO – VỊ TỬ ĐẠO CỦA KHOA HỌC?

Giordano Bruno, vốn dĩ được đa số người dân Việt Nam tin rằng là người có đóng góp to lớn cho khoa học đã bị Giáo Hội Công Giáo bách hại và bị hoả thiêu. Liệu việc này có chính xác dưới góc nhìn lịch sử xét lại? Hãy cùng theo dõi

johanpham2002Dr. Ioannes

19 tháng 3

Chắc hẳn các bạn đã từng ít nhiều nghe các giai thoại về biểu tượng mang tên Giordano Bruno, người bị Giáo Hội Công Giáo La Mã (Roman Catholic Church) kết án tử hình bằng cách hoả thiêu vì đã làm chứng cho khoa học, cho thuyết Nhật Tâm của Copernicus rồi phải không? Tuy nhiên, sự thật liệu chỉ có dừng ở đó, hãy cùng mình giải ảo về sự kiện lịch sử này nhé.

Giordano Bruno là một tu sĩ dòng Đa Minh, nhà triết học, nhà toán học và nhà thiên văn học người Ý. Tuy nhiên, đa phần trong này đều là những danh hiệu giả do chính Bruno tự dựng nên và được một số các học giả, tổ chức chống Kitô giáo công nhận sau này.

Các cáo buộc rằng Giordano Bruno bị thiêu vì ủng hộ thuyết Nhật Tâm của Copernicus là hoàn toàn dối trá, vì thuyết Nhật Tâm được giảng dạy rộng rãi ở khắp các đại học và không hề bị cấm vì dị giáo hoặc trái với giáo lý. Thay vào đó chỉ có đúng 1 bộ luật được thông qua năm 1616 bởi Hồng Y Robert Bellarmine yêu cầu các giáo sư không nên giảng dạy thuyết Nhật Tâm như là một “sự thật” mà nó chỉ là một lý thuyết đang được cân nhắc cho đến khi có ai đó có đầy đủ bằng chứng để chứng minh học thuyết này. Điều đó chứng tỏ việc tung hô Giordano Bruno là một sự lừa dối (Bruno chết năm 1600).

Như đã đề cập ở trên, Giordano Bruno xuất thân là một thầy tu dòng Đa Minh (Dominican Orders). Vào năm 1576, ông bị đuổi khỏi dòng vì ủng hộ và giảng dạy lý thuyết dị giáo về Chúa Jesus của Cecco D’Ascoli (một lý thuyết thần học sai lạc so với Kinh Thánh). Theo những ghi chép của Frances Yates, ông đi đến Pháp và tham gia vào giáo phái tà thuật kín, giảng dạy một giáo thuyết cổ gọi là Hermes Trismegistus và trở thành một Magus (pháp sư) của giáo phái này, điều này hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý và thần học của Giáo Hội cũng như chính quyền thế tục thời bấy giờ. Nhờ có mối quan hệ tốt, ông được thư giới thiệu đến đại sứ nước Pháp tại Anh và được giới thiệu để giảng dạy tại Oxford. Sau vài tháng dạy học, đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi với các giáo sư tại đại học Oxford về vấn đề thuyết Nhật Tâm. Bruno không những đưa ra những lý luận nực cười về thuyết Nhật Tâm (ông ta cho rằng Trái Đất tự sản sinh ra bốn mùa, và việc Trái Đất xoay quanh Mặt Trời là hành động tự thích nghi của Trái Đất đối với những vận động trên bề mặt), ông thậm chí coi thường và mắng nhiếc những người nào không cùng ý kiến với mình.

Những tư tưởng chính của Bruno

Giống như nhiều trí thức Ki-tô giáo thời đó, Bruno được dạy và nghiên cứu triết học Kinh Viện, cùng với các tư tưởng Hy Lạp của Plato và Aristotle. Hầu hết những luồng triết lý dùng để giải thích Thánh Kinh, và các vấn đề thần học. Tuy nhiên, là một linh mục có trí nhớ tổng hợp tốt, Bruno khao khát tổng hợp tất cả vào trong một hệ thống nhất quán, bao gồm siêu hình học, vật lý, tâm lý học, đạo đức học, qua đó vượt qua lối suy nghĩ của chủ nghĩa Kinh Viện, Plato hay Aristotle đang thịnh hành thời đó. Đây là điểm chung của nhiều triết gia, ví dụ Augustine đã kết hợp truyền thống Plato với Kinh Thánh, và kinh nghiệm Do Thái Giáo để tạo ra tư tưởng Ki-tô Giáo thời Giáo Phụ; tương tự với triết lý của Aristotle mà Kinh Viện Aquinas cũng vậy; hay như Hegel cũng khảo sát tường tận và mong muốn tạo ra một tư tưởng Ki-tô giáo mới hơn như cách Augustine đã làm.

Mong muốn của Bruno là chính đáng vì đó là dòng chảy của tư tưởng con người, tuy nhiên lối giải thích của Bruno đã đảo ngược lại cách giải thích Thánh Kinh thời đó (ví dụ đồng ý Mô-sê là tác giả của Ngũ Thư như các nhà chú thích khác, nhưng lại khăng khăng cho rằng, Mô-sê lấy ý tưởng và câu truyện từ các thần thoại của Ai Cập). Điều này không hề mới trong lịch sử tư tưởng, nhưng thái độ tự tin và không khoan nhượng với các quan điểm đối lập của ông đã làm người ta khó chịu. Sự thách thức bị đẩy lên cao nên Bruno đã bị đuổi khỏi dòng, và đã bị Tòa Thẩm Tra để ý từ sớm vì những tư tưởng được coi là dị giáo.

Việc giải thích Thánh Kinh theo nhiều cách khác nhau được phép thảo luận trong các khóa học triết học, thần học của thời xưa lẫn thời nay, tuy nhiên mọi thứ nên tuân theo nguyên tắc tranh luận, dẫn chứng và thuyết phục đối phương, về điểm này thì tính cách của Bruno không có. Đúng hơn, thay vì tư tưởng của Bruno, chính thái độ của ông mới làm cho người ta thấy phải đối đầu. Quan trọng hơn, Bruno muốn giải thích theo cách khác nhằm phục vụ hệ thống tư tưởng nhất quán mà mình muốn. Tư tưởng này được người đời sau xếp vào nhóm phiếm thần (pantheism), trong đó có giải thích lại tất cả các vấn đề của triết học và thần học khác với Ki-tô giáo: Thượng Đế, vũ trụ, linh hồn.

Để giải thích quan điểm của vũ trụ học (cosmology), Bruno ủng hộ thuyết nhật tâm của Copernicus, và mở rộng nó. Không như Copernicus cẩn thận chỉ dừng lại ở mức độ quan sát thiên văn và toán học, Bruno mở rộng học thuyết này bằng luận lý (trong có có sử dụng các trích dẫn Thánh Kinh). Các ý tưởng mở rộng thuyết nhật tâm gồm vũ trụ là vô tận, thay vì trái đất là trung tâm; các quả cầu lửa (ngôi sao) được xoay quanh bởi các hành tinh, và như trái đất, trên đó có cư dân, sự sống.

Từ quan điểm vũ trụ đó, Bruno đi đến quan điểm về linh hồn (linh hồn điều khiển vật chất, đất đá, cỏ cây, động vật cũng có linh hồn); về sự tái sinh (luân hồi). Cũng vì sự sống là phổ biến trong vũ trụ, cho nên có một linh hồn phổ quát chi phối tới tất cả các linh hồn trong vũ trụ. Việc đồng nhất trí tuệ phổ quát (Thượng Đế) với vũ trụ của Bruno, và thuyết phiếm thần, khác với tư tưởng Thiên Chúa sáng tạo ra vụ trũ và điều khiển vũ trụ nhé, nó giống với phiếm thần Ấn Độ thì hơn. Là người có trí nhớ tổng hợp, ngoài việc mở rộng thuyết Copernicus, để giải thích sự quay của trái đất, Bruno sử dụng các lập luận của Galilei, hay để giải thích linh hồn, thì sử dụng các giả thiết của đồng nghiệp Ficino tại Oxford.

Nói chung, với các tư tưởng trên, Bruno được coi là một triết gia theo chủ nghĩa phiếm thần. Những tư tưởng này sau đó được Spinoza sau này tiếp thu, hay Hegel cũng lấy cảm hứng để giải thích về thế giới tinh thần. Còn đóng góp cho khoa học thuần túy thì không có (có lẽ nhiều người vẫn đang tranh cãi chuyện này). Nhưng như đã nói, tính cách kiêu ngạo và không thể đối thoại của Bruno mới là thứ làm cho đối phương và đồng nghiệp ghét bỏ. Bị đuổi khỏi dòng, Bruno đã lọt vào tầm ngắm của Tòa Thẩm Tra phía Công Giáo, đi sang Pháp, Thụy Sĩ và Anh một thời gian, thái độ này cũng khiến ông bị nhóm Kháng Cách của Calvin, và sau đó tới cánh Luther xua đuổi. Vì điều này mà Bruno mới quay lại Ý và bị bắt bởi Tòa Thẩm Tra.

Trong những nghiên cứu của mình, ông hoàn toàn ăn cắp những nghiên cứu của linh mục Nicholas of Cusa và giám mục Nicole Oresme, thay đổi tên họ và lấy nó làm của mình, đồng thời luôn tự viết về bản thân mình ở ngôi thứ ba như một thiên tài đứng trên hết mọi nhà khoa học đương thời. Ngoài ra, Bruno là một kẻ đạo văn khi lấy nguyên văn sách của Marsilio Ficino để giảng dạy, sau khi những hành động thiếu đạo đức này được đưa ra ánh sáng thì ông bị đuổi khỏi Oxford. Sau đó ông đi thuyết giảng giáo lý của hội kín và truyền bá mê tín dị đoan, do thời đại này đang chứng kiến sự bùng nổ của tà thuật và phù thủy nên ông thường bị dân chúng đuổi đánh.

Bruno có phải là nhà khoa học không?

Câu trả lời là không! Suốt cuộc đời của mình, Bruno không hề có một công trình khoa học nào cả, xuất thân là linh mục dòng Đa Minh, được đào tạo triết học và thần học, sau đó bị đuổi ra khỏi dòng, Bruno lang thang từ Ý, qua Thụy Sĩ, Pháp, Anh chủ yếu kiếm sống bằng việc giảng dạy triết học và thần học. Những tác phẩm chính của ông cũng chỉ muốn nói về tư tưởng thần học của mình, chứ không liên quan gì đến nghiên cứu khoa học.

Dĩ nhiên, bất kể tư tưởng thần học, triết học nào cũng phải vay mượn các lý thuyết quan sát thực tế (khoa học), Bruno cũng không ngoại lệ. Để củng cố tư tưởng của mình, Bruno vay mượn và ủng hộ thuyết nhật tâm Copernicus, và một số lý thuyết khác.

Bruno có phải nhà toán học không? Cũng không, ngoài việc không xuất bản công trình toán học nào, khi ở Padua, ông cũng đã cố gắng xin được dạy toán trong trường học nhưng không thành công, vị trí mà một năm sau được trao cho Galilei. Cả Galilei và Kepler, những người cùng thời cũng không coi Bruno là nhà khoa học. Họ cũng không liên hệ, viện dẫn gì Bruno trong các tác phẩm của mình. Bruno được coi là một người có trí nhớ phi thường, và có thể tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều tài liệu của những người khác nhau, để giải thích tư tưởng (triết học) của mình, tuy nhiên gọi ông ấy là nhà khoa học hay toán học là sự ngộ nhận.

Tại sao tư tưởng của Bruno bị kết án là dị giáo?

Như đã nói, với quan điểm phiếm thần của mình, là một linh mục Công giáo, Bruno từ chối các tín lý của Công giáo. Một số tài liệu quan trọng trong các phiên xử Bruno đã mất, nhưng người ta suy đoán gồm:

– Chống lại giáo lý Công Giáo với thái độ của người cầm đầu;

– Từ chối tín lý về Ba Ngôi, Nhập Thể, Đức Mẹ Đồng Trinh, Bí tích Thánh Thể;

– Giảng dạy về đa vũ trụ, luân hồi và sự sống ngoài hành tinh như một chân lý;

– Và kinh doanh ma thuật, bói toán.

Tóm lại, sự kết án của Bruno nghiêng về thái độ tôn giáo của ông, chứ không phải vì bảo vệ công trình khoa học gì như người ta lầm tưởng. Tòa Thẩm Tra đã để ý đến Bruno ngay khi ông còn tranh cãi trong dòng Đa Minh, vì nhà dòng thuộc Giáo Hội nên một linh mục rao giảng học thuyết trái với tín lý thì Tòa Thẩm Tra phải vào cuộc là đương nhiên. Còn chuyện thuyết nhật tâm Copernicus, thời đó vẫn được giảng dạy như một phương pháp tính toán, mà chưa được công nhận (như một định luật đúng đắn). Galilei hay nhiều giáo sư đại học khác cũng công khai ủng hộ và giảng dạy nó cho sinh viên. Đóng góp của Bruno cho thuyết Copernicus chỉ là gây sự chú ý về nó với xã hội hơn, còn những mở rộng về đa vũ trụ, sự sống ngoài hành tinh hay linh hồn vũ trụ thì không chứng minh được (chuyện này không hề mới, vì ngay cả triết lý Ấn Độ, hay Hy Lạp vẫn có những ý tưởng này). Tuy nhiên, có thể thấy bản án của Bruno không liên quan gì học thuyết này.

Khi Bruno đành trở về Italy, nơi mà những giáo lý dị giáo của ông đều bị các Thẩm Phán của Tòa Thẩm Tra tại đây đế ý đến. Ông bị bắt bởi Thẩm Phán tại Venice và bị đưa đến xét xử tại Tòa Thẩm Tra ở Rome. Khi đối chất với hồng y Robert Bellarmine, nhà thần học và là khoa học gia lớn nhất châu Âu thời bầy giờ, ông đã không thể chứng minh được những lập luận của mình. Mặc dù đây đã là lần thứ 2 ông vi phạm nhưng các Thẩm Phán vẫn nhân từ và xử án ông rất nhẹ bằng cách buộc ông phải ngưng giảng dạy những học thuyết vô lý của mình và đi xưng tội. Theo như ghi chép của Tòa Thẩm Tra tại Rome thì Bruno đã phạm vào 8 điều dị giáo, tất cả đều liên quan tới chiêm tinh và bói toán chứ không hề liên quan tới thuyết Nhật Tâm. Ông cũng kiên quyết từ chối rút lại những tuyên bố dị giáo của mình, và chấp nhận bị trao vào tay chính quyền để cuối cùng phải lên giàn hỏa thiêu.

Cái chết của Bruno là sự “kìm hãm khoa học”?

Như đã nói phía trên, hoàn toàn không, mà thuần túy là vụ án tôn giáo. Nếu theo cái nhìn tự do tư tưởng thời nay, thì sự giáo điều của Tòa Thẩm Tra khi đó là không nên. Dòng chảy tư tưởng của con người là không thể cấm đoán, vậy mà Giáo Hội vẫn lập ra các danh sách cấm, cấm các tín đồ đọc các tác phẩm đối nghịch với đức tin. Dĩ nhiên đấy là dựa trên cái nhìn tiến bộ, được coi là tự do tư tưởng, tự do học thuật và tự do tôn giáo. Nhưng nếu áp dụng ngay suy nghĩ này mà kết án khắt khe Tòa Thẩm Tra thời đó là quá đáng.

So với các nơi khác như Trung Hoa, Ấn Độ đương thời, thì nền giáo dục Trung Cổ của Công Giáo vượt xa hẳn, chuyện “kìm hãm” là bịa đặt. Việc cẩn thận khi giảng dạy các học thuyết chưa chắc chắn là một triết lý về khoa học và giáo dục có từ thời Kinh Viện. Dĩ nhiên cẩn thận quá thì gây ra cấm đoán, nhưng bạn không thể đánh giá cái sai mà ngó lơ cái đúng, rồi cào bằng tất cả như cách mà những người “tự do” của thế kỷ 19 vẽ lên các huyền thoại này. Chỉ có cái chết sốc của của Bruno là gợi cảm hứng cho họ. Thực tế thì ngay cả khi có cáo trạng, Tòa Thẩm Tra vẫn khuyên Bruno rằng ông có thể giữ tư tưởng của mình, chỉ không công khai giảng dạy nó cho các tín đồ khác. Tuy nhiên Bruno vẫn không chịu mà còn ngoan cố, thách thức nhằm bảo vệ tư tưởng của mình. Điều này đã khiến cho Tòa Thẩm Tra phải giao ông cho chính quyền thế tục giải quyết.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, trong các quá khứ của Công Giáo, việc thiết lập chỉ mục cấm và Tòa Thẩm Tra là một trong những điều đáng tiếc. Nhưng đó là so với suy nghĩ tiến bộ thời nay thôi nhé, còn với suy nghĩ đương thời thì khác. Vì hoàn cảnh của Châu Âu thời đó: trào lưu phục hưng văn hóa Hy-La, trào lưu đòi quyền lực chính trị, và trào lưu Kháng Cách, ly khai khởi xướng từ Luther, chính hoàn cảnh đó đã dẫn đến sự cẩn thận, khắt khe và giáo điều từ phía Giáo Hội.

Về vụ án Bruno, Năm 1942, Đức Hồng Y Giovanni Mercati đã phát hiện ra một số tài liệu bị mất liên quan đến phiên tòa của Bruno, và tuyên bố rằng Giáo hội hoàn toàn chính đáng khi kết án ông. Năm 2000, Đức Hồng Y Angelo Sodano cũng nói cái chết của Bruno là một điều đáng tiếc, nhưng dù vậy, ngài vẫn bảo vệ các thẩm phán vì sự thực họ có mong muốn phục hồi tự do và làm mọi thứ để cứu mạng Bruno. Còn câu chuyện cố Giáo Hoàng John Paul II xin lỗi thì lại khác, mang tính tạ lỗi với Chúa vì sự khắt khe của Giáo Hội giai đoạn này trái với lời mời gọi tha thứ của Tin Mừng, nó không đồng nghĩa với việc bảo Bruno bị xử oan như đám cánh tả diễn giải (ad sẽ có dịp nói về điều này). Dù sao Giáo Hội cũng đã khoan dung hơn về sau, nhất là từ sau khi công đồng Vaticano II trở đi. Dĩ nhiên hậu quả thế nào thì bạn có thể thấy qua “cách mạng thế tục” ở Phương Tây từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay.

Ngỏ lời một chút, câu chuyện Bruno vào thời ông đều được sáng tỏ, vì Tòa Thẩm Tra xét xử công khai hai lần, và chính Bruno cũng thừa nhận mình là dị giáo như cáo trạng, vì thái độ kiêu ngạo và cứng đầu đó, mà Tòa Thẩm Tra (thuộc tôn giáo) mới giao ông cho chính quyền thế tục (Rome) trừng phạt. Rạng sáng ngày 17/02/1600, tại quảng trường Campo de’ Fiori, Bruno bị thiêu sống. Đáng lẽ chẳng có gì, nhưng cái chết từ sự cứng đầu và kiêu ngạo của Bruno gây cảm hứng cho những người tự do chống Ki-tô giáo vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ gán danh xưng nhà khoa học, toán học cho Bruno, vẽ lên một tư tưởng vượt thời đại nhưng lại bị chính Công Giáo ghen tức và kết án, họ coi cái chết của Bruno là sự “tử đạo vì khoa học”, qua đó kìm hãm sự phát triển của khoa học, và nhân loại nói chung. “Huyền thoại” này sau đó được truyền miệng như một tài liệu phi chính thống bên ngoài giới sử gia và khoa học gia. Tuy nhiên ở Phương Tây ngày nay, chẳng ai tin và chẳng ai nói về Bruno theo cách như vậy cả.

Bruno chết vì niềm tin vào những thứ tà thuật mê tín dị đoan, vốn là thứ đi ngược lại với pháp luật thời bấy giờ chứ không hề chết vì khoa học, thậm chí chúng ta có thể thấy ông ta còn không đáng gọi là nhà khoa học. Sau khi những sự thật lịch sử về Giordano Bruno được phơi bày, nhiều nhà sử học đã không còn dám gọi Bruno là nhà khoa học (scientist) mà thay vào đó chỉ dám gọi ông ta là một nhà triết học (philosopher) và cố gắng nhét vào mồm ông những câu nói đầy tính triết học để cố gắng bào chữa cho những hành vi mê tín dị đoan của ông, đến nay những nỗ lực này vẫn bị bác bỏ bởi giới sử gia. Mọi người có thể tìm hiểu thêm qua cuốn “Giordano Bruno: Philosopher of the Renaissance” của Hilary Gatti.

Bức tượng ở Campo de’ Fiori

Nếu mình đến Campo de’ Fiori (dịch ra là Vườn Hoa) ở Rôma, mình sẽ bắt gặp một bức tượng nằm giữa quảng trường. Đó là Giordano Bruno – người bị hỏa thiêu tại đây vào năm 1600. Cái tên Bruno vốn đã bị quên lãng cho đến đầu thế kỷ 19 khi các ngòi bút chống Công Giáo nâng ông thành “người tử đạo vì khoa học” vì cho rằng ông đã ch ết do bảo vệ mô hình Nhật Tâm của Copernicus. Nhưng sự thật, ông bị xử tử vì quan điểm dị giáo. Ông liên tục bác bỏ Thần Tính của Chúa Giêsu, tín lý Thiên Chúa Ba Ngôi, tín lý Hỏa Ngục… Học giả Alfonso Ingegno viết trong lời mở đầu của cuốn sách tái bản của Bruno rằng triết lý của ông “chất vấn giá trị chân lý của toàn bộ Kitô giáo, và ông tuyên bố rằng Đức Kitô đã gây ra sự lừa dối cho nhân loại!”

Giáo sư Sheila Rabin viết trong Từ điển Bách khoa Triết học Stanford (Stanford Encyclopedia of Philosophy): “Năm 1600, Giáo Hội không có quan điểm chính thức về mô hình của Copernicus, và nó chắc chắn không phải dị giáo. Khi Bruno bị hỏa thiêu như một kẻ dị giáo, điều đó không liên quan gì đến việc các sách vở của ông trình bày quan điểm ủng hộ thuyết của Copernicus.”

Còn bức tượng Bruno thì được dựng vào năm 1889. Điêu khắc gia là Ettore Ferrari, và ông là một lãnh đạo cấp cao của hội Tam Điểm ỏ Italy. Bức tượng là lời đáp trả cho Thông điệp Humanum Genus (1884) của Đức Leo XIII mà trong đó ngài kết án bè Tam Điểm này.Khá đáng buồn là chiến dịch tuyên truyền của nhóm Tam Điểm khá thành công, và nhiều người ngày nay vẫn lầm tưởng câu chuyện “người hùng” Bruno là sự thật. Trong truyện Kính Vạn Hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ở tập Nhà Ảo Thuật chương 8 có đoạn:

Không được đâu bà ơi! – Quý ròm khăng khăng – Hồi trước ông Bruno thà bị thiêu sống trên giàn hỏa chứ không chịu thừa nhận mặt trời quay quanh trái đất đấy!

– Là sao? Cháu nói gì bà chẳng hiểu!- Thế này này! – Quý ròm hùng hồn giải thích – Trước kia có một thời người ta cho rằng mặt trời quay chung quanh trái đất, còn trái đất thì đứng yên vì nó là trung tâm của vũ trụ. Ðó cũng là quan điểm của Nhà thờ. Về sau, ông Copernicus rồi đến các ông Bruno, Galileo đều nói ngược lại, rằng mặt trời đứng yên và chính trái đất mới quay chung quanh mặt trời. Ông Bruno bị Giáo hội bắt giam tám năm và đưa ra Tòa án Tôn giáo nhưng ông thà bị hỏa thiêu chứ nhất định không chịu nói khác với suy nghĩ của mình! Thế đấy!

– Lạy chúa! – Bà trợn mắt – Sao cái ông Bruno gì gì đó điên quá vậy hở cháu? Cái nào quay quanh cái nào thì liên quan gì đến mình mà phải đưa lưng ra chịu chết? Người ta bảo sao cứ nói theo vậy có phải hơn không?

– Ðâu thể nó như bà được! – Quý ròm bật cười – Người ta là nhà khoa học mà lại! Nhà khoa học thì không thể nói sai sự thật được!

– Nhưng cháu có phải là nhà khoa học đâu! – Bà nhấp nháy mắt – Cháu cứ chép tướng cái câu đó thì đã sao!

Mặc cho bà dụ dỗ, Quý ròm vẫn không nao núng. Nó nói, vẻ kiên quyết:

– Bây giờ cháu còn đi học nhưng biết đâu sau này cháu sẽ trở thành một nhà khoa học. Vì vậy cháu cần phải học tập theo ông Bruno.

Thấy không lay chuyển được đứa cháu cứng đầu, bà thở dài giận dỗi:

– Ðã vậy thì mặc cháu! Nhưng mai mốt nhỡ có chuyện gì thì đừng có kiếm bà mà nhè đấy nhé!

– Cháu sẽ không nhè đâu! – Quý ròm nheo mắt trêu bà – Nhà khoa học ai lại nhè!

Khi nhìn về quá khứ, có thể mỗi người chúng ta sẽ thấy những hình phạt áp dụng sao lại nặng như vậy. Nhưng hãy nhớ rằng đó là tiêu chuẩn đạo đức và phương pháp thực thi công lý ở thời đó, xã hội ngày một nhân văn hơn thì những hình phạt cũng sẽ thay đổi theo hướng nhân văn hơn. Đừng lấy tiêu chuẩn của thời đại này mà đi áp dụng cho thời đại trước. Để dễ tưởng tượng, việc bạn tuyên truyền dị giáo (về mặt thần học) đối với nhiều người thời đó cũng giống như việc bạn đang kêu gọi một cuộc cách mạng để lật đổ một hệ thống công quyền ở quốc gia sở tại ngày nay vậy. Điều này là một việc vô cùng nghiêm trọng vậy nên hình phạt tử hình đối với Bruno là một điều hoàn toàn công bằng vì tính chất gây nguy hại của ông ta, cũng như việc ông không chấp nhận từ bỏ các học thuyết thần học dị giáo ấy.

Tham khảo.

1. Collected Works of Giordano Bruno, Amazon kindle.

2. Giordano Bruno and the Hermetic tradition, Frances Yates.

3. Giordano Bruno: Philosopher of the Renaissance, Hilary Gatti.

4. Karl Keating, The Statue in Campo de’ Fiori

Link online:

3

johanpham2002

hubspot-banner

3

Bài viết nổi bật khác