Giới công nghệ nói về xu hướng công nghệ năm 2022
Trong số báo đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy xin ghi lại quan điểm, góc nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam hiện nay về các xu hướng công nghệ năm 2022 cũng như gợi mở chính sách để công nghệ giúp Việt Nam ngày càng gần thế giới hơn.
“GỌI TÊN” XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ 2022
Theo dự báo của các ông, những xu hướng công nghệ sẽ tiếp tục được ứng dụng và phát triển mạnh tại Việt Nam trong năm 2022 là gì?
Ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn VNPT.
“Tôi cho rằng các xu hướng công nghệ sẽ được ứng dụng và tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam trong năm 2022 là công nghệ 5G, IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), trải nghiệm thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Đây là những công nghệ có xu thế dẫn dắt, tương hỗ lẫn nhau trong tổng thể hệ sinh thái công nghệ số giai đoạn hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Trong tổng thể hệ sinh thái công nghệ số đó bao gồm các công nghệ siêu kết nối như 5G, IoT cho tới các công nghệ hạ tầng, nền tảng xử lý tính toán thông minh như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ ứng dụng như AR và VR”.
Ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT.
“Thế giới đã bước sang năm Covid-19 thứ ba, các biến chủng mới có thể xuất hiện, tạo nguy cơ về những làn sóng dịch mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các doanh nghiệp tăng tốc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, đặc biệt AI đang trở thành một phần cốt lõi của ngành công nghệ. Hiện Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến 2030, nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm 2021 cũng chứng kiến sự nở rộ của Blockchain trong lĩnh vực game, tài sản số (NFT). Năm 2022, Blockchain sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp, tổ chức thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực mới như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… vì đảm bảo tính minh bạch, an toàn, tin cậy trong các giao dịch giữa các bên khác nhau”.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa – Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viettel.
“Covid-19 trong 2 năm qua đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người làm việc, sinh hoạt.
Các công nghệ đang và sẽ tiếp tục triển khai như nền tảng Cloud, tính toán biên, phân tích dữ liệu lớn các công nghệ tự động hóa, các công nghệ về AR/VR… và không thể thiếu các công nghệ về bảo mật, riêng tư”.
Ông Ngô Minh Quân – Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty cổ phần Rikkeisoft.
“Covid-19 dự kiến vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2022, những xu hướng công nghệ để phục vụ chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp như hội thảo trực tuyến (teleconference), làm việc từ xa (telework)…
Từ nhiều năm nay, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of Thing – IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đã được ứng dụng rộng rãi thực tế và được coi là xu hướng chính của công nghệ trong tương lai. Trong năm 2022, và tầm nhìn 5 năm tới, các công nghệ trên chắc chắn vẫn là tâm điểm của ngành công nghệ.
Một công nghệ khác đang nở rộ ở Việt Nam và kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ trong 2022, đó là Blockchain. Với việc ra đời và phát triển của các nền tảng cung cấp hợp đồng thông minh (smart contract) và NFT (non fungible token) trên Blockchain, chúng ta kỳ vọng năm 2022 sẽ được thấy nhiều ứng dụng của công nghệ này trong cuộc sống”.
Ông Nguyễn Lê Thành – Giám đốc An ninh mạng, Công ty cổ phần VNG.
“Tôi nghĩ một số xu hướng công nghệ được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 là trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (DA) và Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ Metaverse (thực tế ảo VR, AR) và Blockchain.
Bên cạnh những công nghệ nêu trên, chuyển đổi số, làm việc từ xa khiến cho tỷ lệ tội phạm mạng và nguy cơ bị tấn công bảo mật gia tăng rất lớn theo cấp số nhân. An toàn thông tin tiếp tục sẽ là xu hướng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong 2022.
Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số (NFT), thực tế ảo… đã và sẽ tiếp tục thu hút một lượng không nhỏ các công ty công nghệ tham gia xây dựng sản phẩm có tính ứng dụng cao trên nền tảng Blockchain”.
NGÀNH NGHỀ NÀO SẼ ỨNG DỤNG MẠNH MẼ NHẤT?
Trong bối cảnh Covid-19 và chuyển đổi số toàn diện hiện nay, theo các ông, những lĩnh vực, ngành nghề nào sẽ triển khai, ứng dụng mạnh mẽ các xu hướng công nghệ trên?
Ông Nguyễn Thế Nghĩa – Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viettel.
“Tôi cho rằng các công nghệ sẽ được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên một số lĩnh vực mang tính thiết yếu cho con người sẽ được đẩy nhanh hơn như giáo dục, y tế, thương mại logistics…
Ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn VNPT.
“Công nghệ 5G mở ra cánh cửa đến với các ứng dụng đòi hỏi tốc độ siêu cao, độ trễ siêu thấp ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp giải trí với Streaming Video HD/4K/8K, cloud gaming, AR/VR,…; khám chữa bệnh và phẫu thuật từ xa trong mô hình bệnh viện thông minh; lắp ráp và giám sát dây chuyền trong nhà máy thông minh…
Công nghệ IoT cũng là một trong những thành tố quan trọng góp phần chuyển đổi số, thông minh hóa các lĩnh vực như giám sát thời tiết, dịch bệnh, sức khỏe cây trồng nông nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, thành phố thông minh khác.
Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp trí tuệ nhân tạo, máy học cũng đang thay đổi cách thức hoạt động, ra quyết định của các tổ chức, doanh nghiệp dựa trên phân tích dữ liệu lịch sử, mang lại hiệu quả lớn trong việc phát triển doanh thu, mở rộng thị trường, giá trị thương hiệu”.
Ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT.
“Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cũng như chuyển đổi số như BFSI, các lĩnh vực sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ trên là: giáo dục, y tế, sức khoẻ và nhân lực.
Đặc biệt với lĩnh vực sức khỏe, y tế, công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này là những kỹ thuật được tích hợp vào các thiết bị y tế như máy xét nghiệm tự động, máy chụp CT, MRI, robot phẫu thuật… Hiện nay, nhờ các ứng dụng này mà công việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ trở nên rất chính xác và hiệu quả. Công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế là một mảng khác, giúp số hoá bệnh án, lưu trữ và khai thác thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Ngoài ra, cũng nhờ sự phát triển của công nghệ 4G, 5G, Internet có tốc độ đường truyền cao, có thể truyền hình ảnh, âm thanh, video… giúp ứng dụng vào việc truyền tin trong ngành y tế rất phát triển, gọi là khám chữa bệnh từ xa (Telehealth hay Telemedicine) nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi”.
Ông Ngô Minh Quân – Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty cổ phần Rikkeisoft.
“Ngành nghề đang tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ có thể kể đến là lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, vốn đã đầu tư rất sớm vào số hóa và công nghệ thông tin. Trong năm tới, các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn để chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI và Big Data để tăng trải nghiệm khách hàng và hiệu quả marketing.
Dịch bệnh Covid được cho là ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực bán lẻ và FMCG, khiến các kênh bán truyền thống bị đứt gãy. Chính điều này lại trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp lĩnh vực này ứng dụng công nghệ để xây dựng kênh online thay thế. Đặc biệt các doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ (SME) cũng không đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số, nhờ việc tiếp cận được nhiều giải pháp và dịch vụ với chi phí hợp lý hơn”.
Ông Nguyễn Lê Thành – Giám đốc An ninh mạng, Công ty cổ phần VNG.
“Công nghệ có thể giải quyết rất nhiều nhu cầu đang “gặp khó” của con người như giao tiếp, làm việc và học tập từ xa, sử dụng dữ liệu để ra quyết định. Các dịch vụ trực tuyến được ứng dụng cho hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục, y tế, giải trí.
Ứng dụng các giải pháp công nghệp nhằm nâng cao trải nghiệm mô hình O2O (Online To Offline) – tiếp cận và thu hút khách hàng trên các nền tảng trực tuyến, đa dạng hoá hình thức thanh toán trực tuyến không tiền mặt (thông qua ví điện tử). Trong bối cảnh dịch bệnh còn tồn tại, các giải pháp hướng tới việc không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc vật lý như công nghệ QR sẽ là chìa khóa giúp giảm khả năng lây nhiễm và tăng trải nghiệm người dùng”.
KỲ VỌNG CỦA DOANH NGHIỆP
Ở góc độ doanh nghiệp, đâu là những công nghệ sẽ được doanh nghiệp tập trung, đầu tư và phát triển mạnh trong năm 2022? Dự kiến những công nghệ này sẽ tác động như thế nào tới hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Ngô Minh Quân – Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty cổ phần Rikkeisoft.
“Từ năm 2019, chúng tôi luôn xác định đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ lõi, trong đó tập trung vào các công nghệ cao sử dụng AI, IoT, tự động hoá (Automation), máy học (Machine Learning) và Blockchain, và cho đến nay cũng đã sở hữu một số sản phẩm giải pháp trong mảng này trên thị trường như giải pháp định danh điện tử Rikkei eKYC, giải pháp nhận dạng giọng nói, giải pháp camera AI, giải pháp tài chính phi tập trung.
Xuất phát điểm là một doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản, việc đầu tư vào công nghệ lõi giúp Rikkeisoft nhanh chóng chuyển mình, hướng đến mục tiêu trở thành một công ty công nghệ có hàm lượng sở hữu công nghệ cao. Năm 2022, trọng điểm trong chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam và APAC của Rikkeisoft là chuyển đổi số, trong đó Rikkeisoft sẽ đi sâu vào tư vấn, triển khai và phối hợp các giải pháp, công nghệ số tự phát triển cho các doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Lê Thành – Giám đốc An ninh mạng, Công ty cổ phần VNG.
“Tại VNG, song song với việc phát triển các sản phẩm cốt lõi như trò chơi trực tuyến hay Zalo, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ nguồn lực cho cho xu hướng công nghệ mới nhất như dịch vụ điện toán đám mây (VNG Cloud), ví điện tử (ZaloPay), Trí tuệ nhân tạo (AI), IOT và Blockchain.
Bên cạnh đó, VNG vẫn tiếp tục chiến lược đầu tư và đồng hành cùng các start-up công nghệ tiềm năng để “chạm” tới nhiều lĩnh vực, xu hướng phát triển mới, cũng như tạo ra hệ sinh thái các công ty khởi nghiệp lớn mạnh tại Việt Nam”.
Ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT.
“Tập đoàn FPT tập trung và phát triển 4 nền tảng công nghệ lõi: Hyper Automation; Blockchain; AI và Cloud. Cụ thể, trong lĩnh vực tự động hoá, FPT sử dụng công nghệ Hyper Automation cho sản phẩm akaBot, tích hợp công nghệ quản trị quy trình vận hành BPM (Business Process Management) và xử lý chứng từ thông minh IDP (Intelligent Document Processing) đối với các luồng quy trình, dữ liệu phi cấu trúc chưa được xử lý hiệu quả bởi RPA.
Trong lĩnh vực AI, điểm mới của FPT là phát triển AI có khả năng suy luận gần như con người trên cơ sở những thông tin tiếp nhận từ các giác quan, điều mà trước đây chúng tôi chưa làm được. Trong lĩnh vực Cloud, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ IaaS, tiếp tục trong thời gian tới sẽ là PaaS và đặc biệt là SaaS.
Việc phát triển và ứng dụng các công nghệ này trong các sản phẩm không chỉ phục vụ cho việc phát triển nội tại của FPT mà còn phụng sự cho bền vững, đột phá của khách hàng. Mục tiêu của FPT là lọt Top 50 chuyển đổi số thế giới”.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa – Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viettel.
“Tập đoàn Viettel định vị sẽ đi đầu và dẫn dắt chuyển đổi số của quốc gia, do vậy Viettel đã và sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các công nghệ nền tảng phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, nhà nước và chính Viettel gồm: hạ tầng mạng lưới phục vụ cho kết nối không gian số, các nền tảng điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, nền tảng IoT hợp nhất, nền tảng an toàn thông tin.
Các nền tảng và hạ tầng này các siêu dịch vụ giúp xử lý, lưu trữ, kết nối bảo mật dịch vụ, dữ liệu của doanh nghiệp và chính phủ. Ngoài ra Viettel vẫn tiếp tục tạo ra các nền tảng, dịch vụ giúp chuẩn hóa, tuân thủ và chuyển đổi số cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp, tổ chức, Chính phủ”.
Ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn VNPT.
“Các xu thế công nghệ trên đều là những công nghệ sẽ được VNPT tập trung, đầu tư và phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 trong mục tiêu VNPT là tập đoàn công nghệ, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Các công nghệ này đều sẽ có những tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT theo các chiều hướng và mức độ khác nhau.
Công nghệ 5G, IoT sẽ mang tới các dịch vụ mới, từ đó mang lại nguồn doanh thu mới, nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu VNPT là nhà cung cấp dịch vụ số đa dạng. Với sứ mệnh tiên phong dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã và đang tham gia kiến tạo hạ tầng số Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ”.
CÔNG NGHỆ SẼ GIÚP THU HẸP KHOẢNG CÁCH VỚI THẾ GIỚI
Công nghệ thông tin, công nghệ số đang được đánh giá là lĩnh vực/chìa khóa khiến khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới là ngắn nhất. Các ông nhìn nhận như thế nào về đánh giá này? Nếu được, xin ông có thể gợi mở những góp ý hoặc đề xuất cơ chế, chính sách để khoảng cách này ngày càng ngắn lại và Việt Nam có thể đi cùng thế giới và dẫn đầu?
Ông Nguyễn Lê Thành – Giám đốc An ninh mạng, Công ty cổ phần VNG.
“Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Blockchain hay an toàn thông tin đều là những công nghệ nền tảng có thể giúp rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới.
Chìa khóa để giúp công nghệ Việt Nam sớm vươn tầm ngang hàng với các “thung lũng” công nghệ chính là các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, giảm thiểu các quy trình cấp phép phức tạp, cho phép triển khai các dịch vụ thử nghiệm dạng sandbox – thí điểm các công nghệ mới vào thực tiễn trong một phạm vi nhất định, đặc biệt là với công nghệ mới như Blockchain”.
Ông Ngô Minh Quân – Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty cổ phần Rikkeisoft.
“Việt Nam có thể đi sau các nước phát triển tương đối xa trong một số lĩnh vực, tuy nhiên điều này lại không đúng với lĩnh vực công nghệ thông tin nơi chúng ta không xuất phát quá muộn, và càng ngày khoảng cách đó lại càng được thu hẹp. Ví dụ như mạng Internet, xuất hiện tại Việt Nam vào 1997, tức là sau thế giới khoảng 15 năm. Năm 2020, khi chúng ta triển khai mạng di động 5G, chỉ 1 năm sau Hàn Quốc, là nước đầu tiên ứng dụng 5G diện rộng trên thế giới.
Ở một số lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới như AI hay như Blockchain, Việt Nam lại một trong các nước đi tiên phong và gây được tiếng vang trên thế giới. Vì vậy, tôi tin rằng công nghệ thông tin chính là lĩnh vực có thể giúp Việt Nam nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển và mở ra cơ hội lọt vào nhóm dẫn đầu.
Từ lâu, Chính phủ đã có những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi vẫn còn tương đối chậm so với sự phát triển của công nghệ vốn thay đổi rất nhanh chóng. Chúng ta nên mạnh dạn triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin bằng mở cửa hơn nữa về mặt pháp lý và chế tài kiểm soát, cho phép doanh nghiệp chủ động đầu tư thử nghiệm, miễn không vi phạm pháp luật”.
Ông Vũ Anh Tú – Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT.
“Tôi nghĩ đây là một đánh giá chính xác. Việc bắt được nhịp của làn sóng chuyển đổi số, là chìa khoá giúp Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với thế giới.Theo tôi, Việt Nam cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục để nhiều người tiếp cận được dịch vụ, cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn.
Xây dựng và thúc đẩy môi trường cho các start-up công nghệ, công ty công nghệ triển khai thử nghiệm có giới hạn việc ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam tự cường về công nghệ”.
Ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn VNPT.
“Việt Nam cần nắm bắt triệt để các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách với thế giới tại một số ngành nước ta có lợi thế với một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch, tạo ra các kênh giao dịch số văn minh, tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, các chính sách đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố dẫn dắt, phát triển đột phá trong nền kinh tế số.
Thứ ba, chính sách và lộ trình dài hạn cho phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế”.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viettel.
“Công nghệ là chìa khóa, tuy nhiên người mở khóa là quan trọng nhất. Công nghệ như là phương tiện để hỗ trợ chuyển đổi hoạt động hiện tại thích ứng với tình hình mới, nhu cầu mới, bên cạnh những người biết sử dụng phương tiện thì còn cần các chính sách để thúc đẩy việc sử dụng phương tiện một cách đúng đắn và hiệu quả. Giống như ô tô đi trên xa lộ, cần có các bảng chỉ dẫn, các tín hiệu để ô tô đi đúng, an toàn và nhanh nhất để đến đích”.