“Gió tầng nào gặp mây tầng đó”: Càng lớn tình yêu càng khắc nghiệt, sẽ tới lúc đánh giá nhau trong vô thức, cân đo kinh tế – năng lực – tham vọng của đối phương

Cách đây không lâu, tựa phim Hàn Quốc nổi tiếng The Interest Of Love (Lý Giải Tình Yêu) đã khép lại với cái kết dang dở của cặp đôi nam nữ chính. Cùng khai thác motif hẹn hò quen thuộc giữa trai giàu – gái nghèo tại chốn công sở, The Interest Of Love khiến nhiều người liên tưởng đến những bộ phim đậm mùi ngôn tình khác của Hàn Quốc cùng chủ đề như Hẹn Hò Chốn Công Sở, Thư Ký Kim Sao Thế?…

Thế nhưng trái ngược với những gam màu ngọt ngào của các tựa phim kể trên, The Interest Of Love lại khắc hoạ màu yêu của thế giới người trưởng thành thành đầy u ám và gai góc. Đó là khi tình yêu của Lọ Lem và Hoàng tử chưa thể (hoặc không bao giờ) vượt qua được những rào cản khác biệt giữa gia thế, học vấn và quan điểm sống khi cả hai đang sống trong một xã hội thực tế đến thực dụng, tình cảm cũng phải đặt lên bàn cân để đong đếm từng chút một.

01

Phim xoay quanh câu chuyện cô nhân viên ngân hàng Soo Young (Moon Ga Young) – một cô gái xuất thân bình thường vô tình gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với anh chàng giao dịch viên giàu có Ha Sang Soo (Yoo Yeon Seok). Không chỉ khác biệt về gia thế, giữa Soo Young và Sang Soo còn tồn tại vô vàn điểm lệch pha ngăn trở cặp đôi chính về chung một nhà.

Nếu như Sang Soo được xem là “chàng trai vàng” khi tốt nghiệp trường đại học danh giá, tính cách ôn hoà, ngoại hình bảnh bao nhưng thích sự hoàn hảo, mưu cầu cuộc sống ổn định với một đối tượng “môn đăng hộ đối” thì Soo Young lại là một cô gái khép kín, luôn mang trong mình mặc cảm vì mới chỉ tốt nghiệp cấp ba. Ngay cả khi hai người nảy sinh tình cảm với nhau, sự khác biệt dường như vẫn không thể dung hòa. 

Phim khiến khán giả tức điên với hành trình tình cảm vòng vo không dứt khoát của nam chính và nữ chính, nhưng cũng khiến nhiều người nặng lòng vì quá thực tế. Sang Soo và Soo Young không bất chấp mọi rào cản một cách phi lý để bên nhau, điều này không đúng với motif Lọ Lem và Hoàng tử thường thấy nhưng lại thực tế đến phũ phàng. Bởi ở ngoài đời, tình yêu của người trưởng thành cũng khắc nghiệt như thế. 

Tình yêu khi trưởng thành quá khắc nghiệt: Thích thôi chưa đủ, "gió tầng nào phải gặp mây tầng đó" - Ảnh 1.

Khi chúng ta còn trẻ, còn mộng mơ với những câu chuyện cổ tích, với những bộ phim ngôn tình, chúng ta nghĩ rằng nhiều thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Nó giống như mối quan hệ với một người, giống như con đường ta thường đi qua, giống như chính bản thân mình. Lớn lên rồi chúng ta mới dần phát hiện, thời gian luôn lặng im không một tiếng động nhưng lại âm thầm thay đổi mọi thứ. 

Nhiều người sẽ “đường ai nấy đi”, tình bạn sẽ phai nhạt, con đường ta thường đi đổi khác và ngay cả bản thân chúng ta cũng chẳng còn như xưa. Thế giới quan của chúng ta thay đổi và quan điểm về tình yêu theo đó mà khác đi. 

Tình yêu của những người trưởng thành, không phân biệt giới tính, về cơ bản là rất thực tế. Lúc này, chúng ta bắt đầu quan tâm đến mọi khía cạnh của nhau. Đến một độ tuổi nhất định, chúng ta bắt đầu đánh giá đối phương trong vô thức. Chúng ta nhìn vào điều kiện kinh tế của người ấy, nhìn vào năng lực của người ấy, nhìn vào tính cách, tham vọng của người ấy. Chỉ cần cảm thấy đối phương có một phương diện nào đó không tốt lắm, không đáp ứng được yêu cầu của bản thân, không cách nào thỏa mãn chính mình, thì cho dù có thích hơn nữa, chúng ta cũng tìm cách che giấu sự thích này và chủ động giữ khoảng cách. 

Cái gọi là “môn đăng hộ đối”, cái gọi là “gió tầng nào gặp mây tầng đó” âu cũng từ đây mà ra.

Tình yêu khi trưởng thành quá khắc nghiệt: Thích thôi chưa đủ, "gió tầng nào phải gặp mây tầng đó" - Ảnh 2.

02

Trên mạng xã hội từng nổi lên một câu hỏi: “Khi hai người bên nhau, làm thế nào để luôn yêu thương như thuở ban đầu?”

Câu trả lời nhận được nhiều lượt thích nhất là cả hai phải cùng chung chí hướng, tốt hơn cả hãy ở cùng một “tầng mây”. “Tầng mây” ở đây không chỉ là sự xứng đôi vừa lứa trong điều kiện kinh tế, mà còn là sự hoà hợp giữa gia cảnh, môi trường sống, năng lực học vấn giữa hai con người. 

Để dẫn chứng cho câu trả lời của mình, chủ tài khoản đã tâm sự về câu chuyện tình đổ vỡ giữa bản thân và chồng cũ. Nếu như anh chồng có tấm bằng Tiến sĩ thì cô nàng lại mới hoàn thành chương trình Trung cấp. Họ đã trải qua thời gian thanh xuân yêu đương nồng cháy trong 3 năm, trước khi quyết định ly hôn chỉ sau một năm chung sống.

Trích một phần bài đăng của chủ tài khoản: “Những lời anh ấy nói, tôi thường không hiểu. Những thứ tôi thích, anh ấy cảm thấy ngớ ngẩn.

Quan điểm về tiêu dùng cũng khác. Anh ấy thường đưa tôi đến cửa hàng để mua quần áo, nhưng tôi thấy chúng quá đắt. Tôi thích mua hàng trên Pinduoduo, Taobao (nền tảng mua sắm trực tuyến) vì được giản giá và miễn phí vận chuyển. Nhưng anh ấy dường như không thích điều này và thường kêu chất vải xấu. Anh ấy thích đi xa, ngắm nhìn thế giới bên ngoài. Nhưng tôi cho rằng đi du lịch nước ngoài không cần thiết trong giai đoạn mới kết hôn. Vậy là anh ấy nói, suốt một năm kết hôn, anh ấy chẳng thể đi du lịch nhiều như thời độc thân vì bị ‘tôi quản’.

Đó là chưa kể những khác biệt khi tôi đến nhà của anh ấy. Thành viên trong gia đình anh nói những câu chuyện khác nhau, đi ăn ở những nơi mà tôi nghĩ trước khi kết hôn với anh, tôi không bao giờ có thể đưa gia đình mình đến đó.

Những thứ nhỏ nhặt tích lũy theo từng từng ngày dần trở thành nỗi thất vọng. Cuối cùng, tôi nhận ra khi cả hai đã không cùng vị trí thì chẳng thể nào thấu hiểu nhau. Tôi và chồng cũ đều mệt mỏi khi phải đuổi theo giá trị mà đối phương mong muốn”.

Càng lớn tình yêu càng khắc nghiệt: Phải nhìn vào kinh tế, năng lực, tham vọng của đối phương, bởi "gió tầng nào gặp mây tầng đó" - Ảnh 3.

Có thể thấy, khi mối quan hệ đã xuất hiện chênh lệch càng lớn sẽ đẩy hai con người càng xa cách nhau. Nói cách khác, nếu tình yêu đã xuất hiện khoảng cách về môi trường, hoàn cảnh sống, địa vị hay tiền bạc thì dẫu tình cảm có lớn đến mấy, mâu thuẫn ắt vẫn xảy ra.

Trong cuộc sống hiện thực, đã có rất nhiều cặp đôi như Sang Soo và Soo Young chọn cách chia tay khi họ đã không thể giải quyết hết tất cả mâu thuẫn của bản thân, rồi từ đó mãi mãi không thể quay lại. Có lẽ ở một thời điểm nào đó, họ đã nhận ra, hoá ra ngay từ đầu, đối phương không sinh ra để dành cho mình:

“Tôi phát hiện đã chẳng thể nói tiếp chuyện với anh ta vì khác biệt trong quan điểm sống”.

“Tôi không dám tặng người yêu món quà đắt tiền vì biết anh ấy sẽ phải tiết kiệm rất nhiều mới tặng lại được tôi món quà tương xứng”.

“Tôi mệt mỏi khi phải thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn khắt khe của gia đình cô ấy”…

Trong một cuốn tiểu thuyết, nhà văn Charlotte Brontë cũng từng viết: “Tình yêu cũng giống như một trò chơi. Hai người thi đấu phải bình đẳng và ngang tài mới có thể nương tựa vào nhau cả đời. Khi đối phương trở nên quá mạnh, người còn lại sẽ thấy mệt mỏi”.

Tình yêu khi trưởng thành quá khắc nghiệt: Thích thôi chưa đủ, "gió tầng nào phải gặp mây tầng đó" - Ảnh 4.

03 

Nói ra những điều này để thấy, trong bức tranh tình yêu và cuộc sống hôn nhân, lý thuyết chọn bạn đời chúng ta đã nghe phát ngán từ gia đình, rằng “gió tầng nào gặp mây tầng đó” không bao giờ là quan điểm lỗi thời.

Ấy nhưng, cuộc sống không bao giờ lãng mạn như phim ảnh và cuộc sống cũng chẳng khốc liệt như lời cảnh cáo bố mẹ. Thực tế, số lượng cặp đôi “đũa lệch” chia tay nhau không ít những người gắn bó bên nhau cả đời cũng nhiều chẳng kém.

Mức độ hạnh phúc trong tình yêu không được đo đếm bởi tiền bạc. Sự bền chặt của các cặp đôi theo thời gian càng không liên quan đến định kiến của xã hội hay tác động của vật chất, nếu đôi bên chịu thấu hiểu và thay đổi vì nhau.

Hơn nữa, đâu ai có thể khẳng định những người sống cùng “tầng mây”, chung xuất phát điểm lại lựa chọn đến bên nhau và có happy-ending trọn đời? Đến tận cuối phim The Interest Of Love, dẫu cho Sang Soo và Soo Young từng nói chia tay 5 lần 7 lượt, nhưng họ vẫn chấp nhận cho nhau cơ hội làm lại từ đầu cơ mà. 

Cái kết lấp lửng của bộ phim khiến nhiều người xem day dứt khi không thể đoán được trước tình yêu của Sang Soo và Soo Young sẽ ra sao. Điều này chẳng phải cũng tương tự như câu hỏi của chúng ta trước bao chuyện tình “đũa lệch”, rằng liệu họ có thể bên nhau lâu dài khi giữa cả hai đã có nhiều khoảng cách ngăn trở?

Tình yêu khi trưởng thành quá khắc nghiệt: Thích thôi chưa đủ, "gió tầng nào phải gặp mây tầng đó" - Ảnh 5.

Tạm kết

Có người nói: Một mối quan hệ thiếu bình đẳng giống như một quả bom nổ chậm. Bởi bạn sẽ không biết điểm khác biệt giữa mình và đối phương có thể giết chết từ từ tình cảm như thế nào, cho đến khi chuyện tình của bạn “vỡ toang”.

Yêu nhau thì dễ, nhưng để gắn bó trọn đời lại không đơn giản. Bởi vì gió tầng nào gặp mây đó, nên để duy trì tình cảm lâu dài, tốt nhất là cả hai cần học được cách lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau, chịu thay đổi để lấp đầy các khoảng cách vốn có. Cùng sánh bước, cùng hoà nhịp trên cùng một con đường, tự nhiên sẽ cảm thấy tình cảm được vun đắp, lựa chọn của mình là xứng đáng.


Theo Dương – Design: Ngô Hoàng Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo