Giấy ra viện hợp lệ hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội

Giấy ra viện hợp lệ hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội

Bởi ebh.vn

– 10/01/2023

Giấy ra viện là một trong những giấy tờ quan trọng dùng làm căn cứ hưởng để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết và xét hưởng một số chế độ độ với người tham gia. Vậy, quy định về giấy ra viện hưởng chế độ bhxh hiện nay như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.

Bệnh nhân muốn hưởng một số chế độ BHXH cần có giấy ra viện

Bệnh nhân muốn hưởng một số chế độ BHXH cần có giấy ra viện

1. Giấy ra viện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trong trường hợp nào?

Người tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ BHXH gồm: Chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và tử tuất. Trong đó giấy ra viện là giấy tờ quan trọng được tổ chức BHXH dùng làm căn cứ để giải quyết và xét hưởng các chế độ thai sản và chế độ ốm đau cho bệnh nhân đang tham gia BHXH.

1.1 Bệnh nhân hưởng chế độ ốm đau

Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập và hồ sơ gồm:

Trong trường hợp điều trị nội trú:

  • Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. 

  • Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; 

  • Trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

1.2 Bệnh nhân hưởng chế độ thai sản

Căn cứ Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:

Đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:

– Điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện nếu chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú.

– Điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.​

Giấy ra viện dùng làm căn cứ hưởng chế độ thai sản

Giấy ra viện dùng làm căn cứ hưởng chế độ thai sản

1.2.1 Trường hợp đôi với lao động nữ sinh con

Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thành phần hồ sơ thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

Hiện nay, để tránh các trường hợp lợi dụng loại giấy tờ này để trục lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội, Pháp luật cũng có những quy định hướng dẫn chi tiết về giấy ra viện. Cụ thể:

2. Quy định giấy ra viện hưởng bảo hiểm xã hội

Như vậy đã đề cập bên trên, bệnh nhân tham gia BHXH bắt buộc để hưởng chế độ ốm đau, thai sản người lao động cần có bản sao giấy ra viện của cơ sở khám chữa bệnh. Căn cứ theo hướng dẫn ghi giấy ra viện tại Điều 15, Thông tư 56/2017/TT-BYT thì giấy ra viện hợp lệ đảm bảo các yêu cầu sau:

(1) Mẫu giấy ra viện hợp lệ:

Mẫu giấy ra viện theo quy định

Mẫu giấy ra viện theo quy định Tải về file DOC

(Mẫu và cách ghi giấy ra viện thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT)

(2) Cơ sở cấp giấy ra viện:

Căn cứ theo quy định tại Điều 15, Thông tư 56/2017/TT-BYT thì thẩm quyền cấp giấy ra viện đảm bảo là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn được phép điều trị nội trú.

(3) Phần ghi chú:

Ghi lời dặn của thầy thuốc, cách ghi đối với trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sau khi điều trị nội trú: 

  • Ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện. 

  • Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh ghi số ngày nghỉ nhưng tối đa không quá 30 ngày.

(4) Phần ghi ngày, tháng, năm và chữ ký:

Giấy ra viện phải có ghi đầy đủ ngày, tháng, năm và có chữ ký cụ thể:

  • Việc ghi ngày, tháng, năm tại phần chữ ký của Trưởng khoa điều trị phải trùng với ngày ra viện.

  • Tại phần “Trưởng khoa”: Trưởng khoa hoặc Phó trưởng khoa ký tên theo quy chế làm việc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

  • Tại phần “Thủ trưởng đơn vị”: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền được ký và đóng dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ có 01 người có đủ thẩm quyền khám và ký giấy ra viện thì người đó chỉ cần ký và đóng dấu vào phần người thủ trưởng đơn vị.

Như vậy, giấy ra viện hợp lệ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cần đảm bảo các quy tắc ghi thời gian được nghỉ để điều trị (thời gian không quá 30 ngày), ghi ngày, tháng, năm trùng với ngày ra viện và các yêu cầu về chữ ký.

Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH về giấy ra viện hưởng một số chế độ BHXH dành cho người tham gia BHXH bắt buộc theo quy định. EBH mong rằng đã có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết và hữu ích nhất.