Giật mình và cảnh báo…

Thứ Hai 29/04/2019 | 09:00 GMT+7

VHO- Mỗi ngày Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám khoảng 200-300 bệnh nhân trầm cảm (stress), các đối tượng có thể là nam, nữ, học sinh… Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, số người mắc bệnh trầm cảm chiếm khoảng 15% dân số, nhưng số người đến khám bệnh ước tính là rất thấp, hoặc bản thân không biết bệnh để đi khám.

 TS.BS Dương Minh Tâm chăm sóc bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai)

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng, tùy theo các quốc gia khác nhau và từng thể bệnh khác nhau thì tỷ lệ này cũng khác nhau. Các rối loạn liên quan đến stress thường khởi phát ở giới trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam.

Khám khắp nơi không ra bệnh?

Một trong những bệnh nhân của Viện Sức khoẻ tâm thần là một chị 38 tuổi. Chị làm kế toán và lấy chồng năm 26 tuổi, sau một thời gian lấy nhau, anh chị quyết định xây nhà và phải vay thêm tiền. Gia đình chị có hai con, nhưng chồng đi làm xa nên một tay chị phải lo lắng hết mọi chuyện. “Biểu hiện rối loạn trầm cảm đến với bệnh nhân trong bốn năm gần đây. Bệnh nhân có cảm giác đau đầu hai bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, mỗi đêm chỉ ngủ được 1-2 giờ”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Với biểu hiện như vậy, chị phải nghỉ việc, nhưng cộng thêm việc chi tiêu và trả nợ khiến chị lại càng lo lắng hơn. Khi gặp căng thẳng chị thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược. Chị đã từng điều trị tại khoa tim mạch, thần kinh ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương, ở đâu cũng được yêu cầu được chụp chiếu xét nghiệm, nhưng kết quả bình thường dù biểu hiện bệnh không thuyên giảm.“Cuối cùng, gia đình đưa bệnh nhân vào Viện Sức khỏe tâm thần điều trị. Qua thăm khám chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn stress dạng cơ thể. Sau một thời gian điều trị chị đã khỏi và xuất viện”, TS Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, bệnh nhân nam 28 tuổi lại là một trường hợp khác. Cách đây sáu tháng, anh gặp nhiều căng thẳng do phải lo cho đám cưới của mình: Làm sao chuẩn bị đủ tiền cưới, rồi lấn sang lo các vấn đề khác như kinh tế, sức khỏe, liệu sau cưới vợ chồng có hợp nhau không, có điều không hay xảy ra với mình và gia đình? Thậm chí, làm nghề lái xe lâu năm nhưng anh ám ảnh, sợ tai nạn đến nỗi không dám ra đường.

Rồi đám cưới cũng đến trong sự lo lắng, hồi hộp. Tưởng chừng mọi thứ sẽ ổn định trở lại nhưng 5 tháng sau, anh vẫn trong trạng thái “lo lắng lan man” như vậy. Dần dần, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó ngủ và đêm dễ giật mình, ban ngày thì ăn không ngon, cơ thể mệt mỏi và kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi… Thấy sức khỏe bất ổn, anh đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không tìm ra chứng bệnh. Được người quen giới thiệu đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, các bác sĩ phát hiện anh mắc chứng rối loạn stress dạng lo âu lan tỏa, và chỉ định nhập viện điều trị.

Ứng phó với bệnh trầm cảm

Trưởng đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress cũng cho rằng, hiện nay học sinh gặp rối loạn stress sớm trong quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường. Mỗi đối tượng có mức độ khác nhau, hay gặp nhất là nguyên nhân mất định hướng ở trẻ trong nhóm học giỏi. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết “con không biết học để làm gì, không biết học gì là quan trọng”. Khi tìm hiểu ra thì các trẻ phải chạy theo kế hoạch của nhà trường, của cô giáo và của gia đình.

Nhóm trẻ thứ hai nguyên nhân trầm cảm từ mối quan hệ bạn bè, hoặc đặt tiêu chuẩn về ăn mặc, hưởng quyền lợi… điều này gây ra xung đột với bạn bè hay bố mẹ, và gây ảnh hưởng tới cảm xúc. “Trong một nhóm cộng đồng, sự kỳ thị là tất yếu như kỳ thị giữa bạn giàu và bạn nghèo, kỳ thị giữa bạn xinh, bạn xấu, kỳ thị giữa bạn học giỏi, bạn học kém… Kỳ thị vẫn bị coi là một sự tiêu cực nhưng ở đây nhìn theo một góc độ nào đó thì là sự tranh đua. Nếu nhìn ở góc độ tích cực sẽ là sự phấn đấu, giúp nhau cùng hoàn thiện, nhưng nhìn theo khía cạnh tiêu cực thì nảy sinh mâu thuẫn. Trẻ mâu thuẫn có nhiều hình thức khác nhau: không chơi với nhau, cạnh khoé, mắng chửi hoặc xúc phạm, bạo hành nhau… Để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ, có trẻ tìm tới các trò chơi, game, có trẻ tự làm đau bản thân bằng cách dùng dao lam rạch lên cơ thể để cảm thấy giảm stress”, TS Dương Minh Tâm nói.

Theo các chuyên gia, stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân… Trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý, góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Tuy nhiên, stress kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy không lường được, đặc biệt là guồng quay áp lực công việc, kinh tế của của xã hội hiện đại.

Do đó, những ca bệnh gần đây là lời cảnh báo người dân hãy quan tâm đến những rối loạn liên quan đến stress trong nhịp sống gấp gáp như hiện nay. Một cơ thể khoẻ mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho người dân. Vì vậy. TS.BS Dương Minh Tâm cho rằng, mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện… 

 THẢO LAM