GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO – NTH
Dịch Giả: Các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh.
QUYỂN IV: NHIỆM VỤ THÁNH HÓA CỦA GIÁO HỘI (834-1253)
Ðiều 998: Bằng Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, Giáo Hội ký thác các tín hữu yếu đau
nguy cấp cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển, để Ngài xoa dịu và cứu chữa họ. Bí Tích
Xức Ðầu bệnh nhân được cử hành bằng việc xức dầu cho bệnh nhân kèm theo việc
đọc những lời đã được quy định trong sách phụng vụ.
Ðiều 999: Ngoài Giám Mục ra, những người có thể làm phép dầu để dùng vào việc xức dầu là:
1. những người được Giáo Luật đồng hóa với Giám Mục giáo phận;
2. khi khẩn thiết, thì bất cứ Linh Mục nào cũng được, tuy chỉ giới hạn trong chính lần
cử hành bí tích này.
Ðiều 1000:
(1) Sự xức dầu phải cử hành nghiêm chỉnh cùng với những lời đọc, theo
thứ tự và cách thức đã quy định trong sách phụng vụ. Tuy nhiên, khi khẩn thiết, chỉ xức
dầu trên trán hay trên một phần khác của thân thể cũng đủ; nhưng phải đọc trọn vẹn
mô thức của Bí Tích.
(2) Thừa tác viên phải xức dầu bằng chính tay của mình, trừ khi có lý do quan trọng
khuyên nên dùng một dụng cụ.
Ðiều 1001: Các Chủ Chăn và các thân nhân của người bệnh phải liệu để đương sự
được lãnh Bí Tích này vào lúc thuận tiện.
Ðiều 1002: Dựa theo các chỉ thị của Giám Mục giáo phận, có thể cử hành Bí Tích
Xức Dầu tập thể cho nhiều bệnh nhân, nếu họ được chuẩn bị chu đáo và với tâm tình
chính đáng.
Ðiều 1003:
(1) Tất cả và chỉ tư tế mới được ban hành Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân
cách hữu hiệu.
(2) Tất cả các tư tế mang trọng trách coi sóc các linh hồn, có bổn phận và quyền lợi
ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho các tín hữu được trao phó cho trách nhiệm mục
vụ của mình. Khi có lý do chính đáng, thì bất cứ tư tế nào khác cũng có thể ban Bí Tích
này, miễn là có sự đồng ý, ít ra là suy đoán, của tư tế nói trên.
(3) Bất cứ tư tê nào cũng được đem dầu thánh theo mình, để khi cần thiết, có thể
ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân.
Ðiều 1004:
(1) Có thể ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho một tín hữu đã biết xử
dụng trí khôn, khi họ lâm cơn hiểm nghèo vì bệnh tật hay tuổi già.
(2) Bí Tích này có thể lặp lại, nếu bệnh nhân, sau khi phục sức, lại ngã bệnh nặng,
hay, nếu trong cùng một cơn bệnh kéo dài, bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Ðiều 1005: Nếu hồ nghi không biết bệnh nhân đã đến tuổi khôn chưa, hoặc bệnh
tình có hiểm nghèo hay không, hoặc đã chết chưa, thì cũng hãy ban Bí Tích này.
Ðiều 1006: Bí Tích này cũng được ban cho những bệnh nhân nào mà lúc còn tỉnh
táo, đã xin lãnh nhận ít là cách mặc nhiên.
Ðiều 1007: Không được ban hành Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho những người cố chấp trong một tội nặng công khai.
Ðiều 1008: Do Bí Tích Truyền Chức đã được Chúa thiết lập, một số người giữa các
tín hữu được đặt làm những thừa tác viên thánh với ấn tích không thể xóa nhòa. Họ
được cung hiến và trạch cử để, tùy theo cấp bậc, thay mặt Ðức Kitô dẫn dắt dân Chúa
bằng cách chu toàn các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và cai trị.
Ðiều 1009:
(1) Các chức thánh là chức Giám Mục, chức Linh Mục và chức Phó Tế.
(2) Các chức thánh được ban bằng việc đặt tay và lời nguyện cung hiến riêng mà
sách phụng vụ đã quy định cho từng cấp.
Ðiều 1010: Sự truyền chức phải được cử hành trong thánh lễ trọng thể ngày Chúa
Nhật hay ngày lễ buộc. Tuy nhiên, vì lý do mục vụ, cũng có thể cử hành trong những
ngày khác, kể cả những ngày thường.
Ðiều 1011:
(1) Lễ truyền chức thường thường nên được cử hành tại nhà thờ chính
tòa. Tuy nhiên vì lý do mục vụ, có thể cử hành tại nhà thờ hay nhà nguyện khác.
(2) Trong ngày lễ truyền chức, phải mời các giáo sĩ và các tín hữu khác, để họ tham
dự hết sức đông đảo có thể được.
Ðiều 1012: Thừa tác viên bí tích truyền chức là Giám Mục đã được thụ phong.
Ðiều 1013: Không một Giám Mục nào được phép truyền chức Giám Mục cho ai khi
chưa có ủy nhiệm thư của Ðức Giáo Hoàng.
Ðiều 1014: Trừ khi có phép chuẩn của Tòa Thánh, trong lễ phong chức Giám Mục,
Giám Mục chủ phong phải có ít là hai Giám Mục trợ phong; hơn nữa, cùng với các vị
ấy, tất cả các Giám Mục hiện diện cũng nên cùng tấn phong người được tuyển chọn.
Ðiều 1015:
(1) Mỗi người nên được truyền chức Linh Mục hay Phó Tế do Giám Mục
riêng của mình, hoặc với thơ giới thiệu hợp lệ của Ngài.
(2) Nếu không bị cản trở vì lý do chính đáng, chính Ðức Giám Mục riêng phải đích
thân truyền chức cho những người thuộc quyền. Tuy nhiên, nếu không có đặc quyền
của Tòa Thánh, ngài không thể truyền chức hợp pháp cho một người thuộc quyền
nhưng theo lễ điển đông phương.
(3) Ai có thể cấp thơ giới thiệu để chịu các chức thánh thì cũng có thể tự mình
truyền các chức ấy nếu đã có chức Giám Mục.
Ðiều 1016: Ðối với việc truyền chức Phó Tế cho những người có ý định gia nhập
hàng giáo sĩ triều, thì Giám Mục riêng là Giám Mục của giáo phận nơi người tiến chức
có cư sở; hay của giáo phận nơi người tiến chức sẽ hiến thân phục vụ. Ðối với việc
truyền chức Linh Mục cho các giáo sĩ triều, thì Giám Mục riêng là Giám Mục của giáo
phận nơi người tiến chức đã nhập tịch khi chịu chức Phó Tế.
Ðiều 1017: Ngoài khu vực thẩm quyền của mình, Giám Mục chỉ có thể truyền chức
khi có phép của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 1018:
(1) Những người có thể cấp thơ giới thiệu cho giáo sĩ triều:
1. Giám Mục riêng, như đã nói ở điều 1016;
2. Giám Quản tông tòa và, với sự đồng ý của Hội Ðồng Tư Vấn, Giám Quản giáo
phận, Quyền Ðại diện tông tòa và Quyền Phủ doãn tông tòa với sự đồng ý của Hội
Ðồng nói ở điều 495, triệt 2.
(2) Giám Quản giáo phận, Quyền Ðại diện tông tòa, và Quyền Phủ doãn tông tòa
không được cấp thơ giới thiệu cho những người mà Giám Mục hay Ðại Diện tông tòa,
hay Phủ Doãn tông tòa đã từ chối không cho tiến chức.
Ðiều 1019:
(1) Bề Trên cao cấp của một dòng tu giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng,
hoặc của một tu đoàn giáo sĩ tông đồ thuộc luật Giáo Hoàng, có thẩm quyền cấp thơ
giới thiệu cho những người thuộc quyền được kết nạp trọn đời hay vĩnh viễn theo hiến
pháp, vào dòng tu hay tu đoàn để họ được chịu chức Phó Tế và chức Linh Mục.
(2) Việc truyền chức cho mọi phần tử khác, thuộc bất cứ một dòng tu hay tu đoàn
nào, sẽ được chi phối bởi luật dành cho giáo sĩ triều; mọi đặc quyền đã được ban trước
đây cho các Bề Trên đều bị thu hồi.
Ðiều 1020: Không được phép cấp thơ giới thiệu khi chưa có đủ những chứng thư
và văn kiện mà luật đòi hỏi theo các điều 1050 và 1051.
Ðiều 1021: Có thể gửi thư giới thiệu đến hết mọi Giám Mục hiệp thông với Tòa
Thánh; tuy nhiên, cần có một đặc quyền của Tòa Thánh mới được gửi thư ấy cho một
Giám Mục thuộc lễ điển khác với lễ điển của người tiến chức.
Ðiều 1022: Khi đã nhận được thơ giới thiệu, Giám Mục truyền chức không được
truyền chức trước khi chưa hoàn toàn chắc chắn về tính cách xác thực của thơ ấy.
Ðiều 1023: Thơ giới thiệu có thể bị đặt giới hạn hay bị thu hồi lại bởi chính người đã
cấp hay bởi người kế vị họ. Nhưng một khi đã cấp, thơ không mất giá trị vì người cấp
thơ mãn chức vụ.
Ðiều 1024: Chỉ người nam đã chịu phép Rửa Tội mới được lãnh nhận bí tích truyền
chức cách hữu hiệu.
Ðiều 1025:
(1) Ðể truyền các chức Linh Mục hay Phó Tế cách hợp pháp, luật đòi
hỏi các ứng viên phải trải qua các sự khảo hạch luật định, hội đủ những đức tính cần
thiết theo sự nhận định của Giám Mục riêng hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền;
không bị ràng buộc bởi một điều bất hợp luật hay một ngăn trở nào; và đã chu toàn
những điều kiện dự liệu ở các điều 1033-1039. Ngoài ra còn phải có các văn kiện nói ở
điều 1050, và thực hiện cuộc điều tra quy định ở điều 1051.
(2) Ngoài ra, luật còn đòi hỏi là ứng viên được xét là hữu ích cho tác vụ của Giáo
Hội, theo sự phán đoán của Bề Trên hợp lệ.
(3) Giám Mục nào truyền chức cho một người thuộc cấp sẽ đi phục vụ ở một giáo
phận khác phải chắc chắn rằng người chịu chức sẽ được kết nạp vào giáo phận ấy.
Ðiều 1026: Người chịu chức cần phải có tự do thích đáng. Do đó, tuyệt đối cấm
không được cưỡng ép ai lãnh nhận chức thánh, dù bằng cách nào hay với lý do nào.
Cũng không được phép cản ngăn lãnh nhận chức thánh một người có đủ điều kiện
theo Giáo Luật.
Ðiều 1027: Các ứng viên Phó Tế và Linh Mục phải được huấn luyện và chuẩn bị kỹ
càng theo quy tắc luật định.
Ðiều 1028: Giám Mục giáo phận hay Bề Trên có thẩm quyền hãy lo liệu cho các
ứng viên trước khi tiến lên một chức thánh, phải được học hỏi đầy đủ về chức ấy và
các nghĩa vụ kèm theo.
Ðiều 1029: Dựa theo sự phán đoán khôn ngoan của Giám Mục riêng hoặc của Bề
Trên cao cấp có thẩm quyền và sau mọi cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ nên cho tiến chức
những người có đức tin tinh tuyền, chí hướng ngay thẳng, kiến thức đầy đủ, danh thơm
tiếng tốt, tác phong đoan chính, nhân đức đã được thử luyện và những đức tính khác
về thể lý và tâm lý tương ứng với chức thánh sẽ lãnh nhận.
Ðiều 1030: Duy chỉ vì một lý do giáo luật, cho dù còn kín đáo, Giám Mục riêng hay
Bề Trên cao cấp có thẩm quyền mới có thể ngăn cấm các Phó Tế thuộc quyền, được
trạch cử lên chức Linh Mục, không được tiến tới chức thánh này; dù sao, đương sự
vẫn có quyền thượng cầu theo quy tắc luật định.
Ðiều 1031:
(1) Chỉ được truyền chức Linh Mục cho người đã được 25 tuổi trọn, có
sự trưởng thành đầy đủ, và đã chịu chức Phó Tế ít là sáu tháng. Ứng viên được trạch
cử lên chức Linh Mục, chỉ có thể chịu chức Phó Tế khi đã được 23 tuổi trọn.
(2) Ứng viên Phó Tế vĩnh viễn, nếu không lập gia đình chỉ được chịu chức Phó Tế
khi đã được 25 tuổi trọn; nếu đã lập gia đình, thì ít là 35 tuổi trọn và có sự đồng ý của
người vợ.
(3) Các Hội Ðồng Giám Mục có quyền ra luật đòi hỏi tuổi cao hơn để chịu chức Linh
Mục và Phó Tế vĩnh viễn.
(4) Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn tuổi chịu chức theo các triệt 1 và 2 trên đây,
nếu quá một năm.
Ðiều 1032:
(1) Ứng viên lên chức Linh Mục chỉ có thể chịu chức Phó Tế sau khi đã
học hết năm năm triết lý và thần học.
(2) Sau khi mãn chương trình học, trước khi chịu chức Linh Mục, Phó Tế phải thi
hành chức thánh bằng cách tham gia làm việc mục vụ trong một thời gian tương xứng
tùy theo Giám Mục hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền xác định.
(3) Ứng viên lên chức Phó Tế vĩnh viễn chỉ lãnh nhận thánh chức này sau khi đã
mãn thời gian huấn luyện.
Ðiều 1033: Chỉ những người đã chịu phép thêm sức mới được lãnh chức thánh
cách hợp pháp.
Ðiều 1034:
(1) Ứng viên lên chức Phó Tế hay chức Linh Mục, sẽ không được lãnh
chức thánh nếu chưa được giáo quyền nói ở các điều 1016 và 1019 kết nạp vào hàng
ứng viên qua nghi lễ tiếp nhận. Trước đó, ứng viên phải tự tay viết và ký đơn xin; và
đơn này được giáo quyền chấp nhận bằng giấy tờ.
(2) Nghi lễ tiếp nhận vừa nói không bó buộc những người đã gia nhập và dòng tu
giáo sĩ bằng lời khấn.
Ðiều 1035:
(1) Trước khi lãnh chức Phó Tế dù là vĩnh viễn hay chuyển tiếp, ứng
viên buộc phải lãnh nhận các tác vụ đọc sách và giúp lễ, và phải thi hành các tác vụ ấy
trong một thời gian tương xứng.
(2) Giữa tác vụ giúp lễ và chức Phó Tế phải có một thời gian cách quãng ít là sáu
tháng.
Ðiều 1036: Ðể có thể lãnh chức Phó Tế hay chức Linh Mục, ứng viên phải đệ nạp
lên Giám Mục riêng hay Bề Trên cao cấp có thẩm quyền một tuyên cáo tự tay viết và
ký, trong đó xác nhận rằng họ hoàn toàn tự nguyện và tự do lãnh nhận thánh chức, và
họ sẽ trọn đời dấn thân vào thừa tác vụ của Giáo Hội, đồng thời xin được nhận cho
lãnh chức.
Ðiều 1037: Người không lập gia đình muốn tiến đến chức Phó Tế vĩnh viễn, cũng
như người muốn tiến đến chức Linh Mục, sẽ không được nhận vào hàng Phó Tế nếu
không công khai đảm nhận trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội nghĩa vụ sống độc thân
qua một nghi thức luật định, hoặc chưa tuyên khấn trọn đời trong một dòng tu.
Ðiều 1038: Phó Tế không thể bị cấm thi hành thánh chức đã lãnh nhận chỉ vì đương
sự từ chối không tiến lên chức Linh Mục; trừ khi họ mắc một ngăn trở giáo luật, hay do một lý do quan trọng khác theo sự phán đoán khôn ngoan của Giám Mục giáo phận
hoặc của Bề Trên cao cấp có thẩm quyền.
Ðiều 1039: Trước khi lãnh một chức nào, mọi ứng viên phải cấm phòng ít là năm
ngày tại nơi và theo cách mà Bản Quyền chỉ định. Trước khi truyền chức, Ðức Giám
Mục phải được thông báo về việc các ứng viên đã cấm phòng hợp lệ.
Ðiều 1040: Những người vướng mắc một ngăn trở nào đó hoặc vĩnh viễn, – luật gọi
là “điều bất hợp luật” -, hoặc đơn thường, phải bị loại trừ không được lãnh chức thánh.
Tuy nhiên, không ai bị coi là mắc ngăn trở, ngoài những ngăn trở liệt kê trong các điều
luật sau đây.
Ðiều 1041: Những trường hợp “bất hợp luật” để chịu chức là:
1. người mắc bệnh điên khùng, hay bị một tâm bệnh khác mà theo ý kiến các nhà
chuyên môn, đương sự không thể chu toàn đúng phép thừa tác vụ cách thích đáng
được;
2. người phạm tội bội giáo, lạc giáo hay ly giáo;
3. người đã kết hôn, cho dù chỉ kết hôn dân sự, khi bị ngăn trở hôn nhân vì đã thành
hôn trước đó, hoặc vì có chức thánh, hay có lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời;
hoặc vì đương sự kết hôn với một người nữ đã kết hôn hữu hiệu hay đã bị ràng buộc
bởi lời khấn khiết tịnh như vậy;
4. người phạm tội cố sát hoặc phá thai có hiệu quả, và tất cả những người cộng tác
tích cực vào các tội đó;
5. người chủ tâm cưa cắt thân thể của mình hay của người khác cách nặng nề,
hoặc đã mưu toan tự vẫn;
6. người đã thi hành một hành vi thánh chức dành riêng cho Giám Mục và Linh Mục,
khi không có chức thánh đó hay đã có thánh chức nhưng đã bị cấm thi hành do một
hình phạt giáo luật đã tuyên bố hay tuyên kết.
Ðiều 1042: Những trường hợp ngăn trở đơn thường không được chịu chức là:
1. người nam đang có đôi bạn, trừ khi được tiến cử hợp lệ lên chức Phó Tế vĩnh
viễn;
2. người đang đảm nhiệm một chức vụ hay một việc quản trị có kèm theo việc
tường trình mà giáo luật điều 285 và 286 cấm giáo sĩ. Ngăn trở này chấm dứt khi
đương sự hết đảm nhiệm những công việc đó, hay đã hoàn tất việc tường trình;
3. người tân tòng, trừ khi Bản Quyền xét thấy họ đã vững vàng.
Ðiều 1043:
(1) Những trường hợp bất hợp luật để hành sử các chức thánh đã lãnh nhận là:
1. người đã lãnh nhận thánh chức cách bất hợp pháp, bởi vì mắc một điều bất hợp luật để chịu chức;
2. người đã phạm tội nói đến trong điều 1041, số 2, nếu tội đã thành công khai;
3. người đã phạm tội nói đến trong điều 1041, các số 3, 4, 5, 6.
(2) Những trường hợp ngăn trở không được hành sử chức thánh là:
1. người đã chịu chức cách bất hợp pháp vì bị ngăn trở không được chịu chức.
2. người mắc bệnh điên rồ hay một tâm bệnh nào khác đến nói trong điều 1041, số
1, cho đến chừng nào Bản Quyền cho phép hành sử chức thánh, sau khi đã bàn hỏi ý
kiến của nhà chuyên môn.
Ðiều 1045: Việc không biết các trường hợp bất hợp luật và các ngăn trở không giải
trừ cho các đương sự.
Ðiều 1046: Các điều bất hợp luật và các ngăn trở tăng thêm lên do những nguyên
nhân khác nhau, chứ không do cùng một nguyên nhân lặp đi lặp lại, trừ trường hợp bất
hợp luật do tội cố sát hay phá thai có hiệu quả.
Ðiều 1047:
(1) Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn các điều bất hợp luật, nếu sự kiện làm nền tảng đã bị đưa ra tòa án.
(2) Tòa Thánh cũng dành quyền miễn chuẩn các điều bất hợp luật và các ngăn trở
cấm chịu chức sau đây:
1. những bất hợp luật do tội phạm công khai nói ở điều 1041, các số 2 và 3;
2. bất hợp luật do tội phạm hoặc công khai hoặc kín đáo nói ở điều 1041, số 4;
3. ngăn trở nói ở điều 1042, số 1.
(3) Tòa Thánh cũng dành quyền miễn chuẩn các điều bất hợp luật để hành sử chức
thánh đã lãnh, nói ở điều 1041, số 3, nhưng chỉ trong những trường hợp đã trở thành
công khai; và nói ở điều 1041, số 4, cả trong những trường hợp còn kín đáo.
(4) Bản Quyền có thể miễn chuẩn những điều bất hợp luật và ngăn trở không dành
cho Tòa Thánh.
Ðiều 1048: Trong những trường hợp còn kín và rất khẩn cấp, nếu không thể đến
với Bản Quyền được, hoặc không thể đến Tòa Ân Giải Tòa Thánh khi gặp những bất
hợp luật nói ở điều 1041, số 3 và 4, và có nguy cơ thiệt hại nặng hay nguy cơ mất tiếng
tốt, thì ai mắc phải bất hợp luật để hành sử chức thánh vẫn có thể cứ hành sử, nhưng
họ có bổn phận phải đến sớm hết sức với Bản Quyền hay Tòa Ân Giải Tòa Thánh để
xin miễn chuẩn, qua trung gian cha giải tội và không cần xưng danh tánh.
Ðiều 1049:
(1) Trong đơn xin chuẩn các điều bất hợp luật và các ngăn trở, phải kê
khai tất cả mọi bất hợp luật và ngăn trở. Tuy nhiên, ơn miễn chuẩn tổng quát có giá trị
cho cả những bất hợp luật và ngăn trở đã vô tình quên kê khai, trừ những bất hợp luật
nói ở điều 1041, số 4 và những bất hợp luật khác đã đưa ra tòa án; nhưng không có giá
trị cho bất hợp luật và ngăn trở đã giấu diếm vì gian ý.
(2) Nếu là bất hợp luật cố sát hoặc phá thai, thì để sự miễn chuẩn được hữu hiệu,
cần phải nói rõ số lần phạm tội nữa.
(3) Ơn miễn chuẩn tổng quát về các bất hợp luật và ngăn trở cấm lãnh thánh chức,
có giá trị cho mọi chức thánh.
Ðiều 1050: Ðể có thể tiến cử người nào lên chức thánh, cần phải có các văn kiện sau đây:
1. chứng thư đã học hết chương trình cách hợp lệ theo điều 1032;
2. nếu đương sự được tiến cử lên chức linh mục, chứng thư đã chịu phó tế;
3. nếu được tiến cử lên chức phó tế, chứng thư rửa tội, thêm sức, chứng thư đã
nhận các tác vụ theo điều 1035; chứng thư đã làm tờ tuyên cáo theo điều 1036; nếu là
người đã lập gia đình được tiến cử lên chức phó tế vĩnh viễn, chứng thư về hôn phối và
giấy thỏa thuận của người vợ.
Ðiều 1051: Việc điều tra về những tư cách cần thiết của người được tiến chức phải theo những quy luật sau đây:
1. phải có chứng thư của giám đốc chủng viện hay giám đốc cơ sở huấn luyện về những tư cách luật buộc để chịu chức, nghĩa là về giáo thuyết ngay thẳng, lòng đạo đức chân thành, hạnh kiểm tốt, khả năng thi hành thừa tác vụ của ứng viên, chứng thư về tình trạng sức khỏe thể lý và tâm lý sau khi đã được khám nghiệm kỹ lưỡng;
2. để thực hiện việc điều tra cách thích hợp, Giám Mục giáo phận hay Bề Trên cao
cấp có thể xử dụng những phương thế khác xét là hữu ích, tùy theo hoàn cảnh thời
gian và nơi chốn; chẳng hạn các chứng thư, bố cáo hay những hình thức thông tin
khác.
Ðiều 1052:
(1) Ðể Giám Mục có thể tiến hành việc truyền chức cho người thuộc
quyền của mình, ngài cần phải chắc chắn đã nhận được các tài liệu nói trong điều
1050, cũng như ngài phải nắm vững những bằng chứng tích cực về khả năng của ứng
viên, sau khi đã thực hiện việc điều tra luật định.
(2) Ðể Giám Mục có thể tiến hành việc truyền chức cho người không thuộc quyền
mình, ngài chỉ cần thơ giới thiệu chứng nhận đã có đủ các tài liệu, đã hoàn tất việc điều
tra theo giáo luật, và đã rõ khả năng của ứng viên. Hơn nữa, nếu người được tiến chức
là tu sĩ của một dòng tu hay tu đoàn tông đồ, thơ giới thiệu còn phải khẳng định rằng
đương sự đã được gia nhập vĩnh viễn vào dòng tu hay tu đoàn, và là thuộc cấp của Bề
Trên cấp thơ ấy.
(3) Mặc dù đã thi hành tất cả các điều trên, nếu Giám Mục còn có những lý do chắc
chắn để hoài nghi về khả năng chịu chức của ứng viên, ngài không được truyền chức.
Ðiều 1053:
(1) Sau khi truyền chức, phải ghi tên của người chịu chức, của người
truyền chức, nơi và ngày truyền chức, vào một cuốn sổ riêng được lưu giữ cẩn thận tại
giáo phủ nơi truyền chức. Cũng phải lưu giữ tỉ mỉ tất cả mọi văn kiện liên can đến mỗi
lần truyền chức.
(2) Giám Mục truyền chức phải cấp cho mỗi người đã chịu chức một chứng thư
công chính về chức thánh đã lãnh nhận. Những người đã được giới thiệu để chịu chức
không do chính Giám Mục riêng thì sau đó phải trình chứng thư lên Bản Quyền riêng để
ghi chú vào sổ riêng giữ tại văn khố.
Ðiều 1054: Bản Quyền sở tại, nếu người chịu chức là giáo sĩ triều, hoặc Bề Trên
cao cấp có thẩm quyền, nếu người chịu chức là tu sĩ thuộc quyền, phải báo cho Cha
Sở nơi người chịu chức đã chịu phép rửa tội, về lễ truyền chức đã cử hành, để Cha Sở
ghi chú vào sổ rửa tội theo quy định của điều 535, triệt 2.