Giáo hội “làm nên” Thánh Thể
GIÁO HỘI “LÀM NÊN” THÁNH THỂ
Linh mục Antôn Hà Văn Minh
Tại buổi tọa đàm vào ngày
21-9-2022 của Đại Hội Ủy ban Giáo dân toàn quốc Lần II do Ủy ban Giáo dân trực
thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại La Vang từ ngày 19 đến 22/9/2022,
nhiều ý kiến phát biểu có vẻ thành kiến với các cha sở, và không thiếu ý kiến
phê bình gay gắt với các cha sở, cuộc tranh luận đang trở nên sôi nổi thì có một
vị đại biểu xin được có ý kiến: “Thưa quí vị tham dự viên, như chúng ta được biết
Giáo hội của chúng ta là một cộng đoàn đức tin được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể,
và Thánh Thể là lương thực tối cần thiết cho Giáo hội, một cộng đoàn đang lữ
hành. Nhưng Thánh Thể từ đâu mà có? Dĩ nhiên chính Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh
Thể và Người đã lệnh cho các môn đệ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,
và như vậy Chúa Giêsu đã uỷ thác việc “làm” Thánh Thể cho các môn đệ, và các
môn đệ tiếp tục uỷ thác cho những người kế vị các ngài. Do đó, Thánh Thể luôn
được tiếp tục cử hành do bởi những người kế vị các tông đồ, tức các Giám mục và
những người được tuyển chọn để trở nên những cộng sự viên của các Giám mục là
các linh mục. Bởi đó thưa quí vị, tại sao chúng ta lên án phê phán các linh mục,
mà đáng lẽ ra chúng ta phải tri ân các ngài, không có các ngài lấy đâu ra Thánh
Thể để nuôi dưỡng chúng ta trên con đường lữ thứ trần gian này. Các linh mục
cũng là con người bình thường như chúng ta, cho nên chúng ta hãy cảm thông, hãy
hiểu rõ công việc và trách nhiệm của các ngài. Nếu các ngài có sai lỗi chúng ta
hãy cầu nguyện cho các ngài, đừng vội lên án các ngài”.
Trong Thông điệp Ecclesia de
Eucharistia, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã minh định: “Bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo hội và Giáo
hội làm nên Thánh Thể”[1] và Thánh Giáo hoàng đã nhấn
mạnh: “Những ai đã nhận chức tư tế thừa
tác mới cử hành hy lễ Thánh Thể trong tư cách của Chúa Kitô”[2]. “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19), đây không chỉ
là lệnh truyền yêu cầu các môn đệ lập lại việc Chúa đã làm trong bữa tiệc ly
như là một việc tưởng nhớ, nhưng chỉ thị này còn mang một nội dung sâu xa hơn:
hãy làm cho tiệc Thánh Thể được tiếp tục tuôn trào đến với mọi người, để dân
Chúa được nuôi dưỡng cho đến khi Chúa đến trong vinh quang.
Việc
cử hành Thánh Thể dành riêng cho chức tư tế thừa tác chính là công việc của Giáo
hội, bởi Giáo hội Công giáo là Giáo hội mang lấy đặc tính tông truyền. Đức
thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy:
“Giáo hội tông truyền có nghĩa là: Giáo hội
vẫn tiếp tục được các tông đồ dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa
Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục
đoàn, với sự giúp đỡ của các linh mục, hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là
mục tử tối cao của Giáo hội Kế vị các tông đồ trong sứ mệnh mục tử đòi hỏi phải
có Bí tích truyền chức, nghĩa là phải có việc phong chức giám mục liên tục và
thành sự, bắt đầu từ những nguồn gốc đầu tiên. Việc kế vị nầy rất thiết yếu để
có Giáo hội đúng nghĩa và tròn đầy”[3].
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã
trình bày trong Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gởi cho toàn thể cộng đồng
Dân Chúa tại Việt Nam như sau:
“Giáo hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, có
Đức Kitô là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Giáo hội
được chuộc lại không phải bằng vàng bạc, nhưng bằng Máu châu báu của Đức Kitô.
Khi được qui tụ và hợp nhất quanh vị giám mục nơi bàn tiệc Thánh Thể, cộng đoàn
tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, thông phần vào sự sống Đức Kitô và được biến
đổi nên giống Người, được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và dấn
thân rao giảng Tin Mừng. Như thế, Thánh
Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo hội.
Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng
đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức,
tích cực và sống động hơn”[4].
Vì thế, việc cử hành Thánh Thể là
yếu tố quan trọng để Giáo hội như một cộng đoàn đang lữ hành tiến về Nhà Cha được
tồn tại qua việc tham dự vào đời sống của Tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi trong Đức
Kitô, Đấng sáng lập Giáo hội và trong Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng và hướng dẫn
mọi người. Việc tham dự vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa qua Thánh Thể trước
tiên là để nuôi dưỡng linh hồn các tín hữu. Thật vậy, Giáo hội như người mẹ hiền,
đã sinh nở con cái của mình trong niềm hy vọng, chính là trao ban đức tin cho
con cái, để nhờ đó con cái của Mẹ Giáo hội đạt tới sự sống viên mãn trong Vương
quốc của Thiên Chúa. Để nuôi dưỡng niềm hy vọng, Giáo hội nuôi con cái của mình
bằng chính dòng sữa mà Giáo hội nhận từ Đức Kitô, đó chính là sữa Thánh Thể.
Công Đồng Vatican II đã nói:
“Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao
nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính
Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế Thập Giá được tiếp diễn qua
các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền Thê yêu
quí của Người là Giáo Hội việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh
của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác
ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó, khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn
chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang
đời sau” (SC 47).
Quả thật với dòng sữa Thánh Thể
này, Mẹ Giáo hội đã nuôi dưỡng con cái của mình để nhờ đó đức tin con cái được
củng cố. Vâng, Giáo hội là Mẹ chúng ta, đã sinh ra chúng ta vào sự sống mới, và
không ngừng quan tâm đến sự sống thần linh đã được gieo vãi trong chúng ta qua Bí
tích rửa tội, Đức Phanxicô đã khẳng định:
“Mẹ Giáo hội đồng hành với sự trưởng thành của
chúng ta, bằng cách thông truyền Lời Chúa cho chúng ta, là ánh sáng chỉ con đường
cuộc sống Kitô cho chúng ta, và ban phát các Bí tích. Giáo hội nuôi dưỡng chúng
ta bằng Bí tích Thánh Thế, đem lại ơn tha thứ cho chúng ta qua Bí tích Sám Hối,
nâng đỡ chúng ta trong lúc đau yếu với Bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Giáo hội đồng
hành với chúng ta trong suốt cuộc sống đức tin”[5].
Dòng sữa Thánh Thể được Mẹ Giáo hội
kiến tạo không đơn giản chỉ là việc cử hành Thánh Thể trong Thánh Lễ, nhưng đó
là một tiến trình khởi sự từ bữa tiệc ly của Chúa với lệnh truyền các con “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, cho đến
ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Chính trong tiến trình này, Mẹ Giáo hội đã
làm cho dòng sữa Thánh Thể luôn hiện diện sống động để nuôi dưỡng con cái của
mình qua việc Mẹ bước vào cuộc vượt qua với Đức Kitô. Thật vậy, khi thiết lập Giáo
hội, Chúa Kitô thông ban Thánh Thần để qui tụ tất cả những kẻ tin thành một
thân thể mầu nhiệm của Người, và chính Đức Kitô là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm nầy,
qua đó “Người đã thông ban cho chúng
ta Thần Khí của Người, cùng một Thần Khí duy nhất đó hiện diện nơi
Đầu cũng như trong các chi thể, ban sự sống, hợp nhất và tạo chuyển
động cho toàn thân, đến độ các thánh Giáo phụ đã so sánh hoạt động
của Ngài với những gì mà linh hồn, nguyên lý sự sống, thực hiện nơi
thân xác con người” (LG số 7). Vì Giáo hội là Thân thể Đức
Kitô, “nên trong sự hợp nhất sâu đậm
không phân chia với Đức Kitô, Giáo hội diễn tả không gian đời sống ‘điển hình
nhất’ trong những thực tại trần thế, phổ quát và đa dạng khác nhau của Đấng được
đưa lên cao, Đấng đó đang ở giữa chúng ta”.[6]
Do đó, Giáo hội tiếp tục hiến lễ
của Chúa Giêsu với tư cách là thân thể của Người, nên Giáo hội tự bản chất cũng
là hy lễ làm nên Thánh Thể. Hy lễ của Giáo hội là những hy sinh, những công lao
vất vả của mọi thành phần Dân Chúa trong việc làm vinh Danh thánh Chúa, và mưu
cầu phần rỗi cho con người, như Phụng vụ Thánh lễ đã trình bày:
“Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa
đã ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người,
xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con”.
“Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa
đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con
người, xin dâng lên Chúa để rượu này trở nên uống thiêng liêng cho chúng con”.
Lao công của con người không gì
hơn là hiến dâng cuộc đời của mình “thành
hạt lúa mì của Thiên Chúa, và sẽ được răng thú dữ nghiền nát để thành tấm bánh
tinh tuyền của Đức Kitô”[7], nói như thánh Ignatiô thành
Antiochia. Thánh Công đồng Vatican II đã dạy:
“Mọi chi thể phải nên giống Đức Kitô
cho đến khi Người được hình thành trong họ. Vì thế, khi đã nên giống
như Người, đã chết và sống lại với Người, chúng ta được tiếp nhận
vào các mầu nhiệm của sự sống nơi Người, cho đến khi chúng ta cùng
hiển trị với Người. Trong cuộc sống lữ hành trên trần gian, khi bước
theo lối đường Người đi trong đau thương và bách hại, chúng ta kết hợp
với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, cùng chịu
thương khó với Người để được vinh hiển với Người” (LG số 7).
Và Công đồng làm sáng tỏ thêm:
“Khi tham dự hy tế Thánh Thể, nguồn
mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, họ dâng lên Thiên Chúa Tế
vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy. Chính vì
thế, khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, tất cả mọi người đều dự phần
vào việc cử hành phụng vụ, tuy không cùng cách thức như nhau. Từ đó,
được bồi dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong phụng vụ thánh, họ
biểu lộ cách cụ thể sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa, được biểu thị
cách hoàn hảo và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng
này” (LG số 11).
Đức Hồng y Cantalamessa, trong
bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay 2022 cho Giáo triều Roma đã kể câu chuyện: Nhà huyền
bí Mễ Tây Cơ Concepcion Cabrera de Armida, được gọi là Conchita, chết năm 1937
và được phong chân phước vào năm 2015. Với người con trai Dòng Tên của bà, sắp
được thụ phong linh mục, bà viết:
“Hãy nhớ rằng, con trai của mẹ, khi con cầm
trong tay Mình Thánh Chúa, con đừng nói: ‘Này là Mình Chúa Giêsu và này Máu Người,’
nhưng con sẽ nói: ‘Này là Mình Ta, Này là Máu Ta, nghĩa là, trong con phải có một
sự biến đổi hoàn toàn, con phải đánh mất chính mình trong Ngài, để trở thành ‘một
Chúa Giêsu khác’”[8].
Và Đức Hồng y dẫn giải:
“Có hai thân thể của Chúa Kitô trên bàn thờ:
có thân thể thật của Ngài (thân thể “sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”, đã chết, sống
lại và lên trời) và có thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội. Thật thế, cơ thể
thật của Ngài thực sự hiện diện trên bàn thờ và nhiệm thể của Người hiện diện một
cách bí nhiệm, trong đó ‘một cách bí nhiệm’ có nghĩa là: nhờ sự kết hợp không
thể tách rời Đấng là Đầu. Không có sự nhầm lẫn giữa hai sự hiện diện, khác biệt
nhưng không thể tách rời”[9].
Thánh Thể làm nên Giáo hội và Giáo
hội làm nên Thánh Thể hai thực tại có mối tương quan hỗ tương gắn kết chặt chẽ
kiến tạo nên một Giáo hội hiệp thông Thánh Thể. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II đã nói: “Bí tích Thánh Thể được xem
như chóp đỉnh của tất cả các Bí tích, vì Bí tích Thánh Thể luôn thể hiện một
cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với
Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần” và “như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác,
và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh
của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm
ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.”[10].
Vì thế Bí tích Thánh Thể còn gọi
là Bí tích hiệp thông Giáo hội, nhờ kết hợp với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể
“Giáo hội như là bí tích, nghĩa là
dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp
nhất mọi người” (LG số 1).
Đức hồng y Ratzinger khi còn làm
Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã nói: Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và
là sức mạnh sáng tạo làm phát sinh nên mối
hiệp thông giữa các phần tử của Giáo hội, là vì chính Bí tích này kết hợp từng
người trong họ lại với Đức Kitô: “Thông
phần thực sự vào Thân Mình của Chúa Kitô qua việc bẻ bánh Thánh Thể, chúng ta
được nâng lên đến mức hiệp thông với Ngài và với nhau. Vì chỉ có một tấm bánh,
nên tuy nhiều, hết thảy chúng ta cũng chỉ là một thân thể; bởi lẽ tất cả chúng
ta đều chia phần cùng một tấm bánh duy nhất ấy” (1Cr 10, 17)[11].
Như thế sự hiệp thông thuộc về
căn tính của Giáo hội, cho nên việc Giáo hội làm Thánh Thể chính là hành vi
chính yếu thuộc về căn tính này. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã minh định:
“Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo hội được
kêu mời gìn giữ và phát triển sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các
tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo hội luôn có sẵn Lời Chúa và các Bí
tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo hội luôn “sống động và lớn
mạnh” và đồng thời trong đó Giáo hội tự diễn tả chính mình. Không phải ngẫu
nhiên mà từ ngữ hiệp thông lại trở thành một trong những danh từ chuyên biệt của
Bí tích Rất cao cả này”[12].
Vâng, sự hiệp thông Giáo hội là nền
tảng cho sự hiện diện của Giáo hội, không có sự hiệp thông này Giáo hội chỉ còn
là một mảnh ghép mang tính tôn giáo trong tổng thể của những cộng đoàn được gọi
là có chung một niềm tin vào Đức Kitô, và như thế không thể nào diễn tả được ý
nghĩa đích thực về sự cứu cánh của Giáo hội khi Chúa Kitô thiết lập Giáo hội. Bởi
nói như Đức hồng y Ratzinger: “Sự hiệp
thông luôn có một nghĩa không thể tách rời giữa chiều đứng và chiều ngang: hiệp
thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em của chúng ta. Hai chiều kích
này gặp nhau cách Bí tích trong hồng ân Thánh Thể. Ở đâu sự hiệp thông với
Thiên Chúa, nghĩa là với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bị phá hủy, ở
đó cội rễ và nguồn suối của sự hiệp thông giữa chúng ta cũng bị phá huỷ. Và ở
đâu chúng ta không sống mối hiệp thông với nhau, ở đó sự hiệp thông với Thiên
Chúa Ba Ngôi không còn sống động và cũng không còn chân thật”[13], và chính Thánh Thể là nguồn
mạch của sự hiệp thông này.
Hiệp thông Giáo hội mang đặc tính
mầu nhiệm vừa là “Nhiệm Thể Đức Kitô”
vừa là một “cộng đoàn có cơ cấu tổ chức”.
Mầu nhiệm hiệp thông này
“đâm rễ sâu vào trong Bí tích Thánh Thể, vì
tuy hy tế tạ ơn luôn được cử hành trong một cộng đoàn địa phương riêng lẻ,
nhưng lại không khi nào là việc cử hành đơn độc của riêng cộng đoàn ấy mà thôi.
Thật vậy, đón nhận sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể như thế, là cộng
đoàn đón nhận toàn bộ hồng ân cứu độ; rồi dù có thường xuyên mang đặc tính cá
biệt hữu hình của mình, thì cộng đoàn ấy cũng vẫn biểu hiện như là hình ảnh và
như là sự hiện diện thực sự của Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và
tông truyền”[14].
Hai yêu tố hữu hình và vô hình có
một tương quan chặt chẽ của sự hiệp thông Giáo hội làm cho Giáo hội trở nên Dấu
chỉ Bí tích cứu độ[15], vì thế Thánh Thể đòi hỏi
phải được cử hành trong sự hiệp thông giáo huấn của các Tông đồ, trong các Bí
tích và trong phẩm trật[16], và chỉ có sự hiệp thông
này, việc cử hành Thánh Thể mới hợp pháp như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
đã khẳng định:
“có một đòi buộc nội tại đối với Bí tích
Thánh Thể: phải được cử hành trong sự hiệp thông và, cụ thể hơn, trong sự toàn
vẹn của những điều kiện đòi hỏi”[17].
“Khi cử hành việc tưởng niệm cái chết và sự
phục sinh của Đức Kitô, Hội Thánh không ngừng nài xin Thiên Chúa ‘Lạy Chúa, xin
hãy nhớ’ đến mọi người mà Đức Kitô đã đến mang sự sống cho họ. Lời cầu xin
không ngừng này diễn tả căn tính và sứ vụ của Hội Thánh, bởi lẽ biết mình phải
liên đới và phải có trách nhiệm với phần rỗi của toàn thể nhân loại. Sống Thánh Thể, Hội Thánh cũng tham dự vào sự chuyển cầu phổ quát của Chúa Kitô và mang đến
cho nhân loại toàn thể niềm hy vọng vào sự sống đời đời”[18].
Điều đó có nghĩa khi Giáo hội cử
hành Thánh Thể, Giáo hội cử hành biến cố cứu chuộc của Đức Kitô, một biến cố
luôn hướng tới ngày cánh chung: “Lạy Chúa
chúng con loan truyền việc Chúa chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại cho đến khi
Chúa đến”. Việc loan truyền và tuyên xưng này thuộc về bản chất truyền giáo
của Giáo hội, do đó khi cử hành Thánh Thể Giáo hội luôn minh định mình điều mà
Công đồng Vatican II đã nói về mình:
“Khi từ cõi chết sống lại, Đức Kitô đã
sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ, và nhờ Chúa Thánh
Thần, Người thiết lập Thân Mình Người là Giáo Hội như bí tích phổ
quát của ơn cứu độ; nay ngự bên hữu Chúa Cha, Người không ngừng tác động
trong thế giới để dẫn đưa mọi người đến với Giáo Hội, và qua Giáo
Hội, kết hợp họ mật thiết hơn với Người, và khi nuôi dưỡng họ bằng
chính Mình Máu của Người, Người cho họ tham dự vào cuộc sống vinh
hiển của Người” (LG số 48).
Như là Bí tích phổ quát của ơn cứu
độ, Giáo hội trở thành “dấu chỉ và
phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi
người” (LG 1), dấu chỉ nầy được hình thành trên nền tảng Giáo hội được trở
nên một với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể. Sự hợp nhất
nêm một giữa Chúa Kitô và Giáo hội là một sự hợp nhất không thể rời như Đầu
không thể tách rời khỏi thân thể, Thánh Augustinô đã thốt lên:
“chúng ta hãy vui mừng và tạ ơn Chúa, không
phải chỉ vì chúng ta trở thành Kitô hữu, nhưng còn vì chúng ta trở thành chính
Chúa Kitô”[19].
Điều này mang lại cho Giáo hội niềm
xác tín, những gì Chúa Kitô mang trong mình thì Giáo hội cũng mang lấy điều đó,
“khẳng định này sẽ đạt tới một cường độ mạnh
mẽ nếu chúng ta nghĩ đến mầu nhiệm Thánh Thể. Thật vậy, chúng ta không thể chỉ
giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích này. Tự bản chất,
Bí tích này đòi được thông truyền cho mọi người. Điều mà thế giới cần chính là
tình yêu Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Chính vì thế, Thánh
Thể không chỉ là nguồn suối và chóp đỉnh đời sống của Hội Thánh ; Thánh Thể
cũng là nguồn suối và chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh: ‘Một Hội Thánh thật sự sống
Thánh Thể là một Hội Thánh truyền giáo’. Chính chúng ta có bổn phận phải nói
cho anh chị em chúng ta với niềm xác tín: ‘Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,
chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với
chúng tôi’(1Ga 1,3)”[20].
Trong sự hiệp thông Thánh Thể, Giáo
hội được coi là Thân thể Đức Kitô bởi vì trong sự hợp nhất sâu đậm không phân
chia với Người , “Giáo hội diễn tả không
gian đời sống ‘điển hình nhất’ trong những thực tại trần thế, phổ quát và đa dạng
khác nhau của Đấng được đưa lên cao, Đấng đó đang ở giữa chúng ta”[21]. Cho nên khi cử hành Thánh
Thể, Giáo hội cử hành chính mầu nhiệm của chính mình. Quả thật, chính “Thánh Lễ mà Giáo hội cử hành làm nên Giáo hội,
vì trong yếu tính, Giáo hội chính là Thánh Lễ (missa = được sai đi), sai đi để
phục vụ Thiên Chúa, và cũng từ đó để phục vụ con người và phục vụ hầu biến đổi
thế giới.”[22] Thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II còn nhấn mạnh:
“Khi hiệp nhất với Chúa Kitô trong Bí tích
Thánh Thể, Dân của Giao Ước Mới, không khép kín lại nhưng trở thành ‘Bí tích’
cho nhân loại, thành dấu hiệu và dụng cụ của ơn cứu độ được Chúa Kitô ban cho,
thành ánh sáng thế gian để cứu rỗi mọi người. Sứ vụ của Giáo hội tiếp nối sứ vụ
của Chúa Kitô: ‘Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng vậy, Thầy sai anh em’(Ga
20,21). Vì thế, Giáo hội nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để hoàn tất sứ
vụ của mình qua việc duy trì liên tục Hy Tế của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh
Thể và qua việc thông hiệp với Mình và Máu của Ngài. Như thế Bí tích Thánh Thể
vừa là nguồn suối, vừa là đỉnh cao của mọi công cuộc phúc âm hóa, vì mục tiêu của
nó là sự hiệp thông mọi người với Chúa Kitô và trong Ngài với Chúa Cha và Chúa
Thánh Thần”[23].
Nói đến sứ vụ truyền giáo của Giáo
hội, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã đặt vấn đề: “Phải loan truyền Tin Mừng theo những phương pháp nào cho có hiệu quả
?”[24] Bí tích Thánh Thể mà Giáo hội
cử hành đã đưa chỉ dẫn cụ thể về phương pháp truyền giáo mang lại hiệu quả, đó
là: “các con hãy làm việc này mà nhớ đến
Thầy”. Thật vậy, khi đến giờ của Chúa, Đức Giêsu sẵn sàng thực hiện Thánh ý
của Chúa Cha, bởi Người là Người Con vâng phục, đã đặt để toàn bộ cuộc đời
trong tay Chúa Cha. Người đã tự nguyện phó mình trong tay loài người vì yêu
thương Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi. Thánh Thể là cuộc tưởng niệm hy lễ tận
hiến của Chúa Giêsu Trên Thập Giá “nghĩa
là tưởng niệm hành vi yêu thương cứu chuộc tái lập sự hiệp thông giữa nhân loại
và Thiên Chúa bằng cách xóa bỏ chướng ngại do tội lỗi trần gian gây nên”[25]. Do đó qua Thánh Thể, Giáo
hội biết mình phải truyền giáo như thế nào, có nghĩa là Giáo hội loan báo cho
nhân loại biết về Thiên Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót, đã trao ban cho
nhân loại Đức Giêsu Kitô, người con chí ái, làm của lễ hy sinh trên Thánh giá hầu
mang ơn cứu độ cho muôn người. Việc loan báo của Giáo hội được hiện thực không
chỉ bằng lời nhưng trên hết bằng chính đời sống chứng tá của mình, hay nói cách
khác bằng chính cuộc sống của Đức Kitô, Đấng đã trở nên một với Giáo hội, Đấng
mà Giáo hội làm cho hiện diện cách sống động qua cử việc tưởng niệm. Như vậy,
hy lễ tình yêu của Chúa Kitô trên Thập giá, cũng là hy lễ của Giáo hội, được
nhìn như là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Do đó, khi cử hành Thánh Thể, Giáo
hội loan truyền tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu của con người
đối với Thiên Chúa, “loan truyền một tình
yêu huynh đệ đối với mọi người: nghĩa là con người có thể trao ban và tha thứ,
hy sinh và giúp đỡ anh em. Phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa, tình yêu này là
nòng cốt của Tin Mừng”[26]. Khi loan truyền như thế, Giáo
hội đã thực thi điều mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy
dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân
chứng”[27]. Vì thế, “mọi cử hành Thánh Thể hiện tại hoá cách Bí
tích việc Chúa Giêsu hiến ban mạng sống trên thập giá cho chúng ta và cho toàn
thể nhân loại. Đồng thời, trong Thánh Thể, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở
thành những chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người anh
chị em của chúng ta”[28].
Vâng, trở thành “nhân chứng” là
cách thế loan báo Tin mừng theo khuôn mẫu hy tế Thánh Thể được Đức Bênêđictô
XVI đã diễn tả là “tấm bánh được bẻ ra
cho thế giới”:
“khi cử hành Thánh Thể, những cộng đoàn của
chúng ta phải ngày càng ý thức hơn rằng hy tế của Đức Kitô là cho mọi người, và
vì thế Thánh Thể thúc đẩy mọi tín hữu cũng phải trở nên “bánh được bẻ ra” cho
những người khác và dấn thân cho một thế giới ngày càng công bằng và huynh đệ
hơn. Khi nghĩ đến phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chúng ta phải hiểu ra rằng,
ngày nay Đức Kitô vẫn còn tiếp tục khuyến khích các môn đệ của Người phải tự
mình biết dấn thân: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Ơn gọi đích thực của
mỗi người chúng ta hệ tại ở việc trở nên tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của thế
giới cùng với Chúa Giêsu”[29].
Giáo hội luôn ý thức về sự hiện
diện của mình trên trần gian như là dấu chỉ Bí tích cứu độ phổ quát, cho nên Giáo
hội không ngừng nghỉ cử hành Thánh Thể là yếu tố nền tảng cho sự hiện hữu và hoạt
động của Hội Thánh. Chính nơi Bí tích Thánh Thể, Giáo hội nhận biết mình là một
cộng đoàn hiệp thông nên một mang đặc tính duy nhất và bất khả phân của Thân Thể
Chúa.
“Chính từ trung tâm thánh Thể của mình mà mọi
cộng đoàn hành lễ, và mọi Giáo hội địa phương có được tầm khai mở giao tiếp cần
thiết: khi để cho vòng tay rộng mở của Chúa thu hút, thì ta được hội nhập vào
trong Thân Thể độc nhất và không chút phân rẽ của Ngài. Đó cũng là lý do cho thấy
tại sao tác vụ của Phêrô, làm nền tảng cho mối hiệp nhất trong Giám Mục Đoàn và
trong Giáo hội phổ quát, lại tương ứng sâu xa với tính chất thánh Thể của Giáo
hội đến thế”[30].
Tuy
nhiên sự hiệp thông Thánh Thể của Giáo hội như đang bị lung lay trước con sóng
dữ của thời đại đang bị tục hoá hôm nay. Để tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục
thế giới lần thứ XVI, Đức Thánh cha Phanxicô đã đưa ra hình thức cải tổ Thượng
Hội đồng qua một nghị trình được chia lam ba giai đoạn với chủ đề; Tiến tới một
Giáo hội Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham Gia và Sứ vụ. Tiến trình hiệp hành khởi đầu
từ các Giáo hội địa phương. Cũng từ nơi đây bắt đầu xảy ra nhiều vấn đề làm tổn
hại đến sự hiệp thông Giáo hội được nhìn như là Thân thể mầu nhiệm của Chúa
Kitô, một sự hiệp thông không thể phân cắt giữa Đầu và các chi thể. Trước tiên
một số Giáo hội địa phương khẳng định rằng: “mỗi
Giáo hội địa phương là một chủ thể tự mình đã hoàn bị, và Giáo hội phổ quát là
kết quả của việc các Giáo hội địa phương nhìn nhận lẫn nhau”[31]. Bộ Giáo lý Đức tin đã minh
định về sự hiệp thông Giáo hội phải hiểu là “Giáo hội của Đức Kitô”, được tuyên
xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong Tín Biểu, là
chính Giáo hội phổ quát, – nghĩa là cộng đoàn của các môn đệ Chúa trong toàn cầu
– nhưng lại trở thành hiện diện và sinh động ngay giữa những nét đặc thù và những
bối cảnh đa dạng của những con người, những nhóm, những thời đại và nơi chốn
khác nhau. Giữa nhiều thành ngữ đặc biệt dùng để nói lên sự hiện diện cứu độ của
Giáo hội duy nhất Đức Kitô thiết lập, thì ngay từ thời các Tông đồ đã thấy có
những biểu thức mang chính danh xưng các
Giáo hội, vì tuy các Giáo hội này có chỉ là địa phương, thì trong đó Giáo hội
phổ quát toàn cầu cũng hiện diện với hết thảy mọi yếu tố chủ yếu của mình. Như
thế, các Giáo hội này đều được thiết lập ‘theo hình ảnh Giáo hội phổ quát’, và
mỗi Giáo hội là ‘một phần của dân Thiên Chúa được trao phó cho một vị giám mục
để ngài làm mục tử chăn dắt với sự trợ giúp của linh mục đoàn[32].
Thánh Thể kiến tạo một sự hiệp
thông phẩm trật, tuy nhiên hiện nay thẩm quyền Giáo Hoàng trong việc bảo vệ sự
hiệp thông Giáo hội hoàn vũ như đang bị loại trừ. Con đường công nghị ở Hội Đồng
Giám Mục Đức dường như đang khởi động một tiến trình loại trừ sự hiệp thông
Thánh Thể mang tính Tông truyền của Giáo hội khi nhận định rằng:
“Hậu quả của Công đồng Vatican I là Huấn quyền
Giáo hoàng, vì những lý do hộ giáo, ngày càng tự nhận nhiệm vụ và thẩm quyền đối
với chính thần học, và tự hiểu mình như một điển hình định nghĩa đức tin một
cách phòng thủ trước mặt một thời hiện đại bị nó coi như mối đe dọa đối với đức
tin”[33].
Từ đó bản văn của công nghị Đức
đưa tới kết luận: “Huấn quyền Rôma cũng
can thiệp vào các diễn trình liên tục làm sáng tỏ và các cuộc thảo luận, và nhấn
mạnh vào các lập trường tín lý mà nhiều tín hữu, bao gồm các phó tế, linh mục
và giám mục, ngoài nước Đức, không còn thấy có thể hiểu được nữa”[34] và kêu gọi những thay đổi đối
với luật của Giáo hội để “một hệ thống
phân chia quyền hành, tham gia vào việc ra quyết định và giám sát độc lập các
quyền hành, được thiết lập phù hợp với Giáo hội và dựa trên phẩm giá độc lập của
mỗi người đã được rửa tội.”[35] Điều đó xem ra ngược với điều
mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về Giáo hội Công giáo phải là Giáo hội
Tông truyền, có nghĩa là:
“Giáo hội vẫn tiếp tục được các tông đồ dạy
dỗ, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm
các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, với sự giúp đỡ của các linh mục,
hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô là mục tử tối cao của Giáo hội”[36].
Một phát biểu như thế, thiết nghĩ
sẽ đưa tới một nghi vấn về việc cử hành Thánh Thể, có chăng một sự hiệp thông
Thánh Thể đích thật trong việc cử hành Thánh Thể nơi Giáo hội địa phương muốn
loại trù thẩm quyền của Giáo hoàng? Bởi khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội cử hành
về mầu nhiệm chính mình. Theo tường thuật của việc cử hành Thánh Thể: “Khi ấy Chúa Giêsu cầm lấy bánh đọc lời chúc
tụng bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: nầy là Mình Thầy”. Thánh Thể là Mình
Đức Kitô, không chỉ là mình của một thân xác được Đức trinh Nữ Maria hạ sinh,
mà còn là mình của một thân thể được Đức Kitô sinh hạ trên Thánh Giá từ cạnh sườn
bị đâm thủng. Và như vậy tấm bánh làm nên Thánh Thể là tấm bánh của sự hiệp
thông Giáo hội cách trọn vẹn không phân chia giữa Đầu và Thánh Thể mầu nhiệm,
Công đồng Vatican II đã minh định: “Tấm
bánh Thánh Thể diễn tả và thực hiện sự hợp nhất các tín hữu,
những người kết nên một thân mình trong Đức Kitô” (LG số 3). Thánh Thể
kiến tạo Sự hiệp thông Giáo hội, một Giáo hội duy nhất, thánh thiện công giáo
và tông truyền, Giáo hội Chúa Kitô vừa là “cộng
đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô,
là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo
Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời,
dù vậy, không được nhìn Giáo Hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn,
tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố
nhân loại và thần linh’”(LG số 8). Giáo Hội nầy được “Chúa đã ủy thác cho Phêrô chăn dắt,
đồng thời cũng trao cho Phêrô và các Tông đồ khác nhiệm vụ truyền bá
và cai quản Giáo hội” (LG số 8) nhờ đó Chúa cũng thiết lập Giáo Hội
nên như “cột trụ và điểm tựa của
chân lý” đến muôn đời (LG số 8).
Nhận ra sự hiệp thông của Giáo hội
đang bị rạn nứt, 70 giám mục trên toàn thế giới đã gởi đến các Giám mục Đức lá
thư ngỏ như lời nhắc nhở:
“Không lắng nghe Chúa Thánh Thần và Tin mừng,
các hành động của Con đường Thượng Hội đồng làm suy yếu tính khả tín của thẩm
quyền Giáo hội, bao gồm cả thẩm quyền của Đức Giáo hoàng Phanxicô; nhân học và
luân lý tình dục Kitô giáo; và tính đáng tin cậy của Kinh thánh”[37]
và đề nghị:
“Đừng tuân theo thế gian này, các nhận xét
này bắt nguồn từ sự mơ hồ mà Con đường Thượng Hội đồng đã và tiếp tục gây ra
mang tính nghiêm trọng vì ẩn chứa tiềm năng dẫn đến ly giáo trong đời sống Giáo
hội chắc chắn sẽ xảy ra”[38].
Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Giáo
hội sống nhờ Thánh Thể Chân lý này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày
của đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu
nhiệm Giáo hội” […]. Vì thế, Giáo hội luôn chăm chú hướng nhìn vào Chúa
mình, hiện diện trong Bí tích của bàn thờ, trong đó Giáo hội khám phá ra tình
yêu vô biên của Ngài được tỏ hiện tràn đầy”[39].
Tuy nhiên trong thời đại tục hoá hôm nay, việc của hành Bí tích Thánh Thể của Giáo
hội như chỉ còn là phương thế phục vụ cho những ý đồ mang đặc tính thế tục và sự
thánh thiêng của Bí tích Thánh Thể như đang bị coi thường. Đức Bênêđictô XVI,
khi ngài còn là linh mục đã nhìn thấy xuất hiện sự rạn nứt trong Giáo hội, và sự
hiệp thông đang có nguy cơ bị phá đổ
“từ những người chỉ muốn thích ứng bản thân
vào những khoảnh khắc mau qua hoặc từ những người chỉ đơn thuần chỉ trích người
khác và cho rằng mình mới là những thước đo không thể sai lầm,… từ những người
đi con đường dễ dàng hơn, những người bỏ qua một bên niềm đam mê đức tin, tuyên
bố những điều sai lầm và lỗi thời, chuyên chế và theo chủ nghĩa duy pháp lý”[40].
Quả thật, ngày nay có nhiều người
trình bày về một giáo lý lạ lẫm với Đức tin mà Mẹ Giáo hội tuyên xưng và chuyển
trao lại cho con cái, như tại Giáo hội Đức, đang tiến hành “con đường Công nghị”,
trên con đường này, nhiều giám mục đòi hỏi phải viết lại giáo lý Công giáo, đưa
ra những lập trường ngược với đạo lý và kỷ luật của Giáo hội, chẳng hạn: chấp
nhận đồng tính luyến ái, bãi bỏ luật độc thân linh mục, dân chủ hóa Giáo hội và
truyền chức Linh Mục cho phụ nữ[41]. Đó là những yêu cầu đi ngược
lại với Bí tích Thánh Thể, Công đồng Vatican II đã nhắc nhớ rằng:
“Tất cả các Bí tích, cũng như các thừa tác vụ
trong Hội Thánh và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và
quy hướng về đó. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải
thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô “ (PO, số 5).
Giáo hội Chúa Kitô sẽ đánh mất
căn tính của mình khi việc cử hành Thánh Thể không còn được thực hiện theo đúng
lệnh truyền của Chúa; “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, vì chỉ có Giáo
hội là nơi “làm nên” Thánh Thể, và việc Giáo hội “làm nên” Thánh Thể hoàn toàn
bắt nguồn sự tự hiến của Đức Kitô cho Giáo hội. Điều đó nói lên rằng “Đức Kitô đã yêu chúng ta trước, không những
về mặt thời gian, nhưng cả về mặt hữu thể ! Cho đến mãi muôn đời, Người vẫn là
Đấng đã yêu thương chúng ta trước!”[42]. Chính tình yêu tự hiến này của Chúa
Kitô là nguồn sức sống của Giáo hội và là nền tảng cho sự hiện hữu của Giáo hội.
Cho nên không một ai được phép làm rạn nứt sự hiệp thông Giáo hội mà Thánh Thể
kiến tạo nên, và không một ai được phép biến việc cử hành Thánh Thể là hành vi
với những sáng kiến riêng tư hầu nhắm mục đích thoả mãn cho ý riêng của mình
hay cho ý đồ của một số người.
Để kết xin được trích dẫn lời của
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng nhân kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng:
“Chúng ta hãy trở về với nguồn tình yêu
trong sáng của Công đồng. Chúng ta hãy khám phá lại niềm đam mê của Công Đồng
và làm mới lại niềm đam mê của chính chúng ta đối với Công Đồng! […] Xin cho
lòng khao khát hiệp nhất lớn lên trong chúng ta, ước muốn dấn thân để hiệp
thông trọn vẹn giữa tất cả những ai tin vào Chúa Kitô. Chúng ta hãy bỏ qua một
bên những ‘chủ nghĩa’, vì dân của Thiên Chúa không thích sự phân cực […] Trước
hết, Giáo hội cần được nhìn từ trên cao, với đôi mắt của Thiên Chúa, đôi mắt đầy
tình yêu thương. Chúng ta hãy tự hỏi xem liệu chúng ta, trong Hội Thánh, có bắt
đầu với Thiên Chúa và ánh mắt yêu thương của Người dành cho chúng ta hay không.
Chúng ta luôn bị cám dỗ để bắt đầu từ chính chúng ta hơn là từ Thiên Chúa, đặt
các chương trình nghị sự của chúng ta trước Tin Mừng, để bản thân bị cuốn theo
những luồng gió của thế gian, chạy theo những trào lưu nhất thời hoặc quay lưng
lại với thời gian mà Chúa Quan Phòng đã ban cho chúng ta, để lần ngược trở lại
các bước chân của mình […] Lạy Chúa, Đấng mong muốn chúng con là một đàn
chiên hiệp nhất, xin hãy cứu chúng con khỏi những hình thức phân cực và “chủ
nghĩa” là công việc của ma quỷ.”[43]
WHĐ (19.10.2022)
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia
de Eucharistia, ban hành ngày 17/04/2003, tại Rôma, số 26
Nt, số 28
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại Hội Dân
Chúa 2010, ban hành ngày 1-5-2011, tại Tp hồ Chí Minh, số 12.
Đức Phanxicô, bài nói chuyện với các tín hữu tham dự
buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần ngày 11-9-2013 tại quảng trường
Thánh Phêrô. Nguồn: archiviovaticana.va
Antôn Hà Văn Minh, Giáo Hội như là Dấu chỉ Bí Tích,
NXB Tôn Giáo 2015, tr. 135.
Trích trong bài đọc II, giờ Kinh Sách lễ thánh
Ignatiô thành Antiochia mừng kính vào ngày 17-10
Bài giảng của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa cho
Giáo Triều Roma vào Mùa Chay 2022, bài thứ hai với chủ đề “Phụng vụ Thánh Thể”
vào ngày 18-3-2022. Tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-trieu-roma-tinh-tam-mua-chay-nam-2022-bai-ii-hay-cam-lay-ma-an-44712
Nt
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia
de Eucharistia, số 34
Hồng y Joseph Ratzinger, Thư Bộ Giáo lý Đức tin gởi
cho các Giám mục thuộc Giáo Hội Công giáo bàn về một số khía cạnh của Giáo Hội
được hiểu như là sự Hiệp thông , ban hành ngày 28-5-1992 tại Roma, số 76.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia
de Eucharistia, số 34
Hồng y Joseph Ratzinger, Thư Bộ Giáo lý Đức tin gởi
cho các Giám mục thuộc Giáo Hội Công giáo bàn về một số khía cạnh của Giáo Hội
được hiểu như là sự Hiệp thông , số 5
Nt, số 11.
X. Nt số 4.
X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp
Ecclesia de Eucharistia, số 35
Nt
Foundational theological document for the
International Eucharistic Congress of Quebec,The Eucharist: God’s gift for the life of the world (Văn kiện Thần
học nền tảng của đại Hội Thánh Thể lần 49 tại Québec), từ ngày 15 đến
22/6/2008. Nguồn: vatican.va/roman_curia
Thánh Augustinô, trích từ Giáo lý Hội Thánh Công
giáo, số 795
Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis,
ban hành ngày 27-02-2007, tai Rôma, số 84
Lm Antôn Hà Văn Minh, Giáo Hội như là Dấu chỉ Bí
tích, NXB Tôn Giáo 2015, tr, 135.
Joseph Ratzinger, bài diễn văn đọc tại Hội nghị Mục vụ
tại Aversa, Italia vào ngày 15-9-2001
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia
de Eucharistia, ban hành ngày 17-4-2003, tại Roma, số 22.
Thánh giáo hoàng Phaolô VI, Tông huân Evangelii
nuntiandi, ban hành ngày 8-12-1975 tại Roma, số 4.
Foundational theological document for the
International Eucharistic Congress of Quebec,The Eucharist: God’s gift for the life of the world (Văn kiện Thần
học nền tảng của đại Hội Thánh Thể lần 49 tại Québec), từ ngày 15 đến
22/6/2008. Nguồn: https://www.vatican.va/roman_curia/pont_committees/eucharist-congr/documents/rc_committ_euchar_doc_20080618_mistero-alleanza_en.html
Thánh giáo hoàng Phaolô VI, Tông huân Evangelii nuntiandi,
số 28
Nt số 41
Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số
88.
Nt
Hồng y Joseph Ratzinger, Thư Bộ Giáo lý Đức tin gởi
cho các Giám mục thuộc Giáo Hội Công giáo bàn về một số khía cạnh của Giáo Hội
được hiểu như là sự Hiệp thông, số 11.
Nt. số 8
Nt, số 7
Luke Coppen, bản tóm
lược nội dung căn bản Con đường hiệp hành tại Giáo Hội Đức, đăng trong tạp chí
The Pillar ngày 19/7/2022
Nt
Nt
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia
de Eucharistia, số 28
Thơ ngỏ của 70 Giám mục trên thế giới gởi cho các Giám
mục Đức đề ngày 11-4-2022, và được công bố trên CNA
Nt
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia
de Eucharistia
Benedict XVI – Joseph Ratzinger, Faith and future, Tiếng
Việt: “Cha Joseph Ratzinger tiên đoán về tương lai của Giáo hội”, của Vũ Văn
An, nguồn: https://vietcatholicnews.net/News/Html/269127.htm
X. Hà Văn Minh,Hãy mang nụ cười về lại cho Mẹ Giáo hội
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hay-mang-nu-cuoi-ve-lai-cho-me-giao-hoi-42117
Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis, số
14.
Đức Phanxicô, Bài giảng
nhân ngày kỷ niệm 60 năm khai mạc Công Đồng Vat.II vào ngày 12/10/2022 tại Roma, Bản
Việt ngữ của Văn Yên, SJ, nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-10/thanh-le-ky-niem-60-nam-khai-mac-cong-dong-vatican-ii.html